Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch – TP Hồ Chí Minh

Thứ Sáu 10:31 27-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Tôi đồng tình với nhiều ý kiến và để làm rõ một ý kiến khác nhau, tôi xin tập trung vào một vấn đề lớn, tập trung vào ý kiến khác nhau đó là vấn đề bưu chính công ích, vấn đề mạng bưu chính công cộng, vấn đề cạnh tranh, vấn đề độc quyền và doanh nghiệp công ích có chỉ định, không chỉ định liên quan đến Điều 31, 32, 33. Trước khi tập trung vấn đề này tôi biểu thị sự đồng tình với ý kiến của đồng chí Trần Thế Vượng là Ban soạn thảo nên rà lại Chương VIII liên quan đến vấn đề khiếu nại bồi thường thiệt hại trên nguyên tắc của Luật dân sự là dù độc quyền về doanh nghiệp công ích, nhưng tranh chấp này giữa hai chủ thể bình đẳng với nhau để xử lý vấn đề không phải giữa một bên là Nhà nước, một bên là doanh nghiệp với cá nhân, và doanh nghiệp với pháp nhân, tôi đề nghị nên rà lại chỗ này cho chặt chẽ.

Thứ hai, tôi cũng đồng tình với vấn đề mã bưu chính là vấn đề rất quan trọng. Trong Điều 19, đại biểu Việt Dũng có nêu và đại biểu khác đề nghị ở đây mang tính tự nguyện, tôi đề nghị quy định mang tính nguyên tắc, làm sao chúng ta có lộ trình để chúng ta mã hóa toàn bộ mã bưu chính. Bởi vì nếu làm được tốt vấn đề này chúng ta nâng năng suất rất lớn và áp dụng công nghệ tuyển chọn thư và tất cả các loại chúng ta rút ngắn được, còn để tự nguyện chúng ta rất lâu. Đó là 2 vấn đề tôi bổ sung thêm.

Bây giờ quay lại vấn đề tập trung chính, tôi cho rằng dự thảo luật này đã mở rộng và làm rất rõ là chính luật này mở rộng để tạo môi trường cạnh tranh các lĩnh vực bưu chính ngoại trừ công ích, mở rộng cạnh tranh giữa các chủ thể. Thưa Quốc hội, phát triển lĩnh vực bưu chính trên thế giới chúng ta biết từ thập niên 60 các nước bắt đầu tách viễn thông khỏi bưu chính. Khi tách bưu chính đa số các nước phần bưu chính công ích là Nhà nước đứng làm dưới hình thức một định chế công tự quản hoặc công chức như Pháp, Úc. Ở nước ta quá trình bưu chính viễn thông gộp với nhau và trong quá trình dài Tổng công ty Bưu chính viễn thông Việt Nam làm nhiệm vụ tức là lấy doanh thu viễn thông, lợi viễn thông để bù cho bưu chính và gần đây chúng ta lại tách. Ở các nước có kinh nghiệm như Trung Quốc ngay hiện nay lĩnh vực bưu chính công ích là Nhà nước cũng phải trợ cấp. Hiện nay Chính phủ cho phép Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam được sử dụng lợi nhuận viễn thông để bù bưu chính để ngân sách không trực tiếp cấp bù, tôi cho đây là việc làm rất đúng.

Bây giờ vấn đề phát triển việc này chúng ta có làm hạn chế cạnh tranh không? Xin thưa luật này quy định rất rõ là các lĩnh vực chúng ta tạo lập cạnh tranh trên thị trường bưu chính, riêng bưu chính công ích trách nhiệm Nhà nước phải làm, tôi nghĩ rằng không ai cạnh tranh công ích và cũng không có doanh nghiệp nào thay Tổng công ty bưu chính Việt Nam để làm công ích, không doanh nghiệp nào nhận chuyển thư từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Mường Tè để lấy 2.000đ, cũng không có doanh nghiệp nào nhận chuyển Báo nhân dân đến một chi bộ Đảng từ Hà Nội lên tới Hà Giang để lấy tiền cước như hiện nay, chỉ có Tổng công ty bưu chính Việt Nam phải làm vì nhiệm vụ chính trị. Tôi nghĩ rằng không ai cạnh tranh trong lĩnh vực này cả, do đó tôi đồng ý với ý kiến của đồng chí Tấn, nếu như Chính phủ không có ý định thay đổi tên gọi thì đúng là luật này quy định rõ doanh nghiệp chỉ định là công ty bưu chính. Bởi vì tổng công ty này có truyền thống phát triển và không chỉ có từ khi độc lập mà kế thừa toàn bộ hệ thống bưu chính có từ thời Pháp, lịch sử phát triển như vậy và làm nhiệm vụ công ích là chính.

Hiện nay riêng lĩnh vực bưu chính công ích và quản lý mạng bưu chính công cộng là tổng công ty này thực thi nhiệm vụ của Nhà nước và dần dần khi xã hội phát triển thì mảng công ích bớt dần đi để mở rộng thị trường bưu chính. Tôi cũng đồng tình luật này lần đầu tiên chế định xác định rõ tránh cạnh tranh không bình thường trong lĩnh vực kinh doanh có lợi, tức là làm bưu chính nhưng không công ích. Ví dụ hiện nay ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh có thể tranh nhau phát hành Báo tuổi trẻ, Báo thanh niên trong nội thành, nhưng không ai lại tranh phát hành Báo nhân dân đi tỉnh cả, nên thiết lập trật tự này là cần thiết, việc này tôi cho là hợp lý, riêng Điều 33, Khoản 6 tôi cho là cũng rất hợp lý là anh công ích được giao nhiệm vụ không được tận dụng cho lợi thế công ích, doanh thu công ích để bù cạnh tranh, như vậy doanh nghiệp công ích được cạnh tranh, tham gia các dịch vụ cạnh tranh nhưng không được lấy công ích ở Điều 33, khoản 6 thì gọi là chặt chẽ, nói nôm na là anh làm rõ ràng cái nào để cúng là cúng, để ăn là ăn không được ăn đồ cúng. Rõ ràng tôi cho là hợp lý không có gì phải thêm cả và trên tinh thần đó, tôi nghĩ với sự kế thừa lịch sử và luật đã chế định thế này nếu như Ban soạn thảo có thể hoàn thiện thêm một số điểm đặc biệt là hoàn thiện thêm Chương VIII nói về vấn đề thiếu nợ bồi thường cho phù hợp với Luật dân sự và bình đẳng thì tôi tin rằng luật này có thể thông qua tại kỳ họp lần này. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan