Góp ý của ĐBQH Danh Út – Kiên Giang đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 14:43 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội.

Cơ bản tôi tán thành với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), sau đây tôi xin tham gia phát biểu một số vấn đề như sau.

Một, về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dự thảo luật quy định lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm ba cấp: cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện. Tại sao chỉ có ba cấp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không có quy hoạch cấp xã, trong khi đó là cấp cơ sở  để quy hoạch, kế hoạch chi tiết là cấp quản lý trực tiếp đất đai. Do đó, tôi đề nghị giữ quy hoạch cấp xã như Luật Đất đai hiện hành. Nếu chỉ có quy hoạch cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện là những tầm quy hoạch rất rộng sẽ có nhiều quy hoạch treo sẽ cản trở sự phát triển gây ra sử dụng đất đai không hợp lý.

Vấn đề thứ hai, về thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng ở nước ngoài, dự thảo luật quy định cho phép tổ chức sử dụng đất để thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại ngân hàng ở nước ngoài. Tôi đề nghị, cần xem xét lại vì đây là vấn đề mới chưa có thực tế để tổng kết rút kinh nghiệm nên việc quy định cần cân nhắc, nhất là hậu quả pháp lý của quan hệ này, nhất là trường hợp tổ chức vay không trả được nợ ở ngân  hàng nước ngoài thì xử lý tài sản như thế nào? trong khi đó đất đai thuộc sở hữu của toàn dân. Do đó, tôi đề nghị chưa nên quy định vấn đề này trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Vấn đề thứ ba, về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Thưa Quốc hội, Việt Nam là một quốc gia thống nhất, đa dân tộc, gồm 54 dân tộc cùng chung sống, các chính sách phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc thiểu số. Chính sách đất đai đóng vai trò quan trọng trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi vì đồng bào dân tộc thiểu số đều sinh sống bằng nghề nông, tư liệu sản xuất chính là đất đai. Luật Đất đai năm 2003 là bước tiến hết sức quan trọng nhưng ít đề cập đến tính đặc thù các dân tộc thiểu số vùng, miền. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã đề cập đến tính đặc thù trong dân tộc thiểu số. Có một số khoản, điều mới về dân tộc thiểu số như Điều 28, Điều 96 cơ bản tôi đồng tình. Nhưng tôi thấy vẫn còn một số đặc thù chưa được đề cập cụ thể như vấn đề điều kiện mua bán đất đai trong đồng bào dân tộc thiểu số, về nhiệm vụ, quyền hạn đối với đất cộng đồng. Sau đây, tôi xin tham gia cụ thể như sau:

Về trách nhiệm của nhà nước đối với người sở hữu đất Điều 28, Khoản c dự thảo quy định nhà nước có chính sách tạo điều kiện về đất sản xuất doanh nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số, trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn mà không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, tôi đồng tình vì đây là quy định có tính nguyên tắc về bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số trên lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên quy định trên chưa đầy đủ, còn thiếu đất ở, do đó tôi đề nghị bổ sung "đất ở" vào trước cụm từ "đất sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số" tại Khoản c, Điều 28.

Về những hành vi bị nghiêm cấm Điều 11, nhằm khắc phục tình trạng mua bán trái pháp luật về đất ở, đất nông nghiệp và lợi dụng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, luật nên có một số quy định nhằm tránh việc người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số đã được giao đất sản xuất sau đó lại chuyển nhượng dẫn đến tình trạng mất đất sản xuất. Do đó, tôi đề nghị bổ sung một khoản tại Điều 11 như sau: Nghiêm cấm việc đầu cơ, mua bán bao chiếm đất đai trong vùng dân tộc thiểu số đối với những loại đất thuộc diện thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước như giao đất không thu tiền chỉ được mua bán, chuyển đổi, tặng, cho khi được chính quyền có thẩm quyền cho phép và xin đề nghị giao cho Chính phủ quy định cụ thể để tránh tùy tiện trong quá trình tổ chức thực hiện. Về chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất Điều 96. Tại Khoản d, Điều 96 dự thảo quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với người có công, hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Quy định trên chưa đầy đủ, thiếu đối tượng và vùng khó khăn. Do vậy, tôi đề nghị bổ sung đối tượng hộ cận nghèo và vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn là đối tượng được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại Khoản d, Điều 96.

Về các quyền sử dụng đất của cộng đồng. Tài nguyên đất và rừng đóng vai trò quan trọng trong sinh kế của nhiều dân tộc thiểu số, quan điểm sử dụng đất cộng đồng được đề cập trong Luật đất đai năm 2003. Tuy nhiên, việc áp dụng thực hiện còn nhiều hạn chế, do đó Luật đất đai mới nên tạo khung pháp lý rõ ràng bằng quy định công nhận quyền sử dụng đất của cộng đồng theo tập tục đối với đất ở, đất rừng, đất chưa sử dụng, nhất là các tiêu chí. Tăng cường hơn nữa việc giao đất cho cộng đồng quản lý, có như vậy mới hạn chế việc mua bán đất trong đồng bào dân tộc thiểu số được quy định tại Điều 164 Luật đất đai (sửa đổi) lần này.

Bốn, về cơ quan nhà nước thực hiện đại diện chủ sở hữu về đất đai tại Điều 23, dự thảo luật quy định tại Khoản 3, Điều 23 Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu và giám sát thi hành đất đại tại địa phương, nhưng hiện nay car nước có 10 tỉnh, 101 huyện, quận và 483 phường đang thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân thì ai? Tổ chức nào? Đại diện chủ sở hữu về đất đai và giám sát thi hành Luật Đất đai tại địa phương như dự thảo Luật đất đai đã đề ra tại Điều 23, Điều 51 và một số điều khác.

Vấn đề thứ năm, về tính cụ thể của Luật Đất đai. Có thể nói Luật Đất đai năm 2003 là luật đạt kỷ lục về các văn bản hướng dẫn, hiện nay có khoảng 600 văn bản hướng dẫn vừa thừa, vừa thiếu, vừa chắp vá gây khó khăn lớn cho cán bộ công chức thi hành công vụ và việc chấp hành pháp luật của người dân. Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó là có quá nhiều vấn đề được luật chuyển cho các văn bản dưới luật quy định. Vì vậy, đề nghị Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần khắc phục tình trạng trên, theo dự thảo hiện tại có 71/169 điều, khoản chuyển giao cho văn bản dưới luật hướng dẫn với các cụm từ "theo quy định của Chính phủ" "Chính phủ quy định chi tiết" "Bộ Tài nguyên và môi trường hướng dẫn" như vậy là chưa khắc phục luật khung, luật ống. Tôi xin hết ý kiến. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan