Góp ý của Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Minh – Nghệ An

Thứ Tư 15:50 27-10-2010

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin phép được phát biểu ba ý kiến như sau. Thứ nhất, về quản lý Nhà nước, dự thảo luật có bổ sung qui định về chức năng giám sát trong hoạt động quản lý Nhà nước. Về vấn đề này chúng tôi nhất trí như đại biểu Nguyễn Đình Quyền đã phát biểu trước, tôi xin nói rõ thêm quan điểm như thế này. Có thể nói rằng trong hoạt động quản lý Nhà nước hiện nay chúng ta đang sử dụng hai công cụ rất quan trọng liên quan đến vấn đề để chúng ta kiểm tra hoạt động và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý đó là công tác kiểm tra và thanh tra. Đây là hai công cụ phổ biến hiện nay và có thể nói trong tất cả các lĩnh vực hoạt động chúng ta đang sử dụng rất có hiệu quả hai công cụ đó.

Bây giờ nếu chúng ta thêm gọi là trong hoạt động quản lý Nhà nước lại phải có công cụ giám sát thì vấn đề đặt ra ở đây là trong hệ thống của chúng ta về quản lý Nhà nước. Vậy thì công cụ giám sát đó nó có vị trí pháp lý như thế nào, nó được hoạt động theo cơ chế nào và trình tự thủ tục ra sao? sau cùng là hậu quả pháp lý của nó. Nếu được bổ sung qui định thì phải làm rõ như vậy và nó có khác gì với kiểm tra và thanh tra không? Tôi cho đây là vấn đề rất quan trọng. Hơn nữa trong thực tiễn của chúng ta, trong hệ thống pháp luật của chúng ta cũng đã qui định các chế định về giám sát mà nó liên quan đến hoạt động của các cơ quan dân cử như là Hội đồng nhân dân, của Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Vậy thì giám sát mà dự thảo luật dự kiến bổ sung qui định ở trong Luật kinh doanh bảo hiểm thì nó lại có gì khác và phân biệt với giám sát hoạt động các cơ quan dân cử không? Liên quan đến nội dung như chúng tôi vừa đặt vấn đề. Vì vậy, chúng tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cũng phải rất cân nhắc qui định này để đảm bảo thống nhất trong hệ thống của chúng ta. Các công cụ quản lý chúng ta phải sử dụng đạt được sự thống nhất, không phải chỉ lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm mà nói chung trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác, các công cụ được sử dụng phải có sự thống nhất, trên cơ sở đó hình thành tổ chức bộ máy mới phù hợp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động.

Vấn đề thứ hai, chúng tôi xin được tham gia thêm về quy định bổ sung khi doanh nghiệp thay đổi chuyên gia tính toán hoặc đầu tư ra nước ngoài thì phải được Bộ Tài chính chấp thuận. Tôi đề nghị phải cân nhắc quy định này bởi mấy lẽ như sau:

Kinh doanh bảo hiểm là một loại hình kinh doanh đặc biệt, đó là loại hình kinh doanh có điều kiện và hoạt động của kinh doanh bảo hiểm không chỉ theo quy định của luật này mà nó còn theo quy định của các luật khác như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật đấu thầu và một số quy định khác.

Vấn đề đặt ra là hiện nay chúng ta cần phải tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng phù hợp với định hướng phát triển các loại hình kinh doanh và việc đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như các doanh nghiệp nói chung ra nước ngoài được quy định trong Luật đầu tư, Luật kinh doanh rồi. Trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm mà đầu tư ra nước ngoài và đầu tư trở lại nền kinh tế thì theo quy định đó là cần thiết và luật pháp không cấm. Vậy chúng ta cho rằng do vấn đề này quan trọng đảm bảo an toàn về tính thanh khoản để bồi thường bảo hiểm hoặc trả tiền bảo hiểm kịp thời cho các tổ chức, cá nhân thì việc đầu tư ra nước ngoài phải được sự chấp thuận của Bộ Tài chính. Tôi thấy chúng ta lại quy định thêm một thủ tục xin - cho trong khi chúng ta đang cải cách thủ tục hành chính hiện nay và tạo môi trường thông thoáng thì có cần thiết không, theo tôi phải cân nhắc và chúng tôi đề nghị là nếu để quản lý chặt chẳng hạn trong trường hợp mà chúng ta thấy rằng hình thức đầu tư của doanh nghiệp ra nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm cần phải được chặt chẽ thì ngay trong luật này chúng ta phải quy định các điều kiện cụ thể để đầu tư ra nước ngoài hoặc đầu tư trở lại nền kinh tế như thế nào? Chứ không phải chúng ta lại đặt ra một cơ chế xin, cho thì nó lại không phù hợp với xu hướng hiện nay.

Thứ hai là về chuyên gia tính toán cũng vậy, theo Tờ trình thì hiện nay thị trường bảo hiểm Việt Nam duy nhất mới có một chuyên gia tính toán và qua 10 năm thực hiện thì tất nhiên không có người Việt Nam, nhưng phải thuê người của nước ngoài. Nhưng hoạt động này thì trong Tờ trình cũng không thể hiện rõ, vậy thì trong 10 năm nó có trở ngại gì không? Nếu không được sự chấp thuận khi người ta thay đổi hoặc như thế nào đó thì có ảnh hưởng gì đến môi trường kinh tế của các doanh nghiệp đó không thì không làm rõ. Vậy thì vấn đề đặt ra là có nhất thiết khi người ta thay đổi chuyên gia tính toán lại phải xin Bộ Tài chính không thì chúng tôi cũng thấy rằng về mặt luật pháp thì nên đi theo hướng nếu thấy rằng đây là vấn đề rất quan trọng trong việc thay đổi thì phải quy định ngay trong luật là các điều kiện khi phải thay đổi và thay đổi như thế nào. Tất nhiên, các doanh nghiệp người ta làm, người ta kinh doanh, người ta phải lựa chọn những chuyên gia tính toán đảm bảo và người ta cũng chịu trách nhiệm về vấn đề đó. Nếu bây giờ chúng ta lại đặt ra một cơ chế là phải xin Bộ Tài chính để được chấp thuận thì tôi thấy cũng không phù hợp với xu hướng hiện nay chúng ta đang cải cách thủ tục hành chính và giảm bớt tất cả những thủ tục không cần thiết, các rào cản không cần thiết để tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng mà như chúng tôi nói quản lý quan trọng là không phải cứ xin - cho mà quản lý quan trọng nhất là ở chỗ anh phải đặt ra các điều kiện để doanh nghiệp khi thực hiện người ta căn cứ vào quy định pháp luật đó và trên cơ sở những điều kiện do pháp luật quy định, nếu anh làm không đúng thì bị thanh tra, kiểm tra, tôi sẽ xử lý anh theo pháp luật thì như vậy nó vừa thông thoáng với môi trường quản lý và nó cũng đề cao trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh, chứ không nhất thiết là các hàng rào là phải xin - cho. Chấp thuận ở đây có nghĩa là phải xin và được sự đồng ý, chúng tôi đề nghị cần phải cân nhắc .

Vấn đề thứ ba, chúng tôi muốn đề nghị trong luật theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế có sửa 10 điều mà đến gần một nửa số điều là giao cho Chính phủ và Bộ Tài chính quy định. Đó là câu chuyện chúng ta nói rất nhiều, làm thế nào luật ban hành để có thể thi hành được ngay, hạn chế tối đa những văn bản dưới luật tạo điều kiện để người áp dụng pháp luật tiếp cận văn bản thuận lợi, dễ dàng hơn. Chúng tôi đề nghị những việc có thể quy định được nên quy định cụ thể ngay trong luật, chẳng hạn như đầu tư qua biên giới, nếu chúng ta thấy đến lúc này cần phải quy định những vấn đề này trong Luật kinh doanh bảo hiểm thì quy định luôn nội dung, nhất thiết gì cứ phải chờ Chính phủ quy định nữa không? Không nhất thiết phải như vậy.

Một số quy định khác như các đồng chí đã nêu, ngay như Điều 10 của dự thảo luật ở điểm thứ nhất cũng không rõ, tức là các doanh nghiệp hoạt động phải theo quy định của pháp luật, theo quy định của pháp luật là pháp luật nào, rất nhiều pháp luật quy định, phải chỉ ra, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh phải chỉ ra sự minh bạch.

Chúng tôi cho rằng cần nên rà soát với tinh thần cố gắng cụ thể tối đa, tuy nhiên cũng có phải giao cho Chính phủ quy định nhưng những vấn đề mà rõ, đã quy định được rồi nên cố gắng quy định trong luật để đảm bảo khi luật được ban hành, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm như thế này càng minh bạch trong luật thì càng tốt để mọi người tham gia bảo hiểm được biết, nhất là doanh nghiệp càng phải tuân theo những quy định đó để thực hiện có hiệu quả. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan