Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Ba – Khánh Hoà

Thứ Hai 09:50 02-11-2009


Kính thưa Chủ tịch đoàn,

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi xin bày tỏ hoàn toàn ủng hộ với đề xuất của Ban soạn thảo và cũng hoàn toàn nhất trí với ý kiến của đại biểu Hùng vừa phát biểu.

Thứ nhất, chúng ta cần thiết phải có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục, các đại biểu đã phát biểu rất nhiều rồi. Tôi thấy trong luật này có 4 điểm mà tôi thấy khác nhiều, đây cũng chính là những điểm nhấn mạnh, tôi thấy đây chính là tính cách mạng của luật này. Thứ nhất là việc phổ cập mẫu giáo mầm non 5 tuổi. Thứ hai là tách việc thành lập trường làm 2 giai đoạn. Thứ ba là yêu cầu công khai, các trường đại học phải công khai chất lượng, nguồn lực của mình. Thứ tư là công tác kiểm định. Tôi nghĩ 4 điều này thể hiện được chúng ta đã có tiếp thu và rút kinh nghiệm rất nhiều trong quá trình điều hành thời gian vừa qua. Chính 4 yếu tố này tôi nghĩ là một điều rất đáng trân trọng. Các đại biểu phát biểu rất nhiều rồi, tôi xin phép không trao đổi thêm về vấn đề này nữa. Nhân dịp này tôi xin bổ sung một vài điều để làm cho luật này hoàn chỉnh hơn.

Thứ nhất, Khoản 2, Điều 6 nói về chương trình, tôi đề nghị bổ sung thêm một ý như sau vào cuối cùng, tức là chương trình này là cơ sở đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tôi đề nghị thêm vào như sau: là cơ sở đảm bảo chất lượng toàn diện, đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế. Chúng ta phải quan tâm đến xã hội trước tiên sau đó mới đến hội nhập quốc tế, bỏ ý kiến này là không được.

Ý thứ hai, về đầu tư cho giáo dục, tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến là ngân sách Nhà nước phải giữ vai trò chủ yếu trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên để nhấn mạnh đồng thời để thể hiện ý chí của cử tri và chúng ta cũng nói rất nhiều đó là vấn đề phổ cập. Tôi đề nghị ngân sách Nhà nước phải giữ vai trò chủ yếu trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục, trong đó phải đảm bảo toàn bộ chi phí cho giáo dục phổ cập, tức là giáo dục phổ cập mầm non, giáo dục phổ cập tiểu học, giáo dục phổ cập phổ thông cơ sở. Nhà nước đã ra luật là phổ cập thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm để thực hiện điều đó chứ không phải bắt dân đóng như hôm nay cho nên rất nhiều học sinh không có điều kiện đóng tiền không phổ cập được là trái với điều luật của Nhà nước.

Ý kiến thứ ba, về định nghĩa cơ sở giáo dục và đào tạo, hiện nay đang có tình trạng cơ sở giáo dục đào tạo có rất nhiều hình thức như các đại biểu trước đã nói, các trường đại học, các viện. Để thuận lợi trong việc dùng từ cho các luật sau được rõ ràng, rành mạch và minh bạch hơn, tôi đề nghị cơ sở giáo dục đại học chúng ta nên bổ sung thêm như theo điều luật trước đây thì ghi rõ luật đang hiện hành một là cơ sở giáo dục đại học bao gồm:

a) Trường cao đẳng đào tạo trình độ cao đẳng.

b) trường đại học đào tạo trình độ cao đẳng v.v... tôi đề nghị ở đây cần thêm ý vào nữa tức là đại học phải trường đại học đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ đại học v.v... và như vậy đủ để thể hiện được cơ sở giáo dục và từ sau đó chúng ta chỉ việc đưa vào cơ sở giáo dục thì nó sẽ rõ ràng, nó thể hiện thực tế hơn.

Vấn đề thứ tư, về phân cấp cho Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý Nhà nước thì tôi có băn khoăn như thế này. Tất nhiên khi thực hiện những quản lý mà phân cấp của địa phương thì không có vấn đề gì, thí dụ giáo dục phổ thông, giáo dục trung cấp chuyên nghiệp, những trường cao đẳng hoặc đại học mà tỉnh đó quản lý thì hoàn toàn không có vấn đề gì cả nhưng những trường đại học không thuộc tỉnh quản lý thì tôi nghĩ địa phương không thể nào mà kiểm soát được, không thể nào gắn địa phương phải chịu trách nhiệm chỗ này được và trách nhiệm đó phải thuộc bộ chủ quản, tức là thuộc Bộ giáo dục và đào tạo hoặc những Bộ nào mà có trường đó:

Một là về pháp lý mà nói thì tỉnh không thể quản lý được.

Hai là không đủ trình độ, không đủ điều kiện để mà quản lý được về nội dung, về chiến lược về tất cả mọi thứ ở trường đó. Cho nên tôi đề nghị chỗ này cần phải xem lại.

Vấn đề thứ năm, về hợp tác giáo dục với nước ngoài tôi đề nghị Khoản 2, Điều 109 chúng ta viết hơi dài là "cơ sở giáo dục có sự tham gia đầu tư của nước ngoài phải đảm bảo....." rất nhiều thứ không thể kể được. Cho nên tôi đề nghị chỉ cần như thể này là đầy đủ "cơ sở giáo dục có sự tham gia đầu tư của nước ngoài phải tuân theo các quy định của Luật giáo dục", như vậy đảm bảo đầy đủ, không thiếu và cũng không thừa.

Ngoài ra tôi xin bổ sung thêm một ý đề nghị Ban soạn thảo quan tâm sửa thêm Điều 43 đó là văn bằng giáo dục đại học. Tôi đề nghị văn bằng giáo dục đại học bây giờ thống nhất chỉ cần ghi là bằng tốt nghiệp đại học thể hiện là trường nào cấp, chuyên ngành nào, loại hình đào tạo gì, loại tốt nghiệp giỏi, khá, trung bình v.v... chứ không nên phân anh là cử nhân, anh là bác sĩ, anh thì kỹ sư, như vậy nó rất rối và nó không đúng ý nghĩa.

Tôi ví dụ có anh tốt nghiệp Đại học y thì ghi là tốt nghiệp đại học y của trường nào, ngành nào xong chưa chắc anh làm bác sĩ hay không. Sáng nay thảo luận về Luật khám, chữa bệnh chúng ta thấy rất rõ, nhiều anh tốt nghiệp đại học y rồi nhưng chưa chắc được làm bác sĩ. Do đó chúng ta cần phải có một cái thống nhất cho nó dễ. Hay một anh tốt nghiệp đại học luật chẳng hạn nhưng chưa chắc đã làm luật sư hay một anh tốt nghiệp kiến trúc chưa chắc đã làm kiến trúc sư. Cho nên để phân biệt rõ đồng thời ổn định trong việc này. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan