Ý kiến của Ông Phí Đăng Minh – Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Thứ Hai 08:38 09-05-2011

Cảm ơn các quý vị đã cho tôi được nghe các ý kiến trước khi phát biểu. Văn bản này có động đến vấn đề rất nhạy cảm của chúng tôi đó là dịch vụ. Lĩnh vực ngân hàng liên quan đến Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng, Pháp lệnh ngoại hối và một loạt các văn bản khác. Tôi thấy các anh đã rất thông minh khi dẫn chiếu đến trong Nghị định. Nếu đưa vào thì chắc chắn sẽ trùng lặp, có khi là mâu thuẫn.
Sau khi đã gạt bỏ được băn khoăn đó thì tôi có xem lại nội dung, tôi xin phép đưa ra một vài ý kiến. Có thể là chưa hoàn toàn chính xác lắm:

Thứ nhất, trong Điều 4, về trách nhiệm của cá nhân hoạt động thương mại thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh. Ở đây tôi có băn khoăn nhỏ:
- Khoản 1, khoản 2 ghi nội dung không được rõ ràng lắm. Chẳng hạn câu cung cấp cho người tiêu dùng các loại hàng hóa dịch vụ quy định tại Điều 5 Nghị định của Chính phủ số 39/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007. Chúng tôi hiểu khi nói đến người tiêu dùng là nói đến những người dân bình thường. Như tôi và các anh chị có thể mở Internet lên và xem văn bản rất dễ nhưng bà con mình bảo là căn cứ theo Nghị định số 39 nêu trên thì đánh đố mất rồi. Tôi mong muốn là trong nội dung này chúng ta phải nói rõ dịch vụ quy định tại Điều 5 là cái gì.
- Tại điểm 6 có liên quan đến câu: "Các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 điều này, cá nhân hoạt động thương mại độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh hoạt động trong phạm vi chợ, trung tâm thương mại. Tôi rất băn khoăn ở chỗ "chợ". Không biết hiểu là chợ gì đây? Thế nào là chợ? Chợ cóc có phải là chợ hay không? Mà chợ cóc thì chẳng có nội quy gì cả. Sớm họp một lúc, khi đội quản lý thị trường đến thì chạy ào ào. Thế nên tôi rất lo và nghĩ có khi cũng không làm được ở chợ. Có thể họ tập trung trong thời gian ngắn sau đó thì không tập trung nữa. Đấy là nội dung liên quan đến Điều 4.

Thứ hai, tại Điều 7: có lẽ yêu cầu chung với hợp đồng mẫu và điều kiện giao dịch chung tại điểm 2, 3 hơi bị gượng ép. Chẳng hạn như nêu ra phông chữ tiếng Việt như thế nào, sử dụng ra làm sao, cỡ chữ...Tôi thấy rằng chúng ta phải thay bằng nội dung khác, chẳng hạn như phải tuân thủ nguyên tắc rất chung theo Luật số 59 của Quốc hội.

Thứ ba, liên quan đến Điều 13. Hoàn thành việc đăng ký. Trong này có ghi: "chậm nhất 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 thì cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông báo việc đăng ký hợp đồng theo mẫu điều kiện giao dịch chung và gửi cho tổ chức, cá nhân kinh doanh" Tôi suy nghĩ và thấy không nên để 20 ngày. Chúng tôi làm những văn bản này thường là 15 ngày. 15 ngày có khi đã là chậm rồi vì cá nhân, tổ chức kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng đến hoạt động. Nên để quy định sau 15 ngày không trả lời thì coi như đã đồng ý.

Thứ tư, tôi xin có ý kiến về Điều 15. Hợp đồng giao kết từ xa, đoạn cuối có câu: "trường hợp người tiêu dùng rút lại hợp đồng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh phải trả lại tiền cho người tiêu dùng chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày tuyên bố rút hợp đồng..." Chúng tôi thường không dùng từ "rút lại hợp đồng". Một là chấm dứt hai là hủy hợp đồng. Xin các anh xem lại cho rõ hơn.

Thứ năm, liên quan đến Điều 16. Hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục. Trong này có câu nói: "người tiêu dùng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục tại bất kỳ thời điểm nào". Nếu tại "bất kỳ thời điểm nào" thì có thể gây tùy tiện. Người dân của chúng ta rất có thể kiện nhau. Chúng tôi muốn có một câu rất rõ là: "nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục do lỗi của tổ chức kinh doanh." Phải nói rõ như thế hoặc rõ hơn. Khi đó mới có thể chấm dứt bằng hủy hợp đồng được. Cơ quan chủ quản hoặc các anh bên Sở Công thương ở tỉnh thành lập ra các ban chuyên trách chắc chắn suốt ngày đi hầu kiện thôi.

Một số nội dung có thể chưa đầy đủ nhưng chúng tôi xin mạn phép tham gia thêm. Xin hết ý kiến, xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan