Ý kiến của Bà Trần Thị Quang Hồng – Viện khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

Thứ Sáu 11:12 06-05-2011


Kính thưa đại diện Ban Soạn thảo, tôi đang công tác tại ban nghiên cứu pháp luật dân sự, Viện khoa học pháp lý. Bản thân chúng tôi, trong quá trình soạn thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng đã tham gia đóng góp ý kiến rất nhiều. Khi nhận được lời mời của VCCI, tôi cho rằng đây là cơ hội rất tốt để phát biểu ý kiến của mình với Ban Soạn thảo. Tôi rất chia sẻ những khó khăn của Ban Soạn thảo bởi xung quanh vấn đề này có rất nhiều văn bản pháp luật liên quan, rồi còn nhiều vấn đề mới cần phải thuyết phục. Tuy nhiên, có nhiều điều chúng ta đưa ra nhưng vẫn chưa được hài lòng lắm. Vậy thì chúng ta đưa ra Nghị định phải nằm trong khuôn khổ của Luật và những điều Luật đặt ra rất là chơi vơi. Chúng ta phải phát triển như thế nào là một bài toán khó. Vậy ở đây, trong khả năng của mình, tôi xin đưa ra một số gợi ý để chúng ta cùng bàn bạc xem thế nào:

Nghị định này nói về người tiêu dùng nghĩa là nói về mặt thứ hai, mặt thứ nhất đó là doanh nghiệp. Tôi nghĩ rằng vấn đề nào không nhiều thì ít sẽ liên quan đến doanh nghiệp thôi. Liên quan đến cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh. Liên quan đến vấn đề này, hiện nay chúng ta có hai Nghị định: Nghị định số 39 có nêu ra cá nhân hoạt động thương mại độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh và Nghị định 02/2003 về quản lý chợ. Hai Nghị định đó trực tiếp tác động đến đối tượng này rồi. Vậy ở đây phải quy định như thế nào để không trùng lặp với các Nghị định đó nữa.

Trong Điều 4, hầu hết tất cả những nội dung đưa ra ở đây chúng ta đều đã được quy định trong 2 Nghị định kia hoặc Luật Bảo vệ người tiêu dùng rồi. Có một nội dung là: "Chấp hành quyết định thu hồi hàng hóa trong trường hợp hàng hóa do mình cung cấp thuộc diện phải thu hồi và chịu chi phí để tiêu hủy hàng hóa trong trường hợp hàng hóa phải tiêu hủy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền". Cái này có vẻ không đúng lắm. Ví dụ, tôi bán hàng của một công ty nổi tiếng, tôi chỉ là người bán rong thôi nhưng chẳng may sữa đó bị thu hồi thì tôi không phải là người chịu chi phí, tôi chỉ mang sản phẩm đó đến cho nhà sản xuất thôi. Tôi không phải bỏ tiền tiêu hủy. Vậy các cá nhân hoạt động thương mại độc lập, không phải đăng ký kinh doanh sẽ chịu trách nhiệm như thế nào? Họ sẽ phải chịu trách nhiệm với việc bán các hàng hóa không rõ nguồn gốc. Hàng lậu, hàng giả bây giờ rất nhiều. Cái mà họ phải chịu trách nhiệm chính là các hàng hóa như thế, chứ không phải là hàng hóa chính hãng. Quản lý họ thì sao? Không phải đề cập là quản lý  những người ngồi trong chợ hay không ngồi trong chợ.

Chúng ta có thể bù thêm một điểm thiếu của Nghị định 39. Văn bản này quy định: "Ủy ban nhân dân cấp xã phải lập sổ theo dõi những người đó. Nếu có lập sổ theo dõi mà có ai đó tự dưng đứng ở đây chờ việc-một chủ thể hoạt động thương mại thường xuyên không đăng ký kinh doanh-cung cấp dịch vụ lao động. Chắc là người đó cũng giống những người bán hàng rong khác thôi. Có lẽ rằng nên bắt buộc họ thông báo cho UBND xã, phường ở địa bàn hoạt động, chứ không cần đăng ký. Ví dụ một người bán rong gánh hàng đi qua 3 phường xung quanh Bờ Hồ thì phải thông báo cho UBND 3 phường đó. Như vậy có sự quản lý bằng danh sách, sau này nếu có vi phạm gì, UBND mới phát huy được vai trò của mình. Đó là một cách để quản lý và bù một điểm thiếu vào trong Nghị định số 39. Chính đối tượng này là nguy cơ bị vi phạm nhiều nhất hiện nay. Số lượng rất nhiều, chất lượng hàng hóa thì rất đáng lo ngại. Có lẽ chúng ta nên suy nghĩ thêm về điểm đó.

