Dự thảo sửa đổi luật Chứng khoán: Vẫn còn nhiều điểm chưa minh bạch

Thứ Tư 10:44 20-10-2010

Dự thảo sửa đổi luật Chứng khoán: Vẫn còn nhiều điểm chưa minh bạch

Theo vinabull.com - 17/09/2010

Một trong những lý do khiến nhiều tổ chức, cá nhân chưa muốn đến với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chính là do tin rằng, thị trường này vẫn còn thiếu thông tin công khai, thiếu minh bạch.

  Trong tờ trình cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội để xin ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung “luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Chứng khoán” hôm 15.9, Chính phủ cũng thừa nhận thực tế này.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung nêu ra một số giải pháp để tăng cường tính công khai, minh bạch của TTCK. Nhưng ngay khi lấy ý kiến Uỷ ban thường vụ Quốc hội, một số thành viên uỷ ban đã cho rằng, những sửa đổi ấy là chưa đủ và thậm chí, nhiều quy định trong dự thảo còn làm TTCK kém minh bạch hơn.

Theo bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, hiện nay chưa có các quy định buộc các công ty đại chúng phải đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường có tổ chức, do vậy, các giao dịch chứng khoán được thực hiện ở cả thị trường có tổ chức và cả thị trường tự do. “Các giao dịch trên thị trường tự do dựa trên các thông tin không đầy đủ, không chính thống, thiếu tính minh bạch, không có các cơ sở pháp lý đầy đủ và không chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dẫn tới có rất nhiều rủi ro… chứa đựng nhiều nguy cơ lừa đảo, đổ vỡ, ảnh hưởng đến thị trường có tổ chức”, ông Ninh nói.

Theo bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, có vấn đề lớn là luật Chứng khoán hiện hành chưa quy định trung tâm lưu ký chứng khoán là đối tượng phải công bố thông tin. Nhưng thực tiễn cho thấy trung tâm lưu ký chứng khoán khi thực hiện các hoạt động liên quan tới đăng ký, lưu ký chứng khoán có ảnh hưởng lớn tới hoạt động của thị trường chứng khoán, cần được công khai...

Cũng theo tờ trình của Chính phủ, việc quy định nội dung công bố thông tin của công ty niêm yết cao hơn, chặt chẽ hơn so với các công ty khác (điều 103, luật Chứng khoán) đã tạo ra sự phân biệt đáng kể về nghĩa vụ công bố thông tin giữa công ty đại chúng niêm yết và công ty đại chúng không niêm yết, dẫn đến việc không khuyến khích các công ty đại chúng đưa chứng khoán giao dịch tại thị trường niêm yết do “ngại” công bố thông tin, do đó, yêu cầu đặt ra là cần chỉnh sửa quy định về công bố thông tin sao cho khắc phục được tình trạng không muốn niêm yết...

Chủ nhiệm uỷ ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, chào mua công khai (điều 32 dự thảo luật) là điều rất quan trọng để nó góp phần công khai, minh bạch trên TTCK. Nhưng theo ông, quy định về những trường hợp nắm 25% vốn rồi mua thêm thì phải tiếp tục công khai là quá cao...

Cũng theo ông Hiển, ông lấy làm khó hiểu về quy định các đối tượng không phải công khai thông tin, ví dụ như quy định việc chuyển nhượng cổ phiếu của các công ty trong một tập đoàn thì không công khai. Hoặc việc cho, tặng cổ phiếu giữa các thành viên trong gia đình mà không công khai, theo ông Hiển, cũng bất hợp lý. Ông Hiển nói: “Thực tế, có đơn vị thuộc FPT có việc chuyển nhượng cổ phần của tổng giám đốc hay chủ tịch hội đồng quản trị cho người trong gia đình là đã gây rúng động TTCK. Những chuyện này không thể không công khai”.

Một số thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, phải thay đổi cơ chế kiểm soát việc công bố, công khai thông tin không chỉ của đơn vị phát hành mà đối với cả các công ty kiểm toán do tình trạng báo cáo của nhiều công ty đã không trung thực, đến báo cáo kiểm toán cũng bị lái theo ý của hội đồng quản trị, biến lỗ thành lãi, lãi thành lỗ…

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Chứng khoán sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

 

 

Các văn bản liên quan