Góp ý của ông Vũ Xuân Tiền – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam

Thứ Năm 09:41 10-12-2009

 

 

VÀI Ý KIẾN GÓP Ý VÀO DỰ THẢO:

Nghị định của Chính phủ về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu

_________

                                       Luật gia Vũ Xuân Tiền

                                                  Chủ tịch HĐTV

                                                        Công ty TNHH tư vấn VFAM Việt Nam

 

Căn cứ Dự thảo Nghị định và Báo cáo giải trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi xin có một số ý kiến sau:

  1. Về cơ bản, nhất trí với việc cần có một Nghị định mới về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu để thay thế Nghị định 95/2006/NĐ-CP ngày 8/9/2006 với những nội dung được đề cập như dự thảo.
  2. Những vấn đề cần nghiên cứu, sửa đổi trong Dự thảo như sau:

2.1.          Đề nghị đưa nội dung của Điều 6 vào khoản 1 Điều 2. Trong một Nghị định, nội dung của Điều trên lại phải dẫn chiếu Điều dưới là điều nên tránh. Hơn nữa, Điều 6 thuộc Chương II quy định về điều kiện, thủ tục và trình tự chuyển đổi do đó đưa Điều 6 vào Chương II là khiên cưỡng.

2.2.          Tại điều 2 cần bổ sung thêm đoạn: “Các đơn vị hành chính sự nghiệp có thu, các tổ chức kinh doanh thuộc các tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp, xã hội – chính trị có thể được vận dụng Nghị định này để chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên theo đề án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt” để tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị nói trên chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên.

2.3.          Khoản 1, Điều 3 quy định: “1. Mỗi tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước quy mô lớn, quan trọng chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do một tổ chức làm chủ sở hữu. Chính phủ phân công, phân cấp cho Bộ, Ủy ban nhân cân cấp tỉnh hoặc một tổ chức chuyên trách thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên này”. Đề nghị bổ sung đoạn: Tổ chức được giao là Chủ sở hữu phải cử một người làm đại diện để thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trước pháp luật với tư cách chủ sở hữu. Bởi lẽ, nếu chỉ quy đinh là “Tổ chức” thì khi xẩy ra thất thoát vốn, tham ô…sẽ không có ai chịu trách nhiệm.

2.4.          Điều 5 về Kế thừa quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trước chuyển đổi, đề nghị bổ sung đoạn: “Người đại diện theo pháp luật của DNNN trước khi chuyển đổi chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyền và nghĩa vụ của mình đối với mọi hoạt động của DNNN trong thời gian điều hành DN”. Cần bổ sung thêm quy định trên là vì: Sau khi chuyển đổi có thể dẫn đến người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thay đổi. Do đó, rất có thể xẩy ra hiện tượng nhân cơ hội chuyển đổi doanh nghiệp để rũ bỏ mọi trách nhiệm và những hậu quả đã gây ra cho DN trong thời gian điều hành trước khi chuyển đổi.

2.5.          Tiết b, khoản 1 Điều 7 quy định: “ b)Còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính. Trường hợp không còn vốn nhà nước thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bổ sung vốn nhà nước; nếu không được bổ sung vốn thì chuyển sang thực hiện các hình thức chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 80 Luật Doanh nghiệp nhà nước”

Vấn đề đề nghị cần nghiên cứu: Việc xác định còn vốn nhà nước hay không phải qua xác định giá trị DN. Nhưng thời hạn từ nay đến 1/7/2010, còn rất ngắn, nếu không đủ thời gian để kiểm toán xác định giá trị DN thì giải quyết như thế nào?

2.6.          Điều 8 có quy định: “Doanh nghiệp tạm thời chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quy định tại khoản 3 Điều 7 không phải lập phương án và thực hiện xử lý tài sản, tài chính, sắp xếp lại lao động, sử dụng đất”.

Đề nghị nghiên cứu:

-         Với những doanh nghiệp thuộc diện tạm thời chuyển đổi không nên coi đó là chuyển đổi mà chỉ là đổi tên doanh nghiệp;

-         Bộ máy quản lý phải giữ nguyên cho đến khi thực hiện cổ phần hóa.

-         Cần quy định thời hạn của việc “tạm thời” này.

2.7. Khoản 3 Điều 18 có quy định:3. Trường hợp Chủ tịch công ty kiêm Tổng giám đốc phải đảm bảo các điều kiện:

a) Có đơn đề nghị của người dự kiến kiêm nhiệm;

Đề nghị quy định thêm việc giải quyết với hai trường hợp:

-         Không có ai viết đơn;

-         Có từ hai người trở lên viết đơn.

c) Phải quy định cụ thể và tách bạch trong thực thi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch công ty và của Tổng giám đốc; 

Đề nghị quy định rõ hơn: Ai quy định và quy định ở văn bản nào?

2.8    Khoản 2 Điều 21 quy định: “2. Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty, trừ trường hợp chủ sở hữu có quyết định khác theo đề nghị của Hội đồng thành viên”.

Đề nghị bỏ đoạn “trừ trường hợp chủ sở hữu có quyết định khác theo đề nghị của Hội đồng thành viên”.

2.9.            Tiết b, khoản 1 Điều 30 quy định: b) Danh mục đầu tư trong đó chú ý đến  việc đầu tư vào các ngành nghề không liên quan tới ngành nghề kinh doanh chính và những địa bàn, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao.

Đề nghị bỏ cụm từ chú ý đến thay vào đó cụm từ: Phải giám sát chặt chẽ việc đầu tư vào các ngành nghề không liên quan tới ngành nghề kinh doanh chính và những địa bàn, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao.

2.10.        Điều 31 đề nghị bổ sung thêm một nội dung về trách nhiệm của Chủ sở hữu khi xẩy ra thất thoát tài sản, tham ô, tham nhũng hoặc kinh doanh thua lỗ tại Công ty.

 

 

 

Các văn bản liên quan