Góp ý của Đại biểu Quốc hội H’ Luộc Ntơr – Đắc Lắk

Thứ Tư 16:29 02-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Việc ban hành Luật An toàn thực phẩm để thay thế Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm là hết sức cần thiết, góp phần bảo vệ tốt hơn sức khỏe tính mạng của nhân dân. Tôi nghĩ rằng an toàn thực phẩm là việc đảm bảo thực phẩm không độc hại, vô hại và tuân thủ đối với các yêu cầu dinh dưỡng hợp lý và đảm bảo thực phẩm không gây ra bất kỳ nguy hiểm nào cho sức khỏe con người. Con người được dùng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch, sống khỏe mạnh, phát triển cân đối hài hòa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, an toàn thực phẩm là bao hàm toàn bộ nội dung của luật này. Về nội dung của luật tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:

Khoản 23 Điều 2 giải thích từ ngữ, Khoản 3, Điều 15 điều kiện đảm bảo an toàn đối với thực phẩm chức năng. Theo tôi soạn thảo cần thiết kế một điều riêng bởi vì thực phẩm chức năng hầu hết nhập từ nước ngoài, Nhà nước phải quản lý chặt chẽ, thử nghiệm hiệu quả về công dụng của sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường Việt Nam.

Các Điều 31, 32, 33 trong luật quy định điều kiện đảm bảo an toàn đối với thức ăn đường phố. Theo tôi nghĩ đối với thành phố đông dân cư, chật hẹp, việc kinh doanh thức ăn đường phố là rất lộn xộn, mất vệ sinh. Phải kinh doanh trong nhà, hạn chế tối đa kinh doanh vỉa hè, có như thế mới đảm bảo thực hiện Khoản 1, Điều 31 phải cách biệt các nguồn gây ô nhiễm, bởi vì thực chất hiện nay các thành phố lớn hồ, ao rất ô nhiễm, giao thông chật chội cho nên quy định tổ chức ăn uống trên đường phố như dự thảo luật tôi không hài lòng lắm.

Đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa do bà con sống rải rác, việc nuôi và trồng lương thực, chế biến thực phẩm chủ yếu là dùng công cụ truyền thống, tự cung, tự cấp là chính, lâu nay xảy ra ngộ độc trong ăn uống ít . Nhưng về lâu dài cũng phải tăng cường kiểm tra các sản phẩm lưu thông bán cho miền núi và các vùng miền trong cả nước như nước đóng thùng, đóng chai hiện nay nhiều nhà sản xuất nhỏ lẻ không kiểm tra kịp thời thì việc lưu thông, bán các mặt hàng này người ở miền núi, nhất là mùa khô hiếm nước họ sẽ mua và sẽ không ai chịu trách nhiệm về hiệu quả nước kém chất lượng.

Điều 44 quy định về ghi nhãn thực phẩm, quy định như dự thảo tôi thấy đã đủ nhưng phải ghi rõ tên, số nhà, người sản xuất thực phẩm cả thực phẩm tươi, thực phẩm đóng gói và thực phẩm chế biến.

Điều 65 trách nhiệm quản lý Nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp sau khoản đã quy định trong dự thảo Luật. Tôi đề nghị bổ sung thêm một khoản trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể ở địa phương như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân v.v... lâu nay Sở y tế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên môi trường ở địa phương cũng định kỳ tổ chức tọa đàm để phối hợp tuyên truyền vận động thuyết phục nhân dân cùng thực hiện rất tốt, các tổ chức đoàn thể giữ vai trò giám sát rất tích cực ở địa phương. Nếu thiếu sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể ở địa phương, việc thực thi Luật an toàn thực phẩm cũng rất khó thực hiện. Qua nhận được nghiên cứu quy định về quản lý an toàn thực phẩm của một số nước trên thế giới, tôi thấy lực lượng kiểm tra như đo, thử nghiệm an toàn thực phẩm tôi thấy số lượng rất đông. Với vai trò như đã quy định ở trong Luật này nếu không có sự phối hợp với tổ chức đoàn thể thì tôi thấy vai trò giám sát ở địa phương cũng như phối hợp kiểm tra đối với những đồng chí trong tổ chức đoàn thể này nếu có chuyên môn tương tự, nếu được mời kiểm tra tôi thấy có sự phối hợp thì cũng không cần thành lập thêm một số người, một số con số cụ thể chỉ sử dụng phối hợp với lực lượng tổ chức đoàn thể này cũng đáp ứng. Tôi xin tham gia như vậy. Xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan