Ý kiến của Bà Nguyễn Thị Vân Anh – Đại học Luật Hà Nội

Thứ Hai 08:37 09-05-2011

Kính thưa quý vị, tôi hiện là giảng viên trường Đại học Luật Hà Nội và được phân công làm Giám đốc Trung tâm pháp luật Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng thuộc Khoa Pháp luật Kinh tế. Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Bảo vệ người tiêu dùng chúng tôi rất là quan tâm. Bởi vì đến tháng 9/2011 chúng tôi bắt đầu giảng bộ môn Luật Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng tại trường. Đây là văn bản chúng tôi rất quan tâm để đưa vào giảng dạy.
Dưới góc độ người nghiên cứu và sẽ đưa văn bản pháp luật vào giảng dạy cho các sinh viên của trường, chúng tôi có một số ý kiến với Ban Soạn thảo:

Thứ nhất, Điều 3 về giải thích từ ngữ tại khoản 3 có quy định: "Bán hàng tận cửa là hình thức tổ chức cá nhân kinh doanh bán tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng." Theo quy định này cá nhân kinh doanh bán hàng tận cửa có thể bán tại nơi làm việc như cơ quan Nhà nước, trường học, bệnh viện. Điều này sẽ bất hợp lý. Theo Luật Thương mại, việc khuyến mại cũng bị cấm tại cơ quan Nhà nước, tại bệnh viện, trường học... Tôi thấy nên quy định khoản 3 này như sau: "Bán hàng tận cửa là trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh bán tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng, trừ một số trường hợp". Phải có những loại trừ. Nếu quy định như hiện nay thì sẽ có những bất ổn không nên.

Thứ hai, tôi muốn xin ý kiến của Ban Soạn thảo: trong này không đưa giải thích khái niệm "người tiêu dùng". Khái niệm "người tiêu dùng" trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoàn toàn giống với Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước đây năm 1999, không có thay đổi. Thực tế khi triển khai thực hiện Pháp lệnh đã có những cái vướng khi giải thích về người tiêu dùng. Ví dụ, một doanh nghiệp mua nước khoáng của một doanh nghiệp khác không phải để bán nhưng để phục vụ hội thảo hay liên hoan cuối năm của doanh nghiệp đó. Thực ra, mục đích mua nước này là để tiêu dùng. Nhưng theo lý thuyết thương mại thì những hành vi do một doanh nghiệp thực hiện không cho hoạt động kinh doanh thì cũng là hành vi thương mại. Như vậy, hợp đồng ký kết giữa hai doanh nghiệp không phải trực tiếp phục vụ mục đích kinh doanh thì cũng là hoạt động kinh doanh. Nếu theo quy định về người tiêu dùng trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng thì rất khó xác định. Trong trường hợp đó thì doanh nghiệp được áp dụng Luật Bảo vệ người tiêu dùng lại vướng với Luật Thương mại.

Một vấn đề nữa, tại khoản 2 Điều 12 quy định: "các điều kiện chung quy định tại Điều 7 và khoản 2 Điều 11 Nghị định này" Nhưng xem lại quy định ở Điều 7 thì lại dùng thuật ngữ "các yêu cầu chung" chứ không phải là "các điều kiện chung". Ban Soạn thảo cũng nên xem xét lại cho chuẩn. Yêu cầu chung thì rộng hơn điều kiện chung.

Vấn đề tiếp theo, Điều 18 Hình thức và nội dung của yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tôi cho rằng Ban Soạn thảo cần xem xét có nên có một giải thích rõ thế nào là "xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng" ? Vì Điều 25 của Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định: khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng thì người tiêu dùng, tổ chức xã hội có quyền yêu cầu trực tiếp bằng văn bản cho cơ quan quản lý Nhà nước". Trong Nghị định hướng dẫn cần phải giải thích rõ thế nào là "xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng". Lúc đó tổ chức xã hội mới có quyền gửi đơn yêu cầu đến cơ quan cấp huyện nơi thực hiện giao dịch đó giải quyết. Nếu không quy định rõ thì rất khó xác định các cơ quan này có thẩm quyền tiếp nhận các đơn yêu cầu.

Thứ năm, tại Điều 22 quy định về việc công bố công khai danh sách tổ chức cá nhân xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Ở khoản 1 này quy định chưa rõ: "cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện có trách nhiệm công khai danh sách" nhưng lại chưa quy định công bố trong thời hạn như thế nào? Hàng năm hay hàng quý, hoặc là khi nào vi phạm sẽ công bố? Cũng nên làm rõ điều này. Theo tôi chúng ta nên công bố hàng quý danh sách những cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Theo tôi, tinh thần của Điều này trong Dự thảo Nghị định là rất quan trọng, cần thiết. Vì đây là phương thức răn đe những người có hành vi vi phạm rất hiệu quả.
Khoản 3 Điều 22 quy định trường hợp cá nhân hoạt động thương mại hoạt động thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh tái phạm thì Ban Quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ, trung tâm thương mại công bố danh sách tại chợ, trung tâm thương mại do mình quản lý" Tôi cho rằng Ban Soạn thảo nên xem lại cách này. Công bố bằng danh sách thì không phải ai cũng có thể chú ý đến để xem danh sách này được. Theo tôi nên công bố bằng các phương tiện thông tin đại chúng và cách tốt nhất là bằng loa. Giả sử có thương nhân hạch sách, không tôn trọng mình thì có thể nêu tên trên loa rằng ngày tháng năm này, thương nhân tên như sau đã có hành vi...thì họ sẽ rất sợ. Nếu chỉ công bố bằng danh sách thôi tôi e rằng không có tác dụng lắm so với công bố bằng các phương tiện công khai rộng hơn, đa dạng hơn.

Thứ sáu, về Điều 31 quy định về thẩm quyền thành lập giải thể tổ chức hòa giải. Tôi nhất trí với nhiều ý kiến rằng quy định này khá chung chung. Trong này chưa xác định rõ tổ chức hòa giải này có tư cách pháp lý như thế nào? Nó là một tổ chức hòa giải trực thuộc cơ quan Nhà nước hay tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay tồn tại độc lập? Nếu tồn tại độc lập thì hòa giải sẽ phải kín. Và việc đăng ký ở đâu? Cần có giấy tờ gì trong hồ sơ?
Thứ bảy, về Điều 33 quy định về nhiệm vụ quyền hạn, cũng như ý kiến của nhiều anh chị, tôi chưa thấy quy định về quyền hạn của tổ chức hòa giải này. Một điều tôi rất băn khoăn là tổ chức hòa giải có được thu phí hòa giải không? Phí này sẽ thu như thế nào? Theo tôi, nên cho phép họ thu phí, nhưng mức phí như thế nào thì phải xác định.

Trên đây là một số góp ý của tôi sau khi đọc Dự thảo này. Tuy nhiên vì thời gian có hạn, tôi sẽ có ý kiến góp ý kỹ càng hơn sau này.
Tôi xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan