Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền – Hà Nội

Thứ Tư 15:43 27-10-2010

Kính thưa Quốc hội,

Có thể nói Luật kinh doanh bảo hiểm được ban hành cách đây 10 năm tạo một cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để nhà nước chúng ta xây dựng một thị trường bảo hiểm hết sức đa dạng, phong phú và sự cạnh tranh hết sức quyết liệt. Có thể nói đây là một đạo luật đi vào cuộc sống khá dài, cho đến nay đã gần 10 năm chúng ta mới phải sửa đổi, bổ sung. Nghiên cứu dự án luật này, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với sự cần thiết, mục tiêu cũng như phạm vi sửa đổi của dự án luật này.

Thứ nhất, nói về sự cần thiết thì không sửa không được, chúng ta phải thực hiện cam kết của chúng ta với các tổ chức quốc tế. Ví dụ những vấn đề về bảo hiểm qua biên giới; tái bảo hiểm bắt buộc; những vấn đề về phân loại bảo hiểm. Chúng ta sửa đổi để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện và đồng thời để đảm bảo sự thống nhất của Luật kinh doanh bảo hiểm với các luật ban hành sau khi Luật kinh doanh bảo hiểm được ban hành cách đây gần 10 năm và phục vụ cho công cuộc cải cách hành chính. Những vấn đề sửa đổi trong dự án luật chúng tôi cho rằng cũng là những vấn đề trúng, trúng vấn đề mà theo quan điểm là những vấn đề bức xúc cần phải sửa đổi cấp bách trước mắt để phục vụ cho yêu cầu phát triển thị trường bảo hiểm tại Việt Nam.

Đọc ý kiến của các vị đại biểu về đóng góp thì một số ý kiến đề nghị mở rộng để bảo vệ quyền của người được bảo hiểm. Tuy nhiên, báo cáo với quý vị đại biểu Quốc hội, bên cạnh Luật kinh doanh bảo hiểm, chúng ta còn có những qui định của Bộ luật dân sự Mục 11, từ Điều 567 đến Điều 580 của Bộ luật dân sự qui định về những vấn đề bảo hiểm. Trong đó theo nguyên tắc của dân sự có những qui định mà các bên cam kết theo hợp đồng của luật.

Ở trong Bộ luật dân sự có một nguyên tắc là Bộ luật dân sự qui định đó song trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Đương nhiên thỏa thuận này phải bảo đảm không trái với nguyên tắc cơ bản pháp luật Việt Nam và đạo đức xã hội. Cho nên những qui định về kinh doanh bảo hiểm đã được qui định khá toàn diện trong Bộ luật dân sự, Bộ luật kinh doanh bảo hiểm.

Tuy nhiên phải nói rằng đây là một điển hình của một đạo luật mà báo cáo với Quốc hội là Quốc hội chỉ quy định về hình thức của chế độ pháp lý, còn nội dung của chế độ pháp lý đó như thế nào lại giao cho Chính phủ và Bộ tài chính quy định. Đây là một điều chúng tôi thấy hết sức băn khoăn, lâu nay chúng ta vẫn nói là luật thì ban hành, nhưng mà khi thực hiện thì các đối tượng điều chỉnh chủ yếu thực hiện các văn bản dưới luật. Đây là một điển hình tôi lấy ví dụ như vấn đề về bảo hiểm qua biên giới thì cũng do Chính phủ qui định, vấn đề doanh nghiệp có thể tái bảo hiểm với hệ số tín nhiệm như thế nào cũng theo mức quy định của Bộ Tài chính. Điều đáng lưu ý nhất là Điều 7 về nghiệp vụ bảo hiểm thì bên cạnh nghiệp vụ bảo hiểm được quy định trong luật này, thì luật lại giao cho Bộ Tài chính quy định các nghiệp vụ bảo hiểm khác. Như vậy thẩm quyền của Quốc hội ngang bằng với thẩm quyền của Bộ Tài chính. Vấn đề Chính phủ quy định chi tiết việc hợp tác, đấu thầu, cạnh tranh trong kinh doanh bảo hiểm, v.v. Tôi cho rằng đây là một vấn đề về quan điểm xây dựng pháp luật là chúng ta phải tính. Quốc hội không chỉ quy định về hình thức của chế độ pháp lý mà chúng ta phải quy định cả những nội dung hoặc chí ít là những nguyên tắc, những tiêu chí để làm cơ sở cho việc Chính phủ tiếp tục hoàn thiện pháp lý đó. Đây là một tồn tại yếu kém nhất của dự án luật này. Tôi cho rằng dường như những điều mà điều chỉnh trong này thì chỉ mang tính hình thức thôi. Tôi lấy ví dụ như Điều 10 về đấu thầu, hợp tác, cạnh tranh thì nội dung của Điểm a, Điểm b, Điểm c quy định tại Khoản 1 không nói lên cái gì cả. Điểm a nói về đấu thầu là nhằm. Không phải là nhằm. luật này không quy định là nhằm cái gì cả, mà quy định chế độ pháp lý về vấn đề đấu thầu. Ngoài việc tuân thủ pháp luật về đấu thầu thì trong kinh doanh bảo hiểm đấu thầu cần phải có những đặc thù gì thì chúng ta phải quy định. Rồi vấn đề hợp tác, chế độ pháp lý của hợp tác chứ không phải mục đích của hợp tác. Ba điểm này của Điều 10 không nói lên cái gì. Cuối cùng tại Khoản 3 thì giao Chính phủ quy định chi tiết hợp tác, đấu thầu, cạnh tranh trong kinh doanh bảo hiểm được quy định tại Khoản 1, Khoản 2 điều này.

Như vậy toàn bộ vấn đề về đấu thầu, về cạnh tranh, về hợp tác là do Chính phủ quy định, còn ba điểm kia chỉ nói lên mục đích của vấn đề thôi. Tôi lấy ví dụ về việc Quốc hội chỉ quy định về hình thức pháp lý, chứ không quy định về nội dung của chế độ pháp lý đó. Hơn thế nữa, tại Đoạn 1, Khoản 1, Điều 10 thì khi đọc tôi không hiểu "doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được thực hiện quy định pháp luật về đấu thầu, hợp tác, cạnh tranh trong kinh doanh bảo hiểm được thực hiện luật này theo quy định của pháp luật". Quả thực khi đọc điều luật này tôi không hiểu. Đấy là vấn đề thứ hai mà chúng tôi muốn đề nghị là luật này không quy định được cụ thể thì chí ít phải quy định các nguyên tắc, các tiêu chí về những vấn đề đó, về những vấn đề mà chúng ta điều chỉnh.

Trong thời gian qua chúng tôi thấy tại thị trường bảo hiểm chúng ta có các công ty bảo hiểm thuộc các tập đoàn, các tổng công ty Nhà nước lớn. Đây là cả vấn đề về hoạch định chính sách vĩ mô, tôi cho rằng cần phải xem xét lại chính sách này. Chúng ta có cho thành lập tất cả các tổng công ty lớn, ví dụ như Tổng công ty dầu khí, Tổng công ty hàng hải, Hàng không v.v... có cho tự thành lập công ty bảo hiểm của mình hay không? Tôi cho rằng nó sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong thị trường bảo hiểm của Việt Nam. Đây là một chính sách vĩ mô mà chúng ta phải cân nhắc.

Vấn đề cuối cùng trong vấn đề của dự án luật này là chúng ta thêm chế định giám sát. Chúng ta quy định rất đơn giản là tiến hành giám sát và thanh tra, thanh tra chuyên ngành. Thanh tra chuyên ngành và giám sát trong hệ thống pháp luật của chúng ta là cả một hệ thống pháp lý. Thanh tra thì có đối tượng thanh tra, đối tượng chịu thanh tra, thủ tục thanh tra, thẩm quyền thanh tra, hệ quả pháp lý của việc thanh tra chứ không chỉ đơn giản là giám sát. Chúng ta ghi vào đây việc giám sát thì tôi cho rằng nội hàm của quá trình giám sát như thế nào, toàn bộ chế độ việc giám sát như thế nào phải được quy định cụ thể trong luật này. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan