Góp ý của VCCI về Dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi

Thứ Sáu 14:50 22-10-2010

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

------------------------------

Số:  1479  /PTM-PC

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

-----------------------------------

Hà Nội, ngày  26   tháng 05 năm 2010

 

Kính gửi: BỘ TÀI CHÍNH

V/v: Góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm

 

Phúc đáp Công văn số 4589/BTC-QLBH của Bộ Tài chính đề nghị góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm (sau đây gọi là Dự thảo), trên cơ sở những ý kiến của các doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số góp ý như sau:

1.     Về cơ bản đồng ý với những điều khoản được sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo

2.     Bên cạnh những điều khoản được sửa đổi, bổ sung quy định trong Dự thảo, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét sửa đổi những nội dung ngoài Dự thảo như sau:

-         Về quy định giải thích từ ngữ (Điều 3): Đề nghị làm rõ các khái niệm “bảo hiểm”, “tái bảo hiểm”, “môi giới bảo hiểm”, “đại lý bảo hiểm, rủi ro”, “giá trị bảo hiểm”, “giá trị hoàn lại”, “đồng bảo hiểm”, “bảo hiểm trùng”, “giấy chứng nhận bảo hiểm”, “giấy yêu cầu bảo hiểm”, “đơn bảo hiểm” để tạo sự thống nhất trong cách hiểu và thuận lợi khi giải quyết tranh chấp;

-         Đề nghị bỏ khoản 2, Điều 4 (bảo đảm của Nhà nước đối với kinh doanh bảo hiểm); khoản 1 Điều 6 (những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động bảo hiểm) vì không phù hợp với cam kết quốc tế;

-         Về quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm (Điều 17): điểm b khoản 2 Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định, “doanh nghiệp bảo hiểm phải có nghĩa vụ cấp cho bên mua bảo hiểm giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm ngay sau khi giao kết hợp đồng bảo hiểm”. Việc doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp cho bên mua bảo hiểm hai loại giấy là “giấy chứng nhận bảo hiểm” và “đơn bảo hiểm” là không cần thiết, đề nghị chỉ nên cấp một trong hai loại giấy này;

-         Về quy định giám định tổn thất (Điều 48) nên bổ sung quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức giám định độc lập đối với kết quả giám định, nếu xảy ra trục lợi bảo hiểm phải có nghĩa vụ bồi thường, tùy theo mức độ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự;

-         Dự thảo sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 86: một trong những điều kiện để cá nhân hoạt động đại lý bảo hiểm phải có điều kiện là có chứng chỉ hành nghề đại lý bảo hiểm. Tuy nhiên, Dự thảo lại không quy định về tiêu chuẩn của cá nhân muốn được cấp chứng chỉ hành nghề này, cơ quan cấp, trình tự … Đề nghị Dự thảo quy định rõ hoặc trao quyền cho văn bản cấp dưới quy định;

-         Đề nghị làm rõ thêm về quy trình giám định tại Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm, theo đó, khi Tòa án đã chỉ định giám định viên độc lập và bắt buộc đối với các bên, thì kết luận này có bắt buộc kể cả sau khi hai bên kiện nhau ra tòa án.

Theo quy định của  Pháp lệnh Giám định tư pháp (2004) và Bộ luật tố tụng dân sự (2004) thì khi vụ việc đưa ra Tòa án và Tòa án yêu cầu giám định thì một (các) bên có quyền yêu cầu giám định lại, giám định bổ sung. Vậy một vụ giám định tổn thất bảo hiểm có thể phải qua bốn (04) lần giám định, bao gồm:

          + Giám định lần 1 theo khoản 1, Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm;

          + Giám định lần 2 theo khỏan 2, Điều 48 Luật Kinh doanh bảo hiểm;

          + Giám định lần 3 tại Tòa án theo Pháp lệnh Giám định tư pháp (2004) và/hoặc Bộ luật tố tụng dân sự (2004);

          + Giám định lại (Điều 90 Bộ luật tố tụng dân sự) và/hoặc giám định bổ sung (Điều 32) và/hoặc giám định lại (Điều 33 – Pháp lệnh giám định tư pháp 2004).

Cần làm rõ điều này theo hướng, đã giám định thương mại (ngoài tòa) hoặc giám định tư pháp (tại tòa) thì một vụ giám định tổn thất cũng không được quá ba lần để tiết kiệm thời gian, chi phí vật chất.

- Khoản 2 Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định “Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng”. Đề nghị quy định rõ “quy định rõ” là như thế nào? Nếu không quy định chi tiết “điều khoản loại trừ” trong Hợp đồng Bảo hiểm mà chỉ dẫn chiếu đến một quy tắc bảo hiểm, trong đó quy tắc này có điều khoản loại trừ thì có được coi là “quy định rõ” hay không? Đề nghị Dự thảo quy định về quy định theo hướng bắt buộc, nếu trong quy tắc bảo hiểm kèm theo hợp đồng có điều khoản loại trừ thì buộc doanh nghiệp bảo hiểm phải nêu rõ trên hợp đồng điều khoản loại trừ này, kể cả khi đã dẫn chiếu quy tắc.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Rất mong cơ quan soạn thảo lưu ý xem xét, cân nhắc để hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 

 

Nơi nhận:

-         Như trên;

-         Lưu VT, PC

 

 

 

T/L. CHỦ TỊCH

TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ

 

Đã ký

 

 

TRẦN HỮU HUỲNH

 

 

 

 

Các văn bản liên quan