Góp ý của ĐBQH Lê Minh Hiền – Khánh Hòa đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 14:55 21-12-2012


Kính thưa Đoàn Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Luật đất đai năm 2003 là một trong những đạo luật quan trọng thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Tôi nhất trí với việc Quốc hội cho ý kiến đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này và thông qua tại kỳ họp thứ 5. Việc sửa đổi Luật đất đai là để đáp ứng việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai và ý nguyện của cử tri cả nước và các tổ chức sử dụng đất. Tôi xin được đóng góp đối với Luật đất đai (sửa đổi) gồm 3 vấn đề như sau.

Vấn đề thứ nhất, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại Điều 183, Điều 138 Luật đất đai đã được bỏ bởi Điều 264, Luật tố tụng hành chính và để tạo điều kiện cho người dân sử dụng đất từ góc độ thực tiễn. Tôi đề nghị cần phải có cơ chế khởi kiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai do đã được giải quyết lần 2. Tôi đồng ý với dự thảo luật bãi bỏ Điều 264 Luật tố tụng hành chính do thời gian hạn chế, nên tôi xin không nêu lại Điều 183. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét và viết lại Điều 183 dự thảo về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như sau.

Điều 183 thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau.

Một, tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2 và 5, Điều 88 của luật này về tranh chấp tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Hai, tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều 88 của luật này được giải quyết như sau.

a. Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khởi kiện ngay quyết định giải quyết tranh chấp của Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định Luật tố tụng hành chính hoặc khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong trường hợp không đồng ý với quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc hết thời hạn không được giải quyết, có quyền khởi kiện theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

b. Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khởi kiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của Luật tố tụng hành chính hoặc khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Bộ Tài nguyên và Môi trường có quyền khởi kiện theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Ba, bản án quyết định của Tòa án giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực pháp luật được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành, trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật với lý do sửa đổi và viết lại Điều 183 như sau. Các quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân các cấp đều là quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai do đó khi phát sinh khiếu kiện cũng phải giải quyết theo Luật khiếu nại và tố tụng hành chính theo đó dù người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần 2 mà đương sự không đồng ý thì họ vẫn có quyền khởi kiện ra tòa án theo Luật tố tụng hành chính.

Nếu theo Khoản 3, Điều 183 của dự thảo quy định người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại Khoản 2 điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp, quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành, trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành, điều này đã xác định các quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh theo Điểm a, Khoản 2, Điều 183 của dự thảo, quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo Điểm b, Khoản 2, Điều 183 của dự thảo là quyết định lần 2 khi có hiệu lực thi hành thì dân sự không được quyền khởi kiện là làm hạn chế quyền khiếu nại khởi kiện án hành chính mà Luật khiếu nại, Luật tố tụng hành chính đã quy định.

Vấn đề thứ hai, về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Điều 4 về giải thích từ ngữ. Tại Khoản 17, Điều 4 dự án luật về giải thích từ ngữ. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất. Vấn đề đặt ra ở đây là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phải là quyết định hành chính, là đối tượng khởi kiện án hành chính và giải quyết trong án dân sự không. Thực tiễn xét xử án dân sự hành chính liên quan đến đất đai có nhiều vụ kiện yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân có thẩm quyền cấp trái pháp luật, đã có nhiều bản án tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, việc xác định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có phải là quyết định hành chính hay chỉ là hành vi hành chính để xác định đúng đối tượng khởi kiện bởi theo quan điểm thứ nhất là quyết định hành chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai năm 2003 được hiểu là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thể hiện bằng văn bản của Ủy ban nhân dân có thẩm quyền ban hành được áp dụng cho một người hoặc nhiều đối tượng là người sử dụng đất.

Xét về hình thức cũng như nội dung, giấy này đã thỏa mãn các điều kiện là quyết định hành chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Luật Tố tụng hành chính. Do đó, khi có khiếu kiện hành chính yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì đây là vụ khiếu kiện quyết định hành chính khi giải quyết vụ án dân sự, tòa án cũng có thẩm quyền hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định hành chính khi có căn cứ rõ ràng quyết định hành chính bị khiếu kiện là trái pháp luật.

Quan điểm thứ hai là hành vi hành chính. Tuy nhiên, cũng có căn cứ cho rằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là quyết định hành chính. Theo Luật Đất đại 2003 quy định khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Ủy ban nhân dân có thẩm quyền không phải ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu xác định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất là hành vi hành chính thì khi xét xử án dân sự tòa án cũng không được áp dụng Điều 32a Khoản 1 Bộ luật Tố tụng dân sự để hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dù có căn cứ kết luận việc cấp giấy này rõ ràng trái pháp luật. Vì Điều 32a Khoản 1 Bộ luật Tố tụng dân sự chỉ áp dụng cho việc hủy quyết định hành chính rằng trái pháp luật chứ không áp dụng cho việc thực hiện chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật.

Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành nhiều nghị quyết hướng dẫn, áp dụng một số quy định của Luật Tố tụng hành chính nhưng vấn đề này vẫn chưa có hướng dẫn. Vì vậy, tôi đề nghị dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần giải thích rõ giấy chứng nhận là quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Vấn đề thứ ba, Về nguyên tắc cấp giấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Điều 86 như sau:

Theo cơ quan trình dự án luật có nêu để đảm bảo quyền bình đẳng giới trong việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất Khoản 4 Điều 86 chúng tôi đề nghị bổ sung cụm từ "trừ trường hợp có sự thỏa thuận của vợ hoặc chồng" vào điều này như sau: Quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trừ trường hợp có sự thỏa thuận của vợ hoặc chồng. Trên đây là bản góp ý của tôi đối với dự án Luật đất đai (sửa đổi), xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan