Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Nhơn – Đồng Tháp

Thứ Sáu 15:35 18-06-2010

Kính thưa Chủ tọa,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin phát biểu mấy ý kiến như sau:

Trước hết, trên cơ bản tôi cũng nhất trí với dự thảo và cũng tán thành với một số ý kiến của các đại biểu phát biểu trước tôi. Ở đây, tôi cũng có suy nghĩ, tâm tư dự án luật này có mấy vấn đề.

Về quan điểm và chính sách, tại Điều 4 cũng như Điều 5, Điều 6, Điều 7, rồi Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14 nói về chính sách. Ở luật này tôi cũng mong muốn làm rõ mấy vấn đề trong đó có một vài ý kiến của đại biểu trước.

Một, chúng ta phải đảm bảo việc thăm dò, khai thác khoáng sản, đảm bảo được trước mắt cũng như lâu dài, tính chiến lược mà các đại biểu trước nói cho các thế hệ mai sau.

Hai, giải quyết được mối quan hệ bình đẳng, hài hòa, lợi ích giữa các chủ thể. Tôi thấy thực trạng trong Tờ trình của Chính phủ thì cũng đã nêu vấn đề này rất đậm nét, đây cũng là một thực trạng trong khai thác khoáng sản của nước ta là do lợi ích cục bộ, lợi ích giữa các chủ thể chúng ta phân chia, phân công, phân cấp không rõ ràng và hưởng thụ đó không đồng đều cho nên dẫn đến khai thác bừa bãi vi phạm pháp luật.

Thứ ba, trong đợt này cũng phải giải quyết vấn đề về môi trường, không nghĩ vấn đề về khai thác đảm bảo cho lợi ích của nhóm này mà ảnh hưởng cho nhóm khác, vùng khác rồi chúng ta cũng phải suy nghĩ, tính toán vấn đề đó. Cho nên vừa qua cũng khai thác có ích cho nhóm này, cho vùng này nhưng mà chúng ta lại không suy nghĩ ảnh hưởng đến nhóm khác và vùng khác. Cho nên tại Điều 4, sở hữu về tài nguyên khoáng sản, bây giờ mong muốn của tôi nếu mà vượt qua khỏi được rào cản của luật pháp thì tôi cũng muốn rằng không thể Luật khoáng sản là sở hữu của toàn dân, bởi vì Hiến pháp, Luật đất đai đã quy định rồi nếu mà không cho phép rào cản của Hiến pháp và Luật đất đai tôi nghĩ rằng khoáng sản nên thuộc sở hữu của Nhà nước, tôi nghĩ rất thuận lợi nhất. Cho nên nó có liên quan đến Điều 11, chúng ta quy định về trách nhiệm chung là sở hữu chung, tôi nghĩ là rất khó, cho nên phải có một trách nhiệm cụ thể. Bởi vì trong phân công, phân cấp trách nhiệm chung của các chủ thể quản lý đối với khoáng sản chung của quốc gia thì bất cứ ở địa phương nào cũng có khoáng sản dù ít, dù nhiều, dù nhỏ hay lớn, dù quí hay không quí cũng là tài sản quốc gia của địa phương. Cho nên không thể là trách nhiệm vô hạn như vậy được, nên cần có quy định là trách nhiệm có giới hạn mà trách nhiệm của Nhà nước là chịu trách nhiệm toàn bộ về khoáng sản của Quốc gia. Tôi nghĩ phải quy định rõ trách nhiệm đó và các tổ chức của Nhà nước từng cấp mà đã được phân công trong các điều tôi quan tâm.

Thứ hai, tại Điều 31 cũng có quy định về quy hoạch khoáng sản, trong này có kỳ quy hoạch. Điểm a, Khoản 2 nói kỳ quy hoạch của khoáng sản có 2 điểm: điểm a và điểm b, trong này nói chung thôi. Ở đây có liên quan đến các điều khác, ví dụ Điều 81 về phân cấp trách nhiệm quản lý, nhưng không nói rõ giữa Trung ương và địa phương trong kỳ quy hoạch. Ví dụ, quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản là 10 năm và tầm nhìn 20 năm, đó là Điểm a. Điểm b: Kỳ quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản là 5 năm và tầm nhìn là 10 năm. Như vậy ở Trung ương cấp Bộ là bao nhiêu? Địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành là bao nhiêu? Tôi đề nghị có liên quan đến các điều khoản của Điều 31 và những điều có liên quan cần có quy định cụ thể rõ trách nhiệm trong việc phân kỳ và định kỳ trong quy hoạch và công bố quy hoạch của từng cấp để cho trách nhiệm rõ ràng hơn.

Thứ ba, tại Điều 42 về cấp giấy phép thăm dò khoáng sản. Trong này có liên quan đến điều cấp phép khai thác khoáng sản. Trong này tôi đề nghị tại Khoản 3 cũng như Điểm c, Khoản 2 cũng cần phải nói rõ, vì trong thực tế có trường hợp lợi dụng vừa thăm dò, vừa khai thác. Cho nên không phải nhất thiết là dài hạn, tức là có những giấy phép quá hạn 48 tháng hay 24 tháng, tôi nghĩ có những trường hợp chúng ta thăm dò là thời gian dài hơn nữa, nhưng chúng ta nên quy định cho rạch ròi, phân định rõ ràng là không lợi dụng trong quá trình thăm dò với khai thác. Đây là hai công đoạn khác nhau, giai đoạn đầu là thăm dò, khi chúng ta đã hoàn thành thăm dò xong thì chúng ta kết thúc, sẽ xin cấp phép để khai thác, 2 giai đoạn này là khác nhau. Để tránh việc nhầm lẫn này tại Điều 10 trong hành vi nghiêm cấm, đề nghị chúng ta cũng phải quy định cấm hành vi lợi dụng vừa thăm dò vừa khai thác. Trong thực tế ở địa phương chúng tôi có những khoáng sản thô nhưng cũng lợi dụng cấp phép cho thăm dò để vừa thăm dò, vừa lợi dụng khai thác. Trong luật phải quy định chặt chẽ để tránh bị lợi dụng vừa thăm dò vừa khai thác, vì thời gian cũng không nhất thiết, tùy theo loại khoáng sản có thể kéo dài hơn nữa, cho nên tôi đề nghị chúng ta phải phân cấp, phân công cụ thể và phân định rõ.

Ý thứ hai, cũng có đại biểu đã đề cập, tôi xin nhấn mạnh tại Điều 43, trong việc đấu giá, đấu thầu giấy phép, tôi đề nghị không cho chuyển nhượng mà đấu giá đấu thầu. Bởi vì có tình trạng bán giấy phép và dẫn đến có một tổ chức, có một nhóm người đứng ra kinh doanh giấy phép và dẫn đến chạy đường dây, xin cho giấy phép. Chuyện này rất phức tạp và trong thực tế đã diễn ra. Cho nên tôi đề nghị tại Điều 43 cũng phải nói rõ và quy định cụ thể vấn đề chuyển nhượng cũng như là bán giấy phép chúng ta phải quy định rõ.

Ý kiến cuối cùng, tất cả điều khoản ở đây, quy định 87 điều nhưng trong này không có một khoản nào, chế tài xử lý đề nghị Ban soạn thảo thiết kế thêm một điều về chế tài đối với vi phạm pháp luật trong việc khai thác khoáng sản. Xin hết ý kiến.

 

Các văn bản liên quan