Góp ý của ĐBQH Huỳnh Thành – Gia Lai đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 14:52 21-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi cơ bản nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế Quốc hội, ở đây tôi xin góp ý một số vấn đề có liên quan đến Luật đất đai (sửa đổi) như sau.

Vấn đề thứ nhất là quy hoạch sử dụng đất, tôi thấy rằng tuy quy hoạch 4 cấp như thời gian qua gây nhiều tốn kém, lãng phí và thực sự không hiệu quả. Vì thực tế cấp xã đa số không đủ năng lực để làm quy hoạch tất cả và vì cấp xã là cấp chính quyền trực tiếp, gần dân nhất. Vì vậy, tôi thấy trong quá trình lập quy hoạch thì giao cho cấp huyện làm quy hoạch, nhưng có chi tiết đến cấp xã và chính quyền cấp xã sẽ được tham gia ngay từ đầu về việc lập quy hoạch và có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thực hiện quy hoạch trên địa bàn.

Vấn đề thứ hai đó là cơ chế về thu hồi đất, tôi thấy rằng cần nghiên cứu cân nhắc kỹ về vấn đề này. Vì vừa qua việc thu hồi đất bằng các quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước xem như là một hình thức kỷ luật đối với người sử dụng đất. Thực chất người sử dụng đất không vi phạm mà vẫn bị thu hồi, để đảm bảo quyền bình đẳng của người bị thu hồi đất và người có quyền về giao đất, tôi thấy nên áp dụng cơ chế thu hồi bằng cơ chế trưng mua và trưng dụng. Nếu làm được việc này, tôi thấy sẽ tránh được tâm lý không đồng thuận trong nhân dân. Ngoài việc trưng mua, trưng dụng quyền sử dụng đất, tôi thấy nên quy định đối với dự án về kinh tế quy mô nhỏ và vừa thì nên áp dụng cơ chế thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất, cũng như quy định các thủ tục để nhà đầu tư và người sử dụng đất thực hiện được thỏa thuận của mình kể cả việc chuyển nhượng, việc cho thuê và góp vốn toàn quyền sử dụng đất. Theo tôi nếu làm được như vậy thì giảm bớt các thủ tục hành chính và đơn giản hóa các thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng trong những trường hợp nhà đầu tư và người sử dụng đất đạt được thỏa thuận.

Về đất nông nghiệp, khi nhà nước trưng mua, trưng dụng để xây dựng các công trình công cộng thì nên bồi thường thỏa đáng tránh thiệt thòi cho người dân. Vừa qua cách làm của chúng ta chỉ biết tính về giá trị thu hồi đất và giải quyết việc làm mang tính chất hình thức, đặc biệt đối với vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi đề nghị bồi thường nên bổ sung bằng cách hoán đổi về đất sản xuất, đất ở, đất sản xuất kinh doanh phù hợp với từng địa bàn, từng địa phương hoặc có thể nên áp dụng bằng hình thức cho chuyển đổi bằng cổ phiếu ở các đơn vị dự án đầu tư để tránh hệ lụy khi người dân không còn đất sản xuất.

Trong thực tế có nhiều dự án đã phù hợp, đã được phê duyệt nhưng trong quá trình thực hiện có một số ít người dân trong phạm vi dự án cố tình cản trở gây thiệt hại cho chủ đầu tư và xã hội. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này cần phải có cơ chế phù hợp và tôi đề nghị khi chúng ta đã đạt được 80% ý kiến đồng thuận của các hộ dân có đất trong phạm vi dự án thì chủ đầu tư có quyền đề nghị cơ quan hành chính ra quyết định cưỡng chế thu hồi hoặc khởi kiện ra tòa án dân sự để tòa án ra quyết định về giao dịch đất đai bắt buộc.

Vấn đề thứ ba, về giá đất. Tôi thấy nhà nước không cần quy định khung giá đất mà nên giao việc xây dựng bảng giá đất cho chính quyền cấp tỉnh để giá đất được điều chỉnh linh hoạt phù hợp với thực tế ở địa phương. Trong thực tế quy định một số loại giá đất áp dụng với nhiều mục đích khác nhau như tính thuế đối với việc sử dụng đất và chuyển quyền sử dụng đất, tính giá trị quyền sử dụng đất để thu lệ phí trước bạ, tính tiền bồi thường khi thu hồi đất và tính tiền sử dụng đất khi giao đất, cho thuê đất gặp những vướng mắc, cụ thể như giá đất để tính trước bạ, thuế đối với việc sử dụng đất đòi hỏi phải thực hiện quy mô rộng, nhưng không đòi hỏi tính chính xác cao. Do đó có thể định giá đất theo định kỳ nhiều năm một lần, trong khi đó việc xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất khi giao đất, cho thuê đất, bồi thường khi thu hồi đất cần độ chính xác cao trong một số khu vực nhất định. Do đó cần thực hiện theo từng trường hợp cá biệt.

Mặt khác, dù áp dụng cùng một giá, nhưng người bị thu hồi đất là muốn giá đất cao, nhưng người nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì muốn giá đất thấp. Do vậy, cần có chính sách phù hợp cho sửa đổi luật này, Nhà nước cần có cơ chế xử lý chênh lệch giá đất tại các khu vực giáp ranh giữa các địa phương và giữ vai trò là người xây dựng cơ chế, chính sách, điều tiết hướng dẫn kiểm tra và Nhà nước không cần phải thực hiện thẩm định giá trên thị trường mà nên xã hội hóa để các công ty thẩm định giá độc lập thực hiện. Như vậy, sẽ phù hợp với luật lệ quốc tế và tránh việc Nhà nước vừa đá bóng, vừa thổi còi.

Vấn đề thứ tư, đó là chính sách đất đai trong vùng dân tộc thiểu số. Tôi cơ bản nhất trí với đại biểu Danh Út, nhưng riêng về việc mua, bán thì cần cân nhắc vì người sử dụng đất, nếu do đất người ta tự tạo lập lên thì không lý gì không cho người ta tự quyết định. Về vấn đề này phải xem lại, có thể chúng ta chỉ nghiêm cấm việc đầu cơ bao chiếm đất đai trong vùng dâtn tộc thiểu số và đồng thời nghiêm cấm việc mua, bán đất ở, đất sản xuất trong thời gian ít nhất 10 năm của các đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Về thời hạn giao đất và hạn điền, tôi cơ bản thống nhất như dự thảo và tôi thấy hạn điền có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước. Về vấn đề hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp gắn liền với ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, chứ không nhất thiết phải tích tụ đất đai. Nếu tích tụ đất đai mà không kiểm soát được thì dẫn đến hệ lụy không tốt về chính trị xã hội. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan