Bản tổng hợp ý kiến góp ý của VCCI về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi

Thứ Hai 15:05 06-06-2011

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

-----------------------------

Số:  1236  /PTM-PC

V/v: góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của

Luật Kinh doanh bảo hiểm

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

-----------------------------------

Hà Nội, ngày 06  tháng 06 năm 2011

 

Kính gửi: BỘ TÀI CHÍNH

 

Phúc đáp Công văn số 6134/BTC-QLBH của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của chuyên gia, có một số ý kiến như sau:

  1. Vê việc ban hành một Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung

Theo nội dung của Tờ trình về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sau đây gọi tắt là Tờ trình) thì “Để giảm thiểu tối đa số lượng văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính đã dự thảo 01 Nghị định, trong đó đồng thời quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 45/2007/NĐ-CP”. Việc xây dựng 01 Nghị định trong đó đồng thời quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sau đây gọi tắt là Luật sửa đổi năm 2010) và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 45/2007/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 45) liệu có hợp lý không khi:

-       Về bản chất, Luật sửa đổi năm 2010 không thể là một văn bản có hiệu lực điều chỉnh độc lập các quan hệ xã hội trong lĩnh vực bảo hiểm, mà nó phải gắn liền với Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sau đây gọi tắt là Luật 2000), mặc dù Luật sửa đổi năm 2010 có nhiều quy định là mới (bổ sung), nhưng không thể tách nó ra khỏi Luật 2000 được. Do đó, nếu là Nghị định quy định chi tiết thi hành thì phải là Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2010) chứ không thể riêng rẽ chỉ quy định chi tiết đối với Luật sửa đổi năm 2010. Hơn nữa, về thực tiễn, các Nghị định quy định chi tiết thi hành đều theo hướng ban hành một Nghị định mới thay thế sau khi văn bản Luật có sửa đổi, bổ sung, chứ không ban hành một Nghị định riêng điều chỉnh đồng thời;

-       Nếu ban hành một Nghị định mới thay thế Nghị định 45 gồm các quy định mới như trong Dự thảo Nghị định cùng với các quy định được giữ lại ở Nghị định 45 thì sẽ chỉ có 01 văn bản, còn nếu theo hướng như hiện nay lại có 02 văn bản cùng có hiệu lực (gồm Nghị định 45 và Nghị định đang được soạn thảo). Điều này sẽ gây khó khăn cho việc tìm hiểu, vận dụng trên thực tế. Bên cạnh đó, giữa hai văn bản là Dự thảo Nghị định và Nghị định 45 có một số nội dung điều chỉnh không tách bạch nhau. Ví dụ: Trong Nghị định 45 cũng quy định một số nội dung về doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đầu tư vào Việt Nam (nhưng không quy định về chi nhánh) nên nếu muốn tìm hiểu về hiện diện thương mại của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tất yếu phải đọc cả hai văn bản; Nghị định 45 cũng quy định về đấu thầu, nhưng không chi tiết (Điều 17), nhưng lại được quy định chi tiết tại một văn bản pháp lý hiệu lực tương đương; Dự thảo Nghị định có quy định về sửa đổi, bổ sung Nghị định 45 ...

Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 45, trong đó giữ lại những quy định hiện hành, sửa đổi những quy định cần sửa đã có trong Dự thảo Nghị định, bổ sung các quy định mới như tinh thần của Dự thảo Nghị định hiện nay.

  1. Về các điều kiện cung cấp dịch vụ qua biên giới (Điều 3 Dự thảo Nghị định)

-       Điều kiện chung đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài cung cấp dịch vụ qua biên giới tại Việt Nam là “Có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nước ngoài nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính cho phép thực hiện các nghiệp vụ bảo hiểm dự kiến cung cấp qua biên giới tại Việt Nam” (điểm a khoản 1 Điều 3 Dự thảo Nghị định). Quy định này là chưa phù hợp, bởi không thể khẳng định cơ quan quản lý nước ngoài đã cấp giấy phép cụ thể cho việc cung cấp dịch vụ tại Việt Nam hoặc một nước nào khác. Do vậy, đề nghị Dự thảo Nghị định cân nhắc quy định theo hướng yêu cầu có giấy phép cung cấp dịch vụ bảo hiểm ra nước ngoài, trong đó không hạn chế cung cấp tại Việt Nam;

-       Điểm b khoản 2 Điều 3 Dự thảo Nghị định quy định, một trong các điều kiện về năng lực tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài cung cấp dịch vụ qua biên giới tại Việt Nam là “b) Được xếp hạng tối thiểu “BBB” theo Standard & Poor’s, “B++” theo A.M.Best, “Baa” theo Moody’s hoặc các kết quả xếp hạng tương đương của các tổ chức có chức năng, kinh nghiệm xếp hạng khác tại năm tài chính trước năm cung cấp dịch vụ qua biên giới tại Việt Nam”. Thực tế, kết quả xếp hạng doanh nghiệp bảo hiểm hàng năm không thể có ngay sau khi năm tài chính kết thúc, vì vậy doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài muốn cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới vào đầu mỗi năm khó có thể cung cấp kết quả xếp hạng của năm tài chính trước liền kề. Do vậy, quy định này của Dự thảo Nghị định là khó áp dụng trên thực tế.

  1. Về trách nhiệm của đối tượng cung cấp dịch vụ qua biên giới (Điều 5 Dự thảo Nghị định)

Khoản 2 Điều 5 Dự thảo Nghị định quy định, đối tượng cung cấp dịch vụ qua biên giới có trách nhiệm “nộp Bộ Tài chính báo cáo tài chính của năm trước liền kề có xác nhận của tổ chức kiểm toán độc lập và văn bản nhận xét của cơ quan quản lý bảo hiểm của nước ngoài nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính về tình hình thực hiện các quy định pháp luật của doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính”. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp dịch vụ qua biên giới khó có thể có được ngay sau khi năm tài chính kết thúc. Nên đề nghị Dự thảo Nghị định xem xét lại khoảng thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam phải nộp báo cáo tài chính của năm trước liền kề để đảm bảo tính khả thi trong việc triển khai trên thực tế.

  1. Về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm (Mục IV Dự thảo Nghị định)

Quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm là một quy định mới, rất có ý nghĩa trong việc xây dựng một thị trường bảo hiểm phát triển bền vững và an toàn. Tờ trình đưa ra 02 phương thức quản lý Quỹ và đề xuất theo phương án có một Ban Điều hành quỹ chung, còn nguồn quỹ sẽ do doanh nghiệp bảo hiểm tự quản lý và phải hạch toán riêng. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét một số vấn đề sau đối với phương án này trong Dự thảo Nghị định:

-       Chưa rõ địa vị pháp lý của Ban Điều hành Quỹ. Ban Điều hành Quỹ được Bộ trưởng Bộ Tài chính thành lập nhưng lại sử dụng con dấu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam. Vậy Ban Quản lý Quỹ là cơ quan quản lý?;

-       Do tiền Quỹ thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp bảo hiểm nên có sự chồng lấn trong khâu quản lý. Cần thiết phải làm rõ mối quan hệ giữa Ban Điều hành Quỹ với doanh nghiệp bảo hiểm. Những thỏa thuận này thuộc về quan hệ hành chính hay dân sự? Nếu xảy ra tranh chấp thì việc giải quyết sẽ theo nguyên tắc tố tụng nào?;

-       Khoản 1 Điều 27 Dự thảo Nghị định “Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được hình thành từ: 1. Trích lập theo tỷ lệ phần trăm trên phí bảo hiểm áp dụng đối với tất cả các hợp đồng bảo hiểm. Khoản trích này được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; 2. ...; 3. ...”. Quy định này khá chung chung. Dự thảo Nghị định cần quy định thêm tỷ lệ đóng góp vào Quỹ là một khoản mục trong chi phí thiết lập hợp đồng bảo hiểm để ràng buộc nghĩa vụ đối với các nhà nhận tái bảo hiểm (đặc biệt là các nhà nhận tái bảo hiểm nước ngoài) và thuận lợi cho việc thanh toán phí giữa người nhượng và người nhận tái bảo hiểm. Ngoài ra, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp không có thuật ngữ “hợp lệ”.