Liên quan đến đối tượng ở trong chợ. Chúng ta lại chưa có đối tượng nào liên quan đến trung tâm thương mại cả. Trong Luật có một thuật ngữ rất lờ mờ là "khu thương mại". Hiện nay chúng ta có rất nhiều khu kinh tế thương mại cửa khẩu, khu kinh tế thương mại rất là nhiều. Vậy có phải là khu thương mại hay không? Nếu đã có quy định cụ thể rồi thì tôi xin phép không có thêm ý kiến nữa.

Về hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung. Chính vì có vấn đề về mặt kỹ thuật cho nên phát sinh một số băn khoăn. Luật quy định những hàng hóa thiết yếu mới phải có hợp đồng mẫu. Hợp đồng bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chưa chắc đã nằm trong hàng hóa thiết yếu. Vì vậy, nên quy định là: "việc đăng ký hợp đồng mẫu và điều kiện giao dịch chung theo điều nào đó trong Luật thì được thực hiện như sau..."

Thời điểm đăng ký là như thế nào, sau khi sử dụng hợp đồng mẫu đó hay là muốn đăng ký lúc nào cũng được? Từ đó mới phát sinh hậu quả pháp lý của việc đăng ký. Cần làm rõ điều này để thúc đẩy việc đăng ký mà không quá lo lắng về vấn đề thời hạn. Không nên quá chú trọng vào thời hạn 5 ngày.

Đối với hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục, có một số cách tiếp cận mà tôi cho rằng chưa ổn lắm. Thứ nhất về thời hạn, người tiêu dùng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục: vào thời điểm nào? Và chỉ phải thanh toán số tiền dịch vụ mình đã sử dụng. Tôi thấy không hẳn như thế vì có những nhà cung cấp dịch vụ yêu cầu người tiêu dùng phải sử dụng gói dịch vụ đó trong một thời hạn nhất định. Ví dụ tôi tặng anh một modem, anh phải dùng Internet của tôi trong vòng 1 năm. Bảo vệ người tiêu dùng có hai khía cạnh: thứ nhất bảo vệ người tiêu dùng đang sử dụng thì anh chỉ được đột cắt trong trường hợp nào? thứ hai: khi người tiêu dùng muốn cắt, tôi muốn cắt hôm nay nhưng người tiêu dùng nhận được thông báo đến hết tháng mới là thời điểm được cắt và tính phí cho đến cuối tháng. Đây cũng là trường hợp thiệt hại cho người tiêu dùng. Có trường hợp tôi cam kết sử dụng trong một thời hạn cố định là tình huống thứ ba. Cần quy định rõ trường hợp nào người tiêu dùng được bảo vệ.

Liên quan đến vấn đề trách nhiệm sản phẩm: tôi thấy rằng trong Luật có nhưng trong Nghị định lại không có hướng dẫn. Trong Luật quy định lại thành trách nhiệm thu hồi hàng hóa bị khuyết tật và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra. Nếu quy định như vậy thì rất khó thực hiện trên thực tế. Chẳng hạn như khi phát hiện ra hàng hóa có khuyết tật thì doanh nghiệp phải thu hồi, nếu cơ quan Nhà nước phát hiện ra hàng hóa doanh nghiệp có khuyết tật thì cơ quan đó có được đưa ra một yêu cầu thu hồi hay không? Còn như Toyota trước đây họ bảo là khuyết tật không ảnh hưởng đến mức độ an toàn, họ không thu hồi. Nhưng ví dụ có người chứng minh được là nó ảnh hưởng đến mức độ an toàn thì ai là người đứng ra yêu cầu họ thu hồi. Hậu quả của việc thu hồi là như thế nào? Sẽ trả lại tiền cho người tiêu dùng hay là mang về sửa chữa sau đó trả lại, hay là đổi cho anh hàng khác. Có rất nhiều vấn đề, trong trường hợp nào thì phải giải quyết như thế nào? Cần cân nhắc hơn nữa thì quy định mới khả thi được.

Vấn đề cuối cùng liên quan đến quản lý Nhà nước: cơ quan bảo vệ người tiêu dùng cấp huyện là ai? Thực ra trong Luật và Dự thảo Nghị định đều chưa rõ. Trong Bộ Công thương có Cục Quản lý cạnh tranh, có Sở Công thương sẽ giúp UBND cấp tỉnh, thế còn cấp huyện thì sao? Theo tôi nên có một quy định xác định là: UBND cấp huyện tự mình hoặc giao cho một cơ quan trực thuộc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện theo quy định của Nghị định này. Về chất lượng có lẽ chưa quy định được nhưng ít ra phải có một sự rõ ràng như thế.
Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan