Đề xuất nội dung của Thông tư liên tịch hướng dẫn giải quyết bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước

Thứ Ba 15:19 16-03-2010

ĐỀ XUẤT NỘI DUNG CỦA

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH HƯỚNG DẪN GIẢI QUYẾT BỒI THƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC

(Toạ đàm JICA ngày 4/3/2010)

I. XÁC ĐỊNH CÁC TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC BỒI THƯỜNG

1. Nguyên tắc xác định các trường hợp được bồi thường

Hướng dẫn việc xác định trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra theo quy định tại Điều 6 của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sau đây gọi chung là Luật) và đưa ra một số ví dụ tình huống

2. Phạm vi các trường hợp được bồi thường

Theo quy định tại Điều 13 của Luật thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra trong các trường hợp sau đây:

1. Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;

2. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính;

3. Áp dụng các biện pháp buộc tháo dỡ nhà ở, công trình, vật kiến trúc và các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khác;

4. Áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào trường giáo dưỡng, đưa người vào cơ sở giáo dục hoặc đưa người vào cơ sở chữa bệnh;

5. Cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép;

6. Áp dụng thuế, phí, lệ phí; thu thuế, phí, lệ phí; truy thu thuế; thu tiền sử dụng đất;

7. Áp dụng thủ tục hải quan;

8. Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;

9. Ban hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;

10. Cấp văn bằng bảo hộ cho người không đủ điều kiện được cấp văn bằng bảo hộ; cấp văn bằng bảo hộ cho đối tượng sở hữu công nghiệp không đủ điều kiện được cấp văn bằng bảo hộ; ra quyết định chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ;

11. Không cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép, văn bằng bảo hộ cho đối tượng có đủ điều kiện;

12. Các trường hợp được bồi thường khác do pháp luật quy định.

Đề nghị hướng dẫn:

- Áp dụng pháp luật chuyên ngành để xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ trong các hoạt động nên trên;

- Xác định phạm vi các hành vi có liên quan đến việc cấp, không cấp, không thu hồi cấp các giấy tờ có giá trị như giấy phép.

3. Căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại

Điều 6 của Luật quy định về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường:

"1. Việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án phải có các căn cứ sau đây:

a) Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại các điều 13, 28, 38 và 39 của Luật này;

b) Có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đối với người bị thiệt hại."

Về vấn đề này, đề nghị Thông tư quy định:

- Các hình thước văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ: Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước; kết luận thanh tra ... ;

- Nguyên tắc xác định thiệt hại thực tế?

II. CƠ QUAN GIẢI QUYẾT BỒI THƯỜNG

Nghị định đã quy định cụ thể về cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước:

Điều 3. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính

Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được xác định như sau:

1. Trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là cán bộ, công chức của các đơn vị trực thuộc Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường là Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;

2. Trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là cán bộ, công chức của Tổng cục, Cục, các đơn vị khác có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng trực thuộc Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thì các cơ quan này có trách nhiệm bồi thường;

3. Trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là thành viên Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có trách nhiệm bồi thường, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này;

4. Trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại do các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 4 tháng 2 năm 2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan khác trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp quản lý thì các cơ quan này có trách nhiệm bồi thường;

5. Trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là thành viên Uỷ ban nhân dân cấp huyện và người thi hành công vụ do các cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp quản lý thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường là Ủy ban nhân dân cấp huyện;

6. Trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là thành viên Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc là công chức cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan có trách nhiệm bồi thường;

7. Cơ quan nhà nước khác theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này.

Điều 5. Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường

1. Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án

Việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 14 và Điều 40 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Điều 3 và Điều 4 của Nghị định này.

Trong trường hợp người bị thiệt hại không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm bồi thường thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường có thẩm quyền theo quy định tại Chương IV của Nghị định này xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo thủ tục sau đây:

a) Trường hợp người bị thiệt hại không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản của người bị thiệt hại, cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường phải có văn bản xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường;

b) Trường hợp không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm bồi thường thì thời hạn ban hành văn bản xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thể được kéo dài nhưng không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản của người bị thiệt hại. Việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm bồi thường được tiến hành như sau:

- Theo yêu cầu của người bị thiệt hại, cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc gây ra thiệt hại để xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường;

- Trong trường hợp không có sự thống nhất về việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường thì cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường quyết định một cơ quan trong số các cơ quan có liên quan là cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

c) Văn bản xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải được gửi ngay cho người bị thiệt hại và cơ quan có trách nhiệm bồi thường để thực hiện.

2. Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng

a) Việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng được thực hiện theo quy định tại các điều 29, 30, 31, 32 và 33 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

b) Trong trường hợp người bị thiệt hại không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc không có sự thống nhất về cơ quan có trách nhiệm bồi thường thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp.”

Tại Thông tư, đề nghị hướng dẫn về việc xác định trách nhiệm giải quyết bồi thường tương ứng với các trường hợp được bồi thường nêu tại điểm 2 mục I trên đây và đưa ra các ví dụ về giải quyết tranh chấp về trách nhiệm giải quyết bồi thường

III. XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI ĐƯỢC BỒI THƯỜNG

Chương V của Luật đã quy định về xác định thiệt hại được bồi thường. Để bảo đảm áp dụng thống nhất các quy định này, Thông tư cần đưa ra các tình huống cụ thể về xác định thiệt hại được bồi thường trong từng trường hợp.

IV. THỦ TỤC GIẢI QUYẾT BỒI THƯỜNG

Đề nghị hướng dẫn về các nội dung chủ yếu sau đây:

- Thủ tục xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại;

- Đơn và hồ sơ yêu cầu bồi thường;

- Các vấn đề có liên quan về giải quyết bồi thường tại Cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường: thương lượng; xác minh thiệt hại; lấy ý kiến các cơ quan có liên quan về việc giải quyết bồi thường

- Quyết định và hiệu lực của quyết định giải quyết bồi thường;

- Chi trả tiền bồi thường

V. MỘT SỐ NỘI DUNG KHÁC

- Trách nhiệm hoàn trả

- Quản lý nhà nước về công tác bồi thường: kiểm tra, báo cáo, giải quyết vướng mắc về việc giải quyết bồi thường ....

Các văn bản liên quan