Góp ý của Đại biểu Quốc hội Vũ Viết Ngoạn – Khánh Hoà

Thứ Năm 14:26 11-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin phép tham gia vào 3 nội dung:

Thứ nhất, xung quanh Điều 12 của Luật chứng khoán hiện hành tức là các tổ chức tín dụng chào bán cổ phiếu ra công chúng. Tôi xin giải thích lại là trong báo cáo của cơ quan chủ trì thẩm tra không đề nghị cho phép các tổ chức tín dụng được phép phát hành cổ phiếu ra công chúng nếu năm trước bị lỗ. Chúng tôi đề nghị các tổ chức tín dụng trong trường hợp năm trước bị lỗ mà được cơ quan có thẩm quyền của nhà nước yêu cầu phát hành tăng vốn, trong trường hợp đó không áp dụng Điều 12 của Luật chứng khoán hiện hành.

Chúng tôi xin giải thích: Tổ chức tín dụng có một số điểm rất khác với các doanh nghiệp thông thường. Sự khác biệt thứ nhất là hoạt động của tổ chức tín dụng mang tính chất đặc thù cao, nhu cầu tăng vốn của một doanh nghiệp thông thường là mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhưng của tổ chức tín dụng nhiều khi không phải vì mục tiêu mở rộng hoạt động, có khi do các yếu tố phát sinh từ bên ngoài làm thay đổi cơ cấu tài sản, cơ cấu vốn đã buộc tổ chức tín dụng đó cần thiết phải tăng vốn vì mục tiêu đảm bảo an toàn của hoạt động cho tổ chức tín dụng đó, cũng như bảo đảm an toàn hoạt động cho cả hệ thống ngân hàng và cho nền kinh tế nói chung. Do vậy nhu cầu và tăng vốn đôi khi nó không xuất phát đơn giản từ của tổ chức tín dụng mà nó yêu cầu của chính nền kinh tế đối với hệ thống tài chính, ngân hàng. Đây là ý thứ nhất, chúng tôi nêu rõ đặc điểm của tổ chức tín dụng trong hoạt động. Và lãi, lỗ của tổ chức tín dụng trong vòng 1 năm cũng không phản ánh một cách rõ thực chất chất lượng hoạt động của tổ chức tín dụng đó vào thời điểm đó. Trong khi một doanh nghiệp thông thường khi bị lỗ 1 năm thì nó phản ánh rõ ngay chất lượng của doanh nghiệp đó. Bởi vì lãi, lỗ của tổ chức tín dụng cũng như một định chế tài chính nói chung thì chúng ta biết rằng nó có đặc điểm là họ huy động vốn nhưng họ lại cho vay rất dài hạn, cho nên lãi hàng năm họ thu chỉ là tiền lãi trên đồng vốn đó. Mà trong cho vay thì 9 năm, 10 năm lãi thu được 8 năm nó làm cho 8 năm đầu được lãi, nhưng năm thứ 9 mất vốn thì có thể năm thứ 9 bị lỗ. Ngược lại lỗ của năm thứ nhất cũng chưa phản ánh hết toàn bộ bản chất hoạt động của tổ chức tín dụng. Chính vì vậy việc yêu cầu về tăng vốn của tổ chức tín dụng khác với các doanh nghiệp thông thường.

Vấn đề thứ hai, đặc điểm thứ hai chúng tôi muốn nói rằng đối với các doanh nghiệp thông thường khi phát hành cổ phiếu ra công chúng thì các cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm giám sát việc phát hành cổ phiếu ra công chúng của doanh nghiệp đó để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư. Nhưng các tổ chức tín dụng là họ huy động vốn hàng ngày cho nên các cơ quan quản lý Nhà nước giám sát an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng không phải chờ đến khi tổ chức tín dụng đó phát hành cổ phiếu ra công chúng mà phải giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng đó hàng ngày và bảo vệ lợi ích không phải chỉ có nhà đầu tư và cổ phiếu, mà bảo vệ lợi ích của cả người gửi tiền nữa. Chính vì những lý do đó Luật ngân hàng Nhà nước và Luật tổ chức tín dụng mà chúng ta vừa mới thông qua tại kỳ họp trước đã giao quyền cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trực tiếp là ngân hàng Nhà nước thẩm quyền rất cao cũng như trách nhiệm rất cao trong việc giám sát an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng với những điều kiện hết sức khắt khe.

Khi một tổ chức tín dụng có tình trạng khó khăn về mặt tài chính như tôi đã nói phần đầu lý do thứ nhất là nó chỉ mang tính tạm thời thôi, chúng ta không tạo điều kiện cho nó tiếp tục hoạt động nâng cao năng lực tài chính mà chúng ta để cho nó rơi vào tình trạng khó khăn hơn rồi dẫn đến đổ vỡ thì nó ảnh hưởng đến không phải chỉ một bộ phận xã hội nhỏ như ở một doanh nghiệp phá sản, mà nó ảnh hưởng cả một bộ phận hết sức rộng lớn của xã hội, của dân cư và của nền kinh tế. Chính vì vậy, trách nhiệm đảm bảo cho tổ chức tín dụng hoạt động thì không phải chỉ là có Hội đồng quản trị, cũng như là của ban lãnh đạo điều hành của tổ chức tín dụng đó mà đó là trách nhiệm chung của cả hệ thống. Chính vì vậy, Luật tổ chức tín dụng vừa qua chúng ta thông qua, chúng ta đã qui định trong điều kiện, trong trường hợp cần thiết thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trực tiếp, ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng đó phải phát hành bổ sung thêm vốn.

Chính vì vậy chúng tôi đề nghị riêng trường hợp của tổ chức tín dụng thì chúng ta cho phép khi trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Tổ chức tín dụng đó phát hành vốn thì không áp dụng điều khoản của Điều 12 nó quá chặt chẽ. Đấy là nội dung thứ nhất.

Nội dung thứ hai, liên quan đến công bố thông tin của tổ chức tín dụng, trong này chúng tôi cũng có một ý kiến là đối với tổ chức tín dụng do tính chất nó là một doanh nghiệp hoạt động lợi ích công chúng và rủi ro của nó cũng rất lớn cũng như mức độ ảnh hưởng của nó đối với xã hội rất nhiều. Chính vì vậy, Luật tổ chức tín dụng quy định hết sức chặt chẽ những nội dung, điều kiện phải công bố thông tin, tức là phải đảm bảo tính minh bạch rất cao, cao hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp thông thường khác. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thấy rằng có những trường hợp thông tin của Luật chứng khoán nó có thể phát sinh một vài điểm trong Luật tổ chức tín dụng nó chưa có, chúng tôi đề nghị là các tổ chức tín dụng vẫn phải áp dụng cả 2, nhưng trường hợp bị trùng lặp thì cũng không có vấn đề gì vướng và cũng không có nhiều. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng nếu áp dụng điều này thì nó không gây khó khăn gì cho các tổ chức tín dụng.

Nội dung thứ ba, liên quan đến điều kiện thành lập Công ty chứng khoán và Công ty quản lý quỹ thì chúng tôi thấy rằng vừa qua luật hiện hành của chúng ta nó quá dễ dàng chỉ có 3 điều kiện thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Một là có đủ vốn pháp định, hai là có trụ sở, ba là có chứng chỉ hành nghề thì 3 điều kiện nó quá dễ dàng. Chúng tôi cho rằng đối với định chế tài chính, đặc biệt là công ty Chứng khoán và Công ty quản lý quỹ là những hoạt động mang tính chất rủi ro rất cao, cho nên cần phải có giám sát để đảm bảo cho các tổ chức này với số lượng vừa phải trong nền kinh tế. Lý do là các Công ty chứng khoán, Công ty quản lý quỹ bản thân họ là làm chức năng cung cấp thông tin, tư vấn cho nhà đầu tư, nếu họ cạnh tranh quá nhiều trong khi quy mô thị trường quá ít, số lượng công ty này quá lớn sẽ dẫn đến vì mục tiêu lợi nhuận họ sẽ cung cấp các thông tin để khuyến khích các nhà đầu tư tăng quy mô hoạt động lên. Như vậy những thông tin này có thể dẫn đến tình trạng không bình thường, không lành mạnh, bởi vì mục tiêu của họ là kiếm phí dịch vụ. Cho nên chúng tôi thấy rằng không nên để cho các định chế tài chính rơi vào tình trạng phải cạnh tranh thái quá, đó là một nguyên lý.

Ý thứ hai, bản thân các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ thì họ cũng đầu tư, khi quy mô thị trường ít quá, số lượng các nhà đầu tư là công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ lớn quá thì cũng vì mục tiêu lợi nhuận, họ sẵn sàng đầu tư rủi ro. Chúng ta cũng biết họ là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, khi họ đã đầu tư vào thì thường các nhà đầu tư nhỏ lẻ khác sẽ nhìn vào các công ty chứng khoán để họ đầu tư theo. Khi các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư mang tính chất rủi ro nhiều rất dễ dẫn dắt cả thị trường đầu tư mang tính chất rủi ro theo. Chúng tôi nghĩ một nguyên lý là phải để cho các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ có một số lượng vừa phải trong nền kinh tế, không ở mức quá lớn. Chính vì vậy đề nghị điều kiện thành lập công ty quản lý quỹ cũng như công ty chứng khoán phải ở mức khá chặt chẽ, bởi vì đây là loại hình hoạt động kinh doanh có điều kiện, chúng tôi đề nghị phải điều chỉnh lại điều kiện này trong luật hiện hành. Tôi xin hết. Xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan