Góp ý của Hiệp hội bảo hiểm

Thứ Sáu 14:49 22-10-2010

Hà Nội, ngày 01 tháng 4 năm 2010

 

Số:   083/HHBH/2010

V/v: Đóng góp Dự thảo 6

 

 

      Kính gửi:    BỘ TÀI CHÍNH – CỤC QUẢN LÝ, GIÁM SÁT BẢO HIỂM

 

 

Bản Dự thảo 6 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm đã lấy ý kiến các doanh nghiệp bảo hiểm hội viên Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam song vì thời gian quá eo hẹp, Luật lại điều chỉnh liên quan đến cả doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh, đại lý, các chức danh và rất nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm (người mua bảo hiểm) nên chưa thể tổng hợp đầy đủ ý kiến đóng góp

            Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cơ bản nhất trí ý kiến đóng góp của các hội viên gửi về Hiệp hội bao gồm Bảo hiểm Bảo Việt, Great Eastern, Korea Life, Prevoir cho bản Dự thảo 6 về các vấn đề tên gọi loại hình bảo hiểm, các loại hình doanh nghiệp bảo hiểm, chứng chỉ hành nghề đại lý, quỹ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (có văn bản đính kèm). Ngoài những vấn đề nói trên, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng đây là cơ hội sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm khắc phục và quản lý được những yếu kém đã bộc lộ trong 10 năm qua mà Luật hiện hành chưa điều chỉnh để khắc phục.

            Hiện nay đã có trên 1 triệu khách hàng là tổ chức tham gia bảo hiểm bao gồm doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, các tổ chức chính quyền đoàn thể xã hội, các đơn vị hành chính sự nghiệp (bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu…) tham gia bảo hiểm. Ngoài ra còn có trên 20 triệu người dân tham gia bảo hiểm tai nạn tử vong và chăm sóc y tế, trên 4 triệu người tham gia bảo hiểm nhân thọ, trên 6 triệu chủ xe máy và gần 2 triệu chủ ô tô tham gia bảo hiểm. Khách hàng là doanh nghiệp hoặc tổ chức kinh tế xã hội thường có bộ phận chuyên có trách nhiệm về mua bảo hiểm còn đa số người dân nhận thức về bảo hiểm còn hạn chế. Vì vậy, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi lần này nên tập trung vào những vấn đề điều chỉnh của Luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người tham gia bảo hiểm với tinh thần càng viết rõ ràng dễ hiểu càng tốt. Những vấn đề điều chỉnh chỉ liên quan đến doanh nghiệp bảo hiểm thì có thể được chi tiết bởi Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Thực tế người dân không có điều kiện tiếp cận, đọc, hiểu và thực hiện rõ ràng các Nghị định và Thông tư này. Đây cũng là biện pháp bảo vệ người tiêu dùng, người nộp thuế cho Chính phủ, là tư tưởng chỉ đạo chung của các đạo Luật.

            Sau đây, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam xin đóng góp ý kiến cụ thể những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung ngoài Dự thảo 6 đã nêu:

 

        Điều 2: Nên bổ sung đối tượng là doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm hoạt động tại nước ngoài bán sản phẩm qua biên giới tại Việt Nam mà không cần có Nghị định, Thông tư hướng dẫn riêng vì cam kết quốc tế là đối xử quốc gia có nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam, công dân Việt Nam được phép làm gì thì họ làm đúng như thế (không phân biệt đối xử). Đồng nghĩa là doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam phải làm việc gì theo Luật thì doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại nước ngoài bán sản phẩm bảo hiểm vào Việt Nam phải làm như thế.

        Điều 3: Giải thích thêm một số từ ngữ có tính chất kiến thức cơ bản về bảo hiểm vừa nâng cao dân trí vừa ngăn chặn tình trạng cố tình hiểu sai thuật ngữ không có trong từ điển hiện nay như: bảo hiểm; tái bảo hiểm; môi giới bảo hiểm; đại lý bảo hiểm, rủi ro; loại trừ khấu trừ, số tiền bảo hiểm, giá trị bảo hiểm, giá trị hoàn lại, đồng bảo hiểm, bảo hiểm trùng, giấy chứng nhận bảo hiểm, giấy yêu cầu bảo hiểm, đơn bảo hiểm, bệnh sẵn có, cơ sở điều trị. Đồng thời nên bỏ các giải thích tại điểm 13, 14, 15, 16, 17. Những thuật ngữ trên không những giúp ích cho người tham gia bảo hiểm mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc xử lý tranh chấp của các tòa án và trọng tài.

         Điều 4: Nên bỏ điểm 2 vì không phù hợp với cam kết quốc tế.

         Điều 6: Nên bỏ điểm 1 vì không phù hợp với cam kết quốc tế. Bổ sung thêm nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm phi nhân thọ trở về trạng thái ban đầu như khi chưa có tổn thất (không sinh lợi khi được bồi thường) và bồi thường theo rủi ro là nguyên nhân chính, nguyên nhân trực tiếp gây ra tổn thất.

        Điều 8: Có nên phân biệt sản phẩm bảo hiểm bắt buộc (do nhà nước ban hành) với việc bắt buộc phải mua bảo hiểm (tự chọn doanh nghiệp bảo hiểm, quy tắc điều khoản biểu phí thích hợp để mua) như các Luật khác quy định: Luật du lịch (lữ hành trong nước và quốc tế), Luật xây dựng, Luật giao thông thủy nội địa, Luật đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

        Điều 10: Nên bổ sung điểm về vai trò của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam trong hợp tác và cạnh tranh.

Điều 12: Sửa đổi điểm 2 khoản 6 “Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm” (bỏ từ dân sự) và bổ sung thêm hợp đồng bảo hiểm thiệt hại kinh doanh (gián đoạn kinh doanh, rủi ro tài chính, chỉ số thời tiết).

Điều 14: Nên bổ sung hình thức giao kết hợp đồng bảo hiểm:

Trường hợp 1: Giấy yêu cầu bảo hiểm (chào mua) đi kèm với Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm (chứng nhận bán).

Trường hợp 2: Cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.

Trường hợp 3: Cùng ký hợp đồng bảo hiểm giữa bên bảo hiểm và bên tham gia bảo hiểm.

Trường hợp 4: Cùng ký 3 bên (có thêm bên cho vay và tài sản thế chấp).

Điều 17: Điểm 2 khoản b không nhất thiết giao kết hợp đồng bảo hiểm phải cấp 2 loại giấy này, nên ghi rõ là phải cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm hoặc hợp đồng bảo hiểm.

Bổ sung thêm nghĩa vụ: cung cấp Quy tắc, điều khoản bảo hiểm cho khách hàng (để đỡ xảy ra tranh chấp).

Điều 18: Bổ sung thêm nghĩa vụ đọc và hiểu rõ nội dung Quy tắc, điều khoản bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm mà mình mua bảo hiểm.

Điều 22: Cần bổ sung việc xử lý hợp đồng bảo hiểm vô hiệu không dẫn chiếu Bộ luật dân sự và các Luật liên quan.

Điều 23: Điểm 2 nên bỏ cụm từ “trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác” để tránh lách luật vì có thỏa thuận khác phải ghi trong phụ lục hợp đồng bổ sung.

Điều 26: Ghi rõ hơn “Chuyển nhượng hợp đồng của người tham gia bảo hiểm” để phân biệt chuyển nhượng chuyển giao hợp đồng bảo hiểm theo luật giữa các doanh nghiệp bảo hiểm.

Điều 29: Nên bổ sung thêm “doanh nghiệp bảo hiểm phải công bố quy trình và thủ tục giải quyết bồi thường trên trang web của doanh nghiệp bảo hiểm và báo cáo với Bộ Tài chính”.

Điều 34: Nên bổ sung thêm là “khai báo tuổi và tình trạng sức khỏe” (bệnh tật, thương tật, tiền sử), không nên gọi là “thông báo”.

Điều 47: Nên quy định doanh nghiệp bảo hiểm có quyền lựa chọn hình thức bồi thường nào có lợi nhất theo thông lệ quốc tế hiện hành.

Điều 48: Nên quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức giám định độc lập đối với kết quả giám định. Nếu xảy ra trục lợi bảo hiểm phải có nghĩa vụ bồi thường hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

MỤC 4: bỏ từ “dân sự” trong các thuật ngữ “bảo hiểm trách nhiệm dân sự” của tất cả các điều của MỤC này.

Bổ sung thêm MỤC 5: “HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM THIỆT HẠI KINH DOANH”.

MỤC 3, Điều 74: bổ sung tên gọi “Chuyển giao hợp đồng bảo hiểm giữa các doanh nghiệp bảo hiểm” để phân biệt chuyển giao chuyển nhượng tại điều 26.

Điều 86: Nên mở rộng cả đại lý là người nước ngoài, phù hợp với cam kết quốc tế và quy trình hội nhập mở cửa.

CHƯƠNG VI: Nên bỏ doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài vì thực tế chúng ta đã không phân biệt đối xử, chỉ nên để điều chỉnh đối với văn phòng đại diện công ty bảo hiểm nước ngoài.

      

Vậy, đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Ban biên soạn và tổ biên tập Luật sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm tiếp thu những ý kiến đóng góp trên của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam./.

 

Nơi gửi:

-         Như trên,

-         Lưu VT.

 

 

 

 

HIỆP HỘI BẢO HIỂM VIỆT NAM

TỔNG THƯ KÝ

 

 

 

Phùng Đắc Lộc

 

Các văn bản liên quan