Ý kiến của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam

Thứ Sáu 10:23 29-04-2011

NGÂN HÀNG TMCP HÀNG HẢI VIỆT NAM
Trụ sở chính: Toà nhà88 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội  *ĐT: 04.3771 8989 - Fax: 04.3771 8899  www.msb.com.vn
                      
    Hà Nội, ngày 28 tháng 04 năm 2011
                                Góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
  

Phòng Pháp chế Maritime Bank có một số ý kiến đóng góp để hoàn thiện nội dung của dự thảo như sau:

1.       Về việc bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh.
a)     Khoản 6, Điều 4 quy định các cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh trong phạm vi chợ, trung tâm thương mại phải thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ người tiêu dùng theo nội quy do Ban quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ. Tuy nhiên, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không hề có khái niệm cụ thể về “chợ”.  Trong khi đó, trên thực tế tồn tại nhiều loại hình chợ khác nhau như chợ dân sinh, chợ tạm, “chợ cóc” không hề có Ban Quản lý cũng như Nội quy hoạt động. Do đó, hoạt động thương mại tại các chợ này sẽ tuân theo quy định cụ thể nào để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng? Đề nghị làm rõ hơn nội dung này.
b)     Dự thảo quy định rằng các cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh hoạt động trong phạm vi chợ, trung tâm thương mại thì thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ người tiêu dùng theo nội quy do Ban quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ, trung tâm thương mại ban hành (khoản 6, Điều 4) mà chưa làm rõ các cá nhân hoạt động ngoài phạm vi chợ, trung tâm thương mại thì sẽ được điều chỉnh theo quy định nào. Hơn nữa, quy định trách nhiệm kiểm tra hoạt động của các đối tượng ngoài phạm vi chợ thuộc trách nhiệm của ủy ban nhân dân xã (khoản 2 Điều 6) là rất chung chung. Cần làm rõ cơ quan nào, bộ phận nào thuộc ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm quản lý vấn đề này. Việc bao quát cả phạm vi trong và ngoài chợ, trung tâm thương mại là bảo vệ rộng nhất quyền lợi của người tiêu dùng, tuy nhiên với những quy định còn bỏ ngỏ thì không đảm bảo tính khả thi trên thực tế đặc biệt là hoạt động thương mại ngoài phạm vi chợ, trung tâm thương mại.  

2.       Về Trình tự thủ tục đăng ký hợp đồng mẫu và điều kiện giao dịch chung:
a)     Liên quan đến yêu cầu chung đối với hợp đồng mẫu (Điều 7)
Thiết nghĩ việc quy định hình thức (như phông chữ, cỡ chữ, nền giấy, màu mực) là những vấn đề không cần thiết, không nhằm hướng đến mục đích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nên không cần phải quy định đối với hợp đồng mẫu. Đối với nội dung một hợp đồng mẫu, dự thảo chỉ cần thống nhất một số điều khoản cơ bản nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Đề nghị quy định cụ thể các giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ nào phải đăng ký hợp đồng mẫu.
b)     Liên quan đến việc hoàn thành việc đăng ký (Điều 13)
Việc quy định “hết thời hạn mà cơ quan có thẩm quyền không trả lời thì việc đăng ký hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung được coi là đã hoàn thành” như dự thảo là gây khó khăn cho người tiêu dùng để nhận biết được hợp đồng mẫu nào đã được đăng ký trước khi tham gia ký kết hợp đồng. Hơn nữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng không có cơ sở để chứng minh cho người tiêu dùng trong trường hợp này.   
Thời hạn 20 ngày xác nhận việc đăng ký hợp đồng mẫu là không hợp lý, đề nghị rút ngắn để đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của cá nhân, tổ chức kinh doanh.
c)     Hiệu lực của hợp đồng:
Cần quy định thời điểm phát sinh hiệu lực của hợp đồng mẫu phải đăng ký là thời điểm nào? Theo điểm b, khoản 1 Điều 9 hợp đồng mẫu phải đăng ký được hiểu là “dự thảo” tức là các bên chưa ký kết. Tuy nhiên, tại các nội dung khác của dự thảo thì hợp đồng mẫu được đăng ký lại được hiểu là hợp đồng đã được các bên ký kết (khoản 3, Điều 14). Đề nghị dự thảo cần cân nhắc những vấn đề này .
d)     Liên quan đến thời điểm đăng ký.
Dự thảo không hề có quy định nào về thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh phải đăng ký hợp đồng mẫu. Tuy nhiên theo quy định tại Điều 14, khi có yêu cầu hủy bỏ hoặc sửa đổi các điều khoản trong hợp đồng theo mẫu tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo với người tiêu dùng để ký lại hợp đồng. Như vậy, có thể hiểu rằng tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể đăng ký hợp đồng mẫu bất kỳ thời điểm nào kể cả trước và sau khi ký hợp đồng. Nếu vậy, sẽ rất bất lợi cho người tiêu dùng khi phải ký đi ký lại hợp đồng và quyền lợi không được đảm bảo. Đề nghị quy định cụ thể thời điểm đăng ký hợp đồng mẫu là trước khi ký kết hợp đồng với người tiêu dùng.
Hơn nữa, việc đăng ký hợp đồng mẫu đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh có phải là bắt buộc không? Nếu là bắt buộc thì việc tổ chức, cá nhân kinh doanh không đăng ký hợp đồng mẫu và yêu cầu người tiêu dùng phải ký kết thì có chế tài xử lý vi phạm không?
Đề nghị xem xét trường hợp tổ chức kinh doanh và người tiêu dùng đã ký hợp đồng nhưng sau đó có thỏa thuận bổ sung, sửa đổi thì có bắt buộc phải đăng ký lại hay không?

3.       Quyền rút lại giao kết của người tiêu dùng:
a)     Đề nghị xem lại thuật ngữ “rút lại” hợp đồng vì theo quy đinh của BLDS và văn bản có liên quan khác thì chỉ có khái niệm hủy bỏ hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng, thỏa thuận chấm dứt hợp đồng mà không có khái niệm “rút lại” hợp đồng. Bản chất pháp lý thì “rút lại” hợp đồng được hiểu như hủy bỏ hợp đồng. Ngoài ra, cần quy định các điều kiện được người tiêu dùng được rút lại hợp đồng theo quy định tại khoản 2, Điều 15 để hạn chế việc lạm quyền.
b)     Đối với Hợp đồng giao kết từ xa, Khoản 2 Điều 15 quy định: “trong trường hợp người tiêu dùng không được cung cấp đầy đủ các thông tin theo quy định khoản 1 thì trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng người tiêu dùng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng đã giao kết.”. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng vì người tiêu dùng không có cơ hội để trực tiếp xem xét về hàng hóa mình định mua cũng như không có cơ hội để tiếp cận với những thông tin cần thiết khác. Tuy nhiên, nên giới hạn các trường hợp người tiêu dùng được đơn phương chấm dứt hợp đồng. Bởi vì, ví dụ: khi người tiêu dùng yêu cầu cung cấp thông tin mà sau đó tổ chức, cá nhân kinh doanh kịp thời bổ sung thì người tiêu dùng không được đơn phương chấm dứt hợp đồng.
c)     Đối với Hợp đồng cung cấp dịch vụ liên tục (Điều 16) nên giới hạn trường hợp người tiêu dùng chấm dứt hợp đồng (vd: do lỗi của tổ chức kinh doanh) chứ không nên là “tại bất kỳ thời điểm nào” mà không có lý do để tránh tình trạng người tiêu dùng lợi dụng quy định này để gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

4.       Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Đồng ý với quy định của dự thảo, cụ thể là nên giới hạn tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền khởi kiện vụ án  bảo vệ người tiêu dùng vì lợi ích công cộng vì không phải tổ chức xã hội nào cũng có đủ điều kiện để tham gia khởi kiện thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng. Thêm vào đó, để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách thì chỉ nên áp dụng đối với các tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc bảo vệ lợi ích công cộng.

5.       Thành lập đơn vị chuyên môn 
Tại các Sở Công thương hiện chưa có bất kỳ một đơn vị nào chuyên trách để thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn mang tính tự phát chưa mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ tốt và khả thi thì việc thành lập các đơn vị chuyên trách về quản lý nhà nước tại các địa phương là hết sức cần thiết.

6.       Một số vấn đề khác
Tại Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và khoản 1, Điều 4 Dự thảo Nghị định hướng dẫn có quy định việc bảo đảm số lượng, chất lượng, công dụng, an toàn thực phẩm của hàng hóa dịch vụ.  Đề nghị không nên giới hạn trong lĩnh vực hàng hóa là thực phẩm.
Trên đây là một số ý kiến đóng góp của Phòng Pháp chế Maritime Bank
Trân trọng tham gia!

Trưởng phòng Pháp chế Maritime Bank
ĐINH THỊ KIM ANH

Các văn bản liên quan