Góp ý của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam

Thứ Ba 15:01 17-08-2010

 

HIỆP HỘI KINH DOANH    VÀNG VIỆT NAM

­­­­­­­­­

 

Số:       /2010/CV-HHV

 

 

V/v Góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2006/NĐ-CP về hàng hóa, dịch vụ cấm kd, hạn chế kd và kd có điều kiện

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 


Hà Nội, ngày       tháng       năm 2010

 

 

 

 

 

Kính gửi:

- Bộ Công thương,

- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam,

 

 

Trước hết, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam xin gửi tới quý Cơ quan lời chào trân trọng và xin chân thành cảm ơn sự quan tâm hợp tác, hỗ trợ của quý Cơ quan đối với Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam.

Trong những năm qua, ngành vàng bạc đá quý Việt Nam đã có những bước phát triển khá mạnh, tạo không ít công ăn việc làm cho người lao động, đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho Nhà nước và đóng góp một phần không nhỏ cho ngân sách Nhà nước. Thị trường vàng Việt Nam được Hội đồng Vàng Thế giới đánh giá là một trong những thị trường vàng tiềm năng trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nay thị trường vàng Việt Nam vẫn còn manh mún, kém phát triển, sức cạnh tranh yếu, thị trường chưa thật ổn định do nhiều nguyên nhân, trong đó so với các quốc gia trong khu vực, chúng ta còn có những hạn chế về mặt chính sách.

Trong khi đó, thị trường vàng của các quốc gia trong khu vực đang ngày càng phát triển mạnh theo hướng tự do hóa, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi và hàng năm đóng góp một phần đáng kể trong GDP, như Trung Quốc cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng; khuyến khích đầu tư vàng và sản xuất, kinh doanh vàng trang sức; cho phép giao dịch vàng trên tài khoản ở trong nước và ở nước ngoài; đa dạng hóa các hình thức giao dịch như: giao dịch phái sinh (kỳ hạn, tương lai, quyền chọn…), giao dịch qua quỹ đầu tư ETF; cho phép các nhà cung cấp vàng nguyên liệu và các ngân hàng nước ngoài giao dịch trên Sở giao dịch vàng Thượng Hải (Tổng số lượng vàng giao dịch tại Sở Giao dịch vàng Thương Hải trong 6 tháng đầu năm 2010 đã lên tới mức 3.174,50 tấn, gần bằng mức dự trữ vàng hiện nay của Cộng hòa Liên bang Đức). Trung Quốc đã và đang đổi mới mạnh mẽ chính sách và cơ chế quản lý nhằm mục tiêu phát triển mạnh thị trường vàng trong nước, huy động tối đa nguồn vốn bằng vàng đang dự trữ trong dân. Ở Campuchia, nhập khẩu vàng chỉ cần đăng ký với Ngân hàng Trung ương (NHTW), không cần xin hạn ngạch; xuất khẩu vàng tự do, không giới hạn; cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản. Thái Lan cho phép xuất, nhập khẩu vàng tự do, không cần xin giấy phép; cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản. SingaporeMalaysia cũng cho phép xuất, nhập khẩu vàng tự do; cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản. Ấn Độ, quốc gia có thị trường vàng phát triển và tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, không hạn chế nhập khẩu vàng, chỉ điều chỉnh bằng chính sách thuế, còn xuất khẩu vàng được khuyến khích, không phải chịu thuế suất. Lào cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng, nhưng xuất khẩu vàng chỉ cần đăng ký với NHTW.

 

Theo quan sát và kinh nghiệm của các quốc gia trên cho thấy các quốc gia càng cho phép nhập khẩu vàng nhiều, thì càng khuyến khích xuất khẩu vàng để tái tạo ngoại tệ, tạo điều kiện để cân đối xuất, nhập khẩu và có xuất siêu, đồng thời góp phần tạo việc làm cho người lao động. Ngoài ra, việc cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước và nước ngoài cũng góp phần làm cho thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường vàng quốc tế, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, đồng thời loại bỏ được tình trạng xuất, nhập khẩu lậu vàng. Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, kinh nghiệm của các quốc gia là rất quý báu và rất thiết thực đối với thị trường vàng Việt Nam, vì vậy Việt Nam cũng cần quan tâm hơn nữa tới việc ban hành chính sách phát triển thị trường vàng như các nước trong khu vực để tạo dựng thế đứng cho ngành vàng có thể cạnh tranh với thị trường quốc tế, sớm trở thành một trong những ngành mũi nhọn của nền kinh tế quốc dân như các nước trong khu vực.

Trên tinh thần đó, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam thấy cần sớm có một hành lang pháp lý rõ ràng, đầy đủ, thông thoáng, phù hợp với cam kết của Việt Nam về hội nhập quốc tế, đồng thời cần xuất phát từ tầm nhìn dài hạn, không nên dựa vào các giải pháp tình thế trước mắt để quy định cho việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng trong dài hạn.

Từ những lập luận, phân tích trên đây, chúng tôi xin góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 quy định chi tiết Luật thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện về lĩnh vực kinh doanh vàng như sau:

Chúng tôi cho rằng đưa hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản vào Phụ lục I Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh là không phù hợp với tình hình hiện nay và đi ngược với xu hướng hội nhập quốc tế. Bởi vì hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài là hoạt động không thể thiếu giúp các doanh doanh nghiệp và ngân hàng thương mại (NHTM) phòng ngừa rủi ro trong hoạt động kinh doanh vàng và huy động vốn bằng vàng thông qua các công cụ phái sinh (kỳ hạn, quyền chọn, tương lai, hoán đổi…). Hoạt động này hiện đang chiếm khoảng hơn 2/3 giao dịch vàng trên thị trường quốc tế, trong khi Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO và đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế. Hơn nữa, giá vàng trong nước luôn biến động theo xu hướng giá vàng quốc tế nên diến biến rất phức tạp, lên xuống thất thường, khó lường được xu hướng. Nếu cấm hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài, thì các doanh nghiệp và NHTM sẽ không thể kiểm soát được rủi do biến động giá vàng, đồng thời các NHTM sẽ phải ngừng hoạt động huy động vốn bằng vàng. Như vậy chúng ta sẽ không thể huy động được nguồn vốn nhàn rỗi bằng vàng trong dân, trong khi đang thiếu vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Theo ước tính sơ bộ dựa trên số liệu vàng nhập khẩu chính ngạch trong những năm qua, hiện nay nguồn vàng trong dân còn khoảng 600 tấn, đó là chưa kể nguồn vàng được tích trữ từ xa xưa và nguồn vàng nhập lậu vào Việt Nam. Đây quả thực là nguồn vốn đầy tiềm năng, ít tốn kém chi phí hơn nhiều so với nguồn vốn huy động trên thị trường quốc tế.

 

Đối với hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước, nếu được cho phép thực hiện trong khuôn khổ pháp lý phù hợp, thì sẽ đem lại nhiều lợi ích rất thiết thực. Bởi vì từ trước đến nay thị trường vàng Việt Nam chủ yếu giao dịch vàng vật chất nên hàng năm phải tiêu tốn ngoại tệ để nhập khẩu vàng. Nếu chuyển mạnh từ giao dịch vàng vật chất sang giao dịch vàng trên tài khoản trong nước sẽ giảm đáng kể lượng vàng nhập khẩu hàng năm, qua đó góp phần tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước, đồng thời phù hợp với chủ trương của Chính phủ về giảm nhập siêu và kìm chế lạm phát. Quan trọng hơn là thông qua hoạt động giao dịch vàng trên tài khoản, cơ quan quản lý nhà nước có thể giám sát, quản lý được luồng vốn đầu tư và lượng vàng giao dịch trên thị trường để điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ. Ngoài ra, giá vàng sẽ được phản ánh một cách khách quan, trung thực dựa trên việc khớp lệnh mua bán của các nhà đầu tư, chứ không phải do các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh tự định giá như giao dịch vàng vật chất hiện nay. Còn các nhà đầu tư sẽ được tư vấn chu đáo, kinh doanh trong môi trường có tính thanh khoản cao và áp dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro, như các lệnh chặn lỗ, chốt lời,… Không những thế, hoạt động này còn làm cho giá vàng trong nước điều chỉnh theo sát giá vàng quốc tế, góp phần giảm thiểu tình trạng xuất, nhập khẩu lậu vàng qua biên giới đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Đặc biệt giao dịch vàng trên tài khoản trong nước cũng góp phần tiết kiệm đáng kể chi phí cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng, như các chi phí nhập khẩu, sản xuất, gia công, kho bãi, vận chuyển, bảo hiểm…  

 

Vì vậy chúng tôi đề nghị không nên đưa hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản vào Phụ lục I Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh như đã phân tích ở trên (vì hiện nay không có quốc gia nào làm như vậy) mà hoạt động này nằm trong số 16, Mục 2, Phụ lục 3 Danh mục hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện và sẽ được điều chỉnh theo Nghị định của Chỉnh phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

 

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kính đề nghị Bộ Công thương và các ngành chức năng xem xét những kiến nghị nói trên để ban hành văn bản pháp lý phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thị trường vàng Việt Nam theo xu hướng hội nhập quốc tế./.  

Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của quý Cơ quan. 

 

 

Nơi nhận:

- Như trên;

- Lưu VPHH.

 

CHỦ TỊCH

HIỆP HỘI KINH DOANH VÀNG VIỆT NAM

                 Nguyễn Thành Long

 

 

 


 

 

 

 



 

 


 

 

Các văn bản liên quan