Góp ý của Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Phương Anh – Quảng Nam

Thứ Sáu 15:36 18-06-2010

Kính thưa Quốc hội.

Đối với dự án Luật khoáng sản Ơsửa đổi) lần này về những vấn đề chung khi tiếp cận dự án Luật thì chúng tôi có mấy vấn đề suy nghĩ. Có thể nói rằng không ai có thể phủ nhận vai trò rất lớn của tài nguyên khoáng sản đối với sự phát triển của quốc gia hay là của cả thế giới. Tuy nhiên hiện nay có một vấn đề đặt ra trong công tác quản lý khoáng sản, không chỉ riêng đối với nước ta mà đối với các nước cũng gặp hết sức khó khăn. Hiện nay đối với một số khu vực, một số làng, bản khi nghe tin ngay tại khu vực mình ở, dưới lòng đất có các khoáng sản quý giá thì người dân ở đó hết sức lo lắng và có thể nói vì sao khi có nguồn khoáng sản có giá trị như vậy mà lại hết sức lo lắng. Điều này đặt ra một câu hỏi đối với các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề quản lý trong thời gian vừa qua. Nếu nói rằng trong thời gian vừa qua chúng ta chưa làm công tác quản lý này thì cũng không đúng, bởi vì trong thời gian vừa qua Chính phủ, Đảng, Nhà nước cùng với các địa phương rất tích cực, tuy nhiên theo chúng tôi công tác quản lý khoáng sản cực kỳ khó khăn, khó khăn vì mấy lý do sau:

Thứ nhất, có một số nơi sau khi các mỏ khoáng sản được khai thác thì sản xuất chế biến ngay tại chỗ, nhưng có một số nơi vận chuyển, trung chuyển đi nơi khác. Ví dụ từ Quảng Nam khi khai thác xong các công ty vàng chuyển vàng ra Quảng Ngãi để chế biến cùng một chỗ, việc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp huyện ở đó muốn quản lý trữ lượng hoặc khai thác bao nhiêu thì vô cùng khó khăn và không kiểm soát được trên đường trung chuyển đó, ví dụ chuyển 5 xe vào Đà Nẵng, 5 xe ra Quảng Ngãi. Đó là vấn đề chung về khoáng sản hiện nay.

Sáng hôm nay tôi thấy các đại biểu hết sức tâm tư, rất nhiều đại biểu đến từ các tỉnh có nguồn khoáng sản lớn ở các huyện, các tỉnh khó khăn, ở các nơi miền núi. Sở dĩ như vậy vì hiện nay các mỏ khoáng sản lớn đặc biệt là vàng tập trung hầu hết ở các vùng đầu nguồn, khi khai thác khoáng sản ở đầu nguồn có vấn đề là làm ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ dòng chảy của các con sông hiện nay, chính vì ảnh hưởng rất lớn này là ảnh hưởng suy thoái nghiêm trọng đến vấn đề môi trường đối với những người dân. Qua giám sát vừa rồi, chúng ta không phải giám sát về khoáng sản khi đi giám sát các thủy điện của khu vực miền Trung chúng ta thấy có những vùng cá chết hàng loạt, theo như người dân trước đây khi chưa khai thác vàng thì không có nhưng từ khi người ta sử dụng xianua thì bắt đầu mới có hiện tượng này xảy ra. Như vậy đây là một trong những vấn đề đặt cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Đi vào những vấn đề cụ thể thì chúng tôi quan tâm tới 4 vấn đề sau đây:

Thứ nhất, đố là vấn đề chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản;

Thứ hai là vấn đề quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có các mỏ khoáng sản; Vấn đề thứ ba là vấn để đóng cửa mỏ khoáng sản mà sáng nay tôi thấy các đại biểu không quan tâm tới vấn đến này, nhưng tôi thấy đây cũng là vấn đề rất quan trọng; Cuối cùng là phải có một chế tài để xử lý nghiêm trong việc vi phạm.

Về chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản ở Khoản 1 Điều 56 thì tôi cũng thống nhất với ý kiến của đại biểu Danh Út khi đại biểu đề cập đến vấn đề quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, tôi muốn đề xuất thêm một ý mới nữa đó là không nên cho chuyển nhượng. Ví dụ đơn vị A sau khi đấu thầu xong mà không có khả năng làm thì trả lại cho cơ quan quản lý và anh đã đấu thầu rồi, trúng rồi, nhưng không làm thì đền bù một khoản tiền thích đáng để cơ quan quản lý này tổ chức đấu thầu trở lại. Phải đền bù gấp cao lên để không có tình trạng chuyển nhượng theo như động cơ hiện nay. Hiện nay rất nhiều dự án treo là sau khi cấp giấy phép xong chuyển nhượng trở lại, nhưng rất nhiều dự án treo xảy ra bởi vì chuyển nhượng lại chưa có lãi nhiều cho nên vẫn cứ giữ đó, cho nên dân tới các địa phương và quần chúng nhân dân ở các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc khu của mình nằm trong vùng quy hoạch dự án không được sửa nhà, không được làm nhà, không được trao đổi, mua bán các dịch vụ v.v. Cho nên tôi đề nghị không cho chuyển nhượng, nếu đấu thầu rồi mà không làm thì phải đền bù một khoản để có thể tổ chức đấu thầu lại.

Vấn đề thứ hai, về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác. Tại điều này tôi thiết nghĩ Ban soạn thảo, Ủy ban thẩm tra là Ủy ban Kinh tế nên có sự phối hợp và phải thiết kế lại, sáng nay rất nhiều đại biểu phát biểu, tức là còn rất bất cập ở Khoản 1, Khoản 3 và Khoản 4.

Khoản 1: tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản phải kết hợp yêu cầu hoạt động khai thác, không được, vì hiện nay tất cả các dự án khi đưa ra thẩm định chúng ta đều đã có Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Khi có Báo cáo đánh giá tác động môi trường thì ngay trong báo cáo này đã yêu cầu đơn vị chủ dự án phải làm những công việc gì thì không thể kết hợp nữa, mà chúng ta phải khẳng định vào luật ngay là tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản thì phải thực hiện các yêu cầu theo như báo cáo tổng kết, ở đây không kết hợp. Chúng ta dùng từ "kết hợp" thì rất mơ hồ và các đơn vị này có thể không làm.

Khoản 3, tôi thống nhất với các đại biểu phát biểu trước, không phân tích nữa. Tức là khuyến khích tổ chức, cá nhân phải hỗ trợ đầu tư, nâng cấp, duy tu đường. Hiện nay các nơi có khai thác khoáng sản thì đường sá hư hại rất nhanh, xuống cấp rất lớn. Điều này phải thiết kế lại.

Khoản 4: Nhà nước có chính sách điều tiết về khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ cho địa phương. Tôi nghĩ luật phải quy định rõ hỗ trợ là hỗ trợ cơ chế như thế nào? 10% khác với 90% . Không thể chúng ta nói hỗ trợ như thế này, sau này hỗ trợ cho địa phương khoảng 5%, cũng không thể nào thực hiện được, rất khó khăn, bởi vì không có nguồn kinh phí khác để bổ sung vào đây, trong khi vấn đề an sinh xã hội, nhiều vấn đề còn cần phải giải quyết.

Vấn đề thứ ba là đóng cửa mỏ khoáng sản ở Mục 3, trang 84 của dự thảo luật. Chúng ta thấy ở đây thiết kế 3 điều, Điều 73, các trường hợp đóng cửa mỏ khoáng sản, Điều 74, lập và tổ chức thực hiện đề án đóng cửa mỏ, Điều 75, phê duyệt đề án quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản. Tôi nghĩ việc đóng cửa mỏ khoáng sản hết sức quan trọng, nếu chúng ta chỉ quy định chung chung ở mỗi điều có 3 khoản mà cũng không rõ ràng như thế này thì quá trình thực hiện, xử lý sau này ở địa phương sẽ gặp khó khăn. Sau khi các cơ sở, doanh nghiệp khai thác khoáng sản dọn đi hết rồi thì nhân dân địa phương tại nơi bản xứ sẽ bắt đầu chịu ảnh hưởng của môi trường, đất đai sẽ như thế nào, không thể nào trồng cây có thể tốt được.

Chúng ta lấy một ví dụ thực tế vừa rồi các tỉnh có vùng đồng bằng ven biển cho sử dụng khai thác titan, xảy ra một điều là công ty đều cam kết sau khi khai thác xong thì hoàn thổ trở lại nhưng trên thực tế sau 2-3 tháng hoàn thổ người ta trồng cây đều chết hết. Vậy chúng ta phải có điều, khoản quy định rõ vào đây để chúng ta kiểm soát và phải thực hiện cho được. Luật sửa đổi lần này chúng ta đã cố gắng nhiều trong thủ tục đấu giá, thăm dò v.v.... tuy nhiên cần phải bổ sung vấn đề này.

Cuối cùng, chúng tôi nghĩ phải có chế tài thích hợp, quy định rõ, cụ thể luôn vào luật này để nhân dân các địa phương cấp tỉnh cũng như cấp huyện xử lý tốt vấn đề thực hiện cũng như quản lý khoáng sản trong thời gian tới. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan