Góp ý của đại biểu Quốc hội Lê Việt Trường – An Giang

Thứ Tư 10:56 28-10-2009

Kính thưa Quốc hội

Với dự án Luật tần số vô tuyến điện các nội dung Chủ tịch đoàn đã gợi ý, tôi xin tham gia tập trung vào phần quản lý nhà nước về hoạt động tần số vô tuyến điện. Ý kiến của tôi có liên quan tới 3 điều, đó là Điều 16, 18, 31.

Về Điều 16, quy định giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, tôi đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra cân nhắc xem xét lại việc chúng ta quy định 3 khoảng thời hạn khác nhau, tức là tối đa của giấy phép sử dụng tần số là 10 năm, giấy phép sử dụng băng tần là 15 năm và quỹ đạo vệ tinh tối đa là 20 năm. Khoảng thời gian từ 10 - 15; 15 - 20 chúng ta để ra một khoảng rộng như thế để giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có quyền quy định thời hạn cấp giấy phép đó. Quốc hội trao như thế tôi thấy không còn ý nghĩa, mục đích gì.

Trong chủ trương đẩy mạnh thủ tục cải cách hành chính tôi rất hoan nghênh Chính phủ trong thời gian gần đây hộ chiếu ta đã cấp đến 10 năm, ta quy định rất cụ thể bởi vì vấn đề này cần ổn định cho nhân dân, không có gì mới thì không cần thường xuyên thay đổi. Nếu cho rằng tần số vô tuyến điện là vấn đề quan trọng cần có sự quản lý chặt chẽ liên quan đến không chỉ phát triển kinh tế xã hội mà cả quốc phòng an ninh thì phải tăng cường, tôi đồng ý nhưng chúng ta còn có hai khóa. Khóa thứ nhất ở Điều 12, là vì mục đích an ninh quốc phòng và lợi ích quốc gia thì Nhà nước có quyền thu tần số hoặc thu một phần kênh tần số v.v.... Thứ hai là chúng ta có Điều 23, quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu vi phạm các nội dung quy định ở điều đó thì bị thu hồi. Như vậy chúng ta còn sợ gì mà chúng ta không quy định một thời hạn cụ thể để cơ quan, tổ chức, cá nhân khi được cấp phép sử dụng tần số, được cấp phép sử dụng băng tần, quỹ đạo vệ tinh thì người ta có thể yên tâm, không phải lo nay phải đến đổi, mai phải đến đổi.

Với quy định này nếu không khéo thì chúng ta có thể quy định 3 năm, 5 năm đối với tần số, 3-5 năm đối với băng tần, rồi với cả quỹ đạo vệ tinh. Cơ quan quản lý chuyên ngành có thể hoàn toàn thoải mái quy định trong khoảng từ 1-20 năm, 1-15 năm và 1-10 năm cho nên sự khác nhau 5 năm ở bậc dịch chuyển giữa 3 loại giấy phép này tôi thấy không có ý nghĩa trong luật này. Vì vậy tôi đề nghị nên thiết kế thời hạn cấp giấy phép và sử dụng tần số vô tuyến điện ở Điều 16, thì nên quy định thời hạn tối thiểu chứ không phải là tối đa. Đề nghị các cơ quan chuyên môn xem sự cần thiết ở mức độ nào thì ta quy định thời hạn tối thiểu của giấy phép đối với tần số, với băng tần và quỹ đạo vệ tinh.

Nội dung thứ hai, tôi chưa thấy thỏa mãn khi chúng ta quy định việc đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Có một bất hợp lý ở chỗ về nội dung thì băng tần và kênh tần là cái lõi, cái hồn thì ta giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định, tức là băng tần, tần số đó có thể nói như ngôn ngữ bình thường là "hot", rất nhiều người muốn sử dụng thì ta quyết định đưa ra đấu giá do Bộ, còn thủ tục về đấu giá quyền sử dụng tần số ta chia ra, Thủ tướng Chính phủ quy định một cái, Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể về thi tuyển. Việc này về mặt lôgic tôi thấy không hợp lý, Bộ thì quy định việc quan trọng, cái hồn cốt của nó, Thủ tướng quy định một nửa thủ tục và Bộ quy định một nửa thủ tục. Để bảo đảm sự thống nhất cả về nội dung lẫn hình thức, tôi đề nghị hoặc giao cho Bộ làm cả, hoặc nếu để Thủ tướng thì quy định cả nội dung. Nội dung mới là quan trọng, kênh tần, băng tần mới quan trọng còn thủ tục làm như thế nào thì cũng không nhất thiết phải đến Thủ tướng. Điều 31, Khoản 2 quy định Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về các loại chứng chỉ vô tuyến điện viên, điều kiện v.v... Đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh thì chúng ta giao cho Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định điều kiện, thủ tục cấp, thu hồi chứng chỉ vô tuyến điện viên đối với lĩnh vực này nhưng sau khi thống nhất với Bộ Thông tin và Truyền thông. Tôi thấy quy định này là thừa, không cần thiết, tôi đề nghị quy định thống nhất như với cách quy định trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đó là về giấy phép, quy định về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe các loại là Bộ Giao thông vận tải quy định thống nhất còn Bộ Quốc phòng và Bộ Công an căn cứ vào những quy định đó quy định cụ thể lĩnh vực của mình và không phải thống nhất trở lại với Bộ kia nữa, để đỡ phức tạp và cũng nhằm cải cách thủ tục hành chính.

Khối lượng thủ tục hành chính vừa rồi mà Chính phủ đã cho công bố cộng với 63 tỉnh thành là con số khổng lồ, nhân dân nghe thấy rất ngại. Tôi đề nghị phần này không cần quy định phải thống nhất với Bộ Thông tin và Truyền thông nữa, mà Bộ Quốc phòng, Bộ Công an căn cứ vào quy định chung của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Khoản 2 điều này quy định cụ thể điều kiện, thủ tục thu hồi chứng chỉ vô tuyến điện viên đối với lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan