Góp ý của Luật sư Hoàng Văn Sơn – Thạc sĩ luật học, Trưởng văn phòng luật sư VNC về Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm

Thứ Sáu 09:43 08-04-2011

      Nh ng năm gần đây, dư luận rất bức xúc về vấn đề an toàn thực phẩm, trong đó, nổi bật hơn cả là các vấn đề như : thực phẩm bị nhiễm độc, sử dụng các chất bị cấm sử dụng trong thực phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm quá hạn sử dụng…

 

      B ảo vệ quyền con người được đảm bảo trên nhiều lĩnh vực, bằng nhiều biện pháp và công cụ khác nhau là sự thể hiện của một nhà nước văn minh. Luật an toàn thực phẩm được Quốc hội thông qua năm 2010 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2011(Luật này thay thế Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm số 12/2003/PL – UBTVQH11) cũng nhằm mục đích bảo đảm quyền con người được sử dụng an toàn thực phẩm. Để Luật an toàn thực phẩm khi có hiệu lực là được thi hành ngay, Bộ y tế phối hợp với Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam lấy ý kiến nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định (sau đây gọi tắt là Dự thảo) hướng dẫn thi hành một số điều của Luật này. Sau khi nghiên cứu Dự thảo, chúng tôi xin đóng góp một số ý kiến của mình như sau.

 

1.      Vấn đề phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 của Dự thảo

 

      Điều 1 của Dự thảo quy định về phạm vi điều chỉnh “Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành khoản 3 Điều 12; khoản 2 Điều 15; khoản 4 Điều 17; khoản 3 Điều 18; khoản 3 Điều 34; khoản 3 Điều 39; khoản 2 Điều 44; Điều 61, 62, 63, 64 và Điều 65 của Luật an toàn thực phẩm về 6 vấn đề được quy định tại khoản 1 đến khoản 6 Điều 1 của dự thảo Nghị định”.

 

-          Cần bổ sung thêm phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 của Dự thảo về vấn đề được quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật an toàn thực phẩm “Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định cụ thể về ghi nhãn thực phẩm, thời hạn sử dụng thực phẩm; quy định cụ thể thực phẩm biến đổi gen phải ghi nhãn mức tỉ lệ thành phần thực phẩm có gen biến đổi phải ghi nhãn”. Luật đã giao cho Chính phủ hướng dẫn phần này, nhưng trong Điều 1 không có là thiếu sót.

 

-         Bổ sung thêm hướng dẫn khoản 2 Điều 66 của Luật an toàn thực phẩm vào phạm vi điều chỉnh tại Điều 1. Khoản 2 Điều 66 quy định “Chính phủ quy định việc phối hợp giữa các lực lượng thanh tra an toàn thực phẩm của các bộ, cơ quan ngang bộ với một số lực lượng khác trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm”.

 

      Như vậy, Điều 1 của Dự thảo bổ sung thêm khoản 7 “Thanh tra về an toàn thực phẩm”. Tại Mục II Chương VI của Dự thảo cũng đã quy định “Thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm”, nhưng phần phạm vi điều chỉnh lại không quy định. Cần quy định rõ thêm về điều kiện, thời gian, phạm vi, thẩm quyền thanh tra và người ra quyết định thanh tra tại Mục II chương VI.

                                                     

2.      Về hồ sơ công bố hợp quy tại Điều 6 của Dự thảo

 

      Theo chúng tôi hồ sơ công bố hợp quy theo quy định của Dự thảo yêu cầu quá nhiều loại giấy tờ, rất dễ phát sinh tiêu cực.

 

-         Đoạn 2 điểm a khoản 1, đề nghị nên bỏ từ “bản gốc” chỉ cần bản sao là đủ, bởi vì bản gốc tổ chức, cá nhân theo quy định phải lưu giữ hồ sơ. Và bỏ đoạn “kèm theo báo cáo đánh giá hợp quy do tổ chức chứng nhận hợp quy cấp”. Thực tế, trước khi cấp chứng chỉ chứng nhận hợp quy thì tổ chức này đã thực hiện việc kiểm tra, báo cáo đánh giá và chứng chỉ là kết quả cuối cùng.

 

-         Đề nghị bỏ đoạn 6 “kế hoạch giám sát định kỳ”, vì trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tổ chức cá nhân đã phải thường xuyên kiểm tra chất lượng của sản phẩm, mặt khác, đây cũng là quyền của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật an toàn thực phẩm.

 

-         Đoạn 7 nên quy định lại là “Bản sao giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong  trường hợp cá nhân, tổ chức này bắt buộc phải có giấy chứng nhận về kinh doanh có  điều kiện ”.

 

      Tương tự, tại điểm b khoản 1 Điều 6 của Dự thảo, nên bỏ phần “Kế hoạch giám sát định kỳ và báo cáo đánh giá hợp quy kèm theo các tài liệu có liên quan”.

 

3.      Về hồ sơ công bố phù hợp điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm quy định tại Điều 7 của Dự thảo

 

-         Đề nghị nên bỏ khoản 4 Điều 7 của Dự thảo về “Kế hoạch giám sát định kỳ”;

 

-          Khoản 7 Điều 7 nên sửa lại là “Bản sao giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong trường hợp cá nhân, tổ chức kinh doanh bắt buộc phải có giấy chứng nhận về kinh doanh có điều kiện”.

 

4.      Về vấn đề quy định tại khoản 2 Điều 8 của Dự thảo

 

  “Trong vòng 15 ngày làm việc” nên sửa lại là “Trong thời hạn 15 ngày làm việc” để phù hợp với quy định của pháp luật về thời hạn, thời hiệu.

 

5.      Vấn đề quy định tại Điều 13 của Dự thảo

 

      Quy định tại Điều 13 Chương IV là chưa phù hợp với nội dung của chương này, đề nghị nên chuyển điều này sang Mục 2 Chương II thành Điều 10 của Dự thảo. Bởi vì, nội dung của chương IV này quy định về “đối tượng sản xuất, kinh doanh không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm”. Trong khi đó, Điều 13 lại quy định về “cấp, thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm”.

 

6.      Về quy định tại Điều 15 của Dự thảo

 

     Tại khoản 2 quy định “Trong trường hợp cần thiết” . Như thế nào là cần thiết? Cần nêu rõ trường hợp nào thì cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xây dựng kế hoạch kiểm tra như : Khi cơ quan hải quan, cơ quan thú y, cơ quan điều tra hoặc người tiêu dùng, người bán hàng phát hiện ra hàng hóa thực phẩm bị ô nhiễm, hư hỏng, quá hạn sử dụng …

                                             

      Và, tại đoạn 2 của khoản 2 Điều 15 này quy định “Bộ trưởng quản lý ngành, hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu”.

 

      Đề nghị nên sửa lại là “Bộ trưởng quản lý ngành, theo quy định tại Điều 19, 20 và 21 của Nghị định này hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu”.

 

7.      Về vấn đề quy định tại khoản 4 Điều 16 của Dự thảo

 

           Khoản 4 Điều 16 quy định “Bộ quản lý ngành hướng dẫn cụ thể đối với việc ghi hạn sử dụng trên nhãn thực phẩm”. Quy định như vậy là trái với khoản 3 Điều 44 của Luật an toàn thực phẩm. Khoản 3 Điều 44 quy định “Căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định cụ thể về ghi nhãn thực phẩm, thời hạn sử dụng thực phẩm; quy định cụ thể thực phẩm biến đổi gen phải ghi nhãn mức tỉ lệ thành phần thực phẩm có gen biến đổi phải ghi nhãn”. Như vậy, Luật quy định Chính phủ phải thực hiện việc hướng dẫn cụ thể đối với việc ghi hạn sử dụng trên nhãn thực phẩm. Nhưng Dự thảo Nghị định lại quy định giao cho bộ quản lý ngành hướng dẫn là không phù hợp, cần quy định rõ vấn đề này trong Nghị định.

 

8.      Về vấn đề quy định tại khoản 4 và khoản 7 Điều 17 của Dự thảo

 

-         Khoản 4 Dự thảo quy định “Các nhóm thực phẩm, sản phẩm thực phẩm có chứa nhiều thành phần mà các thành phần đó thuộc trách nhiệm quản lý của các bộ khác nhau thì trách nhiệm quản lý thuộc về bộ quản lý thành phần chính hoặc thành phần quyết định đặc tính đặc trưng, tên gọi của sản phẩm” . Vấn đề này, đề nghị giao cụ thể cho từng bộ, bởi vì, không có cơ quan nào có thẩm quyền thẩm định thành phần chính hoặc thành phần quyết định đặc tính, đặc trưng, tên gọi của sản phẩm. Vì vậy, khi xảy ra trách nhiệm dễ bị đùn đầy. Việc giao cụ thể dựa trên hoạt động quản lý chủ yếu, ví dụ : đối với hàng nhập khẩu giao cho Bộ công thương, các loại khác giao cho Bộ y tế, các bộ này có trách nhiệm hỏi ý kiến lẫn nhau để tránh việc đùn đẩy trách nhiệm hoặc phải chờ đợi lâu.

-         Khoản 7 của Dự thảo quy định: “Trong trường hợp cần thiết Bộ y tế tổng hợp…” nên sửa lại là “Trong trường hợp sự phân công quản lý giữa các bộ không thống nhất được với nhau về việc phân công quản lý phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các bộ. Bộ trưởng Bộ y tế tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định”. Vì quy định “trường hợp cần thiết” như thế nào là cần thiết? không được rõ ràng (trường hợp này là khi ban hành Thông tư liên tịch mà các bộ không thống nhất được với nhau).

 

9.      Vấn đề quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 23 của Dự thảo

 

      Trong hai phương án tại khoản 2, đề nghị nên giao cho Bộ công thương quản lý đối với hàng nhập khẩu hỗn hợp. Tương tự, tại khoản 3, nên giao cho Bộ y tế về “Vấn đề cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều sản phẩm thực phẩm thuộc quyền quản lý của từ hai bộ trở lên”. Bởi vì, nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc quyền quản lý của từ hai bộ trở lên mà dựa trên mặt hàng chủ đạo hoặc tính chất, đặc tính chủ yếu của mặt hàng đó thì dễ bị đùn đẩy trách nhiệm, không có cơ quan nào xác định cái nào là chủ đạo, cái nào là đặc tính chủ yếu cả dễ dẫn đến tranh cãi lẫn nhau. Vì vậy, nên giao trách nhiệm cụ thể luôn, khi đó các bộ có liên quan sẽ hỏi ý kiến lẫn nhau, nhưng vẫn có người chịu trách nhiệm chính rõ ràng, không cần phải chờ xác định như Dự thảo, hàng thực phẩm bao giờ cũng có hạn sử dụng ngắn.

 

      Trên đây là một số ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật an toàn thực phẩm, kính mong Ban tổ chức hội thảo tiếp thu ý kiến của chúng tôi ./.

Hoàng Văn Sơn

Thạc sĩ luật học, Trưởng văn phòng luật sư VNC

VINA CODE LAW FIRM

Đ/c: 129 Chu Văn An, phường 26, quận Bình Thạnh, Tp.HCM

ĐT: 08.62947899 – DĐ : 0988650729

Fax: 08.62947899

Email: vnclaw@yahoo.com

Các văn bản liên quan