Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phát – Thanh Hoá

Thứ Tư 16:27 02-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Về cơ bản tôi thống nhất với Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật an toàn thực phẩm, sau đây tôi xin tham gia một số ý kiến cụ thể vào các điều khoản vì đây là lần thứ hai Quốc hội chúng ta tham gia vào dự án luật này.

Điều 4 về chính sách của Nhà nước về an toàn thực phẩm, theo Dự thảo quy định gồm 8 khoản, riêng đối với Khoản 1 tôi đề nghị sửa lại là Nhà nước không chỉ xây dựng chiến lược chương trình quốc gia, đảm bảo an toàn thực phẩm mà thực chất để chính sách của Nhà nước trở thành hiện thực, tôi đề nghị sửa là: "Nhà nước xây dựng và ban hành chiến lược và tổ chức chương trình quốc gia về đảm bảo an toàn thực phẩm", như vậy mới đảm bảo hết trách nhiệm và thực thi thái độ của Nhà nước đối với vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm.

Điều 5, tôi thống nhất với một số đại biểu đã nêu ý kiến là số hành vi bị cấm quy định trong Dự thảo luật là quá nhiều, trong khi đó nhiều khoản không rõ ranh giới của việc cấm hay việc vi phạm hay không vi phạm. Để xác định được việc vi phạm hay không vi phạm cần phải có quá trình, quy trình, có tính chất định lượng, như vậy rất khó khăn trong việc xử lý. Ví dụ như nguyên liệu không thuộc loại dùng để chế biến thực phẩm, không thấy quy định cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về loại nguyên liệu không thuộc loại chế biến thực phẩm.

Trong khi đó, Điểm b, Khoản 1, Điều 62 quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Y tế chỉ quy định ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các tiêu chuẩn về gây hại an toàn thực phẩm với sản phẩm thực phẩm, như vậy mới chỉ quy định về quản lý sản phẩm thực phẩm mà không quy định về quản lý nguyên liệu.

Tương tự Khoản 2 về cấm, quy định sử dụng thực phẩm đã quá thời gian sử dụng hoặc không đảm an toàn bảo thực phẩm cho sản xuất, chế biến thực phẩm, theo khái niệm này có nghĩa là hạn sử dụng ở Khoản 7, Điều 2 về việc giải thích từ ngữ lại quy định đối với hạn sử dụng thực phẩm, không quy định đối với nguyên liệu thực phẩm. Mặt khác, khi còn ở dạng nguyên liệu rất khó khẳng định về thời hạn sử dụng.

Qua các nội dung nêu trên, tôi đề nghị bổ sung vào Điều 5 một nội dung quy định trách nhiệm của Chính phủ về việc quy định chi tiết các khoản quy định ở điều này để tránh việc quy định thì nhiều nội dung cấm nhưng giới hạn cấm và phạm vi thực hiện khó thực hiện.

Điều 6 xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, Khoản 3 quy định mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính quy định ở Khoản 1 liên quan đến tổ chức và cá nhân sản xuất và kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Khoản 2 liên quan đến việc lợi dụng chức quyền vi phạm quy định của Luật an toàn thực phẩm. Trong 2 loại vi phạm trên ít nhất sẽ có một loại vi phạm không liên quan gì đến giá trị của thực phẩm vi phạm đã được tiêu thụ và mức phạt quy định bằng mức phạt của sản phẩm được tiêu thụ và nhiều nhất là 7 lần so với giá trị hàng hóa đã được tiêu thụ do đó khó thực hiện theo quy định này.

Mặt khác việc quy định về hàng hóa vi phạm đã được tiêu thụ thì khó có thể xác định mức độ để xử lý vi phạm. Quy định về xử phạt không quá 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm cũng sẽ khó khăn trong việc so sánh với mức độ đã được quy định trong dự thảo về nghị định xử lý vi phạm hành chính. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét lại quy định trong Điều 6 và quy định trong nghị định xử lý vi phạm hành chính đã được dự thảo.

Về Điều 7 và Điều 8 có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân trong sản xuất kinh doanh thực phẩm. Tôi cơ bản đồng ý với những nội dung quy định trong 2 điều này, tuy nhiên đề nghị quy định rõ phạm vi và trách nhiệm của tổ chức cá nhân cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn trong từng công đoạn một cách rõ ràng, không lẫn lộn 2 công đoạn sản xuất và kinh doanh. Cụ thể là Điểm 2, Khoản 2, Điều 7 quy định về việc thu hồi, xử lý hoặc tiêu hủy sản phẩm không đảm bảo an toàn. Theo tôi đó chỉ là trong giai đoạn sản xuất và cung ứng ra thị trường hoặc là những sản phẩm đã quá hạn thì mới đưa ra thị trường. Nếu quy định chung chung như vậy thì rất dễ dẫn đến lỗi thuộc về người kinh doanh.

Tương tự như vậy ở Điều 8 cũng cần quy định về nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân kinh doanh thực phẩm, về việc thu hồi và xử lý hoặc tiêu thụ các sản phẩm quá hạn sử dụng do không tiêu thụ được hoặc trong quá trình bảo quản, trong quá trình tiêu thụ không đảm bảo các quy trình bảo quản làm cho chất lượng thực phẩm bị suy giảm mặc dù thời hạn sử dụng vẫn còn, nhưng đã vi phạm các điều kiện ghi trên nhãn. Tôi đề nghị cần phải làm rõ trách nhiệm, lỗi của nhà sản xuất hoặc nhà kinh doanh. Đây là trách nhiệm của tổ chức cụ thể, nếu không quy định cụ thể trong từng giai đoạn thì chúng ta sẽ khó trong việc xử lý và sẽ đổ lỗi cho nhau.

Nội dung quy định ở các Điểm e, g, h, Khoản 2, Điều 8 là quy định trong trường hợp sai sót của nhà sản xuất gây ra thì việc quy định trách nhiệm liên quan của người kinh doanh thực phẩm như Điều 8 là phù hợp.

Ở Điều 23: điều kiện để sản xuất thực phẩm tươi sống. Các khoản từ 1 đến 6 quy định về các điều kiện nhằm để đảm bảo đối với thực phẩm tươi sống thông qua các điều kiện sản xuất. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ quy định có liên quan đến các yếu tố nguy cơ có khả năng không đảm bảo về an toàn thực phẩm, mức độ giới hạn phải trong phạm vi cho phép an toàn thì không thể quy định ở trong luật. Vì vậy, cần phải quy định ai là người quy định và nếu quy định về việc đảm bảo điều kiện, đảm bảo quy định của pháp luật thì cần phải có dẫn chiếu. Đây là các quy định mới, vì vậy cần phải giao cho Chính phủ quy định chi tiết thì mới thực thi được Điều 23 ở trong cuộc sống. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan