Ls.Phan Thông Anh – Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư VN- Giám đốc Công ty Luật hợp danh: góp ý xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Luật trách nhiệm Bồi thường Nhà nước

Thứ Ba 14:52 16-03-2010

GÓP Ý XÂY DỰNG

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN LUẬT TRÁCH NHIỆM

BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC

(Tham luận tại Tọa đàm ngày 16.3.2010, Dự án Jica)

--------------------------

Ths.Ls.Phan Thông Anh - Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam

Trưởng Văn phòng đại diện Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp Bộ Tư pháp tại TPHCM

Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước được xây dựng và kế thừa từ Nghị quyết 388/QH về bồi thường oan sai trong lĩnh vực tố tụng và Nghị định số 47/CP ngày 03/05/1997 V/v giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra, là viên đá tảng xây dựng nhà nước pháp quyền nhằm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi bị cán bộ công chức, viên chức nhà nước xâm phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ công tác do nhà nước giao.

Để có thể đưa Luật vào cuộc sống là vấn đề hết sức phức tạp do nguyên tắc xây dựng văn bản pháp luật Việt Nam là ngoài Luật cần có các văn bản quy phạm hướng dẫn thực hiện. Do đó việc xây dựng Nghị Định và Thông tư Liên tịch là việc hết sức quan trọng, cần phải có tính thực tiễn, tính hợp lý và tính hiệu quả trong áp dụng pháp luật.Trên tinh thẩn đó chúng tôi xin có một số ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư liên tịch để thực hiện Luật và Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước như sau :

1)-Hành vi nào là hành vi trái pháp luật :

Điều 3 khoản 2/LTNBTNN quy định :

Hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn không đúng quy định của pháp luật và được xác định trong văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Nhận xét và đề nghị :

Văn bản quy định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại ở đây sẽ được quy định trên văn bản nào ? hành vi nào ? không thể quy định chung chung.

Theo chúng tôi cần có quy định cụ thể hoặc đã có quy định trước khi ban hành Thông tư liên tịch này cần có chỉ mục số văn bản đó và cần chỉ rỏ những hành vi đó là hành vi nào ? thuộc nhóm hành động hoặc không hành động.

2)-Cần xác định chi tiết thời hạn bồi thường đối với hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ trong vụ án hành chính

Điều 5/LTNBTNN quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường

Khoản 1. Thời hiệu yêu cầu bồi thường quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này là 02 năm, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26 của Luật này.

Khoản 2. Thời hiệu yêu cầu bồi thường quy định tại khoản 2 Điều 4 của Luật này được xác định theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

Khoản 3. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, giải quyết vụ án hành chính đã xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và có thiệt hại thực tế mà việc bồi thường chưa được giải quyết thì thời hiệu yêu cầu bồi thường được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Nhận xét và đề nghị :

Quy định như khoản 3 khi đối chiếu với khoản 1 thì được hiểu thời hạn bồi thường là 02 năm kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật chứ không phải tính từ ngày có quyết định bồi thường, theo chúng tôi cần làm rõ trong thời gian chờ có quyết định bồi thường mà Cơ quan nhà nước có thẩm quyền không ra quyết định hay ra quyết định nhưng người bị thiệt hại không đồng ý nhưng không thể kiện ra Tòa án vì đã hết thời hiệu theo khoản 1.

Theo chúng tôi, thời hiệu khởi kiện ở khoản 3 cần quy định như sau :

Trong quá trình giải quyết khiếu nại, giải quyết vụ án hành chính đã xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và có thiệt hại thực tế mà việc bồi thường chưa được giải quyết thì thời hiệu yêu cầu bồi thường được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này, tính từ ngày hết thời hạn ra quyết định bồi thường hoặc từ ngày ra quyết định bồi thường nhưng người bị thiệt hại không đồng ý.

Đồng thời, cần bổ sung thêm : -Thời hạn thanh toán tiền bồi thường là bao nhiêu ngày kể từ ngày có quyết định bồi thường.

3)-Cần xem lại quy định về tình thế cấp thiết :

Điều 6/LTNBTNN quy định về Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường

.....................................................................

Khoản 3. Nhà nước không bồi thường đối với thiệt hại xảy ra trong các trường hợp sau đây:

a) Do lỗi của người bị thiệt hại;

b) Người bị thiệt hại che dấu chứng cứ, tài liệu hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật trong quá trình giải quyết vụ việc;

c) Do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết.

Nhận xét và đề nghị :

Trường hợp tình thề cấp thiết (điểm c, khoản 3, điều 6) cần quy định rõ hơn về tình thế cấp thiết. Có nên quy định tất cả các tình thế cấp thiết khi nhà nước trưng dụng tài sản của tổ chức, cá nhân là không bồi thường hay không ? .Theo chúng tôi nên quy định rõ hai trường hợp :

(1) Trường hợp không phải bồi thường : cần quy định cụ thể trường hợp nào nhà nước không phải bồi thường.

(2) Trường hợp phải bồi thường : Trường hợp người được lợi trong tình thế cấp thiết này phải có trách nhiệm đối với người bị thiệt hại ; Nếu người được lợi là thể nhân, pháp nhân thì giải quyết theo dân sự; Nếu người được lợi là Nhà nước thì áp dụng hình thức trưng thu, trưng mua hay bồi thường

Có quy định như trên mới đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại trong các trường hợp tình thế cấp thiết.

4)-Cần quy định chi tiết hơn phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính :

Điều 13/LTNBTNN quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính

Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra trong các trường hợp sau đây:

.............................................................................................

12. Các trường hợp được bồi thường khác do pháp luật quy định

Nhận xét và đề nghị :

Trường hợp 12 - Các trường hợp được bồi thường khác do pháp luật quy định- Đây là quy định mở cho những trường hợp khác nếu thỏa mãn các điều kiện được bồi thường. Theo chúng tôi cần quy định rõ các trường hợp này phải thỏa mãn các điều kiện và được dẫn chiếu áp dụng theo Khoản 1 Điều 6. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, nhằm tránh trường hợp né tránh, cho rằng vụ việc không có quy định trong Điều 13 của luật nên không giải quyết.

Do đó khoản 12 của điều 13/LTNBTNN cần bổ sung như sau :

12. Các trường hợp được bồi thường khác do pháp luật quy định, khi thỏa mãn các điều kiện quy định tại khoản 1 điều 6 của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước

5)-Cần quy định bổ sung trường hợp được quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường

Điều 22/LTNBTNN quy định việc khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường

Khoản 1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường quy định tại Điều 20 của Luật này cơ quan có trách nhiệm bồi thường không ra quyết định hoặc kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định nhưng không đồng ý thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Toà án có thẩm quyền theo quy định tại Điều 23 của Luật này để yêu cầu giải quyết bồi thường.

Nhận xét và đề nghị :

Trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường nhưng có sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hoặc nhận hồ sơ nhưng không ra quyết định thụ lý hồ sơ.Trong trường hợp này người bị thiệt hại không thể có văn bản xác định hành vi trái pháp luật hay văn bản xác định người bị thiệt hại theo Điều 6 hoặc không có cơ sở để cho rằng đã hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường quy định tại Điều 20 của Luật mà không ra quyết định thì người bị thiệt hại có được quyền khởi kiện hay không ?

Vì điều 22 chỉ dừng lại có hai trường hợp kể từ ngày hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường quy định tại Điều 20 của Luật này cơ quan có trách nhiệm bồi thường không ra quyết định hoặc kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định nhưng không đồng ý; còn trường hợp đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hoặc nhận hồ sơ nhưng không ra quyết định thụ lý hồ sơ thì chưa quy định.

Do đó theo chúng tôi cần quy định bổ sung trường hợp này khi hướng dẫn thực hiện điều 22/LTNBTNN.

6)-Cần đề cao vai trò của Sở Tư pháp cấp tỉnh trong hoạt động thực hiện việc trách nhiệm bồi thường nhà nước

Nhận xét và đề nghị :

Vai trò của Sở Tư pháp cấp tỉnh được quy định rải rác trong ba điều 24, 25 và 26 Nghị định 16/2010/NĐ-CP ngày 03/03/2010 không xứng tầm với vai trò và nhiệm vụ của Sở Tư pháp trong hoạt động thực hiện việc trách nhiệm bồi thường nhà nước tại địa phương bởi lẽ trong phạm vi tỉnh có rất nhiều cơ quan có thể xảy việc bồi thường thiệt hại.Theo chúng tôi cần quy định một điều khoản riêng trong Thông tư liên tịch sắp đến và cần quy định một cách cụ thể các công việc của Sở Tư pháp để nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan này.

7)-Cần quy định việc khen thưởng và kỷ luật đối với hoạt động thực hiện việc trách nhiệm bồi thường nhà nước

Nhận xét và đề nghị :

Như chúng tôi đã phân tích phần trên, hoạt động bồi thường nhà nước chính là hoạt động nhằm xây dựng cơ bản nền móng của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Để làm tốt được hoạt động này theo chúng tôi cần quy định việc khen thưởng và kỷ luật một cách cụ thể.

Trong quá trình áp dụng pháp luật thực hiện công việc bồi thường nhà nước cần dự kiến tình huống hai trường hợp : cán bộ công chức sẽ làm tốt hoặc trì trệ, chây ỳ không thực hiện kéo dài sự xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Do đó cần quy định :

Việc khen thưởng đối với cán bộ công chức làm tốt hoạt động này, giải quyết đúng thời gian các yêu cầu bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân bị xâm hại.

Việc kỷ luật đối với cán bộ công chức khi không thực hiện đúng và đầy đủ các trách nhiệm của mình, kéo dài thời gian bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân không đúng theo quy định của pháp luật.

Có quy định như vậy mới động viên cán bộ công chức thực hiện ngày càng tốt hơn việc bồi thường thiệt hại và Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước mới có thể đi vào đời sống xã hội.

Trên đây là những nội dung mà chúng tôi xin gửi đến Ban soạn thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước xem xét bổ sung dự thảo trên cách tiếp cận càng chi tiết bao nhiêu, rõ bao nhiêu thì quá trình áp dụng pháp luật vào thực tiễn càng dễ dàng, thuận lợi bấy nhiêu.

Xin chân thành cám ơn các đại biểu đã lắng nghe phần góp ý của chúng tôi./.

Các văn bản liên quan