Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Đình Nhã – Bà Rịa – Vũng Tàu

Thứ Sáu 15:38 18-06-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tọa.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin phép trao đổi thêm mấy phút nữa. Tôi thấy tình hình như thế này đề nghị trong Luật sửa đổi thì chúng ta nên mạnh dạn bỏ cơ chế cấp phép khai thác khoáng sản mà chỉ cấp phép thăm dò còn khai thác thì tất cả đưa ra chế độ đấu giá khai thác. Cơ chế đấu giá khai thác có từ lâu nhưng chưa ai làm bởi vì các cơ quan quản lý nhà nước cho rằng nó quá phức tạp. Nhưng chúng ta cũng không nên vội cho không, bán đổ, bán tháo tài nguyên của chúng ta cho nên khó cũng phải làm. Chúng ta suy nghĩ cơ chế như thế nào đấy nhưng tất cả phải qua đấu giá khai thác, còn nếu qua đấu giá khai thác rồi thì chúng ta sẽ xử lý vấn đề quyền lợi của người dân địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản như thế nào. Tôi nghĩ khi mà đấu giá thì trách nhiệm xử lý vấn đề này của nhà nước dễ hơn. Tức là một mẫu như thế chúng ta đấu giá được bao nhiêu, có khi lấy 50% thì chúng ta dùng tiền ấy để giải quyết những vấn đề mà tôi nghĩ trong đấu giá cũng có tiền để giải quyết hậu quả cũng như giải quyết quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản. Tức là các doanh nghiệp chỉ cần thắng thầu sau đó khai thác theo đúng luật. Còn trách nhiệm giải quyết như thế nào với dân địa phương đấy là của chính quyền, chính quyền khi đấy có trong tay sẵn khối tiền khổng lồ rồi thì sẽ giải quyết được. Không nên đặt vấn đề như ở Điều 7 hiện nay. Bởi vì giao cho chủ mỏ hay giao cho các doanh nghiệp là không nên, bởi vì họ sẽ làm được chăng hay chớ.

Vấn đề quản lý. Tôi cũng thấy ở một số nước người ta thành lập Bộ riêng như Bộ mỏ và luyện kim, nhưng ở ta hiện nay nhiều Bộ. Nhưng tôi thấy vấn đề quản lý nên tập trung cho một Bộ. Kể cả là khai thác những thứ không phải là khoáng sản tức là kim loại như vật liệu xây dựng hiện nay giao cho Bộ Xây dựng, nhưng tôi nghĩ nên tập trung cho Bộ Tài nguyên và môi trường. Bộ này phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước Quốc hội về tình hình hoạt động khoáng sản và bảo vệ, quản lý khoáng sản vốn rất hữu hạn của chúng ta. Tôi nghĩ nếu có cơ chế đấu giá khai thác rồi thì có lẽ chính quyền địa phương v.v... khi phân cấp cũng nhẹ nhàng. Bởi vì căn cứ vào đây để đấu giá, không có chế độ cấp phép nữa thì sẽ không có tiêu cực. Chúng ta chỉ chống tiêu cực trong đấu giá chứ không chống tiêu cực trong chế độ cấp phép nữa cho nên không sợ điều đó. Bây giờ phân tán như thế này, chúng tôi cũng xin báo cáo với Quốc hội, hiện nay trên báo chí đã có một thông tin nhưng cũng không nên phổ biến, chẳng hạn như thời gian qua đơn giản là chúng ta cho xuất khẩu cát mặn, cát ngọt. Báo chí nói là mỗi năm như thế mất cỡ hòn đảo khoảng trên 10km2, tôi sợ con cháu sau này sẽ đặt câu hỏi đối với chúng ta. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan