Tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp bảo hiểm về Dự thảo luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi

Thứ Sáu 14:49 22-10-2010

TỔNG HỢP ĐÓNG GÓP SỬA ĐỔI BỔ SUNG

LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM

 

I.       Đánh giá chung:

          Luật Kinh doanh bảo hiểm ban hành năm 2000 là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển ngành bảo hiểm Việt Nam thời gian qua. Từ lúc thị trường mới có 10 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 1 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 1 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 1 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đến nay đã có 28 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 11 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 10 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Thành tựu trưởng thành của ngành bảo hiểm đã chứng minh được tính đúng đắn, thực tế và khoa học tiên tiến của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Toàn thị trường năm 2009 đã đạt doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ 13.641 tỷ đồng, bảo hiểm nhân thọ 11.800 tỷ đồng, môi giới khai thác được 15% doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ, phát triển được 150.000 đại lý bảo hiểm, 15.000 cán bộ bảo hiểm, thu hút được 69.000 tỷ đồng đầu tư vào nền kinh tế, đáp ứng được cơ bản nhu cầu bảo hiểm của nền kinh tế xã hội với 800 sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, 200 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, là tấm lá chắn vững chắc cho các tổ chức kinh tế - xã hội và dân cư trước những rủi ro thiên tai, tai nạn, là hậu thuẫn và gián tiếp góp phần thúc đẩy đầu tư trong nước, vốn FDI, vốn ODA, nhất là những ngành nghề, công trình mới đòi hỏi kỹ thuật cao.

          Song, quá trình phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam thời gian qua còn bộc lộ nhiều tồn tại cần được điều chỉnh bởi Luật Kinh doanh bảo hiểm, một cơ sở pháp lý cao hơn các văn bản hướng dẫn hiện hành. Những tồn tại cần khắc phục là:

          1. Hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ:

-        Kể từ Thông tư 98/2004 cho phép doanh nghiệp bảo hiểm được phép đăng ký sản phẩm bảo hiểm không cần chấp thuận của Bộ Tài chính và Thông tư 155 cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chỉ báo cáo Bộ Tài chính sản phẩm bảo hiểm mới triển khai tháng trước thì được hiểu rằng đã tự do hoá hoàn toàn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp bảo hiểm tự do cạnh tranh gay gắt tới mức không lành mạnh bằng hạ phí, mở rộng điều khoản điều kiện bảo hiểm không tương xứng với rủi ro bảo hiểm. Hậu quả đã nhiều doanh nghiệp bảo hiểm không có lãi về hoạt động kinh doanh bảo hiểm kéo theo hiện tượng chậm trễ giải quyết bồi thường, cắt giảm tiền bồi thường bằng những chế tài hoặc lý do không được khách hàng chấp thuận. Trong bối cảnh hiện nay chưa thống kê được xác suất tổn thất toàn thị trường nên không thể quy lỗi cho doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm với phí bảo hiểm thấp hơn rủi ro được bảo hiểm, không xử lý được hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh trên.

-        Không chỉ các doanh nghiệp bảo hiểm cạnh tranh với nhau mà còn tới 500 chi nhánh, văn phòng giao dịch thậm chí cùng trong một doanh nghiệp bảo hiểm cũng bước vào cạnh tranh làm tăng chi phí bán hàng: tăng tiếp khách, quà biếu, khuyến mại, tăng hoa hồng hoặc biến tướng hoa hồng trả trực tiếp cho khách hàng, chuyển một số quyền lợi chi đề phòng hạn chế cho khách hàng… Tỷ lệ chi phí bồi thường ngày càng tăng. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, nhiều chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm thua lỗ liên tục nhiều năm liền nhưng chưa xử lý người đứng đầu có năng lực tổ chức điều hành yếu kém trong trường hợp này. Nghĩa là chỉ có kiểm soát trước văn bằng chứng chỉ kinh nghiệm khi bổ nhiệm, không có kiểm soát sau.

