Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng – Đắc Lắk

Thứ Sáu 15:38 18-06-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tọa.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi đồng tình rất nhiều ý kiến với các đại biểu đã phát biểu rất kỹ về từng khoản trong bộ luật này, tôi chỉ muốn cung cấp cho Quốc hội thêm một số thông tin để chúng ta thận trọng khi biểu quyết thông qua trong kỳ họp tới. Trước hết đặt câu hỏi chúng ta giàu hay nghèo khoáng sản thì phải nói chúng ta là một nước không nghèo khoáng sản, với 6000 điểm có khoáng sản, với 60 loại khoáng sản và chúng ta nhờ xuất khẩu khoáng sản và thu được khoản ngoại tệ không nhỏ. Cụ thể năm 2009 chúng ta đã thu được 6210 triệu đô la từ dầu thô và 841 triệu đô la từ xăng dầu các loại, 1326 triệu đô la từ than, 136 triệu đô la từ các khoáng sản khác. Tuy nhiên phải nói rằng cái chúng ta có nhiều thì thế giới không thiếu và cái thế giới thiếu chúng ta không có nhiều và chúng ta khai thác quá tràn lan, cụ thể chúng ta cấp đến 4218 giấy phép khai thác khoáng sản, đấy là con số quá lớn và toàn là khai thác thô, không chế biến, chúng ta biết rằng ti tan kim loại giá cao gấp 80 lần so với sa khoáng, ti tan mà chúng ta đang xuất khẩu. Đầu tư cho khai thác khoáng sản là khoản đầu tư quá lớn, cụ thể năm 2008 chúng ta đã đầu tư 50.962 tỷ đồng cho việc khai thác khoáng sản. Và từ năm 1998 đến năm 2008 thì nước ngoài được cấp giấy phép đầu tư đã đầu tư 10.583,6 triệu đô la Mỹ. Như vậy chúng ta thấy rằng người ta lao vào khai thác khoáng sản của ta trong khi chúng ta không phải là nước có quá nhiều khoáng sản mà các nước cần. Có những nước lấy khoáng sản của ta về không dùng, mà cất đi để dự trữ, tổn thất rất lớn trong khai thác, bởi vì khai thác kỹ thuật thấp cho nên tổn thất rất lớn. Cụ thể than hầm lò tổn thất là 40 - 60%, với Apatit tổn thất 26 - 43%, với quặng kim loại tổn thất là 15 - 20%, với dầu khí tổng thất 50 - 60%. Như vậy để thu hồi vàng từ quặng mới đạt 34%, vậy mà dùng xianua là chất rất độc, trong sắn chỉ có một tý xianua cũng ngộ độc được, người ta dùng xianua rất nhiều để rửa quặng vàng, người ta khống chế người khai thác vàng bằng cách cho nghiện, suốt đời gắn bó với ông chủ, dẫn đến các tệ nạn khác về mặt hình sự, nhiều người chết vì bị sập hầm. Nhà nước thất thu quá lớn, xuất khẩu lậu titan năm 2008 đã thất thu 200 nghìn tấn, than thổ phỉ các đồng chí đã nói nhiều.

Về diện tích khai thác quá lớn, năm 2005 kiểm kê thấy có diện tích khai thác đến 41.000 ha, như vậy có nghĩa 41.000 ha này sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường vô cùng nghiêm trọng, năm 2008 lượng bốc đất đá khai thác than là 216 triệu mét khối, các đồng chí tưởng tượng 216 triệu mét khối bốc lên sẽ như thế nào với cả vùng dân cư cạnh đó, an toàn lao động thì rất kém, có lẽ không dám nói với các đồng chí đang khai thác quặng là hiện nay các đồng chí có bị nhiễm bệnh silic hay không? Bởi vì, ngành y tế cho biết là 50% các công nhân đang khai thác khác đang mắc bệnh "bụi phổi" hay còn gọi là bệnh silic. Như vậy, an toàn lao động là rất kém và luật này xin đề nghị tránh chồng chéo với Luật đầu tư, Luật tài nguyên nước, Luật dầu khí, Luật bảo vệ môi trường, Luật bảo vệ và phát triển rừng. Tôi nghĩ là trách nhiệm nên đặt ra rất cụ thể với lãnh đạo từng huyện, từng tỉnh vì Nhà nước không thể quản lý nổi và chúng ta đã nhiều lần quy trách nhiệm cho lãnh đạo huyện, tỉnh nếu không làm được điều này, điều kia, ví dụ như bảo vệ rừng thì sẽ bị kỷ luật này, kỷ luật khác. Nhưng tôi nói thật là tôi chẳng thấy ai bị kỷ luật cả và cũng chẳng thấy ai từ chức cả khi không làm tròn nhiệm vụ. Tôi nghĩ, phải có trong luật một trách nhiệm cụ thể cho các đồng chí lãnh đạo huyện và tỉnh, khi đó chúng ta mới có lực lượng mà bảo vệ được. Cuối cùng, tôi muốn nhắc đến một khái niệm gọi là khái niệm "lời nguyền tài nguyên" khái niệm này do Richard Auty đề xuất năm 1993 với câu nói rất nổi tiếng: "các quốc gia giàu tài nguyên không chỉ có thể thất bại trong việc làm lợi từ của trời cho, thậm chí còn hoạt động kém hiệu quả hơn các nước mà thiên nhiên kém ưu đãi hơn". Cụ thể như: Nigeria chúng ta biết là họ đã thu tới 10 tỷ đô la Mỹ từ dầu mỏ trong thời gian từ 1965 - 2000. Vậy mà hiện nay, Nigeria là một trong 15 quốc gia được xếp vào loại nghèo nhất thế giới. Xin cám ơn Quốc hội

Các văn bản liên quan