Góp ý của đại biểu Quốc hội Vũ Thị Phương Anh – Quảng Nam

Thứ Tư 10:53 28-10-2009

Kính thưa Quốc hội,

Tôi cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi một số nội dung điều của dự án Luật tần số vô tuyến điện và có thể nói dự thảo lần này đã tiếp thu được rất nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và của các đoàn đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và sau Kỳ họp thứ 5. Tôi xin tham gia thêm một số vấn đề còn có ý kiến băn khoăn cũng như một số đại biểu phát biểu trước tôi về sự khác nhau giữa dự thảo khi gửi cho các đoàn đại biểu Quốc hội đã góp ý với dự thảo mới nhất lần này một số nội dung sau:

Thứ nhất, vấn đề chính sách Nhà nước đối với lĩnh vực tần số vô tuyến điện. Như chúng ta đều biết vô tuyến điện là một chuyên ngành rất đặc thù và khó, đây là vấn đề nhạy cảm và hợp tác quốc tế rất sâu rộng. Cho nên tôi đề nghị trong vấn đề này tôi thống nhất với đại biểu Mai cần phải ưu tiên, cho nên tôi không muốn phân tích thêm.

Thứ hai, về vấn đề cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện ở Điều 6, tôi cũng nhất trí với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần phải có một điều riêng để quy định về cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện. Bởi vì hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện là một hoạt động quan trọng và góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, bảo đảm được quốc phòng an ninh và bảo vệ được chủ quyền của Việt Nam đối với quốc tế. Tuy nhiên để dự thảo luật khi ban hành có thể áp dụng được ngay đồng thời thể hiện được tính rõ ràng minh bạch cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khi tham gia trong lĩnh vực này. Tôi đề nghị Quốc hội xem xét quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan thực thi quản lý tần số vô tuyến điện như bản dự thảo và khi đã gửi cho các đoàn đại biểu Quốc hội, Điều 6 về cơ quan quản lý chuyên ngành khi gửi các đoàn đại biểu gồm có hai khoản, trong đó Khoản 1 gồm có 8 điểm, từ Điểm a đến Điểm h. Cho nên tôi thấy dài nên tôi không nêu lại vì các đại biểu đã có rồi, tôi xin phân tích thêm, càng ngày giá trị về tần số vô tuyến điện càng cao cho nên đòi hỏi cách thức quản lý phải thống nhất và hết sức minh bạch, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay. Mặt khác càng phát triển thì các ứng dụng về vô tuyến có nguy cơ gây nhiễu rất cao và càng có nhiều người có khả năng vì khi sử dụng sẽ vi phạm các quy định quản lý tần số. Cho nên cách trình bày như dự thảo đã gửi cho các đoàn đại biểu Quốc hội trước đây có ưu điểm là chỉ ra được cơ quan nào có trách nhiệm thực thi những công việc cụ thể trong công việc quản lý tần số để người dân có được địa chỉ cụ thể khi yêu cầu giải quyết các vấn đề liên quan đến tần số vô tuyến điện.

Tôi ví dụ, nếu luật quy định rõ ràng thì khi từng người dân có nhu cầu sử dụng vô tuyến điện đến đâu để giải quyết việc cấp giấy phép hoặc khi bị nhiễu có hại thì cơ quan nào có trách nhiệm giải quyết là nhiễu có hại, hoặc đối với các mạng đài thông tin vô tuyến điện có khả năng ảnh hưởng hoặc bị ảnh hưởng nhiễu có hại từ các mạng thông tin vô tuyến điện của nước ngoài thì người dân sẽ biết phải làm thủ tục gì, cơ quan nào sẽ có trách nhiệm giải quyết. Mà luật chỉ quy định ở đây thuộc trách nhiệm của Chính phủ hay của Bộ thì sẽ rất khó cho người dân và các cơ quan trong việc thực thi các thủ tục hành chính của mình, vì nó không cụ thể và không thực tế, vì Chính phủ hay Bộ đều không thực hiện trực tiếp các thủ tục đó mà chỉ có cơ quan chuyên ngành. Vì qua giám sát để thẩm tra dự án làm với Ủy ban tôi nhận thấy chúng ta hiện nay có Cục tần số vô tuyến điện làm rất tốt, tôi đề nghị như vậy.

Cho nên dự thảo mới nhất lần này chúng ta quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ ở Điều 5, trong khi chúng ta chỉ quy định chung chung về cơ quan quản lý tần số vô tuyến điện ở Điều 6. Cho nên theo tôi cách trình bày như vậy không phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và đòi hỏi của Quốc hội về khả năng phải thực hiện ngay của luật mà không phải chờ nhiều văn bản dưới luật. Vì thực tế các Bộ thực hiện nhiệm vụ đa ngành, đa lĩnh vực và trách nhiệm của Bộ trong mọi lĩnh vực quản lý phải như nhau, cho nên rất khó thực hiện đầy đủ trong luật chuyên ngành như Luật tần số vô tuyến điện này. Vì vậy đã có quy định về cơ quan quản lý chuyên ngành thì nên ghi rõ chức năng, nhiệm vụ chính của nó thành một điều riêng. Theo tôi Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên xem xét lại điều đã quy định trong dự thảo khi gửi cho các đoàn đại biểu Quốc hội, có thể trên cơ sở đó để rõ hơn, để khi quy định và nghiên cứu bổ sung thêm.

Vấn đề thứ ba, về thanh tra tần số vô tuyến điện tại Điều 7 tôi nhất trí về sự cần thiết phải có thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện để phát hiện và xử lý các vi phạm về tần số vô tuyến điện. Tuy nhiên nếu quy định thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện như dự thảo thì hoàn toàn giống như quy định về thanh tra và không có điểm khác biệt, như vậy điều này không có giá trị và không cần thiết. Cho nên nếu chỉ quy định thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông thì có thể bỏ điều này và khi Luật thanh tra chỉnh sửa, thống nhất các chuyên ngành đều thực hiện như vậy.

Vấn đề thứ tư, về đấu giá khi chuyển quyền sử dụng tần số. Về việc đấu giá khi chuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là một nội dung mới và khi triển khai thực hiện thì cần tiến hành thận trọng từng bước nhằm mục tiêu bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ thông tin vô tuyến điện và lợi ích của quốc gia. Do vậy tôi nhất trí với các quy định của dự thảo luật này là không quy định cứng các trường hợp đấu giá hoặc thi tuyển trong dự thảo luật mà giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, giao cho Thủ tướng Chính phủ ban hành một quy định chung về quyền đấu giá sử dụng tần số vô tuyến điện để làm cơ sở cho việc tổ chức và thực hiện đấu giá.

Vấn đề thứ năm là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thông tin vô tuyến điện và tần số vô tuyến điện. Để quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tần số, bảo vệ quyền lợi quốc gia về tần số và quỹ đạo vệ tinh đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực có trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt. Bởi vì vấn đề này hợp tác quốc tế rất cao và khẳng định được chủ quyền của đất nước cho nên phải có phẩm chất đạo đức tốt để đáp ứng được yêu cầu quản lý một lĩnh vực có tính công nghệ cao và hết sức nhạy cảm. Trong dự thảo có một khoản quy định về vấn đề đào tạo, tuy nhiên tôi thấy cần nghiên cứu bổ sung thêm, đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc đào tạo nguồn nhân lực này.

Xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan