Góp ý của ĐBQH Trần Ngọc Vinh – TP Hải Phòng đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 14:47 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Tôi tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật đất đai năm 2003 để thể chế hóa đường lối của Đảng về tiếp tục đối mới chính sách đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình mới góp phần huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội. Tôi xin tham gia một số ý kiến cụ thể như sau:

Một, về cơ chế thu hồi đất tại Mục 1, Chương V, dự thảo luật sửa đổi đưa ra các trường hợp nhà nước thu hồi đất quy định tại các điều 53, 54, 55, 56, tôi đề nghị cần xem xét lại một cách kỹ lưỡng. Như chúng ta đã biết thực tế những năm vừa qua vì mục đích phát triển kinh tế chúng ta đã thu hồi quá nhiều đất để xây dựng nhà máy, khu công nghiệp, khu du lịch, sân gôn và một số các dự án khác. Xong sau đó vì nhiều lý do khác nhau  một số dự án để lại hoang hóa, lãng phí đất đai trong khi người nông dân không có đất để canh tác dẫn đến đời sống gặp khó khăn, gây bức xúc trong nhân dân là nguyên nhân của tình trạng khiếu kiện về đất đai kéo dài.

Tại Điều 23, Hiến pháp năm 1992 quy định "tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hóa trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của  cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định". Do đất đai cũng là một tài sản hàng hóa nên theo quy định của Hiến pháp không thể dùng biện pháp thu hồi mà chỉ sử dụng cơ chế trưng mua hoặc trưng dụng trong trường hợp thật cần thiết.

Để đảm bảo tính hợp hiến theo tôi Dự thảo luật sửa đổi lần này nên quy định " Nhà nước chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết vì mục đích quốc phòng an ninh và phục vụ các dự án vì lợi ích công cộng. Trường hợp sử dụng đất vào mục đích phát triển kinh tế xã hội như xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, dịch vụ, các dự án 100% vốn nước ngoài, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA thì chúng ta sử dụng cơ chế trưng mua, trưng dụng. Có như vậy mới đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân có đất".

Hai, về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại Chương VI. Theo tôi đây là điểm mấu chốt dẫn đến tình trạng khiếu kiện đất đai diễn ra ngày một gia tăng. Vì vậy, sửa đổi luật lần này cần phải sửa đổi các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Xong, khi nghiên cứu các quy định của chương này tôi thấy có bước đột phát về nội dung vẫn chỉ là những quy định chung không xác thực. Một điều quan trọng mà người có đất bị thu hồi quan tâm nhất là cuộc sống của họ ra sao khi đất, nhà bị thu hồi thì dự thảo luật lại chưa tính đến và chỉ quy định như: trường hợp bố trí vào khu tái định cư thì khu tái định cư phải bảo đảm có điều kiện kỹ thuật, hạ tầng xã hội bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Tôi cho rằng khi tính toán bồi thường tái định cư chúng ta phải tính toán đến điều đó, đừng biến người nông dân thành bần cùng hóa, đang có nhà thành không có nhà sau khi bị thu hồi đất.

Tôi xin đưa ra một ví dụ như sau, một gia đình có 4 nhân khẩu chung sống trong một căn hộ gắn liền với mảnh đất có diện tích khoảng 50m2, khi nhà nước thu hồi đất họ được bồi thường khoảng 400 triệu và được cấp một mảnh đất định cư gần 100m2 với hạ tầng kỹ thuật tốt nhưng phải nộp thêm 300 triệu đồng, vậy họ sẽ lấy đâu tiền để xây nhà. Lúc này phương án họ phải lựa chọn hoặc là phải vay tiền để xây nhà hoặc là phải bán lúa non để mua một mảnh đất khác phù hợp với túi tiền và thu nhập của họ, vô hình chung lại đẩy họ vào tình trạng bần cùng hóa cuộc sống khó khăn hơn trước gấp nhiều lần.

Kính thưa Quốc hội, tại Điều 2 Hiến pháp 1992 khẳng định: nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đó là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta xây dựng các chế độ chính sách pháp luật đều phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Từ những phân tích và ví dụ nêu trên tôi đề nghị Ban soạn thảo một số vấn đề như sau.

Thứ nhất, Ban soạn thảo nghiên cứu áp dụng cơ chế giá công bằng đất đổi đất, nhà đổi nhà, tức là giá hoặc đất tái định cư có thể được tạo tài sản tương đương, tài sản bị thu hồi tại địa điểm khác tương tự, không phải bỏ thêm tiền, đồng thời nhà nước hỗ trợ thêm kinh phí để người bị thu hồi đất sớm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.

Thứ hai, nâng mức bồi thường cho người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp, đồng thời nhà nước bắt buộc phải đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người nông dân sau khi bị thu hồi đất.

Thứ ba, nghiên cứu lập quỹ giải quyết việc làm cho người nông dân bị thu hồi đất giống như chúng ta quy định lập quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Thứ tư, hạn chế tới mức tối đa cơ chế thu hồi đất, tăng cường mở rộng cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất. Vì giá đất khi trưng mua quyền sử dụng đất cũng khác với giá bồi thường khi nhà nước thu hồi.

Thứ năm, việc xác định giá bồi thường là thời điểm có quyết định thu hồi đất theo Khoản 1, Điều 71 dự thảo luật là chưa hợp lý và không phù hợp với thực tế. Vì thời điểm có quyết định thu hồi đất đến khi người dân được nhận tiền bồi thường là cả một thời gian dài, có khi kéo dài đến 2 - 3 năm. Do đó giá đất đã có sự thay đổi lớn so với giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi và như vậy người nông dân bị thu hồi đất lại là người phải chịu thiệt thòi lớn, dễ gây ra tình trạng khiếu kiện. Đề nghị nghiên cứu lại nhằm chia sẻ lợi ích giữa nhà nước, người có đất bị thu hồi và doanh nghiệp.

Tóm lại, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi luật lần này phải tạo được những bước đột phá quan trọng nhằm giải quyết được những bức xúc hiện nay về đất đai trên cơ sở tiếp thu các bài học kinh nghiệm của thực tế, tăng cường quyền lực của nhà nước nhưng cũng đồng thời cũng phải tăng thêm quyền, lợi ích hợp lý của người sử dụng đất và thể hiện rõ, toàn diện về chế độ sở hữu của toàn dân đối với đất đai. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hôi.

Các văn bản liên quan