Ý kiến của Bà Đinh Thị Mỹ Loan-Hội Các nhà bán lẻ Việt Nam

Thứ Năm 08:26 05-05-2011

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Các nhà bán lẻ Việt Nam 

Theo thứ tự đề mục trong dự thảo, tôi có một số ý kiến sau:

Trước hết
, nhận xét chung chúng tôi khẳng định tầm quan trọng của Nghị định hướng dẫn này. Dư luận chung của người tiêu dùng cũng như cộng đồng doanh nghiệp rất nóng lòng chờ đón xem Nghị định hướng dẫn như thế nào. Bởi vì ngày 1/7 sắp đến rồi, mà chúng tôi thì hoàn toàn không mong muốn các Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lại rơi vào một số tình trạng các Luật khác là "luật treo" ở đó để đợi Nghị định rồi sau ngày 1/7 chưa thể thực thi được. Việc tọa đàm để có ý kiến đóng góp nhằm xây dựng một Nghị định trong số 2 Nghị định và 1 Quyết định cơ quan quản lý Nhà nước đưa ra rất là cần thiết.
Riêng phần dự thảo góp ý, tôi xin nhận xét thẳng thắn một điểm. Trong báo cáo thì Cục Quản lý Cạnh tranh có nói là trong quá trình xây dựng có Ban Soạn thảo, có Tổ Biên tập, có đại diện rất nhiều cơ quan Bộ, ban, ngành..v.v.. Nhưng có lần tôi hỏi chuyện bác Giang, đại diện của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), bác bảo bác có tên trong Tổ Biên tập nhưng không được mời họp.
Tôi chỉ muốn chúng ta làm trên tinh thần thực sự cầu thị và đầy đủ để lấy ý kiến một cách thực sự.

Thứ hai
, về nội dung, tôi xin phép có một số ý kiến như sau

Ý kiến đầu tiên
: chúng tôi thấy rằng đối tượng áp dụng: đề nghị các anh chị kiểm tra lại xem có cần thiết không? Bởi vì đối tượng áp dụng y nguyên ở trong Luật, vậy có cần nhắc lại hay không?

Ý kiến thứ hai
về giải thích từ ngữ: trong Dự thảo có "hợp đồng giao kết từ xa" tôi cũng không rõ chúng ta tham khảo tài liệu tiếng Pháp, tiếng Anh thế nào. Nếu trong tiếng Anh là "distance selling" - bán hàng từ xa. Theo tôi, giải thích từ ngữ ở đây chưa rõ và chưa đủ. Bởi vì theo hiểu biết hạn hẹp của tôi thì hợp đồng được gọi là hợp đồng giao kết từ xa không chỉ là thông qua phương tiện điện tử hoặc điện thoại. Đề nghị kiểm tra thêm. Nếu đúng theo cách hiểu thông thường thì hợp đồng giao kết từ xa ngoài điện thoại còn có hình thức fax. Fax có được coi là phương tiện điện tử hay không? Internet thì đương nhiên rồi, đó là phương tiện điện tử. Nhưng còn "mail order" trong tiếng Anh - đặt hàng qua thư, trong đó có cả trường hợp bán hàng qua catalogues cũng được coi là hợp đồng được giao kết từ xa, "email" và "digital television". Như vậy, khái niệm này chưa quét được hết các đối tượng trên.

Ý kiến thứ ba
về Điều 4 của Nghị định: Khoản 6 có vẻ hơi thừa. Chúng ta quy định: "Ngoài các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 ..." thì các cá nhân phải "thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ người tiêu dùng theo nội quy". Tôi hiểu "nội quy" là chúng ta sẽ bổ sung, soạn thảo sau. Nhưng có thực sự cần thiết hay không? Vì chắc chắn chúng ta không đưa vào đây và bất cứ cá nhân nào cũng phải tuân thủ nội quy này rồi.
Tôi rất băn khoăn ở chỗ chúng ta đưa vào "trung tâm thương mại". Tôi có kiểm tra ngược lại Luật thì không có từ "trung tâm thương mại" mà chỉ có "Khu thương mại". Trong lĩnh vực bán lẻ của chúng tôi thì trung tâm thương mại được coi là một trong các hình thức bán lẻ hiện đại và cao cấp hơn "siêu thị, đại siêu thị". Trung tâm thương mại lại khó là nơi cá nhân hoạt động thương mại không đăng ký kinh doanh. Tôi e rằng rất ít hoặc chỉ có ở những nơi rất đặc thù Việt Nam. Không có một trung tâm thương mại theo nghĩa bán lẻ hiện đại trên thế giới mà lại có cá nhân không đăng ký kinh doanh hoạt động trong đó. Nếu trong luật là "trung tâm thương mại" mà đến đây lại thành "khu thương mại" thì hai cái đó là hoàn toàn khác nhau.

Ý kiến thứ tư
; chúng tôi thấy rằng tại Điều 5: "Trách nhiệm của Ban quản lý chợ" , mục 4 có vẻ không thực tế. Bởi vì: "Thường xuyên giám sát chất lượng, số lượng hàng hóa do cá nhân hoạt động thương mại hoạt động trong khu vực thông qua việc kiểm soát nguồn hàng hóa" rất là khó. Không biết làm thế nào mà Ban quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ lại kiểm soát được nguồn hàng của từng cá nhân. Bình thường trong một chợ như chợ Đồng Xuân, chợ Cửa Nam, chợ Bến Thành không ít hơn mấy trăm hộ kinh doanh. Không biết chúng ta sẽ kiểm tra như thế nào. Cũng như vậy "kiểm tra định kỳ 01 tháng/lần" ở mục 6. Chúng tôi chỉ mong muốn đưa ra được quy định thực thi một cách thực tế. Nếu chỉ ghi vào đây mà không thực hiện được thì pháp luật sẽ bị "nhờn" đi.

Ý kiến thứ năm
về Điều 9, mục 2 "hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung", bổ sung chữ "phương tiện" sau chữ "bằng", trước chữ "điện tử". Khoản 3 quy định hơi rắc rối, đề nghị biên soạn lại. Về dấu bưu điện, tôi không nhầm thì có cả dấu nơi đi và nơi đến. Còn nếu đọc ở đây thì hiểu là Ban soạn thảo muốn theo thuyết "tiếp thu". Tức là dấu khi nhận được chứ không phải là dấu gửi đi. Trong "trường hợp gửi bằng phương tiện điện tử thì thời điểm tiếp nhận hồ sơ tính là thời điểm xác nhận bằng thông điệp điện tử của cơ quan có thẩm quyền đăng ký được gửi đi". "Thông điệp điện tử" này là thông điệp gì? Thậm chí tôi thường xuyên nhận được thư người gửi yêu cầu mình xác nhận là nhận được. Trong trường hợp mình thấy có vẻ khó nghĩ hay khó trả lời thì nhấn vào "No" nghĩa là bên kia không bao giờ nhận được xác nhận của tôi. Trường hợp này cần phải xem xét lại.

Ý kiến thứ sáu
về Điều 15 "Hợp đồng giao kết từ xa" có mục 1.a: "Tên của tổ chức, cá nhân kinh doanh, số điện thoại liên lạc, địa chỉ, trụ sở, địa chỉ cơ sở chịu trách nhiệm về đề nghị giao kết hợp đồng (nếu có)." Rất là khó hiểu, không biết các anh chị định nói gì ở hai lần "địa chỉ" này. Địa chỉ của cá nhân kinh doanh rồi, xong lại địa chỉ của cơ sở chịu trách nhiệm về đề nghị giao kết hợp đồng.

Ý kiến thứ bảy
về Điều 16.2 "Hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục phải được lập thành văn bản". Tôi cũng hơi băn khoăn một trong những ví dụ của cung cấp hợp đồng dịch vụ liên tục là trông giữ phương tiện. Ô tô thì thường xuyên phải làm hợp đồng rồi nhưng còn xe máy có ai lập thành văn bản không ạ? Như những người trông giữ xe ở các chung cư có nhất thiết phải lập thành văn bản hay không?
Mục 4.a: "Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ không được yêu cầu người tiêu dùng thanh toán người tiêu dùng thanh toán bất kỳ khoản tiền nào trước khi dịch vụ được cung cấp đến người tiêu dùng." Tôi thấy rằng, dịch vụ viễn thông, giáo dục, TV trả tiền thì chúng ta toàn phải trả tiền trước đấy ạ. Làm gì có chuyện không được thanh toán. Các đại diện của công ty dịch vụ sẽ phản đối kịch liệt. Điều này là không thực tế. Đề nghị các anh chị xem lại tính thực tế.

Ý kiến thứ tám
tôi góp ý cho Điều 17 "Hợp đồng bán hàng tận cửa". Mục 17.2 yêu cầu "phải được lập thành văn bản". Tôi cũng thấy ái ngại vì theo hiểu biết của tôi thì hợp đồng bán hàng tận cửa thường là có giá trị không cao, những nhu yếu phẩm (ga, sách báo...). Điều này cũng không thực tế. Một khi chúng ta đã ghi vào đây tức là bắt buộc phải tuân thủ, nhưng thực hiện thì rất là khó.
Mục số 5 "Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải chịu trách nhiệm đối với hoạt động của người bán hàng tận cửa" là quá đúng. Nhưng cần thêm một đoạn "người bán hàng tận cửa phải là người của tổ chức, cá nhân ấy". Chứ nếu họ là một người bán hàng lẻ. Ví dụ như có một người muốn cung cấp sữa chua Vinamilk hay là sữa đặc biệt bán tận cửa. Sau quay lại có vấn đề gì khiếu nại Vinamilk trong khi hỏng do bảo quản (bị phồng, chảy hay làm sao đó). Cần quy định chặt chẽ hơn nữa mục này về quan hệ giữa tổ chức kinh doanh đó với người bán hàng tận cửa. Không phải chịu trách nhiệm lung tung cho tất cả mọi người bán hàng tận cửa mà không đăng ký hoặc không phải là đại diện của mình, đại lý của mình.

Ý kiến thứ chín về thủ tục tiếp nhận yêu cầu. Đọc xong tôi cũng cảm thấy ái ngại cho trình độ dân trí của Việt Nam quá. Trình độ thế nào mà "người tiêu dùng hoặc tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng kí tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản đó". Tôi đề nghị là "đại diện tổ chức xã hội" không cần phải "điểm chỉ". Điểm chỉ sẽ chỉ sử dụng trong hai trường hợp mà thôi: thứ nhất là không biết chữ; thứ hai là ngoài chữ ký ra thì còn phải điểm chỉ để tăng giá trị pháp lý như trong một số hợp đồng nhà đất, có giá trị lớn. Đề nghị anh chị em trong ban biên tập soạn thảo kiểm tra là văn bản pháp luật. Tôi nhớ không nhầm thì chỉ có Luật Công chứng có đề cập vấn đề điểm chỉ. Nghị định của chúng ta có nên đưa vào hay không? Ở những nơi vùng sâu, vùng xa có những người không biết chữ thật nhưng liệu đưa điểm chỉ vào đây có phù hợp hay không thì xin các anh chị cân nhắc.

Ý kiến số mười về Điều 24: tôi nhất trí với anh Hùng nên nói là "trách nhiệm" chứ không phải là "nghĩa vụ". Trách nhiệm khác với nghĩa vụ, "nghĩa vụ" thường nói trong hợp đồng hay giao kết gì đó, còn "trách nhiệm" thì là chỉ chung. Trong nghĩa vụ tại Điều 24 thì có "Chuẩn bị các công việc cần thiết để đảm bảo việc khởi kiện có hiệu quả". Nếu không sửa thì đọc lên rất buồn cười vì một tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà lại vô cớ đi khởi kiện vụ án không chuẩn bị. Nghe có vẻ là đánh giá tổ chức này hơi kém. Khoản 4 Điều 24 về chịu các chi phí phát sinh nên có thiết kế lại là: chi phí phát sinh này sẽ được bù đắp bằng nguồn nào đó. Nếu không sẽ làm cho các tổ chức xã hội ái ngại. Cũng vẫn là ở góp ý số 10, mục thứ 2 Điều 27 có vẻ lại còn hẹp hơn cả Luật nữa. Đề nghị thiết kế lại, rộng ra là: tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không phải chỉ có những cái quy định trong Nghị định này mà còn nhiều nhiệm vụ khác. Đặc biệt trong đó là các nhiệm vụ tham gia xây dựng và phản biện các quy định pháp luật, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng. Ý thứ ba trong góp ý 10 ở Điều 28: tôi cực kỳ băn khoăn về việc kinh phí được giao cho các tổ chức xã hội. Chúng ta đã nói rất nhiều ý nghĩa tốt đẹp trong việc này rồi và đấu tranh mệt mỏi của phong trào bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cũng như sự ủng hộ của các cơ quan quản lý Nhà nước mà anh Nam - Phó Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh - đã nói ban đầu. Nhưng tôi thấy là nếu kinh phí được giao căn cứ vào đề án như ở Việt Nam như thế thì có vẻ chúng ta sẽ không bao giờ hoặc trong một số trường hợp thực hiện được thí vô cùng ít ỏi so với nhu cầu cần thiết. Tôi cũng nhất trí là sau khi giao nhiệm vụ, mà nhiệm vụ là do Bộ Công thương, UBND cấp tỉnh giao. Sau đó thì phải căn cứ, không phải là vào đề án mà vào chương trình hoạt động hay chương trình hành động và giao luôn kinh phí này chứ không phải là đề án. Ví chúng ta biết rằng khi mà xây dựng được đề án lên rồi tiền khả thi, hậu khả thi...nhiều cái sẽ bị trì trệ, thậm chí đến quý 3 cũng chưa có kinh phí hoạt động cho năm nay. Tình trạng bao nhiêu năm nay chúng ta đã thấy rồi. Tôi bày tỏ sự lo ngại của tôi nếu giao cho Bộ Tài chính thì kết quả sẽ là "zero" thôi. Vì kinh nghiệm cho thấy khi tôi còn là Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh đích thân tôi cùng với anh chị em ở Cục cùng với Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đấu tranh, thuyết phục nhưng vẫn vấp phải bức tường, không đạt được kết quả gì cả. Nhất là trong hoàn cảnh hiện nay chúng ta phải thắt chặt kinh phí của các cơ quan Nhà nước mà lại giao việc hỗ trợ kinh phí theo đề án thì tôi e rằng sẽ không thực hiện được.

Tôi có tính toán một con số nhỏ có tính chất hết sức sơ bộ thôi là chúng ta có 100 triệu cho một hội bảo vệ người tiêu dùng ở gần 40 tỉnh mà chúng ta đã có. Nếu giả sử chúng ta có 50 hội thì 1 năm chúng ta chỉ tiêu hết có 5 tỷ để bảo vệ người tiêu dùng. Không tính VINASTAS ở cấp trung ương cần nhiều hơn thì các hội ở địa phương nếu được cấp như vậy thì đã vui mừng lắm rồi.
Tôi nghĩ rằng không nên để Bộ Tài chính chủ trì với Bộ Công thương hướng dẫn chi tiết. Tôi xin đặt dấu chấm hỏi: "Đến bao giờ ???" cho sự hướng dẫn này. Và hướng dẫn có thực hiện được hay không?

Ý kiến số mười một cho Chương VI về tổ chức hòa giải, chúng tôi thấy rằng vẫn còn hơi chung chung. Cần bổ sung điều kiện hoạt động, chế độ hoạt động cho hòa viên. Về kinh nghiệm công tác ở Điều 32, tôi nghĩ rằng vẫn nên có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực thương mại. Khái niệm thương mại của chúng ta hiện nay đang rất rộng rồi, rất nhiều người có thể đạt được tiêu chí này.
Điều 33 có ghi: Trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức hòa giải nhưng thấy chỉ có trách nhiệm mà không có quyền hạn.
Như vậy, về mặt nội dung tôi xin phép có một số ý kiến đóng góp như trên. Còn về hình thức, đề nghị các anh chị xem lại các lỗi chính tả, từ ngữ. Ví dụ như ở Điều 4 có ghi "không được" nên chuyển thành "cấm" hay không?

Với mong muốn Nghị định của chúng ta có chất lượng tốt nhất, tôi xin phép có những ý kiến như trên. Xin hết.

Các văn bản liên quan