Góp ý 7 nội dung cần trao đổi – Luật gia Vũ Xuân Tiền

Thứ Hai 18:18 24-03-2008

Sau khi nghiên cứu Dự thảo 3 của Luật đăng ký giao dịch bảo đảm, tôi hoàn toàn nhất trí với việc nâng cấp văn bản pháp quy về đăng ký giao dịch bảo đảm từ Nghị định của Chính phủ lên thành Luật đăng ký giao dịch bảo đảm bởi lẽ, việc đăng ký giao dịch bảo đảm đã, đang và sẽ ngày càng nhiều; hiện tại khung pháp lý cho hoạt động này chưa đủ mạnh; còn phân tán dễ dẫn đến những hành vi tiêu cực làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung và các hoạt động tín dung nói riêng.

Về nội dung cụ thể của dự thảo luật, xin được nêu những ý kiến sau:

1. Về đối tượng đăng ký:

Nhất trí với nội dung của Điều 1 theo dự thảo. Song, có những vấn đề đã xuất hiện trong thực tế nhưng chưa đưa vào đối tượng đăng ký, xin đề nghị nghiên cứu thêm, cụ thể là:
a)     Trường hợp thế chấp bằng TSCĐ vô hình thì việc đăng ký giao dịch bảo đảm như thế nào?
b)     Trường hợp các Ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay trên cơ sở tín chấp. Cho vay tín chấp không phải là không có tài sản bảo đảm mà tài sản bảo đảm đó là lòng tin, sự tín nhiệm giữa người cho vay và người vay. Đó là tài sản bản đảm vô giá. Trường hợp này có phải đăng ký giao dịch bảo đảm không? Nếu phải đăng ký thì đăng ký như thế nào?
c)      Phạm vi điều chỉnh về mặt pháp lý của đăng ký giao dịch bảo đảm như thế nào? Có 2 quan điểm được đặt ra về vấn đề này:
-        Việc đăng ký giao dịch bảo đảm chỉ nhằm xác nhận giao dịch đó là có thật và đúng luật còn nội dung của những giao dịch đó như: giá trị tài sản thế chấp; phạm vi thế chấp; thời hạn thế chấp...không thuộc phạm vi xác nhận của đăng ký giao dịch bảo đảm. Với quan điểm này, những nội dung cụ thể của giao dịch do các bên giao dịch quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
-        Việc đăng ký giao dịch bảo đảm là xác nhận tính hợp pháp của hành vi giao dịch và tất cả những nội dung liên quan đến giao dịch. Theo quan điểm này, việc đăng ký giao dịch bảo đảm phải xác nhận về sự hợp pháp, hợp lý của tất cả các nội dung của giao dịch được đăng ký, trong đó có cả giá trị tài sản thế chấp.
Đề nghị làm rõ: Luật đăng ký giao dịch bảo đảm được thiết kế theo quan điểm nào?

2. Về phạm vi điều chỉnh của Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm:

Chúng tôi tán thành loạiý kiến th nhất: Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm điều chỉnh việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tất cả các loại tài sản, bao gồm đăng ký giao dịch bảo đảm nói chung và đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản, tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, nhằm thống nhất pháp luật trong lĩnh vực này.

3. Cơ cấu của dự thảo: Tán thành với cơ cấu của dự thảo Luật.

4. Vấn đề tổ chức các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm

Chúng tôi tán thành ý kiến thứ nhất: Giữ nguyên hiện trạng hệ thống cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm như hiện nay.  Tuy nhiên, cần đánh giá lại năng lực của hệ thống và có biện pháp nâng cao năng lực cho hệ thống cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm. 5. Thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm bắt đầu có hiệu lực 
Chúng tôi tán thành việc đăng ký giao dịch bảo đảm bắt đầu có hiệu lực kể từ thời điểm cơ quan đăng ký nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ. Kể từ thời điểm này, giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ ba. Quy định này bảo đảm quyền lợi cao nhất cho những người tham gia giao dịch. Việc nhập vào cơ sở Hệ thống dữ liệu quốc gia các giao dịch bảo đảm hoặc đã được ghi nhận vào Sổ đăng ký là công việc của cơ quan quản lý Nhà nước.

6. Vai trò của công chứng viên trong việc yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm
Chúng tôi tán thành loại ý kiến thứ hai: quy định Công chứng viên có trách nhiệm yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm đối với những hợp đồng mà mình đã công chứng. Bởi lẽ, quy định như vậy sẽ nâng cao trách nhiệm của Công chứng viên với những hợp đồng mà minh đã công chứng.

7. Thời hạn có hiệu lực của việc đăng ký giao dịch bảo đảm
Chúng tôi cho rằng, Luật cần quy định thời hạn có hiệu lực của việc đăng ký giao dịch bảo đảm đối với các loại tài sản đều được xác định theo nội dung kê khai của người yêu cầu đăng ký, nhằm tạo ra sự thống nhất và phù hợp hơn với thực tiễn thỏa thuận của các bên khi giao kết giao dịch bảo đảm.

Luật gia Vũ Xuân Tiền
Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH tư vấn VFAM Việt Nam

Các văn bản liên quan