Góp ý hoàn thiện dự thảoNghị định quy định chi tiết một số điều Luật an toàn thực phẩm của Ls. Phan Thông Anh

Thứ Sáu 09:39 08-04-2011

Luật an toàn thực phẩm đã được Quốc hội thông qua nă 2010 và sẽ có hiệu lực vào ngày 01/07/2011, nhưng Luật an toàn thực phẩm có thể đi vào đời sống xã hội hay không lệ thuộc không nhỏ đối với việc ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật.Đạo luật này chỉ có thể phát huy hiệu quả khi các văn bản hướng dẫn áp dụng dự liệu được các tình huống phát sinh trong thực tiễn để quy định điều chỉnh cho phù hợp.Trên tinh thần mong muốn đạo luật này sẽ bảo vệ tốt cộng đồng và các bộ ngành, chính quyền các cấp có cơ sở thống nhất áp dụng trong hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm chúng tôi xin có một số ý kiến góp ý sau đây :

 

1-Quan điểm tiếp cận dự thảo văn bản pháp luật

            Hiện nay khi tiếp cận góp ý dự thảo các văn bản áp dụng pháp luật tùy theo nội dung văn bản điều chỉnh thì người góp ý thông thường có hai quan điểm trái ngược nhau một là mong muốn luôn luôn có sự thông thoáng trong các quy định, dễ dàng cho các đối tượng bị điều chỉnh, đơn giản các thủ tục hành chính nhất là các thủ tục kinh doanh, hai là quy định pháp luật cần phải chặt chẻ để bảo đảm các quyền lợi ích của các bên thứ ba và trật tư công cộng.

Đối với quan điểm của chúng tôi khi tiếp cận góp ý văn bản này thì theo quan điểm thứ hai vì chúng tôi cho rằng văn bản này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích chung, trật tư công cộng liên quan đến tính mạng sức khỏe của cộng đồng do đó cần phải quy định một cách chặt chẻ,cứng rắn.

 

2-Phòng Kiểm nghiệm được chỉ định để thực hiện kết quả kiểm nghiệm

Dự thảo Điều 6. Hồ sơ công bố hợp quy có quy định đ ối với thực phẩm sản xuất trong nước, hồ sơ gồm nhiều văn kiện nhưng chúng tôi quan tâm nhất là quy định :

b) Đối với trường hợp công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh:

.............................................

- Kết quả kiểm nghiệm của phòng kiểm nghiệm được chỉ định . Riêng nước khoáng thiên nhiên phải có thêm phiếu kết quả kiểm nghiệm đối với  nước khoáng tại nguồn;

Nhận xét

Vấn đề được đặt ra là Phòng Kiểm nghiệm nào ? do cơ quan nào quản lý ? cần quy định chặt chẻ chứ không chồng chéo như hiện nay giữa giám định chất lượng hàng hóa của Trung tâm Đo lường chất lượng nhà nước xung đột kết quả giám định với các cơ quan giám định chất lượng chuyên ngành, làm cho các cơ quan quản lý nhà nước lúng túng khi xem xét các giám định và có những quyết định khác nhau tùy theo nhận thức chủ quan của từng cơ quan gây khốn đốn cho các bị đối tượng điều chỉnh như việc áp thuế suất thuốc trị bệnh tôm theo Cơ quan giám định chuyên ngành Thủy sản thì cho loại hàng hóa nhập khầu này thì thuế suất 0% nhưng cơ quan giám định của Trung tâm Đo lường chất lượng nhà nước thì thuế suất là 5%.

Theo luồng thí dụ dẫn chứng trên giả định kết quả kiểm nghiệm của hai cơ quan kiểm nghiệm đều được chỉ định khác nhau thì Bộ quản lý chuyên ngành sẽ theo kết quả nào khi xem xét hồ sơ công bố hợp quy.    

 

3-Tiêu chí quy định về thời hạn của giấy xác nhận công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận phù hợp điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm

Dự thảo Điều 9 quy định về thời hạn của giấy xác nhận công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận phù hợp điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm

1. Giấy xác  nhận  công bố hợp quy hoặcgiấy xác nhận phù hợp điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm có hiệu lực trong thời gian:

a) 5 năm đối với sản phẩm của cơ sở sản xuất có một trong các chứng chỉ về hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến: HACCP, GMP và ISO 9001.

b) 3 năm đối với sản phẩm của cơ sở sản xuất không có các chứng chỉ trên.

c) 2 năm đối với sản phẩm của cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình.

Nhận xét

Theo quy định trên thì tiêu chí về thời hạn giấy xác nhận công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận phù hợp điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm được căn cứ theo quy trình sản xuất làm ra sản phẩm của nhà sản xuất, tiêu chí này chúng tôi là không ổn vì không có một khuôn thước nào để xác định chất lượng của quy trình sản xuất ra sản phẩm kể cả hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến mà theo chúng tôi cần xây dựng tiêu chí này theo yêu cầu chất lượng của từng loại sản phẩm : thí dụ như : Bánh bơ đường đòi hỏi yêu cầu gì để an toàn ; Rau xanh đòi hỏi yêu cầu gì để an toàn chứ không phải nhà máy sản xuất bánh bơ đường do có cả hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến nên thời hạn được cấp dài hơn so với cơ sở sản xuất bánh bơ đường không có hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.

Cái gốc vấn đề ở đây là cơ sở nào để các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước xác định áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến là chất lượng đó làm ra sản phẩm sẽ đảm bảo hơn đối với một sản phẩm được làm ra khi không có áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.

 

4-Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải tiến hành thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Dự thảo Khoản 2 Điều 12. Phạm vi đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện  phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm quy định : Khoản 2. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải tiến hành thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo đúng quy định tại Chương V của Luật An toàn thực phẩm, trừ các trường hợp sau đây:

           a) Sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, hộ gia đình;

           b) Kinh doanh thức ăn đường phố, bán hàng rong;

           c) Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt theo quy định;

Nhận xét

            Đối với hai trường hợp loại trừ (a) và (c) chúng tôi đồng ý với dự thảo nhưng đối với trường hợp (b) Kinh doanh thức ăn đường phố, bán hàng rong chúng tôi đề nghị xem lại vì chất lượng thức ăn đường phố (loại chế biến) hiện nay đang là vấn đề nóng liên quan đến sức khỏe của cộng đồng, rất mất vệ sinh và họ sử dụng hóa chất vô tội vạ, thức ăn đang bày bán trên đường phố không thề biết có bao nhiều chất độc. Do đó theo chúng tôi đối với kinh doanh thức ăn đường phố qua chế biến cần phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm [có thể loại bỏ hàng rong (không qua chế biến)] là không phải làm thủ tục.

 

5-Việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm tại nước xuất khẩu

Dự thảo Khoản 2 Điều 15. Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm tại nước xuất khẩu Quy định “ Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam xây dựng kế hoạch kiểm tra, thông báo và phối hợp với cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu thực hiện kiểm tra hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm của nước xuất khẩu và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm xuất khẩu vào Việt Nam. Bộ trưởng Bộ quản lý  ngành  hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu.”

Nhận xét

            Trường hợp nào là cần thiết,đây là vấn đề quan trọng xử lý các hệ quả phát sinh từ quy định này của pháp luật. Thực tế việc quản lý chất lượng an toàn thực phẩm hiện nay quá lỏng lẽo,dẫn đến không an toàn cho sinh hoạt tiêu dùng thực phẩm, theo chúng tôi cần có kế hoạch tự kiểm tra trong nội bộ phía Việt Nam một cách thường xuyên đối với tất cả thực phẩm nhập khầu vào Việt Nam chứ không chỉ cho trường hợp cần thiết vì trong thực tiễn để lý giải về mặt khoa học pháp lý sự cần thiết trong trường hợp này là hết sức nguy hiểm, khi đã có ngộ độc thực phẩm, chết người rồi trong trường hợp này thì mới là cần thiết.     

6-Ghi hạn sử dụng trên nhãn thực phẩm

Về cơ bản chúng tôi nhất trí theo dự thảo Điều 16.  Ghi hạn sử dụng trên nhãn thực phẩm nhưng Khoản 3 quy định :

Đối với thực phẩm ghi “sử dụng tốt nhất trước ngày” thì sau thời điểm này thực phẩm vẫn được phép bán trên thị trường nếu nhà sản xuất chứng minh được thực phẩm đó an toàn. Chỉ nhà sản xuất ra thực phẩm đó mới được kéo dài hạn sử dụng cho thực phẩm đó” .

Nhận xét

Cần phải xem lại quy định : Chỉ nhà sản xuất ra thực phẩm đó mới được kéo dài hạn sử dụng cho thực phẩm đó. Việc chấp nhận cho nhà sản xuất kéo dài hạn sử dụng đối với an toàn thực phẩm là không ỗn vì an toàn chất lượng của loại thực phẩm đó chỉ đảm bảo trong thời gian trong hạn sử dụng đã được công bố nếu nay luật lại giao quyền này cho người sản xuất thì sẽ xâm phạm đến an toàn cho người tiêu dùng.Do đó đề nghị dự thảo bỏ hẳn đoạn quy định    Chỉ nhà sản xuất ra thực phẩm đó mới được kéo dài hạn sử dụng cho thực phẩm đó

 

7-Việc phân cấp cho chính quyền địa phương

Dự thảo Điều 22 trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Ủy ban nhân dân các cấp quy định

Khoản 1 : Thẩm quyền của UBND cấp tỉnh : điểm (a) Chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp về an toàn thực phẩm tại địa phương theo quy định của pháp luật.

Khoản 3 Thẩm quyền của UBND cấp Huyện điểm (a) : xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo thẩm quyền;

Khoản 4 Thẩm quyền của UBND cấp Xã : điểm (b) : xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn theo phân cấp quản lý;

Nhận xét :

Việc đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thực hiện phân cấp  cho Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong phạm vi địa phương là việc cần thiết trong hoạt động quản lý nhà nước nhưng cần quy định rõ ràng phạm vi trách nhiệm quyền hạn của từng cấp để đảm bảo tính hiệu lực thực hiện của văn bản.

Theo chúng tôi đối với điểm a khoản 1; cần quy định cụ thể hơn các tiêu chí để thành lập, trách nhiệm quyền hạn của  tổ chức có thẩm quyền đánh giá sự phù hợp về an toàn thực phẩm tại địa phương; điểm a khoản 3 cần quy định phạm vi thẩm quyền của cấp Huyện : xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm đến đâu và điểm b khoản 4 cần có quy định chi tiết tiêu chí xác định cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn.

  

8-Vấn đề kiểm soát lô hàng thực phẩm nhập khẩu hỗn hợp

Dự thảo Điều 23. Phối hợp giữa các bộ quản lý ngành trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Khoản 2 quy định : vấn đề kiểm soát lô hàng thực phẩm nhập khẩu hỗn hợp như sau

- Bộ trưởng Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương có trách nhiệm chỉ định các cơ quan kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm để kiểm soát các thực phẩm nhập khẩu thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

- Đối với những lô hàng thực phẩm nhập khẩu gồm nhiều loại thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của từ 2 Bộ trở lên thì căn cứ vào mặt hàng thực phẩm chính, chiếm số lượng mặt hàng lớn trong lô hàng đó thuộc lĩnh vực được phân công quản lý của Bộ nào thì Bộ đó chịu trách nhiệm kiểm soát.[1]

Nhận xét

            Cần phải xem xét lại nếu lấy tiêu chí căn cứ vào mặt hàng thực phẩm chính, chiếm số lượng mặt hàng lớn thì giao cho Bộ đó chịu trách nhiệm kiểm soát, nếu việc vi phạm an toàn thực phẩm không xảy ra đối với mặt hàng thực phẩm chính, chiếm số lượng mặt hàng lớn và rơi vào mặt hàng thực phẩm phụ, chiếm số lượng mặt hàng nhỏ thì Bộ ngành đó có phải chịu trách nhiệm hay không ? nếu phải chịu trách nhiệm thì chúng ta đang bắt họ phải chiu trách nhiệm nội dung công việc mà họ không quản lý là không phù hợp với các quy định của pháp luật.

Theo chúng tôi đối với việc kiểm soát lô hàng thực phẩm nhập khẩu hỗn hợp cần phải quy định có sự phối hợp kiểm soát của Bộ quản lý chuyên ngành, nhiệm vụ kiểm soát chất lượng thực phẩm của Bộ nào thì Bộ đó sẽ thực hiện.    

Khoản 3. Vấn đề cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với những cơ sở sản xuất/kinh doanh nhiều sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 Bộ trở lên

Đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 Bộ trở lên, thì lấy mặt hàng chủ đạo của cơ sở sản xuất/kinh doanh đó để giao cho Bộ có chức năng quản lý mặt hàng đó cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm .[2]

Nhận xét

Cần phải xem xét lại nếu căn cứ vào tiêu chí lấy mặt hàng chủ đạo của cơ sở sản xuất/kinh doanh đó để giao cho Bộ có chức năng quản lý mặt hàng đó cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm là không ổn, vì giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm có mặt hàng cụ thể, Bộ ngành chỉ  quản lý mặt hàng A thì không thể công nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với mặt hàng B được .

Do đó theo chúng tôi cần bổ sung dự thảo :” Bộ có chức năng quản lý mặt hàng nào thì có nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với mặt hàng đó”

 

Xin chân thành cám ơn quý vị đại biểu đã quan tâm đến ý kiến góp ý của chúng tôi./.

 

ThS. LS Phan Thông Anh – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam - Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - Trưởng Văn phòng Đại diện Câu Lạc bộ Pháp chế Doanh nghiệp Bộ Tư pháp tại TPHCM

Các văn bản liên quan