Việc không thành lập một Quỹ tập trung có những ưu điểm nhất định theo như ý kiến của Ban soạn thảo thể hiện trong Tờ trình. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cân nhắc đến phương án này bởi những nhược điểm của phương án lập Quỹ do doanh nghiệp tự quản lý, theo dõi và hạch toán riêng như sau:

-       Việc điều động nguồn Quỹ sẽ gặp khó khăn, nhất là khi Dự thảo Nghị định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được sử dụng nguồn Quỹ này để đầu tư, mặc dù là đầu tư an toàn nhưng rõ ràng không phải ngay lập tức có thể thanh khoản thành tiền mặt được;

-       Rất dễ xuất hiện sự “so bì” hoặc “gian lận”, “trì hoãn” trong việc ứng cứu của các doanh nghiệp bảo hiểm trong trường hợp cần sử dụng đến Quỹ;

-       Rất khó kiểm soát được thực tế việc quản lý Quỹ tại doanh nghiệp bảo hiểm vì Ban Quản lý Quỹ không gồm các thành viên chuyên trách, thêm nữa lại có sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm nên rất dễ dẫn đến “cảm giác” không khách quan.

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đến phương án thành lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm độc lập với doanh nghiệp bảo hiểm.

  1. Một số góp ý khác

-       Điểm e khoản 1 Điều 16 Dự thảo Nghị định quy định, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài khi “Đầu tư ra nước ngoài” phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản. Đề nghị Dự thảo Nghị định quy định bổ sung trường hợp “chuyển vốn ra nước ngoài” vì rất khó phân biệt giữa chuyển vốn và đầu tư;

-       Điều 23 Dự thảo Nghị định về đối tượng đấu thầu quy định: “Các dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản thuộc sở hữu nhà nước hoặc của doanh nghiệp nhà nước khi tham gia bảo hiểm đối với hoạt động, tài sản của mình phải thực hiện đấu thầu”. Dự thảo Nghị định cân nhắc quy định theo hướng định lượng về loại tài sản, số vốn đầu tư của dự án, tránh tình trạng những dự án nhỏ, mua sắm nhỏ có tổng số phí bảo hiểm nhỏ cũng phải đấu thầu. Đề nghị tham khảo Luật Đấu thầu để đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật có liên quan khi điều chỉnh về cùng vấn đề;

-       Về điều kiện đấu thầu: Điều 25 Dự thảo Nghị định quy định:

1. Doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ bảo hiểm khi đáp ứng các điều kiện sau:

a) Là doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập và hoạt động theo Luật kinh doanh bảo hiểm;

b) Đảm bảo khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật;

c) Có nguồn vốn chủ sở hữu đáp ứng các quy định của pháp luật;

d) Trong trường hợp có tái bảo hiểm, cần có xác nhận của nhà tái bảo hiểm đối với phần vượt quá mức trách nhiệm giữ lại của doanh nghiệp bảo hiểm đối với mỗi đơn vị rủi ro. Xác nhận phải thể hiện việc nhà tái bảo hiểm chấp thuận nhận tái bảo hiểm theo quy tắc, điều khoản, biểu phí mà doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đấu thầu dự kiến cung cấp cho khách hàng;

đ) Không vi phạm các quy định khác về đấu thầu.

2. Các doanh nghiệp bảo hiểm đáp ứng điều kiện nêu tại khoản 1 Điều này không phải thực hiện bảo lãnh hoặc đặt cọc khi tham gia đấu thầu dịch vụ bảo hiểm ”.

Những điều kiện quy định tại điểm a, b, c khoản 1 là những điều kiện đương nhiên doanh nghiệp bảo hiểm phải đáp ứng, nếu không sẽ bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định tại Điều 68 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000. Do vậy, việc đưa ra những điều kiện này cho những doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đấu thầu là không cần thiết.

Quy định tại khoản 2 Điều này có thể đưa đến cách hiểu: nếu doanh nghiệp bảo hiểm không đáp ứng được yêu cầu tại khoản 1 thì vẫn có thể được đấu thầu, nếu được bảo lãnh hoặc thực hiện đặt cọc. Như vậy, việc quy định các điều kiện cho các doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu ở khoản 1 sẽ là không cần thiết. Đề nghị Dự thảo Nghị định xem xét quy định này để đảm bảo tính minh bạch, cách hiểu thống nhất khi triển khai thực hiện.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Rất mong cơ quan soạn thảo lưu ý xem xét, cân nhắc để hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 

 

Nơi nhận:

-         Như trên

-         Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp;

-         Lưu VT , PC

 

T/L. CHỦ TỊCH

TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ

 

 

 

 

TRẦN HỮU HUỲNH

 

 

Các văn bản liên quan