Đề nghị chú ý quyền lợi người dân trong dự luật khoáng sản

Thứ Năm 16:29 17-06-2010

Đề nghị chú ý quyền lợi người dân trong dự luật khoáng sản

Ngọc Lan

Thứ Năm,  17/6/2010 Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn

 

 










 

 

(TBKTSG Online) - Quyền lợi của người dân tại các vùng khai khoáng được nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị đưa vào dự thảo Luật khoáng sản sửa đổi, nhằm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương nơi khai khoáng.

Thảo luận tại hội trường hôm 16-6 về vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-ngân sách của Quốc hội, ông Đinh Văn Nhã chỉ ra khuyết điểm lớn nhất mà Luật khoáng sản hiện hành chưa đề cập đến là vấn đề đảm bảo hài hòa lợi ích giữa ba nhóm chủ thể: nhà nước - doanh nghiệp khai khoáng và cộng đồng dân cư ở những nơi có khoáng sản được khai thác. “Tôi đề nghị phải nghiêm túc xử lý mỗi quan hệ này”, ông Nhã đề nghị.

Hoạt động khai thác khoáng sản rầm rộ trong thời gian qua nhưng đóng góp cho nền kinh tế chỉ chiếm 3% GDP và giải quyết việc làm cho 300.000 lao động thì chưa phản ánh đúng tiềm năng và lợi ích của khai khoáng, hay nói khác đi là thất thoát giá trị trên nhiều mặt. Trong khi đó, nhà nước đã chi quá nhiều để xây cảng, làm đường, giải quyết hậu quả vô hình và hữu hình của hoạt động khai khoáng, đặc biệt là vấn đề đất canh tác, sức khỏe hay đảm bảo đời sống của người dân vùng có khai khoáng.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận), đề nghị bổ sung vào dự thảo luật vấn đề nhà nước cần có chính sách thuế thật cao và các chính sách khác thật chặt chẽ đối với hoạt động khai khoáng, nhất là xuất khẩu khoáng sản thô.

Có điều, ông Lê Quốc Dung, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, sau quá trình đi thực tế nói rằng cần bỏ đi khoản thu là phí đền bù tài nguyên vì khó xác định được cơ sở để thu. Hiện tại, trong các khoản thuế và phí đối với hoạt động khai khoáng sẽ sửa đổi, bên cạnh thu thuế, thu tiền đấu giá cấp phép khai thác sử dụng khoáng sản còn thu thuế tài nguyên và môi trường, nên việc thu thêm thuế đền bù tài nguyên là khó khả thi, do không phân biệt được rạch ròi chất lượng mỏ khác nhau, ở các địa phương khác nhau làm cơ sở cho việc này.

Bà Mai nói điều lớn hơn là phải đảm bảo quyền lợi cho nhân dân địa phương nơi có tài nguyên được khai thác. “Tôi đề nghị cần quy định rõ, địa phương được hưởng lợi gì, việc bồi thường tái định cư, định canh, cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội, đào tạo chuyển nghề cho dân địa phương như thế nào”, bà nói.

Nhiều ý kiến khác đề nghị dự luật không thể “khuyến khích” doanh nghiệp làm việc này mà cần bổ sung những điều khoản cụ thể vì việc khuyến khích có thể làm, có thể không và như vậy người dân vẫn là người gánh chịu hậu quả.

Quốc hội cũng đề nghị quy định chặt chẽ tiêu chí các mỏ nhỏ, lẻ mà địa phương được cấp phép là thế nào, nhỏ lẻ về số lượng hay trữ lượng để phân định quyền giữa trung ương và địa phương.

Hơn nữa, luật cần thiết phải bổ sung quy định về việc cấm khai khoáng ở vùng giáp biên, nơi rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn để tránh để lại những hậu quả xấu.

 

Các văn bản liên quan