Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phát – Thanh Hoá

Thứ Sáu 08:49 27-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia một số ý kiến vào Luật bưu chính.

Thứ nhất, về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động bưu chính. Tôi thấy rằng trong quá trình chuẩn bị dự thảo, cơ quan soạn thảo của luật tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của cơ quan thẩm tra, các bộ, ngành có liên quan và đã trình bày lại trong một số điều trong luật. Tuy nhiên, về một số vấn đề tồn tại trong dịch vụ bưu chính ở nông thôn hiện nay cần phải khắc phục thông qua chính sách luật như sau.

Hiện nay các điểm phục vụ bưu chính mới chỉ tạm thời thuận lợi đối với người dân ở khu vực thành phố, đô thị còn ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã được hưởng dịch vụ từ bưu điện văn hóa xã nên cũng đã tạo được thuận lợi phần nào cho người sử dụng qua việc gửi bưu, tuy nhiên mạng lưới bưu điện văn hóa xã còn quá ít và không đủ đáp ứng yêu cầu của người dân. Để khắc phục trình trạng này tôi đề nghị bổ sung thêm vào trong luật ở Điều 5 khoản khuyến khích phát triển đầu tư mạng lưới bưu chính mà trực tiếp là tăng cường phát triển điểm phục vụ bưu chính đối với vùng nông thôn nhằm làm giảm bớt sự đi lại khó khăn và tăng sự phục vụ đối với người dân.

Vấn đề thứ hai, là nội dung mà Nhà nước thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích và chỉ định doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công ích. Tôi tán thành với việc quy định nhiệm vụ của Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ công ích nhằm đảm bảo phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của nhân dân, nhằm tạo điều kiện để mọi người thực hiện quyền tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ về bưu chính.

Trước mắt, dịch vụ bưu chính công ích là dịch vụ cần được đầu tư, nhưng lợi nhuận thì thấp, việc bù lỗ để thực hiện thông qua dịch vụ bưu chính dành riêng và các cơ chế hỗ trợ khác ở Điều 42 là phù hợp. Tuy nhiên, nếu chỉ vì lý do này mà chúng ta quy định chỉ giao cho một doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ công ích trong điều kiện hội nhập là không phù hợp, cần phải xem xét lại quy định này. Mặc dù đã tiếp thu bỏ các quy định trong điều luật giao cho Tổng công ty Bưu chính Việt Nam thực hiện nghĩa vụ bưu chính công ích. Tuy nhiên, những quy định ở Khoản 1, Khoản 8, Điều 33 quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp đã được chỉ định cung ứng dịch vụ bưu chính công ích tạo ra những mâu thuẫn với quan điểm về việc xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh ở Khoản 3, Điều 4 chống độc quyền. Mặc dù nhiệm vụ dịch vụ dành riêng từ trước đến nay Nhà nước đã giao cho Tổng công ty Bưu chính, công việc này đang được thực hiện một cách rất suôn sẻ. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là chúng ta cứ duy trì một cơ chế cũ và cũng không phù hợp với các quy định của luật khác, đặc biệt là Luật doanh nghiệp, vấn đề chống độc quyền mà Quốc hội vừa qua đã thảo luận. Vấn đề này tôi đề nghị cần phải quy định trong luật các loại hoạt động thuộc dịch vụ bưu chính công ích và giao cho Chính phủ ban hành định mức chi phí cho từng loại hoạt động để nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia thực hiện dịch vụ cung ứng bưu chính công ích và sẽ làm cho hoạt động bưu chính này đa dạng hơn, năng động hơn, giảm bớt được sự bao cấp của Nhà nước, vì năng lực của một doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn so với nhiều doanh nghiệp khi tham gia. Quy định như vậy sẽ phù hợp với quy định của Điều 5 về chính sách của Nhà nước về bưu chính, sẽ huy động được nhiều nguồn lực để phát triển ngành bưu chính, đồng thời thực hiện chủ trương xây dựng và hoàn thiện môi trường cạnh tranh lạnh mạnh có quản lý của Nhà nước. Khi đó doanh nghiệp nào được thực hiện dịch vụ công ích đồng nghĩa với việc thực hiện dịch vụ bưu chính dành riêng và được hưởng các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước. Tôi đề nghị trong luật cần quy định về thời gian kết thúc dịch vụ công ích. Ví dụ 5 năm kể từ ngày luật có hiệu lực, đồng thời cần quy định trong luật rõ ràng hơn những chương trình hỗ trợ khác là những chương trình nào, nếu không quy định trong luật thì luật trở thành quá chung chung.

Vấn đề thứ hai, vấn đề cụ thể. Về vấn đề giải thích từ ngữ tôi cơ bản thống nhất với những từ ngữ ở trong dự thảo. Tuy nhiên có một vài điểm tôi đề nghị cần nghiên cứu để bổ sung.

Thứ nhất, là hoạt động bưu chính. Tôi đề nghị xem xét lại hoạt động đầu tư, trong khái niệm này theo tôi hiểu hoạt động đầu tư trong bưu chính bao gồm các hoạt động nêu trong luật thì sẽ không phù hợp, vì đó là những hoạt động mang tính chất không phải đặc thù, nếu là hoạt động đầu tư phương tiện trang thiết bị, hoặc đầu tư xây dựng bưu cục, điểm văn hoá, đây là thuộc nội dung điều chỉnh của Luật đầu tư cũng như các luật khác. Như vậy cần phải bỏ cụm từ "đầu tư" và cụm từ "dịch vụ bưu chính công ích" trong giải thích từ ngữ về hoạt động bưu chính vì dịch vụ bưu chính công ích cũng chỉ là một loại hình bưu chính mà thôi.

Thứ hai, về vấn đề thư ở Khoản 4 đề nghị sửa lại là trừ các ấn phẩm định kỳ và sách báo, tạp chí. Đề nghị giải thích rõ thêm các yếu tố gia tăng về dịch vụ trong Khoản 5.

Về Điều 8 mở kiểm tra thu giữ bưu và cung cấp thông tin riêng theo quy định của Luật dân sự về thông tin thuộc loại thông tin được Nhà nước để đảm bảo bí mật. Đồng thời Khoản 2 Điều 4 luật này cũng quy định về nguyên tắc hoạt động của hoạt động bưu chính và đảm bảo bí mật thư tín theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Trong cuộc họp đặc biệt thì có thể mở và kiểm tra thu giữ cung cấp thông tin riêng để đảm bảo tính bảo mật của thư cần phải quy định trong Luật. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc mở thư là cơ quan nào, người có thẩm quyền cũng cần quy định cụ thể tránh một việc tổ chức thực hiện tùy tiện, khó kiểm tra và giám sát.

Điều 9, tôi đề nghị bổ sung vào trong Luật hai nội dung đó là gửi và vận chuyển vũ khí trái phép qua dịch vụ bưu chính. Hai là gửi và chuyển các loại hàng giả, tiền giả qua dịch vụ bưu chính làm mất an ninh.

Điều 14 quy định về vật phẩm, hàng hóa không được gửi qua bưu, cần quy định rõ hơn về nội dung quy định ở điều này. Nhiều loại vật phẩm, hàng hóa trong nước ta cấm nhưng nước ngoài lại không cấm, nước này cấm, nước kia lại không cấm, trách nhiệm đó không thuộc về người gửi, vì vậy cần phải quy định rõ ở trong quy định này.

Xử lý gửi bưu trong các trường hợp không phát hiện và trường hợp không trả cho người gửi theo quy định ở Điều 18 trong trường hợp gửi bưu có thể là thư, gói kiện mà trong hoạt động chuyển phát không thực hiện theo Điều 17 và Điều 18 cần có hình thức quy định về trách nhiệm xử lý trong luật để tránh trường hợp không thống nhất. Ví dụ như trường hợp hủy hoặc hủy theo hình thức nào về trường hợp sung công quỹ, thủ tục quy trình quy định về vấn đề này ra sao? Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan