Ý kiến của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam

Thứ Sáu 14:37 29-04-2011

LIÊN HIỆP CÁC HỘI KH-KT VIỆTNAM                            CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
HỘI TC & BVNTD VIỆT NAM                                                          Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 52CV/HTCBVNTD              
"v/v góp ý dự thảo 1 Nghị định                                                              Hà Nội ngày 25 tháng 4 năm 2011
Hướng dẫn Luật BVQLNTD" 
   


Kính gửi: Ban soạn thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Sau khi nghiên cứu dự thảo 1, Hội TC&BVNTD VN xin có một số ý kiến tham gia về những nội dung cần sửa đổi hoặc cần làm rõ ở một số điều trong dự thảo 1, Nghị định như sau:
Điều 18 và Điều 19: Đề nghị bỏ 2 điều này với lý do việc NTD, tổ chức xã hội thông tin đến cơ quan nhà nước những hành vi vi phạm vì lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng cần khuyến khích, tạo điều kiện; nhiều khi chỉ là thông tin ban đầu, nhưng đã giúp cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ vi phạm. Vì vậy không nhất thiết phải quy định những thủ tục hành chính, dẫn đến người dân ngại đến cơ quan nhà nước để cung cấp thông tin. Ban thân việc làm chính đáng ấy đã dễ bị đối tượng vi phạm tìm cách trả thù. Mặt khác 2 điều này là nhằm hướng dẫn điều 25 của Luật trong khi nội dung điều 25 đã rõ ràng, đẩy đủ.. Trong điều này của Luật cũng không  có nội dung giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết.

Điều 20: Đề nghị bỏ cụm từ "UBND cấp huyện", dùng cụm từ "cơ quan quản lý nhà nước về BVQLNTD cấp huyện" như ghi trong điều 25 và 26 của Luật.

Điều 21: Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều 26. Do vậy nội dung của điều này cần quy định chi tiết những vấn đề mà điều 26 của Luật chưa quy định rõ. Ví dụ tại điểm b, khoản 3 về đình chỉ hoặc tạm đình chỉ kinh doanh. Vấn đề thẩm quyền đình chỉ kinh doanh có liên quan đến nhiều văn bản luật khác nhau, do vậy cần có hướng dẫn cụ thể. Quy định trả lời NTD trong thời hạn 30 ngày làm việc, vụ việc phức tạp có thể gia hạn không quá 15 ngày làm việc, là quá dài, đề nghị rút ngắn.

Điều 22: Công bố công khai tổ chức, cá nhân vi phạm, chính là thực hiện quyền được thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh đã được Luật quy định tại khoản 2, điều 8. Đặc biệt những trường hợp kinh doanh hàng hóa gây mất an toàn cho người sử dụng, như gây nhiễm độc thực phẩm trong vụ nước tương nhiễm độc chất 3-MCPD, sữa nhiễm melamine, gây nguy cơ mất an toàn giao thông, như vụ 2 dòng xe TOYOTA bị lỗi kỹ thuật..v.v.. cần phải đưa tin cảnh báo kịp thời thì không nên giao cho một cơ quan công bố. Hơn nữa những cơ quan này không đủ thông tin. Nắm thông tin về một số tổ chức, cá nhân tái phạm về kinh doanh hàng giả, là thanh tra chuyên ngành Khoa học-công nghệ, Văn hóa-Thông tin, hoặc QLTT, về VSATTP là thanh tra y tế, thanh tra thú y, QLTT ..v.v.. Việc công khai danh sách tại trụ sở cơ quan bảo về QLNTD cũng hạn chế tác dụng. Đề nghị nên quy định cơ quan nào xử lý thì cơ qua đó đưa vào danh sách doanh nghiệp có hành vi vi phạm QLNTD để dùng sức mạnh dư luận đấu tranh răn đe và loại bỏ hành vi này, tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ NTD cũng là một trong những nội dung khi trình dự án Luật. Trong điều kiện thị trường liên thông như ngày nay, một mặt hàng thực phẩm nào đó bị nhiễm độc đang lưu thông ở địa bàn này cũng có khả năng đã xuất hiện ở địa bàn khác. Vì vậy đề nghị cần cân nhắc thêm việc phân cấp công bố. Xuất phát từ việc tránh nguy cơ đối diện với hậu quả pháp lý không mong muốn, bản thân tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng cần chủ động thông tin, ví dụ như TOYOTA vừa qua đã làm. Tổ chức xã hội cũng có quyền thông tin cảnh cáo cho NTD và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đó như đã ghi lại điều 28 của Luật. 
 
Điều 23: Đề nghị sửa lại điều này bởi các lý do sau:
Khoản 2 điều 28 của Luật ghi: "Chính phủ quy định điều kiện để tổ chức xã hội tham gia bảo vệ QLNTD thực hiện quyền khởi kiện vì lợi ích công cộng...".
Vấn đề cần quy định cụ thể trong Nghị định là trong những trường hợp nào, khi lợi ích công cộng bị xâm hại, hay xâm hại tới mức nào thì tổ chức xã hội có chức năng bảo vệ NTD được quyền khởi kiện. Bởi bản chất vấn đề ở đây "quyền" hoàn toàn không đi đôi với "lợi" mà chỉ đi đôi với "trách nhiệm". Đứng ra khởi kiện và vì lợi ích công cộng mà phải chấp nhận rủi ro. Trong khi kinh phí không có, dự thảo lại quy định tổ chức xã hội phải có nghĩa vụ chịu các chi phí phát sinh trong quá trình khởi kiện (khoản 4, điều 24), nguyên đơn lại còn phải đối mặt với bị đơn là đối tượng có thể mạnh về tài chính, dày dạn thương trường. Quy định điều kiện để được quyền khởi kiện, khoản 1 ghi "Được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật", khoản 2 ghi "Có tôn chỉ, mục đích hoạt động vì quyền lợi NTD..." là không cần thiết, vì điều 27 của Luật đã xác định tổ chức xã hội tham gia BVNTD là "Tổ chức xã hội thành lập theo quy định của pháp luật và hoạt động theo điều lệ được tham gia hoạt động BVQLNTD".
Khoản 3 trong dự thảo quy định phải có thời gian hoạt động tối thiểu 3 năm, khoản 4 quy định có phạm vi hoạt động từ cấp tỉnh trở lên, cũng không phù hợp. Bởi vấn đề là ở trình độ, năng lực, bản lĩnh đội ngũ cán bộ. Mặt khác, vô tình đã kìm hãm hoạt động của tổ chức này, trong khi vấn đề bảo vệ quyền lợi NTD lại là vấn đề cấp thiết hiện nay, một trong những lý do khi trình dự án Luật.
Do vậy, điều kiện cần quy định ở đây là lợi ích công cộng bị xâm hại ở phạm vi nào thì tổ chức xã hội có chức năng bảo vệ quyền lợi NTD cấp ấy đứng ra khởi kiện. Đặc biệt cần căn cứ tính chất vi phạm để có quy định hành vi vi phạm tới mức nào thì mới khởi kiện, nhằm tránh kiện tụng tràn lan, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh chỉ vì những lỗi vi phạm nhỏ, đặc biệt là chưa đủ căn cứ. Một nội dung nữa cũng cần quan tâm là cần có quy định để ngăn ngừa hành vi lạm dụng khiếu kiện để trục lợi. Mặt khác cần tạo thuận lợi cho tổ chức xã hội có chức năng bảo vệ quyền lợi NTD mạnh dạn đứng ra khởi kiện những vụ xâm hại nghiêm trọng đến lợi ích công cộng. Một nội dung cần có để hiện thực hóa quyền này chính là cơ chế tài chính. Khi ngân sách không hỗ trợ, NTD không đóng góp tài chính, thì không có nguồn kinh phí để tiến hành vụ kiện, mặc dù được giao quyền đi chăng nữa. Thiếu quy định này, Luật sẽ không đi vào cuộc sống.

Điều 24: Đề nghị thay cụm từ "Nghĩa vụ" bằng cụm từ "Trách nhiệm". Bỏ khoản 4 mà thay bằng 1 điều về cơ chế bảo đảm tài chính cho vụ kiện. Ví dụ tiền được bồi thường (nếu thắng kiện), trong trường hợp không chi trả cho từng cá nhân được (đơn cử như vụ xăng pha aceton), thì xung vào Quỹ bảo vệ NTD, được lập ra theo quy định pháp luật hiện hành, để chi phí cho vụ kiện, bù đắp trong trường hợp thua kiện. (hiện hành là Nghị định 148/2007/NĐ-CP của Chính phủ về Quỹ xã hội).

Điều 26: Về điều kiện thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao. Đề nghị bỏ khoản 3 "Có số năm hoặt động tối thiểu là 1 năm". Vì chưa có cơ sở khoa học và thực tiễn.

Điều 27: Đề nghị trên cơ sở điều 28 của Luật để thiết kế nội dung điều 27 của Nghị định. Trên tinh thần ấy, xin được đề xuất với Ban soạn thảo, chỉnh sửa điều này như sau:
1. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền lợi NTD. Bởi chỉ phạm vi quyền và nghĩa vụ NTD thì quá hẹp và không phù hợp với Luật.
2. Hướng dẫn, đào tạo nâng cao nhận thức và kiến thức tiêu dùng cho NTD (như trong Luật).
3. Tư vấn, hỗ trợ cho NTD khi NTD có nhu cầu (thống nhất như dự thảo).
4. Thực hiện các nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do mình thực hiện; thông tin, cảnh báo cho NTD và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin, cảnh báo của mình; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD (Theo nội dung trong Luật).
5. Tư vấn, giải quyết khiếu nại của NTD bằng phương thức hòa giải theo quy định tại Nghị định này.
6. Tham gia xây dựng pháp luật, chủ trương, chính sách, phương hướng, kế hoạch và biện pháp bảo vệ quyền lợi NTD. (theo nội dung trong Luật).

Điều 32: Hòa giải viên
Quy định "có ít nhất năm năm kinh nghiệm công tác" là không cần thiết vì công tác hóa giải đương nhiên phải được hai bên chấp nhận, ý kiến của hòa giải viên không mang tính phán quyết, không bắt buộc thi hành, do vậy khó gây hậu quả. Nhiều lần giải quyết hòa giải không thành thì sẽ bị đào thải một cách tự nhiên.
Trên đây là một số ý kiến đóng góp vào dự thảo 1 của Nghị định. Mong được Ban soạn thảo xem xét để bổ sung, sửa đổi.


TM/Hội TC & BVNTD VN
KT/Chủ tịch
Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký

Nguyễn Mạnh Hùng  
           

Các văn bản liên quan