Góp ý của Đại biểu Quốc hội Triệu Sỹ Lầu – Cao Bằng

Thứ Sáu 15:21 18-06-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Sau 13 năm thi hành Luật khoáng sản chúng ta đã đạt được những thành tựu rất đáng kể, đã xây được hệ thống pháp luật làm cơ sở cho việc quản lý Nhà nước về khoáng sản tốt hơn, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và tăng thu nhập cho ngân sách. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện luật vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, xin có một số ý kiến như sau.

Công tác quản lý Nhà nước còn nhiều bất cập, thẩm quyền giữa các cấp, các ngành chưa được phân định rõ ràng, pháp luật còn nhiều kẽ hở, hoạt động khoáng sản phi pháp. Nhiều nơi cấp phép mỏ thực hiện một cách tuỳ tiện, thiếu quy hoạch, thiếu thiết kế mỏ trước khi khai thác, đánh giá tác động môi trường mang tính hình thức, nhiều doanh nghiệp không tuân thủ các quy định pháp luật và cam kết khi được khai thác. Nơi nào có mỏ nơi đó có cơ sở hạ tầng bị tàn phá, môi trường sinh thái bị hủy hoại, tệ nạn xã hội, tội phạm phát sinh. Thu từ hoạt động khoáng sản không đủ để khắc phục hậu quả, điều nghịch lý là nhiều địa phương rất giàu tài nguyên khoáng sản nhưng chính địa phương đó lại rất nghèo và khó khăn nhất, đời sống nhân dân rất vất vả.

Là một đất nước giàu tài nguyên khoáng sản, có tới 1.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và tạo việc làm ổn định cho 300.000 lao động nhưng mức đóng góp cho GDP chỉ bằng 3%, đó là điều rất đáng suy nghĩ. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém trên, tăng cường việc quản lý nhà nước tốt hơn, nâng sao đời sống nhân dân ở nơi có mỏ và bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp hoạt động hợp pháp, tôi xin đóng góp một số điều cụ thể như sau.

Một, về Điều 7, quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản, đề nghị sửa Khoản 1, Điều 7: tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản phải kết hợp yêu cầu hoạt động khai thác với trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng và bảo vệ phục hồi môi trường theo dự án đầu tư khai thác đã được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận. Tại Khoản 3, Điều 7, cũng sửa: tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản có trách nhiệm hỗ trợ đầu tư, nâng cấp duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, nhấn mạnh là từ "phải có trách nhiệm". Nếu quy định như dự thảo là chưa phản ánh được thực tế hoạt động khai thác mỏ là nguyên nhân chính dẫn đến việc xuống cấp toàn bộ cơ sở hạ tầng mà doanh nghiệp hoạt động khoáng sản phải có nhiệm vụ khắc phục điều đó.

Tại Điều 22, khu vực tài nguyên khoáng sản nhỏ lẻ, tôi đề nghị không quy định khai thác các mỏ khoáng sản nhỏ lẻ ở khu vực nước đầu nguồn, rừng phòng hộ, đất sản xuất và mỏ sát biên giới. Theo tôi luật nên quy định không công bố việc xác định và khoanh định khu vực này, đặc biệt là các mỏ sát biên giới là để ngăn chặn nạn khai thác bừa bãi, thu gom xuất lậu quặng qua biên giới, như vậy cũng bảo đảm cho vấn đề an ninh quốc phòng.

Tại Điều 23, khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. Tôi đề nghị sửa đổi bổ sung như sau:

Bổ sung vào Khoản 1, Điều 23: cấm khai thác vàng, sa khoáng, ở tại khu vực đầu nguồn nước sản xuất, nước sinh hoạt và rừng phòng hộ. Vì các hóa chất phục vụ cho việc khai thác mỏ này là rất độc hại khi hòa vào nguồn nước thì rất ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Tại Khoản 4 và các điều luật có liên quan cần sửa theo hướng phải quy định rõ ràng trường hợp nào là trường hợp đặc biệt. Tôi đề nghị trong trường hợp theo danh mục được Quốc hội quy định, Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định cho hoạt động khoáng sản tại khu vực tạm thời cấm, như vậy là phù hợp vì theo logic đã cấm là không được hoạt động khoáng sản.

Tại Điều 76, thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản, tôi không tán thành đặt thêm phí đền bù tài nguyên khoáng sản, nếu đặt thì phải giải thích rõ phí đền bù là như thế nào. Vì thuế tài nguyên đã được định nghĩa và công nhận trên quốc tế là khoản phí đền bù đối với nhà nước từ hoạt động tài nguyên khoáng sản của các tổ chức, cá nhân, nếu quy định như dự thảo thì phí sẽ trùng thuế. Tôi ủng hộ ý kiến thứ hai nêu tại Điểm a, Mục 9, Báo cáo thẩm tra Luật khoáng sản của Ủy ban Kinh tế là chỉ thu phí cấp phép đối với hoạt động khoáng sản nhưng chỉ thu đối với việc cấp phép không qua đấu giá, còn tổ chức, cá nhân đã được cấp phép qua đấu giá là nộp tiền trực tiếp.

Về thuế thu từ hoạt động khoáng sản, hiện nay doanh nghiệp hoạt động khoáng sản tự kê khai doanh thu để nộp thuế đó là điều không đúng và tạo kẽ hở cho sự gian dối của doanh nghiệp. Luật sửa đổi lần này giao cho Chính phủ quy định phương pháp định mức thuế còn phí tài nguyên cần phải nâng cao hơn vì tài nguyên không thể tái tạo được. Tất cả những điều này cần quy định vào luật.

Tôi nhất trí như đại biểu Nhin - Đoàn Gia Lai là không ủng hộ việc định giá tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, vì định giá dựa trên cơ sở ước trữ lượng mỏ là công việc khoa học tính toán kinh tế phức tạp và chịu ảnh hưởng của giá cả thị trường. Các nước có nền khai khoáng lâu đời đều không làm việc này. Tôi đề nghị chúng ta chỉ đấu giá quyền khai thác khoáng sản dựa trên lợi ích phát sinh từ việc thực hiện quyền này vì chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc quản lý các tài sản như quản lý về sử dụng đất, quyền tác giả v.v.

Thứ năm. Việc chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản Điều 43, Điều 56. Đề nghị quy định thêm biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với hoạt động chuyển nhượng không được phép. Hiện nay việc mua đi, bán lại mỏ diễn ra rất phổ biến và gây thất thoát lớn cho Nhà nước mà doanh nghiệp là người có thu hơn tất cả. Nếu không xử lý nghiêm việc này thì dù quy định chặt thế nào cũng không ngăn chặn được.

Tôi xin hết ý kiến. Xin cám ơn.

Các văn bản liên quan