Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết – Lạng Sơn

Thứ Tư 16:28 02-06-2010

Kính thưa quý vị Chủ tọa,

Kính thưa quý vị đại biểu,

Trước hết, cũng như các đại biểu khác đã phát biểu trước, chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Ban soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra của Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu và hoàn chỉnh dự thảo luật này. Đặc biệt trong lần này Quốc hội cũng được cung cấp toàn bộ các nghị định, các tài liệu tham khảo mặc dù có hơi muộn, sáng nay tôi mới nhận được, nhưng trong thời gian các đại biểu khác phát biểu tôi có đọc qua.

Về luật này tôi có điều băn khoăn rất lớn, tôi cho quy định như thế này trách nhiệm quản lý, công tác quản lý chưa rõ ràng, chúng ta khó khắc phục được tình trạng như hiện nay.

Về ý kiến cá nhân, tôi rất mong muốn chúng ta thành lập Ủy ban an toàn thực phẩm quốc gia. Các đại biểu khó có thể đồng tình với đề xuất của chúng tôi bởi vì chúng ta lo bộ máy nhà nước cồng kềnh.

Tôi xin nói kinh nghiệm một số nước như Anh và Mỹ thì Ủy ban quản lý an toàn thực phẩm quốc gia người ta họp hàng tháng công khai trên truyền hình, dân được đến dự và có thể nêu tất cả những thắc mắc và người ta giải đáp, xử lý rõ ràng, thẩm quyền của Ủy ban này rất lớn.

Trong điều kiện nước ta Bộ Y tế phải gánh trách nhiệm rất lớn là khám chữa bệnh và nhiều vấn đề phải lo. Nếu thêm cho Bộ Y tế việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm là nặng. Chúng ta có thể lo bộ máy cồng kềnh, nhưng ta tập hợp tất cả những người đang làm công tác này thành lập mới cơ quan thì cũng không có gì cồng kềnh hơn. Bây giờ chúng ta bàn phương án mà Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đưa ra tức là giao cho Bộ Y tế chủ trì.

Đồng chí Nguyễn Thị Bạch Mai phát biểu trước tôi có ví Bộ Y tế được coi như "nhạc trưởng", tôi xin bổ sung như sau: Nếu Bộ Y tế được làm "nhạc trưởng" thì chúng tôi rất mừng, nhưng ông "nhạc trưởng" này phải nhận thêm trách nhiệm "kéo violon" và thổi kèn thì không thể làm được. Bộ Y tế đã chủ trì rồi nhưng phải quản lý toàn bộ những sản phẩm trên thị trường mà đáng lẽ thuộc Bộ Công thương phải quản lý, Bộ Công thương chỉ quản lý gian lận thương mại, thực phẩm giả. Như thế trùng nhiệm vụ với nhau, thực phẩm giả cũng liên quan đến những thực phẩm này, gian lận thương mại, dán nhãn sai cũng là gian lận thương mại.

Việc Bộ Y tế nên là thay mặt Chính phủ quản lý một cách thống nhất, còn các bộ, các địa phương quản lý trong phạm vi ngành của mình, Bộ Y tế chỉ đi kiểm tra, và kiểm tra đến ngành nào, địa phương nào có chuyện thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin bộ ấy và địa phương ấy cái ghế. Có như thế thì mới được. Chứ bây giờ chúng ta lại giao Bộ Y tế ôm hết cả những việc này thì tôi cho rằng không ổn.

Hai nữa là tôi cho rằng muốn quản lý tốt thì phải gắn với trách nhiệm. Bộ, ngành nào, địa phương nào để xảy ra những vụ mất an toàn thực phẩm nghiêm trọng thì người đứng đầu nơi ấy phải chịu trách nhiệm, chứ không như hiện nay là mọi chuyện vẫn vô tư. Bởi vì bây giờ mình xử lý người đứng đầu thì người đứng đầu mới lo củng cố bộ máy cho mình, lo công việc của mình, đôn đốc các cấp của mình để mà làm.

Hai nữa là chúng tôi cho rằng trong luật này chúng ta dùng khái niệm như đoàn liên ngành là không ổn. Liên ngành là dung dăng, dung dẻ đi nhưng không giải quyết được vấn đề gì cả. Vì mỗi ông đi như thế không toàn quyền. Khi về lại báo cáo với thủ trưởng cơ quan rồi mới quyết được. Tôi cho là nếu Bộ Y tế chủ trì, triệu tập hay là Sở Y tế triệu tập các ngành đến, cử chuyên gia đến và ông trưởng đoàn có quyền quyết, còn ông chuyên gia phải chịu trách nhiệm về ý kiến của mình. Chứ bây giờ chúng ta "liên ngành" như thế này thì không ổn. Hoặc là qua kinh nghiệm cũng thấy "Ban chỉ đạo" cũng không giải quyết được vấn đề gì. Vì "Ban chỉ đạo" là càng làm rối thêm việc. Cứ giao hẳn cho một người để có thể có chỗ quy trách nhiệm.

Thứ hai, chúng tôi muốn nói là một chủ thể rất quan trọng đó là các tổ chức xã hội. Trong này chúng ta có đề cập đến các tổ chức kiểm định độc lập thì rất tốt. Nhưng tổ chức này thì chỉ cấp được chứng chỉ. Còn phải có quy định về Hội bảo vệ người tiêu dùng. Họ được quyền gì ở đây. Họ cấp chứng chỉ, họ có thể có quyền đứng ra đại diện cho người tiêu dùng để khởi kiện. Chúng ta cũng phải quy định ngoài hình thức khởi kiện dân sự, chúng ta chưa quy định ở đây, còn có hình thức trọng tài. Trong vấn đề thực phẩm này có thể xử lý bằng hình thức ấy nữa chứ không phải chỉ có xử lý bằng hình sự. Tôi cho là cần phải quy định ở đây. Ngoài ra còn có Hiệp hội ngành nghề. Có thể tất cả những người làm ăn trong lĩnh vực thực phẩm tươi sống liên kết với nhau thành hiệp hội. Hiệp hội có những quy định tự quản.

Báo cáo với đại biểu Quốc hội là vừa rồi tôi được đi nghiên cứu về quản lý báo chí ở Anh tôi thấy rất hay, người ta tự quản nhiều, hỏi tại sao các ông tự xử lý nhau như thế, kể cả phạt nhau thì ông bảo là chúng tôi bảo vệ ý kiến của hiệp hội. Nếu bây giờ có một ông làm sữa giả thì sẽ ảnh hưởng đến tất cả những thị trường sữa. Vậy hiệp hội đấy nó phải có ý kiến và xử lý ông kia, mà chúng tôi quản lý không tốt thì Quốc hội người ta ra luật là người ta thò tay quản lý chúng tôi, chúng tôi không thích, cho nên tự chúng tôi phải quản lý nhau. Tôi cho chỗ này cũng tăng trách nhiệm của tổ chức nhân sự lên.

Về biện pháp, tôi cho rằng phải thực hiện bằng được yêu cầu thẩm định nguồn gốc, chúng ta lo nhất hiện nay là quản lý thức ăn đường phố, làm sao những người bán rong mình đòi người ta phải có nguồn gốc được thì mình phải quản chỗ gốc, đó là những người bán buôn, dứt khoát thực phẩm của anh phải có nguồn gốc, tôi kiểm tra không có nguồn gốc thì tôi phạt anh. Còn từ người bán buôn người ta bán cho người bán lẻ thì kể cả người bán lẻ đi rong đường phố người ta không có nguồn gốc thực phẩm thì mình không có sợ. Anh đã có cửa hàng, cửa hiệu thì dứt khoát anh phải có chứng minh nguồn gốc thực phẩm, tôi sờ đến anh mà anh không chứng minh được nguồn gốc thực phẩm là tôi phạt anh. Tôi nghĩ rằng có những quy định biện pháp như thế nó mới ổn và cũng phải quy định rõ hơn việc kiểm tra và thẩm quyền kiểm tra xử lý trong từng khâu sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu như thế nào, tôi thấy lần trước chúng tôi đã đề nghị chúng ta quan tâm tham khảo Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa thì lần này chúng tôi thấy tiếp thu nhiều.

Nhưng riêng về kiểm tra tôi xin nói là cũng chưa tiếp thu được bao nhiêu vì kiểm tra trong sản xuất là khác, đã kiểm tra trong sản xuất thì phải là đoàn kiểm tra chứ không được là kiểm tra viên.

Nhưng kiểm tra trong kinh doanh thì kiểm tra viên có thẻ là có thể xuất trình thẻ để kiểm tra ngay và có thể có biện pháp áp dụng được ngay. Hay là thẩm quyền quyết định niêm phong sản phẩm thì ông kiểm tra viên trong kiểm tra kinh doanh có thể cho niêm phong sản phẩm. Nhưng trong sản xuất ông không được phép, ông phải báo cáo cho cấp cao hơn người ta mới có quyền cho ông niêm phong, hay báo cáo cấp cao hơn nữa đó là cấp tỉnh trở lên thì người ta mới có quyền cho đình chỉ sản xuất trong một thời gian, những chỗ này theo tôi phải quy định rất rõ về thẩm quyền, về trình tự thủ tục kiểm tra trong từng khâu thì chúng ta mới giải quyết được vấn đề này. Ngoài ra chúng tôi cho rằng cũng phải có những biện pháp đưa lên báo chí, khi nào được đưa lên báo chí để thông báo về vi phạm của các cơ sở, như thế này tác dụng còn lớn hơn nhiều so với việc phạt tiền.

Cuối cùng một vài bố cục tôi cho là chưa ổn lắm, chưa lôgic lắm, những chỗ này lúc nào sẽ có góp ý riêng với các đồng chí trong Ban soạn thảo. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan