Chỉnh sửa Luật Đất đai năm 2003: Sẽ làm rõ thời hạn sử dụng đất nông nghiệp sau khi chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế

Thứ Tư 23:20 07-05-2008

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đang lấy ý kiến chuẩn bị cho việc chỉnh sửa Luật Đất đai năm 2003. Những nội dung quan trọng nào được đề nghị sửa đổi, bổ sung liên quan đến đời sống kinh tế-xã hội? Ông Bùi Ngọc Tuân, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ TN&MTcho biết:

Hiện nay, quy hoạch ruộng đất và quy hoạch đô thị ở một số địa phương chồng chéo nhau, gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Việc giao đất phục vụ các công trình công cộng cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Theo quy định, công trình công cộng không sử dụng vào mục đích kinh doanh thì Nhà nước không thu tiền. Nhưng có nơi, vẫn sử dụng cho mục đích kinh doanh. Ví dụ ở các ga hàng không đều bố trí hệ thống siêu thị, nhà hàng, lợi nhuận hơn ở siêu thị tại khu vực giao đất có thu tiền. Nhưng ở cấp quản lý phải tách ra chỗ nào không kinh doanh và chỗ nào có kinh doanh để thu tiền. Có như vậy mới bảo đảm tính bình đẳng giữa các doanh nghiệp và các nhà đầu tư .


Một vấn đề gây bức xúc nữa là ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt đối với hộ nông dân đồng bằng sông Cửu Long, khi chuyển một phần diện tích đất nông nghiệp, phù hợp với quy hoạch phát triển khu dân cư, sang đất ở phải nộp một khoản tiền rất lớn nằm ngoài khả năng của họ. Vì vậy, nhiều hộ  chuyển đổi không khai báo. Các ý kiến cho rằng nên chăng các trường hợp này giảm tiền chuyển mục đích sử dụng đất mới khả thi.


 + Việc sửa đổi bổ sung Luật Đất đai năm 2003 có nội dung nào liên quan đến thời hạn sử dụng đất, đặc biệt là đất nông nghiệp?


 - Theo quy định, đất nông nghiệp trồng cây hàng năm được giao đất 20 năm, đất trồng cây lâu năm là 50 năm. Nhưng vừa rồi ở một số địa phương, nhất là người dân ở nông thôn cho rằng đến năm 2013 Nhà nước sẽ điều chỉnh lại. Bộ TN&MT nhiều lần giải thích là không có chuyện đó nhưng người ta vẫn nghi ngờ. Vì vậy, phải làm rõ thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, đặc biệt là trong trường hợp nhận chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế thì những người này có được tiếp tục sử dụng như những người trực tiếp sử dụng đất hay không? Đấy là vấn đề cần nghiên cứu, chỉnh sửa bổ sung.


+ Về bồi thường tái định cư và định giá đất, các nội dung này được bàn luận đến như thế nào, thưa ông?


- Về giá đất, nhiều ý kiến cho rằng độ  giãn nở của khung giá đất hiện nay rất lớn làm cho quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, giá đất từng thửa do người định giá xác định, như thế dễ phụ thuộc vào cảm tình của từng người. Có thửa đất vị trí tốt hơn, có những yếu tố tốt hơn nhưng giá đất lại không bằng chỗ khác nên gây thắc mắc trong nhân dân. Vì thế, phải thay đổi cơ chế này bằng cách định giá cho từng thửa đất. Nếu làm được điều này sẽ khắc phục được nhiều bất cập, nhất là sự nhũng nhiễu trong quá trình xác định giá đất. Những quy định giá đất cho từng thửa đất trong điều kiện hiện nay mất rất nhiều thời gian. Vì thế, nhiều người cho rằng cần có lộ trình, nếu không sẽ tạo sức ép với cơ quan định  giá đất.


Bồi thường tái định cư đúng là một vấn đề gây ra nhiều bức xúc của toàn xã hội. Tuy nhiên, có nhiều nơi không tuân thủ các quy định. Trong quá trình thu hồi đất, có địa phương bỏ qua việc ra quyết định thu hồi, nơi thì bỏ qua thời hạn, ra quyết định cái là thu luôn đất của dân. Có lẽ chỉ cần luật hóa các quy định vào Luật Đất đai để bảo đảm tính nhất quán trong quá trình thực hiện.


+ Về nguyên tắc đối với các yếu tố nước ngoài không được nhận quyền chuyển nhượng QSDĐ. Nhưng các doanh nhiệp sau khi cổ phần hóa, cổ phiếu được đưa lên sàn chứng khoán, khi đó giá trị QSDĐ được thể hiện bằng cổ phiếu và chỗ này lại không phân biệt được đối tượng nào được mua và không được mua.


- Trong trường hợp này, vấn đề đặt ra là QSDĐ như thế nào đối với người mua cổ phiếu có yếu tố nước ngoài. Sửa đổi tới đây sẽ đề cập đến. Thường phía Việt Nam khi tham gia liên doanh góp vốn bằng QSDĐ. Nếu chỉ thuần túy như vậy thì không có sự thay đổi về QSDĐ vì  giấy chứng nhận vẫn mang tên doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng nếu sau khi góp vốn, liên doanh này cùng nhau thành lập pháp nhân mới thì pháp nhân mới có QSDĐ hay không? Tới đây cũng phải tháo gỡ vấn đề này.


+ Xin cám ơn ông!

Các văn bản liên quan