Góp ý của đại biểu Trần Thị Dung – Điện Biên

Thứ Tư 09:45 28-10-2009

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin tham gia ý kiến vào luật như sau:

Một về giấy phép viễn thông, về thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục ra hạn sửa đổi bổ sung thu hồi giấy phép viễn thông quy định tại Khoản 4, Điều 34. Theo tôi không nên giao cho Chính phủ quy định cụ thể mà phải quy định cụ thể ngay trong luật này, đây là vấn đề mang tính nguyên tắc và tính ổn định cao. Điều 36 về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông, Khoản 1, Điểm d quy định có đủ năng lực tài chính tổ chức bộ máy và nhân lực chuyên môn phù hợp với quy mô của đề án để triển khai giấy phép. Cụm từ "triển khai giấy phép" là vô nghĩa, không thể triển khai giấy phép mà thực chất thì việc cấp giấy phép là cho phép triển khai, thực hiện đề án hay cho phép triển khai, thực hiện một hoạt động nào đó. Vì vậy, nên bỏ cụm từ "triển khai giấy phép" viết lại như sau: "có đủ năng lực, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân lực chuyên môn phù hợp với quy mô của đề án".

Điều 37 về điều kiện cấp giấy phép nghiệp vụ viễn thông. Khoản 1, các điều kiện quy định tại khoản này không đúng, cụ thể như sau:

Điểm a cam kết tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam khi tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, trên mọi lĩnh vực đều phải tuân thủ và tuân thủ một cách nghiêm chỉnh pháp luật Việt Nam. Đó là nguyên tắc pháp chế và cũng là nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Vì vậy, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam là bắt buộc đối với mọi tổ chức, cá nhân hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam mà không thể là cam kết tuân thủ hay không tuân thủ. Do đó, đây không phải là điều kiện để cấp giấy phép.

Điểm b quy định cam kết không gây ô nhiễm môi trường biển, vấn đề ô nhiễm môi trường không thể là cam kết mà phải có đánh giá tác động môi trường được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điểm c quy định cam kết không thực hiện hoạt động khác ngoài việc khảo sát, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa các tuyến cáp viễn thông, đây không phải là điều kiện mà là nguyên tắc, chỉ được phép hoạt động trong phạm vi nội dung giấy phép đã được cấp.

Điểm d và Điểm đ là nguyên tắc quản lý Nhà nước không phải là điều kiện cấp giấy phép.

Khoản 2 về cam kết thiết lập mạng viễn thông dùng riêng. Điểm a quy định cam kết việc thiết lập mạng viễn thông dùng riêng chỉ để cung cấp dịch vụ cho các thành viên của mạng không vì mục đích kinh doanh dịch vụ viễn thông. Nội dung này đã được quy định tại Khoản 14, Điều 3 về giải thích từ ngữ. Vì vậy, không cần có cam kết này thì các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng viễn thông dùng riêng vẫn phải thực hiện đúng nội dung quy định này.

Điểm b có cùng nội dung với Điểm c, Điều 36,

Điểm c có cùng nội dung với Khoản d của Điều 36. Khoản 3 về cơ quan tổ chức doanh nghiệp viễn thông không được cấp giấy phép thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông, Khoản a là khái niệm về thử nghiệm dịch vụ viễn thông không phải là điều kiện. Vì vậy, nên quy định nội dung này tại Điều 3 giải thích từ ngữ.

Từ những vấn đề nêu trên đề nghị gộp Điều 36 và Điều 37 thành một điều về điều kiện cấp phép viễn thông.

Thứ hai, về phí hoạt động viễn thông, Khoản 1 để quy định phí hoạt động viễn thông theo quy định tại Điều 41 luật này cần xác định rõ khái niệm "phí", "lệ phí". Theo quy định tại Điều 2 của Pháp lệnh Phí và lệ phí thì: Phí là khoản tiền mà tổ chức cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong danh mục phí. Điều 3 Pháp lệnh phí và lệ phí quy định: Lệ phí là khoản tiền mà tổ chức cá nhân phải nộp khi được cơ quan Nhà nước hoặc tổ chức được ủy quyền phục vụ công việc quản lý Nhà nước được quy định trong danh mục lệ phí. Như vậy nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 41 về phí quyền hoạt động viễn thông không phù hợp với Điều 2 Pháp lệnh Phí và lệ phí mà phù hợp với nội dung thu thuế sử dụng tài nguyên hoặc lệ phí cấp giấy phép hoạt động viễn thông.

Khoản 2 Điểm a quy định: nộp hàng năm theo tỷ lệ phần trăm doanh thu, đây là hình thức thu thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp là đối tượng nộp thuế của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp họ đã thực hiện nghĩa vụ thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Nếu lại thu phí theo hình thức này thì doanh nghiệp phải nộp 2 lần thuế thu nhập doanh nghiệp, vì vậy không thể quy định theo hình thức này.

Thứ ba, về chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông và sử dụng chung hạ tẩng cơ sở kỹ thuật, việc quy định kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông là hết sức cần thiết, quy định như dự thảo luật là hợp lý. Tuy nhiên để cho việc kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông đảm bảo chất lượng của các dịch vụ viễn thông và đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp, lợi ích của người tiêu dùng, cần thiết phải bổ sung các quy định về trách nhiệm pháp lý rõ ràng của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng và cơ sở hạ tầng viễn thông.

Trong dự thảo luật còn quá nhiều quy định giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể là 3/4 điều là không hợp lý. Những vấn đề dự thảo giao cho Bộ Thông tin, truyền thông quy định cụ thể đều là những vấn đề có tính ổn định và quan trọng, cần có hiệu lực pháp lý cao vì vậy đề nghị không nên giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông quy định mà nên quy định cụ thể trong luật.

Bốn, về cạnh tranh và các quy định nhằm phát triển thị trường viễn thông. Vấn đề cạnh tranh trong kinh doanh đã có Luật cạnh tranh điều chỉnh vì vậy không nên quy định riêng về cạnh tranh trong hoạt động viễn thông. Luật viễn thông nên quy định những hành vi bị nghiêm cấm đối với các doanh nghiệp phù hợp với Luật cạnh tranh nhằm phòng chống cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông, những vấn đề mang tính chuyên biệt.

Năm, quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Việc thành lập quỹ dịch vụ viễn thông công ích là cần thiết, tuy nhiên cần xem xét một số vấn đề sau đây.

Về cơ quan quản lý quỹ, theo quy định của dự thảo xác định quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam là tổ chức tài chính Nhà nước trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông như vậy là không hợp lý. Vì nếu là tổ chức tài chính Nhà nước thì nên giao cho Bộ Tài chính quản lý, đồng thời nếu để Bộ Tài chính quản lý thì sẽ bớt được một bộ máy hành chính chỉ để quản lý quỹ này thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, cũng giảm bớt việc thanh tra, kiểm tra quản lý và sử dụng quỹ, đặc biệt là đảm bảo nguyên tắc quản lý tài chính. Vì vậy, nên quy định Bộ Tài chính là cơ quan quản lý quỹ, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch, dự toán hàng năm về sử dụng quỹ vào dịch vụ viễn thông công ích.

Về nguồn tài chính của quỹ, dự thảo quy định khoản đóng góp theo tỷ lệ doanh thu dịch vụ viễn thông cho các doanh nghiệp viễn thông, nên xem xét lại hình thức thu này. Đây là hình thức thu thuế thu nhập doanh nghiệp, đây là khoản đóng góp của các doanh nghiệp để gây quỹ, do đó cần có hình thức thu mềm dẻo hơn, không thể quy định như thu thuế. Nên quy định một mức thu tối thiểu trên cơ sở tính toán vừa phải cố định hàng năm chung cho tất cả các doanh nghiệp. Ngoài ra khuyến khích các doanh nghiệp đóng góp thêm mang tính tự nguyện tùy theo khả năng của từng doanh nghiệp.

Vấn đề cuối cùng là về cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông, theo tôi cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông là cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền thông. Do vậy luật không nên quy định về cơ quan này, mà nên để Chính phủ quy định. Vấn đề này thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ. Chính phủ quy định tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông một cách hợp lý. Xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan