Góp ý của Đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh – Quảng Nam

Thứ Tư 16:36 02-06-2010

Kính thưa Quốc hội!

Tôi đã chuẩn bị phát biểu về luật này nhưng thấy trùng quá rồi, cho nên nhân sáng nay mới nhận được 4 dự thảo nghị định của Chính phủ để chuẩn bị thi hành luật này, tôi cố gắng ngồi nghiên cứu 4 nghị định này, nhưng thời gian không cho phép tôi nghiên cứu được 3 nghị định mà chưa hết. Do đó tôi xin xoay quanh góp ý mấy vấn đề để chúng ta làm sao đảm bảo luật được ban hành thì sẽ đi vào cuộc sống và thực hiện được ngay.

Liên quan đến vấn đề này tôi thấy bây giờ có một vấn đề là liên quan tới trách nhiệm, phân công sự quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành tôi thấy nghị định của chúng ta quy định cũng chưa được rõ ràng lắm. Ở đây việc bảo đảm an toàn thực phẩm mấy ngày hôm nay chúng ta thấy trên báo chí có nêu một cụm từ về vấn đề bơ, sữa gọi là chất axit béo chuyển hóa, gọi là trans fat, gần như nó đồng nghĩa với cụm từ "sự chết chóc". Trên thế giới người ta rất lưu tâm việc này, ai dùng chất này quá hàm lượng cho phép thì sẽ ảnh hưởng tim mạch, tiểu đường và một số bệnh khác nữa. Chúng ta có một số lượng hàng hóa có sử dụng chất này đưa vào Việt Nam nhưng không kiểm soát được. Bộ Y tế cũng chưa nghiên cứu để có khuyến cáo đối với người tiêu dùng, ngay ở Việt Nam chúng ta cũng có một số hàng hóa thực phẩm sử dụng dầu thực vật này với hàm lượng quá mức cho phép, tới 25-30% mà chúng ta chưa kiểm soát, trong khi ta khuyến cáo nếu ai sử dụng vượt quá 20% sẽ gây ra những căn bệnh nguy hiểm như tôi vừa nói ở trên.

Nhân việc này để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trách nhiệm của Bộ Y tế phải làm sao đó đảm bảo việc quản lý của mình, đừng để báo chí, cơ quan công luận đưa ra rồi thì mới bắt đầu vào cuộc và vào cuộc hết sức chậm chạp như trong thời gian vừa qua. Ví dụ sữa nhiễm melamin, hộp xốp gây ung thư, nước uống đóng chai bẩn, kẹo mút phát sáng v.v.... những điều đó chúng ta nên tránh trong việc khắc phục tới đây. Hay trong việc quảng cáo, chúng ta quảng cáo nhiều thứ rất phản tác dụng, các đồng chí thấy quảng cáo mì ăn liền 2 người chụm môi lại hút một sợi mỳ, quảng cáo nước uống đóng chai như một phim hành động, hay như quảng cáo bổ thận nam "một người khỏe, hai người vui". Con cháu hỏi tôi "một người khỏe, hai người vui" là thế nào, không biết đường nào mà trả lời. Tôi nghĩ chúng ta phải tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước để khắc phục việc này.

Tôi đề nghị trong thời gian tới qua dự thảo nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực này, tôi đề nghị chúng ta phải tăng cường mức xử phạt. Ví dụ Khoản 6 dự thảo nghị định chúng ta chỉ cảnh cáo, phạt tiền từ 1 - 3 triệu đối với những hành vi này tôi thấy chưa có tác dụng răn đe, chưa làm xoay chuyển tình hình.

Ví dụ hành vi sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ để chế biến không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn, quá hạn sử dụng thì phạt 1 - 3 triệu đồng. Phạt như thế không có ý nghĩa gì cả, nhất là đối với những cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến lớn. Theo tôi phải làm thế nào tăng nặng chế tài này để đảm bảo luật đi vào cuộc sống thật nghiêm.

Khoản 2, Điều 6 chúng ta xử phạt từ 3 - 5 triệu việc sử dụng nguyên liệu không phải là thực phẩm để chế biến thực phẩm. Đây rõ ràng là làm đồ giả mà chúng ta xử phạt 3 - 5 triệu thì chưa có tác dụng gì.

Khoản 4, về biện pháp khắc phục, đề nghị các đồng chí rà soát lại, có Điểm a mà không có Điểm b. Tương tự 2 điều sau về phân công trách nhiệm, các đồng chí hầu hết là nêu lại các quy định trong luật, tôi thấy rất vô lý. Ví dụ Điểm c, Khoản 1, Điều 5 các đồng chí bê nguyên Điểm a, Khoản 2, Điều 63. Điều 6 thì có Khoản 1, không có Khoản 2.

Điều 6 của nghị định phân công trách nhiệm có Khoản 1 không có Khoản 2, Khoản 3 các đồng chí bê nguyên Khoản 3, Điều 63. Tương tự, Khoản 4 cũng như vậy, Khoản 2, Điều 7 cũng vậy, tôi nghĩ tới đây chúng ta cần phải xem lại việc này, tôi cũng như nhiều đại biểu đã phát biểu tại hội trường trong nhiều các luật khác là chúng ta không nên làm như thế.

Hơn nữa, Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của luật, Điều 3 ghi: "Những hành vi bị nghiêm cấm," trong khi đó Điều 5 của dự thảo luật đã ghi mười mấy hành vi nghiêm cấm, các đồng chí lại đưa ra đây 6 hành vi nữa, trong khi đó Khoản 4, Khoản 5, các đồng chí cũng lặp lại Khoản 13, Điều 5 và Khoản 5, Điều 5, tôi thấy hết sức vô lý. Thông qua việc phát hiện và góp ý như thế này, tôi đề nghị Ban soạn thảo hết sức chú ý và tăng cường trách nhiệm của mình đối với việc rà soát và quy định chặt chẽ trong nghị định hướng dẫn, phải là hướng dẫn, còn lặp lại là không cần thiết. Các đồng chí viện dẫn một là thực hiện theo khoản mấy, điều mấy của luật, Chính phủ lại quy định điều này phải thực hiện theo luật, tôi nghĩ như vậy là chưa được.

Tiếp theo, tôi đề xuất thêm một việc nữa là cơ quan thẩm tra thẩm tra luôn nghị định, dự thảo văn bản này để khắc phục được 2 vấn đề cơ bản nhất:

Một là luật trái với nghị định, nghị định, thông tư không phản ánh đúng với tinh thần, nội dung của luật.

Hai là luật ban hành rồi phải chờ thông tư, nghị định.

Chúng ta khắc phục điều đó càng sớm càng tốt, tôi xin hết ý kiến. Xin cám ơn.

Các văn bản liên quan