Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi: Mới giải quyết được những chuyện quá bức xúc

Thứ Tư 10:47 20-10-2010

Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi: Mới giải quyết được những chuyện quá bức xúc

Fri,15/10/2010

Vừa qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý đã đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi và bổ sung. Đây là dự luật chuyên ngành, có vai trò quan trọng đối với hoạt động của nhiều doanh nghiệp, vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng mỗi sửa đổi cần tiến hành thận trọng song phải bao quát được phạm vi, đối tượng điều chỉnh. Do đó, dự thảo lần này vẫn chưa "chạm" đến những vướng mắc cơ bản cũng là điều dễ hiểu.

 Minh bạch thông tin phải được coi trọng

Ông Cao Sỹ Kiêm,
Chủ tịch Hiệp hội
Doanh nghiệp nhỏ và vừa
----------------------------------

Luật Chứng khoán là một luật quan trọng, chuyên sâu, có tác dụng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, do mới có hơn 3 năm thực hiện, thị trường chứng khoán mới phát triển, nên cũng khó đòi hỏi quá cao trong việc sửa đổi, bổ sung luật một cách đồng bộ. Lần này chúng ta chỉ sửa đổi một số điều ở 6 lĩnh vực như: chào bán chứng khoán, quản trị công ty, cơ sở công ty chứng khoán (CTCK), liên kết thị trường, thẩm quyền của thanh tra, xử lý vi phạm là những nội dung có nhiều vướng mắc. Còn những vấn đề cơ bản, lâu dài chưa "chạm" đến được như: địa vị pháp lý, vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước...
Chào bán chứng khoán ra công chúng của các tổ chức tín dụng phải thực hiện theo Luật Các tổ chức tín dụng mới công bố năm 2010. Sau thời gian thực hiện sẽ tính đến sửa các luật cho đồng bộ, thống nhất, không nên thực hiện theo quyền lợi cục bộ sẽ "va đập" giữa các luật. Cần tăng thẩm quyền của thanh tra để xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, vì đã là thanh tra thì phải xử lý, thanh tra chỉ nhắc nhở thì không nghiêm. Cái khó là quy định mới không dễ được chấp nhận, vướng mắc ở chỗ có nhiều cơ quan điều tra, nếu cho phép điều tra về điện thoại, tài khoản thì khó khả thi. Luật nên quy định chung, giao cho Chính phủ quy định cụ thể tùy theo khả năng thực hiện phù hợp với tình hình từng thời kỳ.
Về quản trị công ty, với 4 nguyên tắc chung và cụ thể hóa bằng quy định của Chính phủ hoặc Bộ Tài chính. Còn quản trị của tổ chức tín dụng thì theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Minh bạch thông tin là yếu tố rất quan trọng đối với thành công của thị trường chứng khoán, vì đây là thị trường lòng tin. Do đó, cần có càng nhiều thông tin càng tốt, càng chi tiết càng tốt, càng tạo lòng tin càng có hiệu lực. Về tư tưởng chỉ đạo là tạo ra sự rõ ràng công khai minh bạch thì làm; cái gì bó buộc quá thì thôi; không nên gây hoảng loạn; tin đồn thì nên bỏ triệt để. Sửa luật nên hài hòa 4 yếu tố: chào bán chứng khoán, quản trị công ty, công bố thông tin và xử lý vi phạm.
 

Cần có cơ chế phối hợp với ngành tư pháp

Ông Nguyễn Văn Phúc,
Phó chủ nhiệm
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
----------------------------------

Tôi nhất trí việc tăng quyền điều tra cho UBCKNN, song phải lưu ý hoạt động của thanh tra chứng khoán không giống như các cơ quan điều tra hình sự, chưa kể cơ quan hành chính nên tránh điều tra vi phạm các quyền tự do của tổ chức, cá nhân. Quy định bổ sung một số thẩm quyền cho thanh tra như: cung cấp thông tin mối quan hệ nhân thân, sao kê điện thoại, chứng từ, tài khoản… là khó được chấp nhận.
Theo tôi, cần thiết kế cơ chế sử dụng mối quan hệ giữa các cơ quan tư pháp và cơ quan hành chính để điều tra các vụ vi phạm trong thị trường chứng khoán. Các nước khác cũng làm như vậy, khi luật không cho phép cơ quan hành chính điều tra thì phải dựa vào cơ quan tư pháp, dựa vào lệnh của tòa án để thực hiện. Có thể bổ sung thêm quyền cho thanh tra chứng khoán để phát hiện những căn cứ và quyền yêu cầu khởi tố, dùng sức ép của cơ quan tư pháp nếu các biện pháp của thanh tra chưa đủ.
Quy định các hành vi bị xử phạt khác phải bảo đảm tính minh bạch và quy định hình thức trong luật. Trong dự thảo luật quy định một số hành vi, còn những hành vi chưa quy định thì giao cho Chính phủ là mâu thuẫn.
Luật hiện hành quy định cụ thể các loại chứng khoán, nhưng thị trường phát triển chưa lường hết được các loại sản phẩm. Theo quy định của luật về giải thích từ ngữ, các loại chứng khoán là sản phẩm của thị trường chứ không phải do Nhà nước định ra, nhưng cần cân nhắc thêm quy định có thể sản phẩm ra đời một cách khách quan và được đăng ký với cơ quan quản lý là Bộ Tài chính. Về hợp đồng góp vốn đầu tư, dự thảo chưa nêu rõ hợp đồng góp vốn đầu tư là hợp đồng góp tiền vào đầu tư chung với các nhà đầu tư khác, chương trình đầu tư là chương trình mục tiêu hay chương trình, dự án đầu tư cụ thể.
Sự ra đời, tồn tại, tiêu vong của CTCK theo quy định về tiêu chí nhưng dự thảo luật sửa đổi về hạn chế sự ra đời của CTCK còn chung chung, rộng quá. Số lượng CTCK, công ty quản lý quỹ phải theo quy luật thị trường. Quy định "phải có phương án hoạt động kinh doanh"… là quá rộng, cơ quan cấp phép khó xác định thế nào là chiến lược phát triển, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cần có tiêu chí cụ thể hơn nữa.
 

Gỡ vướng cho tổ chức tín dụng

Ông Trần Đắc Sinh,
Giám đốc Sở Giao dịch
chứng khoán Tp.HCM
----------------------------------

Việc bắt buộc các công ty đại chúng phải cam kết niêm yết sau 1 năm chào bán cổ phiếu ra công chúng là tốt, vì thời gian qua, nhiều công ty, kể cả công ty lớn, công ty nhỏ sau 5 - 7 năm chào bán ra công chúng vẫn chưa niêm yết. Tuy nhiên, số lượng công ty đại chúng rất lớn nên việc giao Bộ Tài chính hướng dẫn quy mô vốn thế nào cho hợp lý.
Đối với việc niêm yết của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước quy định thanh tra, xử phạt thì không đủ điều kiện niêm yết… nhưng dự thảo chưa đề cập đến. Việc chào bán ra công chúng của tổ chức tín dụng, theo tôi, nên chấp hành theo quy định chung trên thị trường chứng khoán, loại trừ tổ chức tín dụng là không hợp lý. Nếu tổ chức tín dụng lỗ thì xử lý theo các phương án như sáp nhập, giải thể, phá sản…, chứ còn nhân nhượng điểm này thì sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán nói chung.
Về liên kết thị trường ASEAN, Việt Nam hiện đang triển khai tham gia liên kết với thị trường chứng khoán ở 6 nước, nhưng gặp vướng mắc liên quan đến khung pháp lý do luật hiện hành chưa quy định. Vì vậy, nên bổ sung để có điều kiện hội nhập khu vực, bảo đảm cam kết liên thông vào năm 2015, mở ra khả năng hội nhập.
Địa vị thanh tra của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phải được nâng lên, vì thị trường chứng khoán vừa qua phát triển rất nhanh, mặt trái rất nhiều, theo quy định hiện hành chỉ phạt 50 - 70 triệu đồng thì không đáng kể. Hiện chúng ta chưa có căn cứ quy định nào phối hợp với cơ quan an ninh, điều tra, nên quy định công cụ cho thanh tra của UBCKNN để xử lý được các vi phạm, hạn chế bớt các tiêu cực.

Thúc đẩy công ty đại chúng giao dịch trên thị trường

Ông Vũ Viết Ngoạn,
Phó chủ nhiệm
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
----------------------------------

Luật sửa đổi tác động đến các định chế như CTCK và công ty quản lý quỹ, thể hiện trên hai phương diện: điều kiện thành lập để điều chỉnh tình hình thành lập quá nhiều CTCK và phạm vi hoạt động của CTCK, công ty quản lý quỹ. Kinh nghiệm nước ngoài phân biệt rất rõ: thành lập doanh nghiệp bình thường chỉ cần đăng ký, còn đối với các doanh nghiệp có điều kiện kinh doanh như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm thì phải theo các điều kiện rất chặt chẽ, nhiều giấy phép nhưng cũng rất minh bạch. Việt Nam quy định các điều kiện quá dễ dàng, cần chặt chẽ, phù hợp.
Về quản lý Nhà nước, công ty niêm yết rất ít so với số lượng công ty đại chúng, dẫn đến các giao dịch chứng khoán trên thị trường, kể cả trên thị trường UPCOM, gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước, đồng thời không bảo đảm lợi ích chung cho các nhà đầu tư trong xã hội. Dự thảo luật điều chỉnh theo hướng thúc đẩy công ty đại chúng giao dịch trên thị trường, nếu đủ điều kiện thì giao dịch trên thị trường có tổ chức, nếu chưa đủ điều kiện thì đưa ra các điều kiện để thực hiện mục tiêu này.
Về xử lý vi phạm, loại hình vi phạm mới phát sinh sẽ do Chính phủ quy định vì các loại vi phạm mới liên tục phát sinh. Tình trạng làm giá, kinh doanh nội gián, lũng đoạn thị trường và kiếm lợi bất chính khá nhiều. Dự thảo luật sửa đổi sẽ tiếp cận, xem xét tạo điều kiện cho cơ quan có thẩm quyền là UBCKNN có các công cụ, chức năng để xác minh các bằng chứng gian lận, giả mạo gây lũng đoạn thị trường và kiếm lợi bất chính. Nếu giao nhiều quyền quá cho cơ quan hành chính giống như cơ quan điều tra là không hợp lý, nhưng nếu không giao thì không giải quyết được tình hình lũng đoạn thị trường hiện nay. Không thể lúc nào cơ quan điều tra cũng vào doanh nghiệp xác minh, kể cả đối với cá nhân.

Thành lập định chế tài chính bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư

Ông Nguyễn Hoàng Hải,
Tổng thư ký Hiệp hội
Các nhà đầu tư tài chính
----------------------------------


Đề nghị bổ sung quy định về định chế tài chính để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư trong trường hợp CTCK bị giải thể, phá sản hoặc gặp khó khăn lớn về tài chính mà không có khả năng bảo toàn một phần vốn của nhà đầu tư.
Hiện nay, trên thị trường chứng khoán Việt Nam có hơn 100 CTCK đang hoạt động, còn nhiều bất cập như: phân tán nguồn lực, chất lượng chưa đạt yêu cầu, cạnh tranh gay gắt, không lành mạnh, rủi ro cao do cạnh tranh về dịch vụ sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cho vay rất cao, dẫn đến rủi ro về vốn và chứng khoán của CTCK, đồng thời ảnh hưởng đến sự an toàn về tiền và cổ phiếu của các nhà đầu tư.
Nhà đầu tư cá nhân chiếm đa số phần tổng giá trị giao dịch mua bán cổ phiếu chứng khoán hàng ngày, kiến thức còn hạn chế, khó có khả năng nhận biết về tình hình hoạt động của CTCK, cũng như khó có khả năng phân biệt CTCK tốt hay xấu. Việc thành lập một định chế tài chính bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư từ việc hình thành quỹ đền bù sẽ tạo an tâm cho các nhà đầu tư chứng khoán, giảm thiểu những rủi ro không mong muốn xảy ra đối với các nhà đầu tư cá nhân, sẽ góp phần phát triển bền vững thị trường chứng khoán.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy đã từng xảy ra những vụ giải thể, phá sản hay mất khả năng thanh toán của một số CTCK dẫn đến việc làm thiệt hại đến tài sản của nhà đầu tư. Vì vậy, việc thành lập một định chế tài chính bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư là sự cần thiết khách quan, tương tự như bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền trong dịch vụ ngân hàng. KD
 

 Quang Minh thực hiện

(KINH DOANH số 61, ra ngày 11/10/2010)

 

Các văn bản liên quan