Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết – Lạng Sơn

Thứ Năm 14:24 11-11-2010

Kính thưa quý vị Chủ tọa.

Kính thưa các vị đại biểu.

Tôi xin phát biểu ý kiến về ba vấn đề. Ngày hôm nay có ít đại biểu tham gia thảo luận cho nên nếu tôi có nói dài một chút và vẫn nghe được thì cũng xin Quốc hội thông cảm.

Vấn đề thứ nhất chúng tôi muốn trình bày là đánh giá về công tác chuẩn bị dự án luật và công tác kiểm tra.

Về công tác chuẩn bị dự án luật thì có thể nói là dự án luật này đã được chuẩn bị hết sức công phu, cả những nghị định, văn bản hướng dẫn dự kiến ban hành cũng đã được công bố ở đây. Có thể nói cũng ít có dự thảo nào được chuẩn bị công phu như vậy và việc chuẩn bị này đúng trình tự, thủ tục pháp luật. Tuy nhiên, chúng tôi thấy hơi phàn nàn một chút là trong 3 tập tài liệu của Ban soạn thảo thì không thấy giới thiệu Luật chứng khoán hiện hành. Luật chứng khoán được thông qua năm 2006, cho nên các đại biểu khóa XII không có văn bản đó và để thảo luận thì rất khó, đêm qua tôi phải mở mạng ra để đọc.

Thứ hai là Báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện Luật chứng khoán thì chúng tôi thấy viết cũng rất tốt, nhưng trong Báo cáo thì không nói rõ là Báo cáo đánh giá này nó có dựa trên việc tổ chức hội nghị, lấy ý kiến của các đối tượng liên quan hay không? Bởi vì một Báo cáo do các chuyên viên ngồi ở trong phòng viết thì dù tài giỏi đến mấy cũng khó có thể bao quát được thực tế, khó phản ánh được ý kiến của các đối tượng tham gia thị trường chứng khoán. Tôi nghĩ các chuyên viên ở đây rất hiểu biết, nhưng chúng tôi cũng mong là dự thảo Luật mới phải thể hiện được thực tế, thể hiện được ý kiến của những đối tượng tham gia vào thị trường chứng khoán này.

Thứ ba là về công tác thẩm tra thì chúng tôi thấy Báo cáo thẩm tra rất xúc tích và thuyết phục. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy thiếu Báo cáo giám sát thực tế, qua ý kiến phát biểu của đại biểu Trần Du Lịch thì chúng tôi được biết là Ủy ban kinh tế đã đi khảo sát thực tế. Chúng tôi rất mong là lần sau tất cả những báo cáo thẩm tra luật, Uỷ ban thẩm tra nên có báo cáo giám sát thực tế. Bởi vì qua báo cáo giám sát thực tế, Ủy ban sẽ giúp cho đại biểu Quốc hội hình dung rõ hơn thực tế đã diễn ra như thế nào, nhất là đối với những luật khó, quá chuyên môn như Luật chứng khoán này.

Vấn đề thứ hai, chúng tôi xin đề cập về địa vị pháp lý của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, đọc luật này chúng tôi thấy luật giao cho Chính phủ và Bộ Tài chính quyền ban hành khá nhiều văn bản hướng dẫn, văn bản quy định cụ thể. Riêng đối với Luật chứng khoán thì chúng tôi đồng tình giao quyền cho Chính phủ và Bộ Tài chính như vậy, bởi vì thị trường chứng khoán ở Việt Nam rất là mới mẻ, chúng ta cũng còn ít kinh nghiệm, vả lại thị trường chứng khoán diễn biến thường xuyên cho nên cần phải có những văn bản hướng dẫn kịp thời để điều chỉnh. Chúng tôi thấy rất đồng tình với việc giao quyền cho Chính phủ và Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể.

Nhưng cũng chính vì thế chúng tôi mong muốn Uỷ ban chứng khoán Nhà nước phải có một vị thế độc lập hơn. Bởi vì bộ đã ban hành các quy định cụ thể, tức là đã ban hành những quy chế rồi, bộ lại phát hành trái phiếu Chính phủ mà trái phiếu là một loại chứng khoán, người ta gọi là chứng khoán nợ. Ở các nước phát triển, chứng khoán nợ là chứng khoán chiếm tỷ trọng giao dịch lớn nhất trong thị trường chứng khoán, như vậy tức là bộ cũng tham gia vào sân chơi chứng khoán. Mặc dù trái phiếu do Quốc hội quyết định số lượng phát hành nhưng khi trái phiếu đã lưu hành trên thị trường, đã vào giao dịch mua bán rồi thì trái phiếu ấy cũng là mặt hàng và Bộ Tài chính là cơ quan phát hành trái phiếu này cũng là một người tham gia sân chơi ấy. Bây giờ trái phiếu ấy sẽ phải do Uỷ ban chứng khoán Nhà nước quản lý mà Bộ Tài chính lại là cấp trên của Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Như vậy, Ủy ban chứng khoán Nhà nước mà điều chỉnh hành vi của Bộ thì rất khó. Cũng có đại biểu trong phát biểu của mình có nói như thế là "vừa đá bóng, vừa thổi còi" chúng tôi không biết việc này chính xác đến mức nào nhưng tôi thấy hình như lại còn làm thêm cả Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam nữa. Bởi vì anh giao văn bản quy định xong lại phát hành trái phiếu, anh tham gia sân chơi như mọi người mà anh lại là cấp trên của Ủy ban chứng khoán Nhà nước thì tôi thấy như thế rất vướng mắc.

Hiện nay theo như tôi được biết 70% các nước trên thế giới, trong đó có 5 nước G7 đang tổ chức Ủy ban chứng khoán theo mô hình độc lập, chúng ta cũng nên nghiên cứu thêm xem như thế nào. Tôi nhớ ở Quốc hội Khóa XI vào năm 2006 khi thảo luận vấn đề này thì Bộ trưởng Bộ Tài chính lúc đó là đồng chí Nguyễn Sinh Hùng có nói "trước mắt chúng ta hãy tổ chức Ủy ban chứng khoán này trong phạm vi của Bộ Tài chính đã, sau đó sau năm 2010, khoảng năm 2012 thì chúng ta sẽ tổ chức Ủy ban chứng khoán Nhà nước độc lập chăng". Bây giờ là năm 2010 rồi, chúng tôi nghĩ sau 3 năm thì Bộ cũng có thể đánh giá được vấn đề là Ủy ban chứng khoán độc lập thì tốt hơn hay phụ thuộc Bộ Tài chính thì tốt hơn và nên nghiên cứu thật kỹ, nếu tổ chức được độc lập thì tôi nghĩ vẫn thuận lợi hơn. Và hiện nay công việc của Bộ Tài chính rất nặng, quản lý ngân sách Nhà nước, quản lý đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước, quản lý thuế, quản lý hải quan v.v... công việc rất nặng và lại thêm công việc này làm nó càng nặng nề thêm. Chúng tôi cũng hiểu trách nhiệm nặng nề thì làm cũng hết sức vất vả và cũng khó có thể tránh được sơ xuất, khi sơ xuất thì mình lại phải chịu trách nhiệm. Cho nên, chúng tôi nghĩ nên tính toán chỗ này.

Vấn đề thứ ba, chúng tôi muốn phát biểu đó là phải bảo đảm an toàn cho thị trường và hạn chế đến mức cao nhất rủi ro cho người đầu tư. Theo tôi hiểu thì chứng khoán là một hình thức huy động vốn ở trong dân để phát triển kinh tế, chúng ta có nhiều hình thức huy động vốn trong đó có cả đi vay ở nước ngoài, nhưng hình thức huy động vốn trong nhân dân là hình thức tốt nhất. Người dân hiện nay người ta có 3 hình thức sử dụng vốn nhàn rỗi của mình.

Thứ nhất là gửi tiết kiệm, gửi tiết kiệm thì cũng được, an toàn, nhưng khi đồng tiền mất giá liên tục thì chắc chắn là sẽ thiệt thòi.

Thứ hai là mua trữ vàng và ngoại tệ mạnh.

Thứ ba là chơi chứng khoán và đầu tư vào chứng khoán.

Đấy là 3 hình thức đầu tư lành mạnh, còn những hình thức khác thì tôi cũng không dám kể, 3 hình thức như vậy thì người ta chơi chứng khoán cũng là một hình thức đầu tư. Nhưng thường thì chơi chứng khoán là rủi ro rất nhiều, theo nguyên tắc của thị trường chứng khoán thì anh phải tự chịu trách nhiệm về rủi ro của mình. Như vậy muốn đảm bảo an toàn cho thị trường và hạn chế những rủi ro cho người chơi thì theo tôi có mấy vấn đề lưu ý.

Một là phải có những công ty chứng khoán thật mạnh, hiện nay mình quy định là các công ty này chỉ cần vốn là 10 tỷ đồng Việt Nam thôi, những công ty chứng khoán không mạnh thì nó cũng khó có thể đảm bảo tránh được rủi ro. Tôi đề nghị nên cân nhắc lại điều kiện thành lập của các công ty chứng khoán này và thường xuyên kiểm tra vốn của họ, thường xuyên kiểm tra hoạt động của họ.

Hai là phải chống được giá ảo.

Ba là phải chống được lũng đoạn.

Chúng tôi xin nói thứ nhất là phải hạn chế số lượng người biết thông tin nội bộ. Theo quy định của Luật chứng khoán thì thông tin nội bộ là thông tin liên quan đến công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng chưa được công bố. Nếu được công bố thì có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán của công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng đó. Thông tin này rất quan trọng, nhưng theo quy định tại Khoản 33, Điều 6 của Luật chứng khoán hiện hành, tôi tính có đến hàng trăm người biết thông tin nội bộ này. Hàng trăm người mà biết thông tin nội bộ như thế thì thông tin đã lộ ra, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và ảnh hưởng tới người đầu tư chứng khoán.

Thứ hai là phải hạn chế sự lũng đoạn của các đại gia, nhất là các đại gia nước ngoài, có khi người ta đầu tư ào ạt vào mua, đẩy giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp nào đó lên cao. Sau đó lên đến đỉnh rồi thì họ lại rút, làm cuộc tháo chạy như thế tự nhiên làm cho giá trị của cổ phiếu thấp xuống. Có thể nói như thế thì người đầu tư chứng khoán, nhất là người chơi nghiệp dư rất thiệt thòi, dĩ nhiên nếu ai quá nghiệp dư thì không nên chơi chứng khoán, nhưng như thế dù sao cũng hết sức thiệt thòi cho người ta.

Thứ ba, tôi cũng xin kiến nghị để nghiên cứu thêm, chuyện này tôi cũng không dám chắc lắm vì đây không phải chuyên môn của tôi, tôi cũng chưa kịp hỏi chuyên gia nào cả, phải bổ sung chế tài đối với các công ty chứng khoán. Ví dụ mình phải bổ sung chế tài là thông báo tên của các công ty chứng khoán vi phạm, nhất là đẩy giá ảo hay tung những tin thất thiệt lên trên các phương tiện thông tin đại chúng, đó là một hình thức trừng phạt rất nặng nề, còn mình phạt tiền người ta cũng không sợ.

Một biện pháp nữa để đảm bảo an toàn là tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn vào thị trường chứng khoán. Hiện nay các doanh nghiệp lớn của mình hầu hết là chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, chưa bán cổ phiếu. Các doanh nghiệp đó có tham gia thị trường chứng khoán thì chỉ tham gia dưới hình thức bỏ vốn của mình ra để mua cổ phiếu của các doanh nghiệp khác. Vốn của nhà nước mà bỏ ra mua cổ phiếu của người khác thì rất nguy hiểm, bởi vì đến lúc sụt giá thì vốn nhà nước mất sạch. Chúng tôi nghĩ phải làm thế nào để các doanh nghiệp lớn tham gia bán cổ phiếu trên thị trường, hiện nay thị trường chứng khoán của mình chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ người ta bán thôi, các doanh nghiệp nhỏ này thường hay thổi phồng giá trị của mình lên, làm giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán là giá trị ảo lớn hơn giá trị thực rất nhiều, người mua đi theo người ta rất thất thiệt.

Tóm lại, theo tôi cố gắng làm sao nghiên cứu những điều khoản để thị trường chứng khoán phát triển đúng với mục đích của mình là huy động vốn ở trong dân để phát triển kinh tế, phát triển sản xuất, hạn chế việc lợi dụng thị trường chứng khoán thành một cuộc đỏ đen và làm giàu cho một số người nhất định. Tôi xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan