Góp ý của đại biểu Quốc hội Vũ Thị Phương Anh – Quảng Nam

Thứ Hai 09:25 02-11-2009


Kính thưa Quốc hội!

Qua nghiên cứu tôi nhận thấy những nội dung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục lần này cũng đều hướng tới việc sẽ tháo gỡ một số vướng mắc trong thực tiễn khi thực hiện Luật giáo dục năm 2005. Tuy nhiên, để góp phần cùng dự thảo luật được hoàn chỉnh hơn trước khi thông qua, chúng tôi xin phép được thông qua một số vấn đề sau đây.

Vấn đề mà hiện nay tôi rất quan tâm, vấn đề thứ nhất đó là vấn đề về kiểm định chất lượng giáo dục. Có thể nói trong thời gian vừa qua rất nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề làm thế nào để nâng cao được chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục một số trường sau khi thành lập thì không đảm bảo. Hiện nay có thể nói việc kiểm định chất lượng giáo dục này không là vấn đề mới nhưng tuy nhiên đối với các nước mà có nền giáo dục phát triển thì hệ thống kiểm định giáo dục ở các nước này rất tốt và công tác kiểm định chất lượng rất cao, khi mà kiểm định chất lượng giáo dục tốt thì dẫn tới một điều là xác định được chất lượng như thế nào để chúng ta có một chiến lược giáo dục phù hợp với chính chất lượng của mình, chứ không phải ở đây là chỉ có trường để cho trường kiểm định không thì thông thường là sẽ báo cáo thành tích với chất lượng này là không thực chất.

Luật giáo dục Việt Nam ngay từ năm 2005 tại Điều 17, chúng ta đã có quy định Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo quản lý kiểm định chất lượng giáo dục. Tuy nhiên theo xu hướng phân công công tác quản lý Nhà nước để tránh tranh cãi trong văn bản Luật giáo dục cần phải sửa đổi lần này ghi rõ: Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo quản lý, kiểm định chất lượng giáo dục, quy định điều kiện thành lập, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Quy định này theo tôi là cơ sở pháp lý nhanh chóng nhằm hình thành và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục của cả nước và dự thảo luật lần này cũng sửa đổi, cũng đã đề cập đến việc thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập và nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Và xác định được nguyên tắc đó là độc lập, khách quan, đúng pháp luật, trung thực, công khai, minh bạch, nguyên tắc này rất tuyệt, tuy nhiên chúng ta nhận thấy như thế này.

Khi mà chúng ta đưa ra nguyên tắc này ở trong Mục 2a kiểm định chất lượng giáo dục Điều 106a về nội dung, Điều 106b về nguyên tắc kiểm định, Điều 106c tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập. Theo tôi cần phải bổ sung rõ là đối với các cơ sở mà báo cáo sai về chất lượng giáo dục của mình thì cũng phải có chế tài xử lý vào đây, đối với ban tổ chức do Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo điều hành để thành lập Hội đồng kiểm định, nếu kiểm định xong thấy có vấn đề gì không rành mạch ở đây, có thể nhiều vấn đề khi chúng ta công bố chất lượng đó sai, như vậy thì xử lý thế nào? Chúng ta phải quy định rõ trong luật này thì mới nâng cao được chất lượng giáo dục của chúng ta hiện nay.

Tôi thống nhất quan điểm của Ban soạn thảo luật chúng ta sửa lần này chỉ sửa được một số vấn đề thôi, bởi vì vấn đề giáo dục là vấn đề lớn. Riêng số lượng đại biểu tham gia phát biểu và dư luận xã hội trong những ngày qua cho thấy rất quan tâm đến vấn đề giáo dục và tất cả đều mong muốn chúng ta phát triển được giáo dục tốt.

Theo tôi việc tổ chức các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập do Nhà nước thành lập hoặc cho phép thành lập theo quy định của pháp luật ra đời lần này sẽ cùng với cơ quan quản lý kiểm định chất lượng giáo dục hình thành mạng lưới kiểm định giáo dục trong cả nước, như vậy làm thế nào để Bộ giáo dục và đào tạo quản lý hết. Hiện nay chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi đưa hết thông tin quản lý về, khi bấm đến trường nào chúng ta nắm chắc ngay trường này số lượng thực lực nguồn nhân lực là bao nhiêu. Hiện nay chúng ta đưa ra bảng công bố là không chính xác về số lượng tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, thạc sĩ. Cho nên chúng tôi thống nhất nâng cao chất lượng kiểm định, đồng thời phải bổ sung những quy định đó.

Về vấn đề thẩm quyền thành lập trường đại học. Trong những ngày qua đối với cử tri cũng như các đại biểu Quốc hội có nhiều ý kiến, vẫn một ý kiến là Thủ tướng - Bộ trưởng, Bộ trưởng - Thủ tướng. Khi nghe thuyết minh về Bộ trưởng thì cũng có lý, khi thuyết minh về Thủ tướng thì thấy cũng có lý cho nên mỗi đại biểu có một cảm nhận riêng. Đối với cá nhân tôi nghiên cứu, đọc kỹ lại thì thấy hiện nay Thủ tướng chúng ta được quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng và được quy định rõ ràng về điều kiện, thủ tục thành lập. Luật sửa đổi lần này cũng đưa vào các quy định thẩm định, tôi thống nhất với một số ý kiến các đại biểu phát biểu trước là các đại biểu đã để bổ sung thêm một số ý lấy rất phù hợp để cho chặt chẽ hơn. Cho nên theo tôi lâu nay chúng ta cũng quy định Thủ tướng là ra quyết định tuy nhiên vẫn là vừa rồi chúng ta cũng cho chất lượng không tốt theo tôi quy trình hiện nay về thành lập trường đại học của chúng ta là không rõ ràng trong việc phân chia trách nhiệm. Bộ giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, các ngành địa phương cho nên vừa rồi qua theo dõi thảo luận tổ có phát trên VTV1 tôi thấy tổ thành phố Hồ Chí Minh thảo luận vấn đề này rất kỹ. Tôi rất tâm đắc ý là lần này giao quyền quyết định thành lập trường cho Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo để giải quyết được bất cập này. Tôi nghĩ nên chăng lần này Quốc hội cũng nên mạnh dạn giao cho Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo. Bởi vì khi mình chưa giao trách nhiệm cho họ thì không thể nói là không tốt được, rất là khó bởi vì chỉ biết nói như vậy là không được và một thời gian sau khi giao rồi mà bất cập xảy ra thì đồng chí Bộ trưởng sẽ có trách nhiệm, chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Chính phủ, trước Quốc hội về vấn đề này.

Tôi được biết hiện nay Bộ giáo dục và đào tạo đã triển khai chỉ đạo 3 công khai của các cơ sở giáo dục, điều kiện thành lập trường được công khai, hoạt động của các nhà trường được công khai và mọi tổ chức cá nhân trong xã hội đều có thể giám sát được quyết định của Bộ trưởng, kiểm soát được hoạt động của nhà trường để đảm bảo được chất lượng hoạt động. Cho nên cứ nghĩ nếu làm được điều này cũng là một bước đổi mới trong vấn đề quản lý chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, tôi nghĩ luật này không thể quy định được, cho nên tôi rất mong muốn Bộ trưởng và Phó Thủ tướng đã đưa ra cái này thì chúng ta quy định rõ luôn để giám sát, và giám sát như thế nào, có kênh thông tin nào, chứ đọc cái này thì rất hay, tôi thống nhất nhưng mà rất là khó trong vấn đề kiểm định. Tôi ủng hộ cái này của Bộ trưởng, nhưng tôi mong muốn là phải có hướng dẫn cụ thể rõ ràng bởi vì 3 công khai, nhiều trường không công khai thì như thế nào, kiểm định như thế nào và có cơ chế giám sát ra sao, điều đó phải quy định rõ. Tôi nghĩ các đại biểu cũng như tôi, cũng mong muốn phải làm rõ vấn đề để có tiêu chí rõ ràng trong việc xét tuyển cũng như thẩm định, bình chọn v.v..

Vấn đề thứ ba, tôi rất ủng hộ việc phổ cập giáo dục tiểu học mầm non và thống nhất với một số đại biểu, tôi xin không phân tích thêm vì không có điều kiện thời gian. Như đại biểu Bình, đại biểu Hương, đại biểu Hà và một số đại biểu phát biểu trước, về vấn đề cần phải quan tâm đối với bậc học mầm non vì qua tiếp xúc cử tri chúng tôi nhận thấy cử tri không quan tâm nhiều tới tiến sỹ hay thạc sỹ mà cử tri rất quan tâm đến giáo dục mầm non, bởi vì bất cập vẫn nổi lên hàng ngày và thể hiện rất rõ ràng. Tôi mong muốn dự thảo luật lần này đã sửa đổi ở bậc mầm non thì cần có những quy định cụ thể về chương trình, nội dung cũng như phải được ưu tiên. Bởi vì bây giờ nó đang có bất cập cho nên nếu không ưu tiên mà chỉ như các bậc học khác thì nó rất khó phát triển.

Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan