Góp ý của ĐBQH Lê Thị Công – Bà Rịa – Vũng Tàu đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 14:53 21-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Thưa Quốc hội,

Đóng góp sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 tôi xin phép được tham gia vào 4 nội dung quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, cơ chế thu hồi đất, giá đất, hạn điền và thời hạn giao đất nông nghiệp.

Thứ nhất, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giữ vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực và hiệu quả của quản lý Nhà nước về đất đai góp phần tích cực vào việc phát huy tiềm năng đất đai phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh và chuyển đổi cơ cấu lao động, thông qua chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, tạo việc làm mới tăng thu nhập cải thiện đời sống nhân dân. Qua đó việc lập quy hoạch sử dụng đất cũng tồn tại vướng mắc, bất cập. Chất lượng quy hoạch sử dụng đất chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội bền vững, đặc biệt chưa có tầm nhìn dài hạn trong dự báo, chưa cân đối nguồn lực sát với nhu cầu. Quan điểm phát triển kinh tế của một số địa phương nóng vội đã lấy quỹ đất nông nghiệp, đặc biệt đất nông nghiệp tiềm năng quy hoạch phi nông nghiệp. Nhưng chưa đánh giá toàn diện việc tác động môi trường khi quy hoạch, chưa đưa ra giải pháp hữu hiệu bảo vệ nguồn tài nguyên, đặc biệt trường hợp cần phải bảo vệ một cách nghiêm ngặt theo hiện trạng.

Việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sai mục đích, kém hiệu quả, quyết định chuyển mục đích còn tùy tiện, giao đất cho nhà đầu tư không đủ năng lực, chậm triển khai, chiếm giữ đất dẫn đến quy hoạch sử dụng đất không đảm bảo tính khả thi, hạn chế quyền của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch. Việc lãng phí và thiệt hại với cách lập quy hoạch là chưa tính hết. Do vậy, tôi đề nghị cần xem lại cách lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Trước hết cần xác định lại nội dung quy hoạch sử dụng đất, cần chuyển quy hoạch sử dụng đất theo tổng diện tích như hiện nay sang quy hoạch theo vùng sử dụng đất, theo nguyên tắc phải dựa vào lợi thế tự nhiên của từng vùng nhằm khai thác quỹ đất hiệu quả đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội. Quy hoạch sử dụng đất là cơ sở để xây dựng các quy hoạch khác như quy hoạch chung xây dựng đô thị, quy hoạch nông thôn mới để đảm bảo tính thống nhất trong quy hoạch không xảy ra chồng chéo quy hoạch như hiện nay.

Trong kỳ quy hoạch hạn chế chủ trương chuyển đổi mục đích bất thường không có trong quy hoạch đã được phê duyệt và thống nhất theo Điều 46 dự thảo luật. Để rút ngắn thời gian và giảm chi phí lập quy hoạch, tôi đề nghị nên lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ba cấp: cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện. Lồng ghép quy hoạch đất cấp xã vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện để đảm bảo sự hài hòa, thống nhất về các chỉ tiêu sử dụng đất.

Thứ hai, về cơ chế thu hồi đất, để tạo nguồn lực đất đai cho đầu tư phát triển, Luật Đất đai cần được sửa đổi theo hướng nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Các dự án phát triển kinh tế đề nghị giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện theo thủ tục đền bù và tạo quỹ đất sạch để đấu giá, đem nguồn thu cho nhà nước và hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi.

Thực tế trong thời gian qua có nhiều dự án không được triển khai hoặc triển khai rất chậm, đặc biệt các dự án kinh tế do vướng giá đền bù, giải tỏa, tái định cư. Vì người có đất không đồng thuận với giá đất tại thời điểm thu hồi, sau đó phải thuê tư vấn khảo sát độc lập, khảo sát giá đất và trong quy trình khảo sát thẩm định giá cũng phát sinh nhiều mặt trái cần phải xem xét lại. Trong trường hợp này tôi đề nghị để đảm bảo quyền lợi của người có đất bị thu hồi, hạn chế việc khiếu kiện của người dân liên quan đến việc đền bù, giải tỏa, nhà nước thực hiện thu hồi đất đã có trong quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt thống nhất một giá.

Tuy nhiên, cần xem xét việc giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện việc giải phóng mặt bằng thì phải tính đến nguồn vốn ứng trước cho công tác này. Khi thu hồi đất, thu hồi theo quy hoạch kế hoạch nhưng nhà đầu tư không muốn đầu tư trên đất vì quy hoạch bất khả thi, dự án chậm đưa vào sử dụng sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai, do vậy, phải đánh giá tính khả thi của dự án.

Thu hồi đất do vi phạm pháp luật theo Điểm h, Khoản 1, Điều 55 dự thảo luật: nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp đã được giao, cho thuê mà chậm hoặc không triển khai theo quy định của pháp luật thì bị thu hồi và người bị thu hồi đất trong các trường hợp quy định tại khoản này, không được trả lại tiền sử dụng đất đã nộp, không được thanh toán giá trị đầu tư vào đất còn lại giá trị tài sản gắn liền với đất. Việc thu hồi đất các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai đã thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, hạn chế tối đa việc hủy hoại đất, lãng phí nguồn lực đất đai nhưng đề nghị cân nhắc vì có trường hợp người sử dụng đất chậm đưa vào sử dụng là có lý do khách quan bất khả kháng.

Thứ ba là về giá đất, theo quy định của luật hiện hành khung giá đất do Chính phủ quy định làm cơ sở cho việc khảo sát, xác định giá các loại đất, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng bảng giá đất tại địa phương, ban hành và công bố vào ngày 1/1 hàng năm. Nguyên tắc xây dựng bảng giá đất hàng năm sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường sẽ không khả thi, vì giá đất phụ thuộc vào tốc độ đô thị hóa của từng địa phương, phong tục tập quán canh tác sử dụng đất ở các vùng, miền khác nhau. Giá các loại đất khác nhau ở những vị trí tương ứng là do giá sinh lợi từ loại đất và việc xác định giá đất phù hợp với giá thị trường đòi hỏi nhà nước phải tổ chức Hội đồng thẩm định giá đất khách quan. Việc khảo sát xây dựng giá đất công bố vào ngày 1/1 hàng năm gây tình trạng người dân muốn chờ đợi giá mới khi có quyết định thu hồi đất không nhận tiền đền bù kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai dự án, công tác giải ngân, không đáp ứng kịp thời cho việc đầu tư phát triển ở các lĩnh vực đã có trong kế hoạch.

Tôi đề nghị cần sửa đổi trong dự thảo luật không nên quy định việc xác định giá đất phải đảm bảo sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường mà xây dựng giá đất dựa vào giá đất phổ biến, trong thị trường giá chuyển nhượng bằng các hợp đồng của các bên liên quan và tham khảo của đơn vị tư vấn khảo sát giá độc lập. Bảng giá đất ban hành sẽ áp dụng ổn định từ 3-5 năm được công bố vào năm đầu kỳ, trong quá trình đó nếu có biến động thì Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh cho phù hợp.

Thứ tư, hạn điền giao đất và thời hạn giao đất nông nghiệp, để tạo điều kiện cho quá trình tích tụ đất đai, tập trung đất đai để hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp đề nghị tăng hạn điền giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất diêm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ mỗi loại là 5ha thay vì 3ha theo luật hiện hành. Đồng ý hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân gấp 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân theo Điều 115 dự thảo luật nhằm tạo động lực mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm được sức lao động, ứng dụng cơ giới hóa và các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp. Thời hạn giao đất nông nghiệp trồng cây hàng năm đề nghị tăng lên 50 năm bằng thời hạn giao đất trồng cây lâu năm để đảm bảo sự ổn định của pháp luật và để người nông dân gắn bó với đồng ruộng, yên tâm đầu tư.

Trên đây là một số ý kiến xin đóng góp để sửa đổi Luật đất đai, xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan