Góp ý của ông Hoàng Văn Hiệu – Giảng viên khoa luật Học viện cảnh sát nhân dân

Thứ Tư 14:50 07-10-2009

bản góp ý dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước

Thực hiện mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong cuộc sống, điều đó đã đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của quản lý nhà nước trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là việc xác định trách nhiệm các cơ quan nhà nước trong việc bồi thường thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khi gây ra những thiệt hại nhất định.

Ngay trong bản Hiến pháp năm 1992 đã quy định mang tính nguyên tắc về quyền được bồi thường thiệt hại của cá nhân, tổ chức trong quan hệ với cơ quan nhà nước, cụ thể: “Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, bị xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự” (Điều 72); “Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi về danh dự” (Điều 74). Quán triệt tinh thần đó trong hệ thống pháp luật của nước ta đã và đang thể hiện ngày càng rõ mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với công dân, trong đó đề cao và phát huy vai trò của công dân trong cuộc sống, đã hình thành một lĩnh vực pháp luật phản ánh mối quan hệ bình đẳng giữa Nhà nước và công dân, đó là pháp luật về trách nhiệm bồi thường của cơ quan nhà nước đối với các thiệt hại do cán bộ, công chức nhà nước gây ra trong khi thi hành công vụ. Điều đó đã được thể  hiện ngay trong Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH khoá XI ngày 17/03/3003 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về bồi thường oan sai trong lĩnh vực tố tụng hình sự, và đến nay đa được quy định trong luật trách nhiệm bồi thường nhà nước.

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được Quốc hội thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 bao gồm 8 chương với 67 điều. Nhìn chung Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã quy định tương đối toàn diện và đầy đủ đối với những vấn đề có liên quan đến đến chế độ, trách nhiệm bồi thường của nhà nước, nhiều nội dung đã được quy định một cách cần thiết, cụ thể. Tuy nhiên do phạm vi điều chỉnh rất lớn cho nên Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước chưa quy định một cách chi tiết, cụ thể đối với tất cả các vấn đề có liên qua, nhất là về lĩnh vực quản lý Nhà nước về công tác bồi thường. Để giải quyết khó khăn này Chính phủ đã xây dựng chi tiết dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, những hoạt động đó sẽ đảm bảo cho việc thực Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu quả, đồng thời góp phần vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung theo tinh thần của Nghị quyết số 48 về chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2005 – 2010 mà Bộ chính trị đã đặt ra.

Xung quanh vấn đề xây dựng Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chúng tôi xin góp ý một số nội dung sau.

Về chương I. Chúng tôi nhất trí với việc dự thảo quy định phạm vi điều chỉnh đối với ba nội dung chính, đó là việc giải quyết bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án, và quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án. Việc quy định phạm vi điều chỉnh như thế đã tạo sự thống nhất trong cả ba lĩnh vực hoạt động của nhà nước đó là quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án, phù hợp với nội dung của điều 11 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Về việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, chúng tôi nhất trí với những nội dung được đưa ra. Tuy nhiên, về thuật ngữ được sử dụng và nội dung, phạm vi điều chỉnh của một số điều luật cần được xem xét, sửa đổi.

Khoản 2, Điều 2 quy định: Nhà nước không bồi thường đối với thiệt hại do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết trong các trường hợp sau đây:

a, Thiệt hại xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được…

b. …

c. Các trường hợp do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, nội dung của các điểm a, b, c trong khoản 2, điều 2 đã phản ánh rõ chỉ những sự kiện bất ngờ, tình thế cấp thiết và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật sẽ không thuộc diện bồi thường của Nhà nước trong khi đó khi đưa ra những nội dung này điều luật có nêu lên là “đối với thiệt hại do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết trong các trường hợp sau đây”, như vậy là có sự trùng lặp, không cần thiết. Cần sửa lại theo hướng loại bỏ một số nội dung (bỏ phần in đậm trong phần trích dẫn) theo hướng như sau:

Nhà nước không bồi thường đối với thiệt trong các trường hợp sau đây:

a, …

b. …

c. Các trường hợp do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết khác theo quy định của pháp luật.

Tại Điều 3 của dự thảo Nghị định xác định các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính. Trong đó mục 2 có liệt kê, bao gồm: Tổng cục, cục hoặc chi cục và các đơn vị có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ..v.v. Theo chúng tôi hiện nay ở một số Bộ việc tổ chức bộ máy theo nhiều cách khác nhau do đặc thù của từng ngành, lĩnh vực quản lý. Ví dụ: Tổng cục, vụ, cục… Cho nên cần bổ sung cụm từ hoặc tương đương vào trong mục này. Cụ thể:

“2. Tổng cục; cục, hoặc tương đương, chi cục và các đơn vị có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng trực thuộc Bộ, cơ quan ngang bộ, trong trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại do các đơn vị này trực tiếp quản lý.”

Điểu 5: Xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

Tại điểm a, khoản 1 quy định: Trong trường hợp người bị thiệt hại không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản của người bị thiệt hại, cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường phải có văn bản xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

Theo chúng tôi việc quy định thời hạn để xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường là 05 ngày làm việc là quá ngắn mà cần được kéo dài thêm. Theo đó, thời gian phù hợp là 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản của người bị hại.

Điều 13, Thành lập hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả.

Tại điểm đ, khoản 3 có quy định: Một số chuyên gia về ngành kinh tế, kỹ thuật và pháp lý có liên quan. Theo chúng tôi nên bỏ cụm từ Một số vì trong khoản 3 đã chỉ rõ: “Thành phần Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả bao gồm:…” mà quy định cụ thể thành: “đ. Chuyên gia về ngành kinh tế, kỹ thuật và pháp lý có liên quan”.

Về việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong phạm vi cả nước và tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Chúng tôi cho rằng cần xem xét lại việc thành lập các đơn vị mới tại Bộ Tư pháp, trước hết nó sẽ làm tăng bộ máy, tăng biên chế trong khi hiện nay chúng ta đang tiến đến mục tiêu tinh giảm biên chế trong các cơ quan hành chính nhà nước. Chính vì thế mà nên giao cho một đơn vị thuộc cơ cấu hiện có của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp thực hiện.

Còn trong trường hợp nếu thấy cần thiết phải thành lập theo lập luận của Bộ Tư pháp thì theo chúng tôi chỉ nên thành lập cơ quan chuyên trách quản lý ở Bộ Tư pháp, còn ở các Sở Tư pháp thì nên giao cho một đơn vị hiện có đảm nhiệm. Điều đó sẽ đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về công tác bồi thường ở cấp độ nhà nước, lại giảm được một số lượng lớn số cán bộ ở cấp tỉnh do không cần thiết.

Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2009

Giảng viên Hoàng Văn Hiệu

Khoa Luật - Học viện Cảnh sát nhân dân.

 

Các văn bản liên quan