Cái bẫy tài nguyên

Thứ Năm 16:28 17-06-2010

Cái bẫy tài nguyên

Vũ Huyền

Thứ Bảy,  5/6/2010, 15:54 (GMT+7)

 

 







(TBKTSG) - Bà Lâm Thị Ly thắp thêm một nén nhang. Trên bàn thờ, trong tấm ảnh, hai thanh niên vẫn cười. Hai con trai bà cứ trẻ, trẻ mãi ở tuổi 24 và 31.

Trong nhà, những thứ các con bà sắm về còn đó, chiếc xe đạp mini Trung Quốc và đôi loa hiệu LiOa, lâu không dùng đầy bụi phủ. Người đàn bà kể về hai con trai bà, người chết vì lao phổi, người chết vì HIV/AIDS, sau nhiều năm bôn ba từ các mỏ than ở Quảng Ninh đến các mỏ vàng tận Quảng Nam. “Rừng thiêng nước độc biết làm sao”, bà nói bằng một giọng nhỏ như nói thầm.

Trong xóm nơi bà Ly sống, ở xã thuần nông Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, nhiều thanh niên ly hương tìm vận may như các con bà, và không ít người gặp rủi. Người vùi xác trong hầm đào vàng. Người chết bỏ thân nơi mỏ than. Người tàn phế do tai nạn giao thông khi đang chở đá từ khai trường về bãi tập kết...

“Lời nguyền tài nguyên”, hình như những người dân nơi này đều hiểu.

Trong cuốn “Thương mại quốc tế và lời nguyền tài nguyên tại Đông Nam Á”, tác giả Ian Coxhead, Đại học Wisconsin, cho rằng sự nổi lên của kinh tế Trung Quốc làm cho Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác đánh mất lợi thế cạnh tranh trong sản xuất, đẩy họ tìm lợi thế cạnh tranh trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, vì tài nguyên khoáng sản của Việt Nam thường nằm ngay trên các vùng rừng đầu nguồn và đông dân cư, có nhiều ngành kinh tế khác chồng lên, lại thêm tệ nạn tham nhũng thì tìm lợi thế cạnh tranh trong khoáng sản có thể là một cái bẫy.

Theo thống kê, năm 2008 trong khi vốn đầu tư cho ngành khai khoáng đứng thứ 5/18 trong tổng vốn đầu tư cả nước thì đóng góp vào tăng trưởng GDP của ngành này chỉ đứng thứ 8, và số lượng lao động làm việc trong ngành khai khoáng đứng thứ 11.

“Xuất khẩu và xuất khẩu lậu quặng với giá rẻ mạt là bán rẻ cảnh đẹp vô song của đất nước, bán môi trường, bán nhiều ngành kinh tế khác, phản lại một thế mạnh vô cùng quan trọng của đất nước là kinh tế biển”.

Ông Nguyễn Trung - cựu thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng - nói.

Hơn ai hết, người dân gánh chịu nặng nề nhất tác động của việc khai thác khoáng sản.

Đầu năm nay, Trung tâm Con người và Thiên nhiên tiến hành một nghiên cứu tại xóm Phổn xã Tân Pheo, Đà Bắc, Hòa Bình, nơi có mỏ sắt rộng 7 héc ta. Kết quả cho thấy kể từ khi bắt đầu được khai thác vào năm 2001 mỏ này chỉ tạo việc làm cho 3% trong số gần 3.500 người dân trong xã trong khi khiến cho 40/119 hộ dân địa phương mất đất canh tác.

Dù không hưởng lợi gì từ mỏ than Bố Hạ (Bắc Giang) và mỏ đá Đồng Tiến (Lạng Sơn), những người dân xã Đồng Hưu (Yên Thế, Bắc Giang) vẫn hàng ngày đánh vật với con đường hỏng nát, đi về trong bầu không khí đặc bụi than, và lọt thỏm giữa những chiếc xe tải lao xuôi ngược chở khoáng sản từ nơi khai thác về nơi tiêu thụ.

Ô nhiễm là một trong những hệ lụy tất yếu của khai khoáng mà cho đến nay Việt Nam chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả.

Viện Tư vấn phát triển CODE khuyến cáo, những khai trường khai thác sa khoáng titan có trường phóng xạ rất cao, rất nguy hiểm cho người dân sống trong vùng.

Theo số liệu từ Chi cục Bảo vệ Môi trường Quảng Ninh, hàm lượng bụi tại khu vực khai thác, chế biến than trên địa bàn đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2-5,2 lần, còn tại các khu cư dân lân cận con số này là 3,3 lần. Một tài liệu khác cho thấy gần một nửa số người mắc bệnh bụi phổi silic và 60% số bệnh nhân viêm phế quản mãn tính trong toàn quốc tập trung tại các vùng khai thác mỏ.

Một tấn than khai thác được thải ra từ 3-6 mét khối đất đá. Mỗi năm chỉ riêng Quảng Ninh đã tiếp nhận hàng ngàn tấn dầu thải và ắc qui thải từ quá trình khai thác, chế biến than.

Khai thác khoáng sản thường làm thay đổi địa hình. Chất thải rắn đã tạo nên trên bề mặt địa hình mấp mô, xen kẽ giữa các hố sâu và các đống đất, đá. Những bãi đổ thải đã tạo nên những khu đất cao nhân tạo cao hàng trăm mét ở khu Cọc 6, Đèo Nai, Cao Sơn, Bàng Nâu, Núi Béo (Quảng Ninh) mà ông Nguyễn Trung, cựu thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, mô tả là “trùng điệp như các dãy núi”.

“Núi rừng nham nhở, phá quy hoạch của Chính phủ đến mức không thể nào hỗn độn thêm,” là nhận xét của ông Trung về những vùng khai thác quặng ở Yên Bái, Lào Cai.

Về vùng miền Nam, ông miêu tả, “các mảng rừng bị đảo lộn còn hơn cả các trận động đất dữ, sông ngòi bị lấp kín ở Quảng Nam. Tôi thực sự sởn tóc gáy... Nhìn những hố nham nhở trên bờ biển Phan Thiết chỉ có gỗ mới không chạnh lòng”.

Hoạt động khai khoáng đã phá hủy hàng ngàn héc ta rừng nhiệt đới. Theo thống kê, có nơi diện tích rừng tự nhiên đã giảm tới 80%. Tại các vùng khai thác sa khoáng titan ven biển miền Trung rừng phòng hộ và cảnh quan sinh thái ven biển hầu như biến mất.

Trong một nghiên cứu, cố Giáo sư Tiến sĩ môi trường sinh thái Thái Văn Trừng khẳng định trên các đụn cát ven biển miền Trung từng có một thảm thực vật tương đối kín tán bao gồm táu mật, dé, trâm nhuộm, găng gai, tràm gió, rau muống biển, cỏ lông chông, mua... Nhưng theo mô tả của Tiến sĩ Đặng Trung Thuận - Hội Địa hóa Việt Nam, hiện nay trên dải cồn cát miền Trung quá trình hoang mạc hóa phát triển là nguy cơ hiện hữu, có nơi đang trở thành hiểm họa. “Tại các khu vực khai thác titan thảm thực vật cây bụi tự nhiên đều đã bị dọn sạch, chỉ còn lại những vùng đất hoang hóa với những gốc cây dài 20-30 cen ti mét và những chùm rễ phi lao”.

Trong ba năm, 2005-2008, các tỉnh thành đã cấp gần 3.500 giấy phép khai thác khoáng sản. Đằng sau thực tế này, Phó giáo sư Tiến sĩ Hồ Uy Liêm, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, nhìn thấy “tiền đã vào túi một số người”. “Khai thác gì mà kỳ lạ! Chẻ nát đất nước này ra, băm nát đất nước này ra!”. Tại hội thảo “Tài nguyên khoáng sản và phát triển bền vững ở Việt Nam” tổ chức tại Hà Nội vào giữa tháng 5, ông Liêm nhấn mạnh chúng ta cũng phải để cho các thế hệ tương lai hưởng lợi từ tài nguyên mới.

Dù trong hơn 10 năm hoạt động, ngành khai thác, chế biến khoáng sản của Yên Bái chỉ đóng góp vào ngân sách tỉnh chừng 15 tỉ đồng, và chỉ thu hút được 3.200 lao động, tức khoảng 0,4% dân số nhưng đến nay tỉnh đã cấp gần 170 giấy phép cho 107 đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản.

Ông Nguyễn Trung cho rằng, đó là biểu hiện của bệnh chạy theo thành tích của nền kinh tế GDP tỉnh - chỉ cốt có số liệu đổi mới kinh tế để báo cáo. “Việc biến một nông dân cuốc đất thành một công nhân cuốc đá, tăng thêm một ít thuế tài nguyên cho thu nhập ngân sách địa phương là không mấy khó khăn”.

Cho đến nay, Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu khoáng sản thô, giá trị thấp. Ngoài một lượng nhỏ sắt, thiếc, cả nước hầu như duy nhất có quặng đồng được tinh luyện, song bằng công nghệ của Trung Quốc. “Xuất khẩu và xuất khẩu lậu quặng với giá rẻ mạt là bán rẻ cảnh đẹp vô song của đất nước, bán môi trường, bán nhiều ngành kinh tế khác, phản lại một thế mạnh vô cùng quan trọng của đất nước là kinh tế biển”, ông Trung nói.

Dù đang đối mặt với những thử thách gay gắt về năng lượng, dù từ năm 2015 sẽ phải nhập khẩu khối lượng lớn than và dầu lửa, Việt Nam vẫn xuất khẩu thô hai mặt hàng này.

Theo ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng, trực thuộc TKV, để tạo ra một ảo tưởng rằng Việt Nam có rất nhiều than, tập đoàn này tự điều chỉnh tiêu chí trữ lượng than theo hướng tính cả những vỉa than không có giá trị và khả năng khai thác. Theo đó, chiều dày tính trữ lượng của vỉa than đã được giảm từ 1 mét xuống còn 0,3 mét, độ tro của than đã được tăng từ 45-50%. Thực tế, trên thế giới chưa có công nghệ nào có thể khai thác các vỉa than có chiều dày 0,3 mét. “Việc thay đổi chỉ tiêu trữ lượng than vừa là một hành động cơ hội vừa là một thủ đoạn quản lý để bật đèn xanh cho việc pha trộn đất đá vào than chạy theo thành tích”.

Tệ nạn xã hội luôn đi kèm với các hoạt động khai thác khoáng sản. Theo thống kê của Viện CODE, chỉ riêng tại phường Hà Khánh, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, hiện có hơn 130 trường hợp nghiện hút nhiễm HIV được biết chính thức (chiếm gần 2% dân số).

Dư luận còn chưa quên cuối năm 2008, sáu người đã thiệt mạng trong cuộc tranh chấp thu mua than lậu giữa các tổ chức xã hội đen tại Quảng Ninh.

Những diễn biến phức tạp về tình hình an ninh trật tự ở Phù Mỹ, Phù Cát, Bình Định cũng là minh chứng cho vấn đề này. Nhân dân địa phương đã kéo nhau đập phá thiết bị của công ty khai thác titan.

Những phản ứng như vậy, Giáo sư Đặng Trung Thuận - Hội Địa hóa Việt Nam, cho rằng thật đáng tiếc, nhưng không đáng trách.

 

 

 

Các văn bản liên quan