Ngăn “chảy máu khoáng sản” bằng cách nào?

Thứ Tư 11:22 07-07-2010

Ngăn "chảy máu khoáng sản" bằng cách nào?

Xử nghiêm một số vụ dư luận bức xúc; tạm dừng cấp phép dự án, đình chỉ một số cơ sở khai thác khoáng sản trước khi Luật Khoáng sản (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.  Đó là gợi ý của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ & Môi trường của Quốc hội (QH), ông Nghiêm Vũ Khải khi trao đổi với Thanh Niên giải pháp ngăn chặn tình trạng “chảy máu tài nguyên” đang phổ biến hiện nay. 

 Ô nhiễm do khai khoáng có thể làm mất trí nhớ, ung thư

 * Thưa ông, lâu nay ta vẫn thường nhận xét một cách cảm tính theo hiện tượng bề nổi rằng việc cấp phép, khai thác khoáng sản bừa bãi thời gian qua để lại hậu quả rất nặng nề, đặc biệt là ô nhiễm môi trường. Nhưng điều dư luận cần biết hơn cả là người dân sẽ phải gánh chịu những rủi ro cụ thể gì từ sự ô nhiễm đó?

 - Tôi cho rằng việc cấp phép, khai thác không phải ở tất cả các dự án khai thác khoáng sản, còn việc ô nhiễm trong hoạt động khoáng sản thì không phải mọi người đã nhận thức đầy đủ. Nếu quản lý, kiểm soát lơ là thì hậu quả là rất nghiêm trọng, từ ô nhiễm không khí đến nguồn nước, nước ngầm, nguyên tố độc hại có thể ngấm xuống đất và từ đó đi vào cơ thể qua hô hấp, ăn uống.

 Nguồn ô nhiễm có thể là hóa chất độc hại do người khai thác, chế biến đem đến để sử dụng. Ngoài ra, khi con người tác động vào thì nguồn độc hại chứa trong khoáng chất trong lòng đất sẽ bị phát tán vào môi trường dưới dạng chất hòa tan, chất vô cơ lơ lửng trong nước, không khí, lẫn trong đất, cây cối, động vật.

 Ví dụ, các kim loại như Thủy ngân (Hg), Cadmium (Cd), Chì (Pb), Arsenic (As)… có mặt trong hàng trăm khoáng chất có thể gây bệnh tay chân bị run, giảm trí nhớ, mất khả năng tập trung, mờ mắt và bị các chứng bệnh về thận. Chì và Thủy ngân (thường dùng điều chế vàng) đều có ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản ở cả phụ nữ và nam giới, ảnh hưởng đến thai nhi. Đó là chưa kể đến những bệnh ngoài da, bệnh đường ruột, những bệnh làm suy giảm khả năng lao động, khả năng sống của con người.

 

Tôi vốn không ưa phóng đại một vấn đề nào đó, nhưng phải nhìn nhận nghiêm túc, đúng mức để có biện pháp phòng ngừa cũng như nâng cao trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước và nhận thức của người dân.

 Đấu giá phải bảo đảm không bán quặng thô

 * Thưa ông, trước nay khi cấp phép, chúng ta có đặt ra tiêu chí doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải đảm bảo đủ các điều kiện như thế nào không? Và để xảy ra những việc như vậy trách nhiệm thuộc về ai: Bộ Tài nguyên Môi trường hay lãnh đạo các địa phương?

 - Các quy định về yêu cầu và trình tự, thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản là khá đầy đủ. Tuy nhiên, việc thẩm định trước cấp phép, kiểm tra thực hiện còn hình thức, lỏng lẻo. Hồ sơ xin cấp phép khai thác mỏ đều có giải trình, cam kết cả; nhưng trên thực tế không làm thì cũng ít ai kiểm tra, xử lý. Trách nhiệm với môi trường, cộng đồng rất bị xem nhẹ. Trách nhiệm trước tiên thuộc về cơ quan quản lý nhà nước có quyền cấp phép.

 * Dự luật Khoáng sản (sửa đổi) lần này có đưa ra một số quy định khắc phục tình trạng cấp phép theo cơ chế xin - cho còn nhiều hạn chế, tiêu cực như thời gian qua, trong đó có việc thực hiện đấu giá để cấp phép. Theo ông, quy định như vậy liệu đã đủ để giải quyết căn bản tình trạng quản lý tài nguyên khoáng sản yếu kém của ta như vừa qua?

 - Quy định đấu giá thăm dò - khai thác khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản là một chủ trương đáng hoan nghênh và ủng hộ. Hy vọng điều đó sẽ góp phần quản lý tài nguyên hiệu quả hơn. Nhưng đấy chỉ là một biện pháp, chưa phải là một “phép màu”. Đồng thời, để việc đấu giá thực sự phát huy tác dụng tích cực thì cần phải đầu tư nhiều công sức để hoàn thiện cơ sở pháp lý và bảo đảm điều kiện thực hiện. Dự thảo luật cần bổ sung quy định về nguyên tắc, cơ sở định giá; quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên hữu quan sao cho bảo đảm lợi ích hài hòa, thỏa đáng của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân địa phương.

 Rất nhiều mỏ, nhất là mỏ đa kim loại thường chứa nhiều nguyên tố có ý nghĩa kinh tế. Vì vậy, giá trị kinh tế khoáng sản phải tính hết, tính đủ. Xác định giá sàn phải tạo được sức ép đối với doanh nghiệp phải chế biến sâu, tổng hợp, tận thu tài nguyên. Muốn vậy, họ phải ứng dụng công nghệ và quy trình quản lý tiên tiến. Làm thế nào để ai đó có ý khai thác để bán quặng thô không thể trúng thầu. Tôi biết, hiện có công ty nước ngoài mua quặng phế thải với giá ngang giá quặng đang giao dịch trong nước. Rõ ràng, họ phải có công nghệ tốt để tận dụng giá trị tổng hợp của quặng. Còn ở ta chỉ quan tâm đến thành phần chính thôi. Thế là rất lãng phí.

 Ngoài ra, việc quy định giao Bộ Tài chính quy định nguyên tắc, phương pháp định giá; Bộ Tài nguyên Môi trường, Ủy ban cấp tỉnh định giá tài nguyên khoáng sản chưa khai thác để đấu giá thăm dò khai thác khoáng sản, chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản như dự luật  là chưa hợp lý, chặt chẽ.

 Tài nguyên khoáng sản, bao gồm cả nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch (than, dầu, khí thiên nhiên) là tài nguyên không tái tạo và thuộc sở hữu toàn dân, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì vậy, các đại biểu QH rất quan tâm đến dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi). QH cho ý kiến về dự án luật tại kỳ họp này và dự kiến thông qua vào kỳ họp tiếp theo. Cũng còn thời gian để nghiên cứu, hoàn chỉnh. Tuy nhiên, phải tổ chức công việc tiếp thu ý kiến của ĐBQH, của doanh nghiệp, chuyên gia và nhân dân thật nghiêm túc, công khai với tinh thần trách nhiệm cao  thì chúng ta mới có được một văn bản pháp luật phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản - một lĩnh vực vốn đã và đang còn nhiều tồn tại, bức xúc.

 Chính phủ có thể chỉ đạo tạm dừng cấp phép

 * Hơn một năm nữa Luật Khoáng sản (sửa đổi) mới có hiệu lực thi hành. Theo ông, cần giải pháp gì để ngăn chặn nguy cơ cấp phép ồ ạt để “chạy luật”? Có nên đề nghị dừng cấp phép theo quy định hiện hành để chờ thực thi theo luật sửa đổi hay không?

- Nếu có tình trạng nêu trên thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải báo cáo Chính phủ, đề xuất biện pháp kịp thời như tạm dừng việc cấp phép; xử lý nghiêm một số vụ cấp phép sai, khai thác khoáng sản gây hậu quả nghiêm trọng mà dư luận bức xúc; tổ chức thực hiện nghiêm Luật Khoáng sản hiện hành. Tôi cho rằng Luật Khoáng sản hiện hành vẫn là một văn bản pháp luật có hiệu lực và tính khả thi. Vấn đề là ở chỗ triển khai thực hiện.

* Thời gian qua báo chí nêu hàng loạt vụ cấp phép khai thác khoáng sản gây hủy hoại môi trường nghiêm trọng, khiến đời sống người dân ở vùng có khai thác mỏ nhiều nơi rất bi đát. Cá nhân ông có thấy đau lòng trước những thực trạng báo chí đã nêu?

 - Gần đây, dư luận không những thấy băn khoăn, bức xúc mà còn thấy phẫn nộ trước một số vụ việc vi phạm trong quản lý, khai thác khoáng sản do cơ quan thông tin đại chúng phản ánh. Các cơ quan chức năng phải vào cuộc, điều tra, xử lý nghiêm minh. Nếu thực sự như vậy mà vẫn cứ để tiếp diễn là điều không thể chấp nhận được.

 * Xin cảm ơn ông!

 

Nguyệt Minh thực hiện (Thanh niên)ngày 8/6/2010


 

Các văn bản liên quan