-        Người tham gia bảo hiểm không hiểu Luật Kinh doanh bảo hiểm và nhất là các văn bản hướng dẫn, không được giải thích rõ Quy tắc điều khoản điều kiện bảo hiểm, thậm chí không cần biết đến quy tắc điều khoản điều kiện bảo hiểm vẫn chấp nhận  mua bảo hiểm. Họ thường lựa chọn mua bảo hiểm sao cho mức phí bảo hiểm thấp nhất, được khuyến mại quà tặng tốt nhất, được trả hoa hồng biến tướng là đại lý cao hơn các doanh nghiệp bảo hiểm khác. Vì vậy khi xảy ra tổn thất thì cho rằng tổn thất doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường bất kỳ nguyên nhân gì, kể cả nguyên nhân không được bảo hiểm, nguyên nhân loại trừ. Hậu quả là khiếu nại kéo dài, thậm chí còn đưa ra xét xử tại toà án hoặc đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng làm xấu đi uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng, ngành bảo hiểm nói chung. Phía cơ quan quản lý chưa xử phạt được hiện tượng chậm trễ, cắt giảm, bớt xén hoặc từ chối bồi thường không thoả đáng vì không buộc các doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng quy trình giám định tổn thất, giải quyết bồi thường, công khai minh bạch thủ tục hồ sơ bồi thường.

-        Đội ngũ cán bộ bảo hiểm chưa có được tiêu chuẩn cho từng chức năng công việc học đảm nhận. Trong khi đó chính họ là người khai thác bảo hiểm, có thể thêm bớt điều khoản, điều kiện bảo hiểm, tăng giảm phí bảo hiểm. Nhất là bảo hiểm là sản phẩm trừu tượng, bán lời cam kết bồi thường nên cần bắt buộc đối tượng này phải qua lớp đào tạo ít nhất là mức độ cao hơn quy định đào tạo của đại lý bảo hiểm.

-        Chưa xây dựng và phát triển được đội ngũ đại lý bảo hiểm chuyên nghiệp như bảo hiểm nhân thọ.

-        Bảo hiểm đòi hỏi chuẩn mực đạo đức nghiêm ngặt vì gắn liền với lời cam kết với khách hàng, gắn liền với thu phí bảo hiểm, chi bồi thường cho khách hàng. Cần có quy định chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm và cần nghiêm cấm hành nghề có thời hạn đối với người vi phạm chuẩn mực đạo đức hành nghề nói trên.

          2. Hoạt động bảo hiểm nhân thọ:

-        Trên thị trường có rất nhiều loại nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ: trọn đời, sinh kỳ, tử kỳ, hỗn hợp, trả tiền định kỳ, liên kết chung, liên kết đơn vị. Mỗi loại có những đặc thù riêng trong khi đó Chương Hợp đồng bảo hiểm, Mục Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giới thiệu quá sơ sài nên người tham gia bảo hiểm chỉ dựa vào mỗi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ theo từng loại của từng doanh nghiệp bảo hiểm làm căn cứ, khó có thể so sánh cạnh tranh lựa chọn sản phẩm của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau. Duy chỉ có sản phẩm bảo hiểm liên kết chung và liên kết đầu tư được ban hành theo Quyết định 96 và Quyết định 120 của Bộ Tài chính là tương đối rõ ràng, dễ hiểu đối với công chúng cần được đưa vào Luật Kinh doanh bảo hiểm.

-        Doanh nghiệp bảo hiểm được cấp phép hoạt động 30 – 50 năm trong khi đó ban hành sản phẩm suốt đời (99 năm) làm cho khách hàng e ngại.

-        Việc phát hiện, tuyển dụng, đào tạo được một đại lý giỏi về nghiệp vụ và có khả năng thu hút hàng trăm hàng nghìn đại lý khác cũng như phát hiện, tuyển dụng, đào tạo được một cán bộ bảo hiểm trong việc quản lý đại lý, phát triển sản phẩm, tính phí bảo hiểm… là khó khăn và là một quá trình lâu dài. Các doanh nghiệp bảo hiểm ít đầu tư cho đào tạo nên giành giật những người tài giỏi nói trên về doanh nghiệp bảo hiểm của mình tuy không công khai nhưng rất gay gắt. Trong khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm bị chảy máu chất xám phải đối mặt với Luật Lao động, không thể giữ người được. Nên chăng cần có quy định thời gian chờ tuyển từ doanh nghiệp bảo hiểm sang doanh nghiệp bảo hiểm khác từ 3-6 tháng như các nước trên thế giới đang áp dụng.

-        Việc đại lý bảo hiểm không giải thích rõ hợp đồng bảo hiểm, giấy yêu cầu bảo hiểm, minh hoạ bán hàng hoặc cố tình giải thích sai lệch nhằm sao cho khách hàng ký kết được hợp đồng từ đó có hoa hồng đại lý, không căn cứ vào yêu cầu bảo hiểm cũng như khả năng tài chính đóng phí bảo hiểm của khách hàng làm xảy ra khiếu kiện hoặc từ bỏ hợp đồng giữa chừng chưa có bằng chứng hoặc bằng chứng chưa rõ ràng để xử lý.

-        Việc đại lý bỏ việc giữa chừng không cử người thay thế để thu phí bảo hiểm, chăm sóc khách hàng làm ảnh hưởng quyền lợi khách hàng, thậm chí họ chán nản huỷ bỏ hợp đồng.

-        Việc bán bảo hiểm qua tổng đại lý, qua ngân hàng (bancassurance) đang cần có hướng dẫn cụ thể liên quan đến đào tạo, chi trả hoa hồng, chuyển một phần kinh phí để tổng đại lý, ngân hàng làm giúp (đào tạo, tuyển dụng, quản lý đại lý), thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân hay thuế thu nhập doanh nghiệp.

          3. Hoạt động tái bảo hiểm.

-        Tái bảo hiểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước với điều kiện khó khăn hơn (phí thấp, hoa hồng cao) so với cùng tái bảo hiểm ra nước ngoài.

-        Những rủi ro không phải tái bảo hiểm (< 10% vốn pháp định) hạ phí mở rộng điều khoản điều kiện để cạnh tranh, chấp nhận rủi ro xấu.

-        Chia nhỏ đối tượng được bảo hiểm để không phải tái bảo hiểm để được phép cạnh tranh hạ phí mở rộng điều khoản điều kiện bảo hiểm.

-        Tổng hợp tất cả các đối tượng được bảo hiểm của một tổ chức kinh tế (không phân biệt vị trí địa lý) để đạt được mức tái bảo hiểm tạm thời cạnh tranh phí bảo hiểm.

          4. Hoạt động môi giới.

-        Cán bộ môi giới bảo hiểm không được đào tạo bảo hiểm (không có quy định).

-        Môi giới lắp ghép điều khoản, điều kiện, phí bảo hiểm của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tham gia chào hàng hoặc đấu thầu thành một Quy tắc điều khoản điều kiện bảo hiểm hoàn toàn mới cho hợp đồng bảo hiểm chưa được đăng ký với Bộ Tài chính.

-        Vấn đề môi giới có được ban hành và đăng ký sản phẩm bảo hiểm với Bộ Tài chính;

-        Tình trạng rửa tiền hoa hồng qua môi giới không phải hiếm, có biện pháp nào ngăn chặn được.

          5. Khách hàng

-        Khách hàng đòi trả hoa hồng, thậm chí đòi trả hoa hồng cao nhất mới chấp nhận mua bảo hiểm;

-        Khách hàng chia nhỏ tài sản, nhóm người tham gia nhiều doanh nghiệp bảo hiểm để phát huy vai trò thượng đế, được hưởng chế độ chăm sóc khách hàng;

-        Khách hàng coi bảo hiểm là mua sắm thường xuyên để hạ thấp mức tổ chức đấu thầu;

-        Khách hàng huỷ bỏ hợp đồng được hoàn phí nhưng không hạch toán vào sổ sách;

-        Khách hàng được bồi thường nhưng không hạch toán hoặc hạch toán một phần vào sổ sách.

 

II - Những nội dung cần sửa đổi bổ sung

1.     Quan điểm sửa đổi bổ sung

-       Cần đưa những vấn đề cam kết WTO trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vào Luật, trong đó có bán bảo hiểm qua biên giới vào Việt Nam. Những doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài bán bảo hiểm vào Việt Nam cần phải đối xử ngang bằng và tuân thủ Luật kinh doanh bảo hiểm như các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam (nguyên tắc đối xử quốc gia). Vì vậy, chỉ cần thêm đối tượng điều chỉnh Luật là các doanh nghiệp bảo hiểm tại nước ngoài bán bảo hiểm qua biên giới vào Việt Nam.

-       Cần đưa những nội dung quy phạm được điều chỉnh bởi Nghị định 45, Nghị định 46, Nghị định 130, Nghị định 103, Nghị định 41, Thông tư 155, Thông tư 156, Thông tư 03, Thông tư 126, Quyết định 28, Quyết định 96, Quyết định 120 vào Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi bổ sung.

-       Những nội dung Luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của khách hàng, hay xảy ra tranh chấp, gặp khó khăn khi xét xử qua toà án, trọng tài cần nêu rõ ràng trong Luật sửa đổi bổ sung không cần thiết phải có nghị định, thông tư hướng dẫn trong điều kiện nhân dân và các nhà chức trách chưa hiểu hết về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, quy tắc điều khoản điều kiện bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, giám định nguyên nhân và mức độ thiệt hại, quyền lợi được giải qyết bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm.

-       Theo Luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành chỉ quy định một số vấn đề cần có nghị định, thông tư hướng dẫn

Điều 8 – Bảo hiểm bắt buộc: Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định

Điều 9 – Tái bảo hiểm: Tái bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm trong nước theo quy định của Chính phủ.

Điều 73 – Bảo hiểm tương hỗ: thành lập, tổ chức, hoạt động do Chính phủ quy định.

Điều 77 - Khả năng thanh toán: Biên khả năng thanh toán tối thiểu do Chính phủ quy định.

Điều 94 – Chính phủ quy định mức vốn pháp định.

Điều 95 – Chính phủ quy định mức tiền ký quỹ và cách thức ký quỹ.

Điều 96 – Bộ Tài chính quy định mức trích lập, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ.

Điều 97 – Mức tối đa quỹ dự trữ do Chính phủ quy định.

Điều 98 – Chính phủ quy định cụ thể danh mục đầu tư.

Điều 108 – Chế độ báo cáo tài chính định kỳ theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 115 – Chính phủ quy định mức vốn pháp định của doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm nước ngoài.

Hiện nay, những vấn đề không được Luật quy định cần được hướng dẫn thêm bởi nghị định, thông tư thì không được hướng dẫn. Vì vậy, Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi bổ sung cần được xây dựng chi tiết hơn.

2.     Những vấn đề cần sửa đổi bổ sung

-       Điều 2 khoản 1 cần sửa đổi là phạm vi điều chỉnh bao gồm cả doanh nghiệp hoạt động tại nước ngoài bán sản phẩm bảo hiểm qua biên giới vào Việt Nam và nếu có tranh chấp sẽ xử theo Luật Kinh doanh bảo hiểm.

-       Điều 3: Cần đưa vào một số định nghĩa giải thích từ ngữ: hợp đồng bảo hiểm, giấy yêu cầu bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, tái bảo hiểm, đồng bảo hiểm, bảo hiểm trùng, rủi ro được bảo hiểm, nguyên nhân trực tiếp gây ra tổn thất, tổn thất toàn bộ thực tế, tổn thất toàn bộ ước tính, tổn thất chung, giá trị hoàn lại, cơ sở điều trị, bệnh kinh niên, bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo, tiền sử bệnh tật. Những định nghĩa này liên quan đến quyền lợi người được bảo hiểm và hay xảy ra tranh chấp ngay cả tòa án, trọng tài cũng không hiểu hết được.

Điều 3 khoản 18 bỏ từ “dân sự” vì bảo hiểm trách nhiệm bao gồm nhiều vấn đề: trách nhiệm sản phẩm, trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm sử dụng lao động, trách nhiệm bồi thường người thứ ba, trách nhiệm hợp đồng …

-       Điều 4: bỏ khoản 2 để phù hợp cam kết WTO (không trợ giúp doanh nghiệp).

-       Điều 6: bỏ khoản 1 để phù hợp cam kết WTO bán sản phẩm qua biên giới.

-       Điều 7: khoản 2 và khoản 3 quy định 2 mức độ Chính phủ và Bộ Tài chính với cùng nội dung là mâu thuẫn và cách phân chia loại bảo hiểm phi nhân thọ dẫn đến trùng lắp (tài sản và thiệt hại, các tài sản cụ thể và thiệt hại kinh doanh …) cần phân chia bảo hiểm phi nhân thọ theo 2 cách: theo đối tượng được bảo hiểm hoặc theo rủi ro được bảo hiểm.

-       Điều 8: cần nghiên cứu mở rộng thêm một số đối tượng thuộc bảo hiểm bắt buộc (bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm liên quan đến tính mạng sức khỏe của con người, vật nuôi, cây trồng, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp liên quan đến tính mạng sức khỏe con người: du lịch, bác sĩ điều trị, cắt tóc nhuộm tóc, mỹ viện, trò chơi mạo hiểm …)

-       Điều 9: Bỏ khoản 1 không còn tái bảo hiểm bắt buộc.

-       Điều 10: Bổ sung khoản 2 các hành vi sau đây:

+       Cạnh tranh bằng hạ phí bảo hiểm, mở rộng điều khoản điều kiện bảo hiểm không tương xứng với rủi ro được chấp nhận bảo hiểm.

+       Cạnh tranh bằng trả hoa hồng trực tiếp cho khách hàng tham gia bảo hiểm.

-       Cần bổ sung một số điều sau Điều 9 quy định về sản phẩm bảo hiểm (quy tắc điều khoản, điều kiện bảo hiểm) quy định về bán bảo hiểm (trực tiếp, môi giới, đại lý).

-   Điều 12 khoản 2.c bỏ đi từ dân sự như đã trình bày trên khoản 4 có mâu thuẫn với việc theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm.?

-   Điều 14 Cần nói rõ hợp các trường hợp giao kết hợp đồng bảo hiểm:

+ Chỉ cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cho những sản phẩm bảo hiểm bắt buộc không cần kí hợp đồng hoặc cấp đơn không cần giấy yêu cầu bảo hiểm.

+ Cấp giấy chứng nhận đính kèm với giấy yêu cầu bảo hiểm (đề nghị mua bảo hiểm)

+ Cấp đơn bảo hiểm (chấp nhận bán bảo hiểm) đi kèm yêu cầu bảo hiểm (đề nghị mua bảo hiểm)

+ Ký hợp đồng bảo hiểm và nếu khách hàng yêu cầu có thể cấp giấy chứng nhận bảo hiểm.

          -  Điều 15 Sửa cụm từ “bên mua đóng phí bảo hiểm” thành cụm từ “bên mua bảo hiểm đã đóng đầy đủ và kịp thời phí bảo hiểm”.

          -  Điều 16 khoản 2 cần viết rõ ràng hơn vì hầu hết loại trừ bảo hiểm được ghi  trong quy tắc điều khoản điều kiện bảo hiểm do Bộ Tài chính hoặc doanh nghiệp bảo hiểm ban hành. Hợp đồng bảo hiểm, giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm chỉ dẫn chiếu quy tắc điều khoản điều kiện bảo hiểm được ban hành tại quyết định hay thông tư nào.

          -  Điều 17 khoản 2: Trước hết cần bổ sung nghĩa vụ doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ cung cấp quy tắc điều khoản điều kiện bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm đính kèm với hợp đồng bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm. Khoản 2b cần sửa là: “Cung cấp cho bên mua bảo hiểm hợp đồng bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm ngay sau khi giao kết hợp đồng bảo hiểm” để rõ ràng chính xác hơn. Khoản 2d cần sửa là “từ chối một phần hoặc toàn bộ trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường bảo hiểm” để rõ ràng chính xác hơn.

          -  Điều 18 khoản 1b cần bổ xung “yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp và giải thích Quy tắc điều khoản điều kiện bảo hiểm….”. Khoản 2 cần bổ sung “đọc và hiểu rõ quy tắc điều khoản điều kiện bảo hiểm trước khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.”

          -  Điều 19 khoản 3 Cần viết lại rõ ràng hơn vì tòa án Hải phòng đã xử tranh chấp giữa công ty du lịch Duy Linh và Bảo Long về việc bảo hiểm cho tài lai dắt không đúng với Quy tắc đăng ký với Bộ Tài chính phải hủy hợp đồng hoàn trả toàn bộ phí nhưng vẫn phải bồi thường thiệt hại con tàu bị đắm. Ở đây thiệt hại phát sinh là lãi của phí đã đóng, các chi phí giao kết hợp đồng, chi phí đánh giá rủi ro, chi phí xác định giá trị bảo hiểm (nếu có)

          -  Điều 21 Để tiết kiệm giấy tờ in hợp đồng bảo hiểm không cần phải giải thích những từ đã có trong từ điển tiếng việt, điều này cần ghi rõ hơn: “… thì điều khoản đó được giải thích theo từ điểm tiêng Việt. Nếu từ điển tiếng Việt không có điều khoản không rõ ràng đó thì được giải thich theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm”

          -  Điều 22 khoản 2 xem lại vơi nội dung theo Luật Kinh doanh bảo hiểm.

          -  Điều 23 Cần bổ sung trong trường hợp thứ 4: Doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường tổn thất xảy ra quá 2 lần trong thời hạn của hợp đòng bảo hiểm (thường là trục lợi bảo hiểm nếu phải bồi thường liên tục nhiều lần hoặc gặp khách hàng có rủi ro cao).

          -  Điều 24 Xem lại với nội dung theo Luật kinh doanh bảo hiểm.

          -  Điều 25 khoản 1 sửa là trừ trường hợp thỏa thuận sửa đổi bổ sung hợp đồng vi phạm pháp luật hiện hành.

          -  Điều 28 khoản 3 tính từ ngày người thứ ba có yêu cầu rất khó cho doanh nghiệp bảo hiểm với trường hợp bảo hiểm trách nhiệm người tư vấn thiết kế, trách nhiệm sản phẩm (thuốc lá thuốc chữa bện gây hại sau nhiều năm mới phát hiện đòi bồi thường)

          -  Điều 31 khoản 2 nên mở rộng trường hợp mua bảo hiểm cho người khác mà chính người khác là người được hưởng quyền lợi bảo hiểm để phục vụ trường hợp người mua bảo hiểm cho, tặng, biếu hoặc chủ doanh nghiệp  mua bảo hiểm cho cán bộ công nhân viên.

          -  Điều 34 khoản 1,2,3 chưa đề cập đến tuổi người đóng phí bảo hiểm hiểm, xác suất chết của họ cũng là rủi ro thu đủ phí bảo hiểm hay không.

          -  Điều 38 Người sử dụng lao động có quyền mua bảo hiểm cho người lao động, một người có thể mua bảo hiểm và tặng biếu cho chính người được bảo hiểm (tặng bà mẹ Việt Nam anh hùng, tặng mua sinh nhật trẻ em…), cần sửa lại khoản 1,2.

          -  Điều 40 nên bổ sung “và có thể các quyền tài sản” để không bị hiểu lầm là gồm cả tài sản lẫn quyền về tài sản (thiệt hại  kinh doanh).

          -  Điều 44 khoản 1: Thiếu cụm từ tại thời điểm xảy ra tổn thất các hợp đồng giao kết nói trên đều còn hiệu lực bảo hiểm. Cần bổ sung khoản 3 cho trường hợp đồng bảo hiểm.

          -  Điều 46 bổ sung khoản 4: Nghiêm cấm doanh nghiệp bảo hiểm dùng chế tài để cắt giảm tiền bảo hiểm nếu chế tài này không được ghi rõ trong quy tắc, điều khoản, điều kiện bảo hiểm và khoản 5 doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được bảo hiểm cho những tổn thất thuộc rủi ro được bảo hiểm trực tiếp gây ra

          -  Điều 47 khoản 3: Thay quyền thu hồi bằng quyền sở hữu chính xác hơn. Bổ sung khoản 4 nói về thế quyền khi đã bồi thường xong.

          -  Điều 48 khoản 1: Nên có quy định điều kiện để doanh nghiệp bảo hiểm tự đứng ra giám định tổn thất (tiêu chuẩn giám định viên) tránh trường hợp hiện nay ai cũng giám định được nên hay xảy ra khiếu kiện. Người không biết gì về ô tô giám định tổn thất ô tô, không biết gì về một sản phẩm nào đó đứng ra giám định tổn thất. Khoản 2 nên viết lại vì tòa án không làm một việc chỉ định giám định viên độc lập, chỉ khi nào xét xử qua tòa án mới trưng cầu giám định nên có thêm cả trọng tài.

          -  Điều 50 khoản 1: Nên bổ sung cụm từ “kiểm định kỹ thuật an toàn giao thông”.

          -  Mục 4 chương 2: Nên bỏ từ “dân sự” trong tên của mục và điều 52.

          -  Điều 59: Cần phân loại lại loại hình doanh nghiệp bảo hiểm.

          -  Điều 61 khoản 2: Bỏ cụm từ  “hay toàn bộ trách nhiệm” trái với nghị định thông tư hướng dẫn hiện hành.

          -  Điều 62, 63, 64, 65, 66, 67, 68, 69: Cần bổ sung thêm những vấn đề đã được quy định tại Nghị định 45, Thông tư 155. Nếu không bổ sung thêm thì các điều này phải thêm câu “ Chính phủ ban hành hướng dẫn chi tiết”.

          -  Mục 4 chương 3: Nên bổ sung quy định về mua bán, sáp nhập, chia tách, hợp nhất doanh nghiệp bảo hiểm.

          -  Điều 86 khoản 1a: Nên bổ sung cả người nước ngoài để đúng cam kết WTO và hội nhập mở cửa thị trường bảo hiểm.

          -  Điều 88: Nên bổ sung trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh đạo đức hành nghề đại lý do BTC quy định.

            Cần bổ sung quyền và nghĩa vụ đại lý, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm với hoạt động đại lý, những hành vi nghiêm cấm với đại lý đã được quy định tại Thông tư 155, Nghị định 45.

            -  Chương VI: Cần xem xét có nên phân biệt đối xử yếu tố nước ngoài.

 

            -  Điều 91: Bổ sung nghiêm cấm doanh nghiệp bảo hiểm lợi dụng hình thức chào hàng cạnh tranh hoặc đấu thầu để lắp ghép sửa đổi nhiều quy tắc điều khoản, điều kiện bảo hiểm của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm thành một đơn bảo hiểm hoặc hợp đồng bảo hiểm.

            -  Sau điều 97 cần có một điều nói về trả hoa hồng, chi phí đề phòng hạn chế tổn thất, đóng góp kinh phí phòng cháy chữa cháy và Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới.

            -  Điều 120 khoản 3: Cần nêu rõ hơn với 3 loại: Bộ Tài chính ban hành, Bộ Tài chính phê duyệt và đăng ký với Bộ Tài chính.

            -  Điều 124: Cần bổ sung thêm một số nội dung xử lý vi phạm theo tên gọi các hành vi vi phạm bị xử lý tại Nghị định 41.

 

 

 

Các văn bản liên quan