Góp ý của đại biểu Quốc hội Ngô Thị Doãn Thanh – TP Hà Nội

Thứ Hai 09:12 02-11-2009


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục hiện hành để đáp ứng những yêu cầu mà thực tiễn đang đòi hỏi. Cùng với việc sửa đổi một số điều lần này, tôi cũng đề nghị cần sớm nghiên cứu để sửa đổi toàn diện những vấn đề bất cập của luật hiện hành và những vấn đề cuộc sống đặt ra đang đòi hỏi cần sớm sửa đổi. Về nội dung của dự thảo luật lần này theo gợi ý của Chủ tọa kỳ họp tôi xin có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về điều kiện thành lập trường và điều kiện cho phép hoạt động giáo dục. Điều 50 thực hiện chủ trương đa dạng hóa các loại hình đào tạo số trường ngoài công lập tăng nhanh. Bên cạnh những trường có chất lượng được xã hội thừa nhận vẫn còn nhiều trường ngoài công lập địa điểm không ổn định, cơ sở vật chất thiếu thốn, đội ngũ giáo viên không đảm bảo dẫn đến chất lượng đào tạo chưa cao. Nhiều trường đại học được thành lập nhưng hoạt động cầm chừng do gặp khó khăn trong tuyển sinh, để duy trì hoạt động nhiều trường đã hạ thấp điểm thi đầu vào.

Cụ thể năm 2009 tôi được biết có những trường hạ điểm chuẩn xuống còn 7 điểm cho 3 môn thi và có những học sinh thi 3 môn được 10 điểm nhưng có tới 5 trường đại học gọi nhập học, trong khi đó nhiều trường công lập lấy điểm chuẩn là trên 25 điểm. Với đầu vào chênh lệch như vậy thì đương nhiên chất lượng đầu ra cũng khác nhau dẫn đến có sự phân biệt bằng đại học giữa các trường. Vì vậy, theo tôi nên chăng cần có quy định chuẩn đầu vào và chuẩn đầu ra cho các trường đại học.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do các điều kiện thành lập trường còn chưa cụ thể, rõ ràng và chặt chẽ. Việc bổ sung các điều kiện và tăng thêm một bước thẩm định khi quyết định cho trường được phép hoạt động là một điều cần thiết. Vì vậy, tôi tán thành việc tách riêng quy trình thành lập trường thành hai bước, thành lập trường và cho phép hoạt động giáo dục phù hợp với hai nhóm điều kiện, tương ứng như Điều 50 của dự thảo luật quy định. Việc tách hai bước sẽ buộc cơ quan quản lý Nhà nước phải tiến hành thẩm định hồ sơ hai lần, một lần trước khi quyết định thành lập và một lần trước khi quyết định cho phép thành lập, như vậy việc kiểm soát sẽ chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, quy định về các điều kiện thành lập trường và cho phép hoạt động trong dự thảo còn chung chung. Điều kiện thành lập trường tại Khoản 1 thể hiện sự đơn giản tới mức tối đa, điều này dẫn đến việc thiếu chặt chẽ, không rõ ràng, minh bạch trong các quy định dưới luật và cũng dễ dẫn đến tình trạng nhiều trường được thành lập nhưng thực tế lại không đủ điều kiện hoạt động. Dự thảo cũng không quy định những vấn đề theo tôi có tính nguyên tắc như khoảng cách thời gian tối đa từ khi thành lập trường đến khi cho phép hoạt động. Việc phân cấp giữa Trung ương và địa phương trong việc ra quyết định thành lập và cấp phép các trường thuộc các cấp, việc thiếu các quy định này cũng làm giảm tính chặt chẽ của luật. Vì vậy, luật cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn các điều kiện thành lập trường và các điều kiện để được cấp phép, quy định cụ thể việc phân cấp. Đồng thời bổ sung quy định về thời hạn đảm bảo các điều kiện để được cấp phép hoạt động từ khi được thành lập, cụ thể theo tôi như sau: tối đa trong vòng 24 tháng kể từ khi được thành lập trường phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện để được cấp phép. Quá thời gian trên mà trường không đảm bảo đủ điều kiện cơ quan quản lý sẽ tiến hành các thủ tục giải thể theo quy định của luật này.

Thứ hai, theo quy định về thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể nâng cấp các trường theo Điều 51. Tôi cho rằng theo xu thế công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, điều quan trọng nhất là việc ban hành các quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ để người thực hiện khó lách luật, nhằm vụ lợi hoặc gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân. Trên thực tế việc ra đời một trường, đặc biệt là trường đại học nếu không đủ điều kiện sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục vốn rất bức xúc hiện nay.

Đối với dự thảo luật lần này nếu chúng ta sửa đổi toàn diện dự án luật theo hướng cụ thể, chặt chẽ hơn thì chủ trương phân cấp thẩm quyền quyết định đối với từng loại trường là phù hợp. Đối với trường đại học, theo tôi dự án cần cụ thể hóa tất cả các điều kiện về thành lập hoặc cho phép thành lập, nâng cấp, đình chỉ hoạt động, sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường. Khi thẩm định hồ sơ thành lập trường cơ quan quản lý Nhà nước phải kiểm tra thực tế. Do đó tôi tán thành với ý kiến của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về việc Thủ tướng quyết định việc thành lập trường bước một và Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm cấp phép hoạt động bước hai.

Về công khai tiêu chuẩn, chất lượng giáo dục Điều 58, Khoản 1 và kiểm định chất lượng giáo dục. Tôi tán thành với việc phải công khai tiêu chuẩn giáo dục ở cơ sở đào tạo để vừa tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục vừa đảm bảo quyền lợi của người dân trong việc lựa chọn trường học. Tạo điều kiện để xã hội giám sát về chất lượng và là động lực cho việc nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, dự thảo luật lại không quy định rõ hình thức và thời gian công khai, điều này làm cho luật thiếu tính khả thi. Đề nghị sửa đổi quy định này như sau: công bố công khai mục tiêu chương trình giáo dục, nguồn lực và tài chính, kết quả đánh giá chất lượng giáo dục về hệ thống văn bằng, chứng chỉ của nhà trường thường xuyên trên trang Web và bản thông tin của nhà trường, trang Web của Sở giáo dục đào tạo ở địa phương.

Đối với các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề ngoài công khai trên trang Web và bản tin của trường, trang Web của Sở giáo dục và đào tạo của địa phương thì còn phải công khai trên trang Web của Bộ giáo dục và đào tạo.

Tôi tán thành cần có cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục là đơn vị sự nghiệp và cơ quan này phải độc lập với Bộ giáo dục và đào tạo. Ngoài ra luật cũng nên quy định chế tài xử lý những đơn vị không đảm bảo điều kiện, chất lượng. Một thông tin đưa gần đây trên các báo chí khiến tôi rất suy nghĩ đó là Bộ giáo dục và đào tạo kiểm định chất lượng của 20 trường đại học tốp đầu thì có nhiều trường còn chưa đạt chất lượng. Nếu thông tin này là chính xác thì các trường tốp sau chất lượng sẽ như thế nào?

Điểm cuối cùng, những vấn đề khác, nhìn tổng thể dự thảo luật thể hiện sự chưa rõ ràng trong việc giao nhiệm vụ hay cấp phép giữa các cơ sở đào tạo công lập và ngoài công lập, còn nhiều nội dung mang tính xin cho. Dự thảo luật dùng nhiều khái niệm cho phép như ở Điều 42, Khoản 2. Điều 50, Khoản 2, Khoản 3. Điều 69, Khoản 1, Điểm c và Khoản 2 và Điều 78, Khoản 2, làm cho dự thảo luật mang nặng tính xin, cho. Trong khi hầu hết các thẩm quyền do Chính phủ thực hiện trước đây đều được giao cho Bộ giáo dục và đào tạo và Bộ cũng thực hiện luôn các việc ban hành các quy định cụ thể. Quy định này sẽ làm cho Quốc hội khó giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch, rút gọn các thủ tục của các cơ quan có thẩm quyền mà dễ sinh ra sự lạm quyền gây khó dễ cho các tổ chức và cá nhân tham gia vào hoạt động giáo dục.

Đề nghị sửa đổi các quy định của luật theo hướng phân định rõ ràng, cấp phép đối với hai loại hình đào tạo công lập và ngoài công lập và các thủ tục cấp phép cần theo hướng cải cách hành chính.

Trên đây là một số ý kiến của tôi xin được đóng góp với dự thảo luật, tôi xin hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan